Tiền điện Tử Là Gì? Giao Dịch Tiền điện Tử Có Bị Cấm Không?

Tiền điện tử là gì? Giao dịch tiền điện tử có bị cấm không? Trong vài năm hiện nay vấn đề tiền điện tử tiền kĩ thuật số hay tiền ảo đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Điều này được thể hiện qua sự đồng thuận của nhiều người cũng như giá trị cao của những đồng tiền số này mang lại, hiện nay ở một số quốc gia đã công nhận cũng như cho phép trao đổi mua bán bằng loại tiền này. Vậy hiện tại Việt Nam có khung pháp lí như nào về loại đồng tiền này hay việc sử dụng đồng tiền này để mua bán trao đổi có bị trái pháp luật không đang là vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Mục lục bài viết

  • I. Một vài nét về tiền điện tử
    1. 1.1 1. Khái niệm tiền điện tử
    2. 1.2 2. Phân loại tiền điện tử
  • II. Thực trạng pháp luật về tiền ảo ở nước ta
    1. 2.1 1. Căn cứ pháp lí nghị định 80/2016/NĐ-CP
    2. 2.2 2. Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền ảo
    3. 2.3 3. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tiền ảo

I. Một vài nét về tiền điện tử

1. Khái niệm tiền điện tử

- Tiền điện tử là tiền đã được số hóa, nghĩa là tiền ở dạng những bit số, đồng thời chỉ được sử dụng trong môi trường điện tử phục vụ cho những thanh toán điện tử thông qua hệ thống thông tin bao gồm hệ thống mạng máy tính, Internet và các phương tiện điện tử được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của tổ chức phát hành.

- Ngoài ra, tiền điện tử được biểu hiện dưới dạng bút tệ trên tài khoản mà khách hàng mở tại tổ chức phát hành hay phương tiện của thanh toán điện tử được bảo mật bằng chữ ký điện tử, và cũng như tiền giấy nó có chức năng là phương tiện trao đổi, mua bán và tích lũy giá trị.

- Nếu như giá trị của tiền giấy được đảm bảo bởi chính phủ phát hành thì đối với tiền điện tử, giá trị của nó được tổ chức phát hành đảm bảo bằng việc cam kết sẽ chuyển đổi tiền điện tử sang tiền giấy theo yêu cầu của người sở hữu.

2. Phân loại tiền điện tử

Tiền ảo

- Tiền ảo là một loại tiền điện tử không được kiểm soát, được phát hành bởi Chính phủ và thường có thể phát hành, quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập.

- Tiền ảo chỉ có thể được lưu trữ và giao dịch thông qua phần mềm được chỉ định sẵn như ứng dụng di động, máy tính hoặc ví điện tử chuyên dụng và các giao dịch khác diễn ra qua internet thông qua các mạng chuyên dụng, an toàn.

Tiền mã hóa

- Tiền mã hóa là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi, sử dụng mật mã để đảm bảo giao dịch và kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản.

- Tiền mã hóa rất khó bị làm giả và không được ban hành bởi bất kỳ ngân hàng trung ương nào, điều này nếu xét về mặt lý thuyết thì nó miễn nhiễm với sự can thiệp hoặc thao túng của Chính phủ.

- Loại tiền mã hoá đầu tiên dựa trên blockchain là Bitcoin, hiện vẫn là loại tiền mã hoá phổ biến và có giá trị nhất. Ngày nay, có hàng ngàn loại tiền mã hoá thay thế với các chức năng hoặc thông số kĩ thuật khác nhau.

II. Thực trạng pháp luật về tiền ảo ở nước ta

1. Căn cứ pháp lí nghị định 80/2016/NĐ-CP

- Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa văn bảo nào đồng ý hay cho phép việc sử dụng tiền điện ảo, tiền điện tử để thanh toán.

Theo nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

2. Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền ảo

Ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên ra thông cáo báo chí về tiền ảo. Nội dung của Thông cáo tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau:

- Thứ nhất, khẳng định Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.

- Thứ hai, khẳng định sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng như: Có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp; nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn; hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng tài chính, gây thiệt hại cho người đầu tư; giao dịch Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

- Thứ ba, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

- Thứ tư, việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Tiếp theo Thông cáo báo chí ngày 27/2/2014, sáng ngày 28/10/2017, trong văn bản gửi cơ quan báo chí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

3. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tiền ảo

Trước những diễn biến khó lường và những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Quyết định này, việc hoàn thiện khung pháp lý này phải dựa trên ba cơ sở:

- Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra;

- Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo;

- Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế.

=> Từ những căn cứ trên chúng tôi nhận định rằng Việt Nam không công nhận các đồng tiền điện tử là phương tiện thanh toán.

Từ khóa » Tiền điện Tử Có Bị Cấm Không