Báo Cáo Sự Phục Hồi Của Thị Trường Lao động, Việc Làm Sau đại Dịch ...

1. Bối cảnh chung

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 06/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sau hơn hai năm đại dịch, cùng với tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022. Hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng. Do đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm xuống gần một nửa, từ 5,1% năm 2021 xuống còn 2,6% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022. Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo sẽ giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022.

Về lĩnh vực lao động việc làm, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)[1], công cuộc phục hồi của thị trường lao động toàn cầu đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng đang diễn ra đồng thời và có tác động lẫn nhau, gia tăng bất bình đẳng. Sau khi đạt được những thành tựu đáng kể trong quý IV/2021, số giờ làm việc trên toàn cầu của quý I/2022 giảm, thấp hơn 3,8% so với quý IV/2019, tương đương với mức thâm hụt 112 triệu việc làm toàn thời gian. Dự báo mới nhất của ILO cho thấy mức giờ làm việc dự kiến trong quý II/2022 thấp hơn 4,2% so với mức trước đại dịch, tương đương với 123 triệu việc làm toàn thời gian.

Trong nước, nhờ các giải pháp ứng phó linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch Covid-19 xuất hiện. Sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hoá sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế. Tình hình kinh tế – xã hội quý II/2022 của nước ta có nhiều khởi sắc. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%, đóng góp 4,56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,87%, đóng góp 46,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 48,59%. Thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước ở cả ba khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

2. Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm

Nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Lực lượng lao động tăng nhanh. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 giảm mạnh.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (lần lượt tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,6 triệu người) và giảm nhẹ ở nông thôn (0,06 triệu người).

Hình 1: Lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2020 – 2022

                                                                                 Đơn vị tính: Triệu người

Trong quý II/2022, cả nước chỉ còn hơn 8,0 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm hơn một nửa so với quý trước (tương ứng giảm 8,9 triệu người) và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số hơn 8,0 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%, 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhiều hơn so với các vùng khác với tỷ lệ 13,9%, cao hơn đáng kể so với con số này ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 10,8% và 8,1%. Có 14,3% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó tỷ lệ ở nông thôn là 10,4%.

Hình 2: Số người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, quý IV năm 2021, quý I và quý II năm 2022

Đơn vị tính: Triệu người

Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2022; Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tốc độ tăng lao động cao nhất cả nước

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2022 đạt 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người, tăng 127,9 nghìn người (tương ứng tăng 0,7%) so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người (tương ứng tăng 3,7%) so với cùng kỳ năm trước, và ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người, tăng 376,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,2%) so với quý trước và tăng 27,9 nghìn người (tương ứng tăng 0,1%) so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng tăng lao động có việc làm cũng được ghi nhận ở cả nam và nữ, tuy nhiên tốc độ tăng lao động có việc làm ở nữ giới cao hơn so với nam giới[2].

Số lao động có việc làm trong độ tuổi lao động trong quý II/2022 đạt gần 45,0 triệu người, tăng 856,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,9%) so với quý trước và tăng 1,0 triệu người (tương ứng tăng 2,3%) so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng lao động có việc làm trong độ tuổi tăng cao hơn so với tốc độ tăng chung của lao động từ 15 tuổi trở lên, điều này cho thấy những dấu hiệu rất tích cực của thị trường lao động.

So với quý trước, số lao động trong độ tuổi có việc làm tăng ở hầu hết các vùng kinh tế-xã hội. Trong đó, tăng nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (tăng 379,4 nghìn người, tương ứng tăng 7,5%), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (tăng 222,9 nghìn người, tương ứng tăng 2,3%), Đông Nam Bộ (tăng 155,1 nghìn người, tương ứng tăng 1,6%).

Thị trường lao động việc làm đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của quý trước. Phương thức tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt, chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch cùng các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 là yếu tố chính làm tươi sáng hơn bức tranh thị trường lao động việc làm của Việt Nam trong quý II/2022.

Lao động trong khu vực dịch vụ tiếp tục khởi sắc sau mức giảm chạm đáy vào quý III/2021

Trong quý II/2022, lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước. Đây là quý thứ 3 liên tiếp kể từ sau mức giảm chạm đáy vào quý III/2021, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh mẽ về số người tham gia làm việc trong khu vực dịch vụ. Trong 3 quý gần đây nhất, bình quân mỗi quý, khu vực này đón nhận thêm gần 900 nghìn lao động, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của 2 khu vực còn lại Nông, lâm nghiệp, thủy sản và Công nghiệp, xây dựng[3].

Hình 3: Lao động trong ngành dịch vụ theo quý, giai đoạn 2020-2022

Đơn vị tính: Triệu người

Chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/03/2022 là cú hích quan trọng giúp lao động trong khu vực dịch vụ dần lấy lại được trạng thái ban đầu khi chưa xuất hiện đại dịch, tạo cơ sở cho đà tăng trưởng và phát triển. Một số ngành thuộc khu vực Dịch vụ tăng cao như: ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (tăng 201,3 nghìn người so với quý trước và tăng 341,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước); Hoạt động dịch vụ khác tăng 94,8 nghìn người so với quý trước và tăng 47,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 91,4 nghìn người so với quý trước và tăng 24,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường lao động có dấu hiệu tăng trưởng một cách bền vững

Trong quý II/2022, số người có việc làm phi chính thức là 21,4 triệu người, tăng 54,5 nghìn người so với quý trước và tăng 499,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm chính thức trong quý này là 17,1 triệu người, tăng 449,3 nghìn người so với quý trước và tăng 1,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với cả quý trước và cùng kỳ năm trước, số người có việc làm trong khu vực chính thức tăng cao hơn nhiều so với số người có việc làm trong khu vực phi chính thức. Điều này minh chứng rằng thị trường lao động đã phục hồi và có tính chất bền vững.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, phi hộ nông lâm nghiệp và thủy sản quý II/2022 là 55,6%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 47,5%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 62,3%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước.

                Tình trạng thiếu việc làm được cải thiện đáng kể trên cả nước, lao động thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ giảm nhiều nhất

Việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trên cả nước góp phần thúc đẩy thị trường lao động quý II/2022 phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi[4] quý II/2022 là khoảng 881,8 nghìn người, giảm 447,1 nghìn người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II/2022 là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,37% và 2,32%). Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động đã được cải thiện đáng kể ở cả khu vực thành thị và nông thôn so với quý I/2022 (tương ứng là 2,39% và 3,40%)[5].

Hình 4: Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý,  giai đoạn 2020-2022

Trong quý I/2022, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi cao nhất thuộc về vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 4,23%; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 4,0%. Đến quý II/2022, tỷ lệ này cao nhất thuộc về vùng đồng bằng sông Cửu Long với 3,17%, tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 2,79%. Trong quý I năm nay, tỷ lệ này thấp nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ với 1,60%, bước sang quý II, tỷ lệ này thấp nhất thuộc về đồng bằng sông Hồng với 0,62%. Tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện đáng kể trên cả nước, so với quý trước, tỷ lệ này ở quý II giảm ở cả 6 vùng kinh tế xã hội.

Hình 5: Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo vùng kinh tế xã hội, quý I và II năm 2022

Đơn vị tính: %

Trong ba khu vực kinh tế, so với quý trước, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2022 ở khu vực dịch vụ giảm nhiều nhất. Trong tổng số 881,8 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất trong quý này với 48,5% (tương đương với 427,5 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 31,4% (khoảng 277,3 nghìn người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 20,1% (khoảng 177,0 nghìn người). So với quý trước, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2022 giảm ở cả ba khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ (tương ứng giảm 68,8 nghìn người, giảm 182,6 nghìn người và giảm 195,6 nghìn người). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số lao động thiếu việc làm ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lên (tăng 20,1 nghìn người), khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 150,4 nghìn người và khu vực dịch vụ giảm 132,8 nghìn người.

Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2022 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,33%; sơ cấp là 1,82%; trung cấp là 1,10%; cao đẳng là 0,95%; từ đại học trở lên là 0,61%.

Thu nhập bình quân của người lao động quý II tiếp tục ghi nhận mức tăng so với quý trước, điều này khác với xu hướng bình thường như quan sát được qua nhiều năm nhưng là dấu hiệu tích cực khẳng định sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 đạt 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý I/2022. Quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, kể cả những năm chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước. Trong các năm từ 2019 đến 2021, thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I. Ngược lại, trong năm nay, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II không chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Hình 6: Thu nhập bình quân tháng của lao động các quý I, II, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Triệu đồng

Thu nhập bình quân tháng của lao động tại các vùng kinh tế – xã hội được cải thiện rõ rệt. So với cùng kỳ năm trước, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất.

Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2022 tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận có tốc độ tăng cao nhất trong 6 vùng kinh tế – xã hội so với cùng kỳ năm 2021, với mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, tăng 12,9%, tương ứng tăng khoảng 620 nghìn đồng. Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế là các địa phương có tốc độ tăng thu nhập bình quân đáng kể nhất. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động tại Đà Nẵng là 7,3 triệu đồng, tăng 9,7%, tương ứng tăng khoảng 643 nghìn đồng; lao động làm việc tại Khánh Hòa có mức thu nhập bình quân là 6,2 triệu đồng, tăng 15,5%, tương ứng tăng khoảng 828 triệu đồng; lao động làm việc tại Thừa Thiên Huế có mức thu nhập bình quân là 5,7 triệu đồng, tăng 15,8%, tương ứng tăng khoảng 778 nghìn đồng.

Hình 7: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội, quý II năm 2021 và quý I, II năm 2022

Đơn vị tính: Triệu đồng

Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng vẫn duy trì mức cao so với các vùng còn lại. So với cùng kỳ năm trước, mức thu nhập bình quân tháng của lao động vùng Đông Nam Bộ là 8,5 triệu đồng, tăng 8,5%, tương ứng tăng khoảng 480 nghìn đồng. Trong đó, thu nhập của lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước, với mức thu nhập tương ứng là 9,1 triệu đồng/người/tháng và 8,9 triệu đồng/người/tháng.

Lao động làm việc tại vùng Đồng bằng sông Hồng có thu nhập là 7,7 triệu đồng/người/tháng, là vùng có tốc độ tăng thu nhập khá so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 790 nghìn đồng/người/tháng. Lao động làm việc tại Hà Nội, Bắc Ninh có mức thu nhập bình quân nằm trong số 05 tỉnh, thành phố có mức thu nhập cao nhất cả nước; thu nhập của lao động tại Hà Nội là 8,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8%, tương ứng tăng khoảng 704 nghìn đồng; lao động tại Bắc Ninh có mức thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 15,8%, tương ứng tăng khoảng 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Hình 8: 05 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân của người lao động cao nhất, quý II năm 2022

Đơn vị tính: Triệu đồng

Thu nhập bình quân của lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá

Quý II/2022, thu nhập của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,5 triệu đồng, tăng 11,5%, tăng tương ứng khoảng 774 nghìn đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, tăng 8,7%, tăng tương ứng khoảng 623 nghìn đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,8 triệu đồng, tăng 3,6%, tăng tương ứng khoảng 132 nghìn đồng.

Hình 9: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế quý II, giai đoạn 2020-2022

Đơn vị tính: Triệu đồng

Quý II năm 2022 cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá: Khai khoáng đạt mức 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 818 nghìn đồng; sản xuất và phân phối điện đạt 9,6 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 928 nghìn đồng; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 6,2 triệu đồng, tăng 10,2%, tương ứng tăng 572 nghìn đồng. Ngay cả ngành gặp nhiều khó khăn do sự biến động của giá xăng dầu như ngành Vận tải kho bãi cũng có mức tăng trưởng thu nhập khá, đạt mức 8,9 triệu đồng trong quý II/2022, tăng 4,2% so với quý trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội được Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực góp phần đưa  tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 và không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11). Chương trình này đã giúp cho doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua những thách thức, khó khăn trong và sau đại dịch, là động lực để các hoạt động kinh tế – xã hội nước ta trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Tính đến ngày 22/6/2022, cả nước có 25.660 người lao động (tương đương số tiền 14,124 tỷ đồng) nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chính sách này đã tạo thêm động lực giúp người lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với sự kiện SEA Games 31 vừa được tổ chức tại Việt Nam làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ nhộn nhịp và sôi động. Do đó, tình trạng thất nghiệp quý II/2022 đã giảm đi đáng kể. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2022 là 2,32%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,30 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Hình 10: Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2022

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi), tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo giảm so với quý trước

Trong quý II/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi là 7,63%, giảm 0,30 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,13%, cao hơn 2,30 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với quý trước, tỷ lệ này đều giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tương ứng là giảm 0,17 điểm phần trăm và 0,37 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quý II/2022 là 11,15%, giảm 1,09 điểm phần trăm so với quý trước; Hà Nội là 10,21% tăng 0,84 điểm phần trăm.

Trong quý II/2022, cả nước có khoảng 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,7% tổng số thanh niên), giảm 190,2 nghìn người so với quý trước và giảm 508,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 13,3% so với 9,3% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 13,8% so với 9,8%. So với quý trước, tỷ lệ này giảm cả ở khu vực thành thị, nông thôn và nam nữ (tương ứng giảm 0,78 điểm phần trăm; 2,0 điểm phần trăm; 1,74 điểm phần trăm; 1,27 điểm phần trăm).

Hình 11: Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập theo quý, 2021-2022

Đơn vị tính: %

So sánh theo 6 vùng kinh tế – xã hội, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao nhất với 17,4% giảm 1,7% so với quý trước; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc với 16,1%, giảm 4,3 điểm phần trăm. Tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quý II/2022 là 7,7%, cao hơn so với Hà Nội (6,5%); so với quý trước, tỷ lệ ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm, tương ứng là giảm 1,4 điểm phần trăm và giảm 0,7 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng và lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông nghiệp tiếp tục giảm, đạt mức thấp nhất kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[6] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.

Những năm trước, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Từ thời điểm quý I/2020 đến quý III/2021, tỷ lệ này tăng rất nhanh và đạt mức cao kỷ lục 10,4% vào quý III/2021. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục gần như hoàn toàn, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 6,1% vào quý I/2022 và giảm tiếp xuống 4,2% vào quý II/2022.

Hình 12: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng theo quý, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: %

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II/2022 của khu vực thành thị và nông thôn đều giảm so với quý trước, đặc biệt tại nông thôn. Tỷ lệ này ở thành thị giảm từ 6,3% trong quý I/2022 xuống còn 4,6% trong quý II/2022; tại thành thị, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm từ 5,9% xuống còn 4,6%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (55,6%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này chiếm trong lực lượng lao động, 34,4%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Hình 13: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng, quý II năm 2022

Đơn vị tính: %

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý II/2022 là 4,3 triệu người, giảm hơn 0,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 0,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý II/2022 là nữ giới (chiếm 63,2%). Trong tổng số 4,3 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,2%).

Lao động tự sản tự tiêu chủ yếu thuộc độ tuổi từ 55 trở lên (chiếm 53,4%). Số liệu cũng cho thấy, trong số 4,3 triệu lao động tự sản tự tiêu, chỉ còn khoảng 240 nghìn người cho biết họ hiện tại vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 5,5%).

Hình 14: Lao động làm công việc tự sản tự tiêu theo quý, giai đoạn 2020 – 2022

 Đơn vị tính: Triệu người

Trung bình 1 tuần, lao động tự sản tự tiêu dành 19 giờ cho công việc nông nghiệp (tương đương 2,7 giờ/ngày) và 15,7 giờ làm các công việc nhà (tương đương khoảng 2,2 giờ/ngày). Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 18,4 giờ cho các công việc nhà trong gia đình trong khi con số này ở nam giới là 11,1 giờ.

3. Kết luận và kiến nghị

Nhờ kiên định chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cùng với các giải pháp phù hợp và quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP, bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong Quý II năm 2022 đã có nhiều khởi sắc. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.

Tuy vậy, trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam vẫn có thể đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do chịu áp lực tăng giá xăng và một số mặt hàng thiết yếu từ cuộc khủng hoảng Nga-Ucraina. Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp sau:

– Tiếp tục nhất quán phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường và việc xuất hiện các biến chủng mới. Cần sẵn sàng các kịch bản đối phó với các biến thể mới của dịch dự kiến sẽ có thể xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới.

– Ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

– Chú trọng kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

[1] Ấn bản thứ 9 Báo cáo giám sát của ILO về thế giới việc làm, 23/05/2022.

[2] Tốc độ tăng lao động có việc của nam giới và nữ giới so với quý trước lần lượt là 0,79% và 1,25%; so với cùng kỳ năm trước thì tốc độ tăng này lần lượt là 1,40% và 1,42%.

[3] Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giảm hơn 100 nghìn người; khu vực công nghiệp và xây dựng bình quân tăng gần 400 nghìn người.

[4] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022).

[5] Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị theo quý năm 2020 là 1,07% (quý I), 2,36% (quý II), 1,96% (quý III), 1,10% (quý IV); ở khu vực nông thôn là 2,47% (quý I), 3,32% (quý II), 3,14% (quý III), 2,20% (quý IV). Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị theo quý năm 2021 là 1,52% (quý I), 2,80% (quý II), 5,33% (quý III), 4,06% (quý IV); ở khu vực nông thôn là 2,60% (quý I), 2,49% (quý II), 3,94% (quý III), 2,95% (quý IV).

[6] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.

Từ khóa » Chính Sách Bình Thường Mới Trong Việc Hồi Sinh Các Doanh Nghiệp Trong Bối Cảnh Covid-19