Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý I Năm 2003 - Tổng Cục Thống Kê
Có thể bạn quan tâm
1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp. Theo ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước quý I/2003 tăng 6,88% so với quý I/2002, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,43%; khu vực dịch vụ tăng 6,59%. So với tốc độ tăng 6,52% của quý I năm 2002 thì tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý I năm nay cao hơn nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng 7,12% của quý I năm 2001. Trong 6,88% tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng 3,80% (công nghiệp 3,16%) và khu vực dịch vụ 2,90%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm nay mức tăng trưởng rất thấp so với quý I các năm trước đó: Quý I năm 2000 tăng 3,88%, quý I năm 2001 tăng 3,27%, quý I năm 2002 tăng 3,38% và đến quý I năm nay chỉ được 1,17%. Nguyên nhân chủ yếu do vụ lúa đông xuân của đồng bằng sông Cửu Long giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Mặt khác, trong quý I năm 2003 giá phân hóa học tăng đột biến làm cho chi phí trung gian của ngành trồng trọt tăng lên; giá công lao động thuê ngoài cũng tăng, dẫn tới chi phí đầu vào của ngành trồng trọt tăng. Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, mức tăng trưởng quý I năm nay đạt 9,43%, cao hơn hẳn mức tăng 7,76% quý I năm trước; trong đó cả ngành công nghiệp và xây dựng tốc độ tăng đều cao hơn tốc độ tăng của quý I năm trước: Ngành công nghiệp tăng từ 7,44% của quý I năm 2002 lên 9,24% quý I năm nay, các số liệu tương ứng của ngành xây dựng là 9,58% và 10,51%. Đáng chú ý là ngành công nghiệp khai thác sau một năm sụt giảm đến quý I năm nay đã tăng đáng kể (5,57%), so với mức giảm 4,09% của quý I năm 2002 so với cùng kỳ. Riêng sản lượng dầu thô khai thác của quý I năm nay đạt 4,5 triệu tấn, tăng hơn cùng kỳ năm trước 9,5%. Khu vực dịch vụ, mức tăng trưởng quý I năm nay đạt 6,59%, chỉ tăng chút ít so với mức tăng trưởng 6,56% của quý I năm trước. Trong khu vực này, tuy tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ so với mức tăng của cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng của thương nghiệp thuần tuý lại thấp hơn 1,2%; ngành vận tải hành khách (đặc biệt là vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) tăng khá nhưng vận tải hàng hóa tăng không đáng kể và do giá xăng dầu tăng cao dẫn tới chi phí trung gian của ngành vận tải tăng mạnh nên mức tăng trưởng (giá trị tăng thêm) cũng tăng không đáng kể. Do kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng khá nên thu, chi ngân sách Nhà nước đạt kết quả tốt. Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2003 ước tính đạt 24,6% dự toán cả năm và tăng 14,4% so với quý I năm trước. Các khoản thu chủ yếu của ngân sách đều đạt tương đối cao: Thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 26,8% dự toán cả năm và tăng 27,8% so với quý I/2002; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 26,4% và tăng 16%; thu từ dầu thô đạt 30,6% và tăng 19%; thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 43,1% và tăng 27,8%. Riêng nguồn thu từ các doanh nghiệp Nhà nước tuy cao hơn cùng kỳ năm trước 9,2% nhưng mới đạt 20% dự toán cả năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước quý I năm nay ước tính đạt 20,4% dự toán cả năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chi thường xuyên đạt 24% và tăng 5,9%, chi cho đầu tư phát triển đạt 17,9% và giảm 3,8%. Sở dĩ tổng chi ngân sách Nhà nước quý I năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước là do các khoản chi mới phát sinh như thực hiện chế độ tiền lương mới và chi trả một lần theo Pháp lệnh người có công. Những khoản chi lớn và quan trọng trong chi thường xuyên nhìn chung đều đạt tỷ lệ khá so với dự toán cả năm và đều tăng so với cùng kỳ năm trước như: Chi cho giáo dục và đào tạo đạt 24% dự toán cả năm và tăng 8,6% so với quý I/2002; chi cho y tế đạt 23,7% và tăng 6,9%; chi cho văn hoá thông tin đạt 24,1% và tăng 8,6%; chi cho hoạt động thể dục thể thao đạt 24,8% và tăng 8,9%; chi sự nghiệp kinh tế đạt 23,6% và tăng 6,9%; chi lương hưu và bảo đảm xã hội đạt 25,1% và tăng 2,6%. Bội chi ngân sách quý I/2003 ước tính bằng 5,7% tổng số chi trong quý và chỉ bằng 6,1% mức bội chi cả năm Quốc hội cho phép, trong đó chủ yếu được bù đắp bằng nguồn vay trong nước.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp quý I là gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại cây vụ đông. Tính đến 15/3/2003 cả nước đã gieo cấy được 2977,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1137 nghìn ha, bằng 101,5%; các địa phương phía Nam 1840,2 nghìn ha, bằng mức cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 1496 nghìn ha, giảm 1,2% do nhiều tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một phần diện tích lúa năng suất thấp được chuyển sang trồng các loại cây khác và nuôi trồng thuỷ sản (Long An giảm 11 nghìn ha; Bạc Liêu giảm 8,5 nghìn ha; Cần Thơ giảm 3,3 nghìn ha; Vĩnh Long giảm 1,8 nghìn ha). Đến nay các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 900,6 nghìn ha lúa đông xuân sớm, chiếm 48,9% diện tích xuống giống và bằng 126% cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 871,3 nghìn ha, chiếm 58% và bằng 126,6%. Do tăng diện tích lúa chất lượng cao phục vụ yêu cầu xuất khẩu gạo và thời tiết không thuận nên năng suất trên diện tích đã thu hoạch của toàn vùng chỉ đạt 56 tạ/ha, giảm 1 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng toàn vùng ước đạt 8,4 triệu tấn, giảm 24,4 vạn tấn. Cùng với việc chăm sóc và thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương còn đẩy mạnh gieo trồng ngô, cây chất bột có củ, cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu. Đến 15/3/2003 cả nước đã gieo trồng được 310,1 nghìn ha ngô, bằng 118,6% cùng kỳ năm trước; 80,1 nghìn ha sắn, bằng 116,1%; 50,2 nghìn ha đậu tương, bằng 100,8%; 306,6 nghìn ha rau đậu, bằng 103,8%. Riêng diện tích trồng khoai lang chỉ bằng 84,8% và lạc bằng 97,4%. Ngoài ra các địa phương phía Nam còn gieo cấy được 200,4 nghìn ha lúa hè thu sớm, bằng 169,1% cùng kỳ năm trước. Sản xuất lâm nghiệp tập trung vào các hoạt động chính như: Trồng, khoanh nuôi và chăm sóc rừng; trồng cây phân tán; khai thác gỗ và các loại lâm sản khác phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Diện tích rừng trồng tập trung cả nước mới đạt 55,3 nghìn ha, bằng 97,4% cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có diện tích rừng trồng tập trung cao hơn so với cùng kỳ năm trước như Yên Bái (+13,2%); Nghệ An (+ 65%); do thời tiết khô và nắng nóng nên một số tỉnh vùng Tây Nguyên, Nam Bộ và miền núi phía Bắc chưa triển khai chương trình trồng rừng. Trồng cây phân tán đạt kết quả khá, ước tính quý I năm 2003 cả nước trồng được 47,6 triệu cây, tăng 5,7% so với quý I/2002. Các tỉnh có kết quả trồng cây phân tán khá là Hoà Bình, Nghệ An, Hà Giang. Khai thác gỗ ước tính đạt 642 nghìn m3, tăng 1,3% so với quý I/2002. Nuôi trồng và khai thác thuỷ sản tiếp tục phát triển. Ước tính quý I/2003 sản lượng thuỷ sản đạt 661 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng đạt 198,7 nghìn tấn, tăng 8,3%; khai thác 462,3 nghìn tấn, tăng 2,8%. Tính chung, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2003 theo giá so sánh 1994 đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý I/2002, trong đó nông nghiệp 27,6 nghìn tỷ, tăng 0,9%; lâm nghiệp 1,4 nghìn tỷ, tăng 1,8%; thuỷ sản 6,4 nghìn tỷ, tăng 5,4%.
3. Sản xuất công nghiệp Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2003 ước tính tăng 15,1% so với quý I/2002, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11,7% (Trung ương quản lý tăng 11,5%, địa phương quản lý tăng 12,2%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 18,8% và khu vực có vốn đầu từ nước ngoài tăng 16,1%. So với quý I các năm trước đây thì tốc độ tăng 15,1% là khá cao (quý I/1999 tăng 10,3%; quý I/2000 tăng 13,4%; quý I/2001 tăng 14,4% và quý I/2002 tăng 13,8%). Các tỉnh, thành phố có qui mô công nghiệp trên địa bàn lớn có mức độ tăng cao hơn mức tăng chung là Bình Dương tăng 35,7%; Hà Nội tăng 17,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,4%; Đồng Nai tăng 16,5%; Hà Tây tăng 25,4%. Khánh Hòa tăng 21,6%. Cần Thơ tăng 17,7%. Đà Nẵng tăng 16,0%. Các doanh nghiệp thuộc Bộ công nghiệp quản lý (chiếm tỉ trọng 20% giá trị toàn ngành công nghiệp) tăng 14,3%. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có giá trị sản xuất lớn, tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu đều đạt tốc độ tăng cao so với quý I/2002 là yếu tố quyết định cho tăng trưởng công nghiệp quý I như các sản phẩm dệt may, thuỷ sản chế biến, công nghiệp cơ khí và lắp ráp. Đặc biệt trong quý I năm nay, do giá dầu thô xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng mạnh nên đã tăng lượng dầu khai thác, ước tính tăng 9,5% so với quý I năm 2002 (Quý I năm 2002 chỉ bằng 94,3% quý I năm 2001). Một số sản phẩm chủ yếu tốc độ tăng trưởng khá cao như: Thuỷ sản chế biến tăng 22,1%; đường mật tăng 25,3%; quần áo dệt kim tăng 29%; quần áo may sẵn tăng 61,4%; xi măng tăng 13,8%; thép cán các loại tăng 29,6%; máy công cụ tăng 13,9%; động cơ diesel tăng 209%; động cơ điện tăng 38,2%; ắc qui tăng 31,6%; quạt điện dân dụng tăng 31,7%; ti vi lắp ráp tăng 30%; ô tô lắp ráp tăng 47,1%; xe máy lắp ráp tăng 16,9%; điện phát ra tăng 13,9%. Tuy nhiên, một số sản phẩm gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nên tăng ở mức thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như: Than sạch khai thác ước tính quý I chỉ tăng 3,4%, do xuất khẩu than không đạt mức cùng kỳ cả về lượng xuất khẩu và kim ngạch; thuốc trừ sâu giảm 1,5%; xà phòng các loại giảm 7,2%; máy biến thế giảm 4,5% và xe đạp giảm 30,1%. Sản lượng giấy bìa sản xuất tuy tăng ở mức 15,5% nhưng có khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do giấy ngoại nhập nhiều, với giá thấp hơn giá sản xuất trong nước dẫn đến tồn kho giấy tương đối cao so với mức tồn đầu năm. Ngành sản xuất thép chưa chủ động được nguồn nguyên liệu do phần lớn phôi thép phải nhập khẩu. Ngành dược phẩm cũng có tình hình tương tự. Ngành da giày chủ yếu làm gia công bằng nguyên vật liệu, mẫu mã của nước ngoài nên giá trị tăng thêm thấp và phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Thêm nữa, chiến tranh Irắc cũng ảnh hưởng lớn đến một số ngành sản xuất như chế biến sữa, chế biến chè, dầu thực vật, sản xuất phân bón hỗn hợp do thị trường tiêu thụ các sản phẩm chính là Irắc và các nước Trung cận đông. 4. Đầu tư và xây dựng. Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung năm 2003 được bố trí 22,2 nghìn tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2002, trong đó trung ương quản lý 11,8 nghìn tỷ đồng; địa phương quản lý 10,4 nghìn tỷ đồng. Ước tính quý I, nguồn vốn này thực hiện được 5,1 nghìn tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm. Vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung do trung ương quản lý thực hiện gần 2,8 nghìn tỷ đồng, đạt 23,4% kế hoạch năm, trong đó Bộ Giao thông Vận tải có khối lượng vốn thực hiện quý I (khoảng một nửa vốn trung ương quản lý) đạt 28,3% kế hoạch năm, các bộ khác thực hiện kế hoạch vốn thấp, khoảng 15-17% kế hoạch năm. Vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung do địa phương quản lý thực hiện 2,3 nghìn tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch.
Trong quý I năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành một số công trình lớn như: Quốc lộ 1 đoạn Đông Hà – Quảng Ngãi, Quốc lộ 10 đoạn Thái Bình- Hải Phòng, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương, cơ bản hoàn thành dự án đường xuyên Á, Cầu clanhke cảng Ninh Phước, 4 cầu trên đường Hồ Chí Minh (cầu Cẩm Thuỷ, cầu Làng Ngàn, cầu Tri Lễ, cầu Long Đại), các cầu đường sắt (Mỹ Chánh, Phú Bài, Phong Lệ, Kỳ Lam) và một số công trình phục vụ SEA GAMES 22 (đường nối Quốc lộ 32 qua Trung tâm thể thao Quốc gia với đường Láng-Hoà Lạc, 3,5 km làn trái đường vành đai III Hà Nội và cầu vượt Mai Dịch)… Riêng đường Hồ Chí Minh, đoạn Hà Tĩnh – Kon Tum cho đến nay đã trải bê tông nhựa và bê tông xi măng được 502 km trên 962 km và hoàn thành được 24 cầu với tổng chiều dài là 4121m. Dự án Quốc lộ số 6 cũng được tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công để phục vụ cho việc xây dựng thuỷ điện Sơn La. Công tác chuẩn bị đầu tư và tiến độ thi công các dự án sản xuất xi măng của Bộ Xây dựng cũng được đẩy nhanh hơn: xi măng Hạ Long đã hoàn thành việc rà phá bom mìn, đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ; xi măng Tam Điệp đang thi công các gói thầu chính; xi măng Sông Gianh đang thi công nhà điều hành và chuẩn bị thiết kế các hạng mục chính; các dự án xi măng Bình Phước, xi măng Bút Sơn 2, xi măng Hoàng Thạch 3 đang tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư. Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến ngày 18/3/2003 đã có 79 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 178,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước số dự án chỉ bằng 52,3% và số vốn bằng 67,8%. Như vậy qui mô bình quân một dự án được cấp phép quý I năm nay cao hơn qui mô bình quân một dự án được cấp phép quý I năm trước. Các dự án đầu tư cũng như số vốn đăng ký tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp: 55 dự án với số vốn đăng ký 105,4 triệu USD, chiếm 69,6% về số dự án và chiếm 59% về vốn đăng ký. Ngành xây dựng có 6 dự án với 30,9 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 7,6% về số dự án và 17,3% về vốn đăng ký. Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ có 5 dự án với số vốn đăng ký 9,8 triệu USD, chiếm 6,3% về số dự án và 5,5% về vốn đăng ký. Phần lớn các dự án vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố phía Nam với 62 dự án và 133,8 triệu USD, chiếm 78,5% về số dự án và 74,9% về vốn đăng ký. Thứ tự theo vốn đăng ký: Đồng Nai có 9 dự án với vốn gần 38 triệu USD, Bình Dương 20 dự án với vốn 33,9 triệu USD, Thành phố Hồ Chí Minh 15 dự án với vốn 10,2 triệu USD… Các tỉnh phía Bắc mới có 17 dự án với số vốn 44,9 triệu USD, chiếm 21,5 % về dự án và 25,1 % về vốn: Hải Dương có 4 dự án với 10,4 triệu USD, Vĩnh Phúc 3 dự án với 10 triệu USD, Quảng Ninh 1 dự án với 9,9 triệu USD, Hải Phòng 2 dự án với 7 triệu USD… Theo đối tác đầu tư và thứ tự theo vốn đăng ký: Đài Loan có 23 dự án với tổng số vốn đăng ký 49,3 triệu USD; Singapo 4 dự án với 30,4 triệu USD, Hàn Quốc 17 dự án và 20,2 triệu USD; Malaixia 2 dự án và 17 triệu USD, Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 5 dự án với 16,7 triệu USD, Trung Quốc 7 dự án và 14,2 triệu USD, Mỹ 2 dự án với 11,8 triệu USD, Nhật Bản 6 dự án và 7,3 triệu USD…. 5. Vận tải. Vận chuyển hành khách quý I/2003 ước tính đạt gần 223 triệu lượt hành khách và 8,4 tỷ lượt hành khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,6% về khối lượng vận chuyển và tăng 9,1% về khối lượng luân chuyển. Vận chuyển hàng hoá đạt trên 42,6 triệu tấn và gần 12,6 tỷ tấn.km, tăng 4,4% về khối lượng hàng hoá vận chuyển và 1,9% về khối lượng hàng hoá luân chuyển. Khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng thấp và tăng thấp hơn khối lượng hàng hoá vận chuyển do khối lượng luân chuyển bằng đường biển (chiếm khoảng trên 70% tổng số) chỉ tăng 1% so với quý I năm 2002, chủ yếu do chiến tranh ở Irắc nên vận tải biển trên tuyến Trung Đông bị ảnh hưởng.
6. Thương mại, giá cả và du lịch Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ quý I năm nay ước tính đạt khoảng 75,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế Nhà nước đạt 12,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%; khu vực kinh tế tập thể tăng mạnh nhất 26,6%; khu vực kinh tế cá thể đạt 49,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 65,5%), tăng 11,1%; khu vực kinh tế tư nhân tăng 20,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,6%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2003 giảm 0,6% so với tháng trước, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm giảm nhiều nhất 1,9% (Lương thực giảm 0,9%; thực phẩm giảm 2,4%); văn hoá, thể thao, giải trí giảm 1,4%; đồ dùng và dịch vụ khác giảm 1,1%; đồ uống, thuốc lá giảm 0,6%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng này giảm nhẹ so với tháng trước chủ yếu do giá cả các nhóm hàng đã được tiêu thụ mạnh và giá tăng vào tháng trước (tháng tết Quý Mùi) đã giảm giá và ổn định trở lại. Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng chỉ số giá tăng so với tháng trước do tăng giá điện và giá xăng dầu như: nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 1,9%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 0,7%; đặc biệt nhóm dược phẩm, y tế tăng đột biến 8,1%. So với tháng 12 năm 2002, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2003 tăng 2,5%, trong đó đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ chủ yếu đều tăng: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,7% (Lương thực tăng 1,9%; thực phẩm tăng 3,3%); nhóm dược phẩm, y tế tăng 9,4%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 3%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,5%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 2,4%; các nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại tăng trên dưới 1%. Chỉ số giá vàng tháng 3/2003 giảm 1,2% so với tháng trước và tăng 9,3% so với tháng 12/2002; Chỉ số giá đô la Mỹ không tăng so với tháng trước nhưng tăng 0,4% so với tháng 12/2002. Kim ngạch xuất khẩu quý I năm 2003 ước tính đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu gần 2,4 tỷ USD, tăng 41,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (Kể cả dầu thô) xuất khẩu 2,3 tỷ USD, tăng 45,3%. Kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay tăng mạnh so với quý I năm 2002 tập trung vào các mặt hàng như dầu thô, dệt may, hải sản, giày dép và các mặt hàng có đà tăng trưởng tốt từ cuối năm 2002. Bốn mặt hàng xuất khẩu là dầu thô, dệt may, hải sản và giày dép (chiếm khoảng 62% kim ngạch xuất khẩu quý I) tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước đã đóng góp tới 73% mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Đặc biệt là xuất khẩu dầu thô quý I năm nay được lợi nhiều về giá (quý I năm trước giá xuất khẩu dầu thô giảm nên lượng xuất khẩu bằng 97,2% cùng kỳ nhưng kim ngạch chỉ bằng khoảng 75%), nên lượng xuất khẩu quý I tuy chỉ tăng 2,5% nhưng kim ngạch tăng 59,7%; đóng góp 27,6% vào tăng trưởng xuất khẩu. So với quý I năm trước kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may tăng 90,8%; hàng thuỷ sản tăng 29,2%; giày dép tăng 32%; gạo tăng 43,3%; điện tử, máy tính tăng 19,4%; cao su tăng 67,6%; cà phê tăng 62,6%; hàng thủ công mỹ nghệ tăng 7,5%; hạt điều tăng 53%. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, cao su, tiêu và điều là những mặt hàng đang có lợi thế về giá, nhưng trong quý I lượng xuất khẩu cà phê và hạt tiêu đang thấp nhiều so với cùng kỳ. Lượng xuất khẩu gạo quý I tăng 77,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng có một vài mặt hàng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên kim ngạch xuất khẩu đã giảm đáng kể so với cùng kỳ như: rau quả giảm 30%, lạc giảm 66%. Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay ước tính đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu hơn 3,2 tỷ USD, tăng 27,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 1,6 tỷ USD, tăng 23,7%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Giá trị máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 23,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, da tăng 19,6%; vải tăng 30,9%; hoá chất tăng 13%. Do giá nhập khẩu tăng cao nên một số mặt hàng kim ngạch tuy tăng khá nhưng khối lượng nhập lại tăng thấp hoặc giảm so với quý I/2002 như: sắt thép tăng 47,2% (lượng nhập giảm 4,6%); xăng dầu tăng 50,1% (lượng nhập giảm 6,3%); chất dẻo tăng 26,5% (lượng nhập chỉ tăng 1,7%); phân urê tăng 24% (lượng nhập chỉ tăng 12,4%). Nhập khẩu bông, sợi dệt thấp xa so với cùng kỳ cả về kim ngạch và khối lượng. Nhập khẩu xe máy vẫn tăng ở mức cao trong khi nhập khẩu ô tô tăng thấp 0,6% (số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chỉ bằng 60% cùng kỳ với kim ngạch cũng chỉ tăng khoảng 5%). Nhập siêu quý I năm nay thấp, ước tính 198 triệu USD, chỉ bằng 4,2% kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 871 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 673 triệu USD. Khách quốc tế đến nước ta quý I năm 2003 ước tính đạt 712,5 nghìn lượt người, tăng 11,4% so với quý I năm 2002, trong đó khách đến với mục đích du lịch 384,2 nghìn lượt người (chiếm 53,9% tổng số khách) tăng 11,6%; vì công việc 112,4 nghìn lượt người, tăng 11,5%; thăm thân nhân 127,6 nghìn lượt người, tăng 6,6%; mục đích khác 88,3 nghìn lượt người, tăng 18,6%.
7. Một số vấn đề xã hội Đời sống dân cư Trong quý I, mức lương tối thiểu được tăng từ 210 nghìn đồng lên 290 nghìn đồng theo Nghị định 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 của Chính phủ đã góp phần nâng cao mức sống của người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp và các đối tượng chính sách, xã hội. Ở nông thôn, giá một số hàng hoá nông sản, thực phẩm như lúa, gạo, hồ tiêu, cà phê, cao su, thịt gia súc, gia cầm tăng đã cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân. Nhưng do ảnh hưởng của thiên tai (như lũ quét tháng 9/2002 ở một số tỉnh ở miền Trung, hạn hán, lũ lụt tại các tỉnh Tây Nguyên trong những tháng cuối năm 2002; mưa đá, lốc xoáy, lốc lớn, bão lốc kèm mưa đá trong quý I/2003 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và ở các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai và Cà Mau làm gần 1 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại) hiện tượng thiếu đói vẫn xảy ra ở một số nơi tuy mức độ có thấp hơn cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tại thời điểm 20/3/2003, trong cả nước có 199,5 nghìn lượt hộ với 915,4 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 2,3% về số hộ và 3,5% về số nhân khẩu so vời cùng thời điểm năm trước. Để giúp các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, đến nay các cấp, các ngành và các địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 4827 tấn lương thực và 6,3 tỷ đồng. Công tác đền ơn đáp nghĩa, tu sửa và xây nhà tình nghĩa; hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội và giúp đỡ người nghèo, đồng bào vùng bị thiên tai, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các đối tượng già cả, cô đơn, trẻ em nghèo, đối tượng bị di chứng chiến tranh, bệnh tật được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhiều cá nhân tham gia hưởng ứng tích cực. Trong dịp Tết Nguyên đán đã tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước và của chính quyền, đoàn thể địa phương cho các đối tượng chính sách, các đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh, các đơn vị lực lượng vũ trang. Văn hoá, thể thao Hoạt động văn hoá thông tin và thể dục thể thao trong quý tập trung vào việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và đón xuân Quý Mùi đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho SEA GAMES 22 được tổ chức tại Việt Nam bằng nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, thể dục thể thao trên khắp cả nước. Công tác tổ chức các lễ hội trong dịp đầu xuân đã được các địa phương và các ngành liên quan tổ chức tốt, đảm bảo phục vụ du khách thuận lợi, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và cảnh quan, môi trường, đồng thời ngăn chặn mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra văn hoá được tăng cường, nhất là kiểm soát hoạt động dịch vụ văn hoá phục vụ Tết Nguyên đán, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực in, xuất bản, phát hành văn hoá phẩm lậu, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, bảo đảm được môi trường lành mạnh trong dịp Tết. Tính đến hết tháng 2, thanh tra toàn ngành đã tiến hành kiểm tra 1740 lượt cơ sở hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá, phát hiện 634 cơ sở vi phạm quy chế quản lý, đã thu giữ 6,2 nghìn băng đĩa các loại và phạt hành chính gần 600 triệu đồng. Ngay từ đầu năm, Ủy ban Thể dục Thể thao đã phát động thi đua trong toàn ngành đề đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở, tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng ngày Phụ nữ 8/3, ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, ngày Thể thao Việt Nam 27/3 và hướng tới SEA GAMES 22. Nhiều hoạt động đã được tổ chức như Hội thi Thể thao Dân tộc Miền Núi, thí điểm ngày hội văn hóa dân tộc Chăm, Hội khoẻ Thanh niên Thủ đô… đã thu hút đông đảo các vận động viên và nhân dân tham dự. Công tác chuẩn bị cho SEA GAMES 22 cũng đang được tiến hành khẩn trương, đảm bảo tiến độ và chất lượng để kịp đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch. Trong thể thao thành tích cao, đến nay đã có trên 1 nghìn vận động viên, 150 huấn luyện viên và 48 chuyên gia nước ngoài được tập trung huấn luyện. Trong 3 tháng đầu năm, Ủy ban Thể dục Thể thao đã tổ chức được 13 giải thi đấu vô địch quốc gia và tham gia 2 giải quốc tế. Trong giải Canoing Đông Nam Á, Việt Nam đã giành 25 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 1 huy chương đồng; tại giải vật tự do ở Trung Quốc, Việt Nam giành được 1 huy chương bạc và 4 huy chương đồng. Tình hình dịch bệnh Trong quý I/2003 các dịch bệnh lớn không xảy ra. Tuy nhiên, trong tháng 3/2003, bệnh viêm đường hô hấp cấp đã xảy ra bất ngờ và tiến triển nhanh chóng tại Hà Nội gây xôn xao và lo lắng dư luận trong nước. Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp mắc bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã cử đoàn cán bộ xuống bệnh viện Việt-Pháp để kiểm tra, xử lý kịp thời và đã yêu cầu bệnh viện ngừng tiếp nhận bệnh nhân, cách ly triệt để số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, đồng thời thành lập Ban đặc nhiệm phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban và đã chỉ đạo các cơ sở điều trị cách ly tuyệt đối các trường hợp mắc, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, sử dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Trong số hơn 60 người mắc, đến ngày 25/3 đã có 4 người chết. Hiện tại số bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Việt-Pháp, Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, trong đó hơn 30 trường hợp đã khỏi bệnh nhưng vẫn tiếp tục được lưu lại bệnh viện để theo dõi. Đến nay bệnh viêm đường hô hấp cấp đã được khống chế và kiểm soát chặt chẽ không có sự lây lan trong cộng đồng. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh viêm đường hô hấp cấp cũng đã xảy ra tại hơn 10 nước trên thế giới. Tình hình nhiễm HIV/AIDS tiếp tục gia tăng. Trong tháng 3 đã phát hiện thêm 1469 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước đến ngày 19/3/2003 lên 62,6 nghìn người, trong đó số bệnh nhân AIDS là 9,7 nghìn người và đã có 5,3 nghìn người bị chết do AIDS. Cũng trong tháng 3/2003, tại Đắk Lắk, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Thừa Thiên – Huế và thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 9 vụ ngộ độc với 557 người bị ngộ độc làm chết 2 người, đưa số người bị ngộ độc từ đầu năm đến 18/3/2003 lên 843 người, trong đó 9 người đã chết. Tai nạn giao thông Trong quý I/2003, cả nước đã đồng loạt ra quân thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông và Nghị định số 15/NĐ – CP về quy định xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ. Ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhất là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, kiểm tra chặt chẽ và có các biện pháp xử lý kiên quyết các vi phạm nên tình hình giao thông bước đầu đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn vào các giờ cao điểm đã giảm; hiện tượng đua xe trái phép cơ bản không còn tái diễn. Tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt, nhất là tai nạn giao thông đường bộ. Trong 2 tháng đầu năm 2003, số vụ tai nạn giao thông đã giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước; số người chết giảm 2,6% và số người bị thương giảm 18,1%. Thiệt hại thiên tai Trong quý I/2003 đã xảy ra mưa to gây sạt lở, mưa đá, lốc xoáy, lốc lớn, bão lốc kèm mưa đá tại Lào Cai, Tuyên Quang, Cà Mau, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lai Châu, Đồng Nai, Gia Lai gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 2 người chết và 50 người bị thương; 139 ngôi nhà bị sập đổ cuốn trôi và gần 1 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại… Tổng giá trị thiệt hại ước tính 18,4 tỷ đồng.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Từ khóa » Tốc độ Tăng Gdp Năm 2003 Của Nhật Bản Là
-
Một Số Nét Chính Về Tình Hình Kinh Tế Việt Nam - Embassy Japan
-
Kinh Tế Nhật Bản – Wikipedia Tiếng Việt
-
Kinh Tế – Xã Hội Việt Nam 3 Năm 2001-2003 - Tổng Cục Thống Kê
-
Kinh Tế Nhật Bản - Tình Hình Năm 2004 Và Triển Vọng Năm 2005
-
Không Có Tiêu đề
-
Nội Dung Tình Hình Thực Hiện Phát Triển Kinh Tế Xã Hội - Chính Phủ
-
Nội Dung Tình Hình Thực Hiện Phát Triển Kinh Tế Xã Hội - Chính Phủ
-
Kinh Tế | Embassy Of The Socialist Republic Of Vietnam In Japan
-
Tổng Quan Kinh Tế Thế Giới 2001-2010 - Ngân Hàng Nhà Nước
-
Kinh Tế Ấn Độ Tăng Tốc - Cổng Thông Tin điện Tử Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
In Bài Viết - Ngân Hàng Nhà Nước
-
Chất Lượng Tăng Trưởng Kinh Tế Của Việt Nam Hiện Nay
-
Nền Kinh Tế Nhật Bản Phục Hồi Mạnh Nhờ Tiêu Dùng Và Xuất Khẩu ...
-
Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Và Vấn đề Phát Triển Kinh Tế - Chi Tiết Tin
-
[PDF] Quan Hệ đối Tác Việt Nam - Nhật Bản Từ Quá Khứ đến Tương Lai - JICA
-
Một Số Nét Kinh Tế Việt Nam
-
[PDF] 37886 - World Bank Documents
-
Cung Tiền Của Các Nước Asean Giai đoạn 2000 - 2020 Và Hàm ý Khu ...