Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý III Và 9 Tháng Năm 2018

  1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73%[1] của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016[2]. Xét về góc độ sử dụng GDP quý III năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 8,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,13%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,76%.

Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây[3]. Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018[4], từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018[5], đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua[6], đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,9% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016[7], đóng góp 2,56 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,97%), làm giảm 0,14 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 8,08% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 9 tháng duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 8,46%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016[8]. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm 9 tháng như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,9 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,85%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,89%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,55%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,04%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,93% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,49%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 14,67%; 32,50%; 42,65%; 10,18%).

Xét về góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,71%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,22%.

  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

Diện tích lúa đông xuân cả nước năm nay giảm 15 nghìn ha so với vụ đông xuân trước nhưng với năng suất đạt 66,4 tạ/ha (tăng 4,1 tạ/ha), sản lượng toàn vụ vẫn đạt 20,6 triệu tấn, tăng gần 1,2 triệu tấn so với vụ đông xuân năm 2017.

Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.621,6 nghìn ha, bằng 98% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.105,6 nghìn ha, bằng 97,5%; các địa phương phía Nam đạt 516 nghìn ha, bằng 98,9%. Diện tích lúa mùa miền Bắc năm nay đạt thấp do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Năng suất toàn vụ ước tính đạt 49 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.052,8 nghìn ha, giảm 13,7 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước. Tính đến ngày 15/9/2018, các địa phương đã thu hoạch được 1.806,9 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 88% diện tích gieo cấy và bằng 107,8% cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 54,4 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2017; sản lượng toàn vụ ước tính đạt gần 11,2 triệu tấn, giảm 47,7 nghìn tấn.

Đến giữa tháng Chín, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 628,7 nghìn ha lúa thu đông, bằng 89,1% cùng kỳ năm trước do lịch xuống giống vụ hè thu năm nay muộn và kéo dài hơn năm trước, đồng thời do ảnh hưởng của mưa bão nên lũ về sớm, lên nhanh làm nhiều diện tích không thể gieo cấy.

Tính đến tháng Chín, đàn trâu cả nước giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017; đàn bò tăng 2%; đàn gia cầm tăng 5,5%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 66,4 nghìn tấn, tăng 0,9%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 253,2 nghìn tấn, tăng 2,6%; sản lượng thịt gia cầm đạt 817,6 nghìn tấn, tăng 5,8%; trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 10,8%. Chăn nuôi lợn tiếp tục có tín hiệu tích cực, đàn lợn cả nước tính đến tháng 9/2018 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính đạt 2,7 triệu tấn, giảm 0,3%.

b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung 9 tháng năm nay ước tính đạt 161,2 nghìn ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 59,2 triệu cây, giảm 0,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.095 nghìn m3, tăng 10,6%; sản lượng củi khai thác đạt 18,7 triệu ste, giảm 1,6%. Diện tích rừng bị thiệt hại trong 9 tháng là 873,1 ha, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 333,1 ha, giảm 18,7%; diện tích rừng bị chặt phá là 540 ha, giảm 24,2%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản quý III ước tính đạt 1.939 nghìn tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.501,2 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 2.922,7 nghìn tấn, tăng 6,5%; sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 2.578,5 nghìn tấn, tăng 5,2%.

  1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý III/2018 ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 3,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%. Tính chung 9 tháng năm 2018, IIP ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây[9], trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,9%, đóng góp 9,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 11,7%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2018 tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2018 tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước; tỷ lệ tồn kho bình quân 9 tháng là 63,8%.

  1. Hoạt động của doanh nghiệp

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[10]

Tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%. Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2018 là 819,7 nghìn người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%[11]; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1%.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2018 cho thấy: Có 43,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 17,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

  1. Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 3.235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,76%).

Vận tải hành khách 9 tháng đạt 3.446,1 triệu lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và 153,5 tỷ lượt khách.km, tăng 10,6%. Vận tải hàng hóa 9 tháng đạt 1.211,2 triệu tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước và 225,9 tỷ tấn.km, tăng 7,5%.

Doanh thu hoạt động viễn thông 9 tháng đạt 284,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng năm nay ước tính đạt 11.616,5 nghìn lượt người, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

  1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm

Tính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%).

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 13%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 27%.

  1. Đầu tư

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2018 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 420,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 533,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,5% và tăng 17,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 299,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,9% và tăng 8,4%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2018 thu hút 2.182 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14.124,5 triệu USD, tăng 18,3% về số dự án và giảm 3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 841 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.544,2 triệu USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng đạt 19.668,7 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2017[12]. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng năm 2018 còn có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 788 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,84 tỷ USD và 5.087 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,86 tỷ USD.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 9 tháng năm nay có 99 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 286 triệu USD; 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 44,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 9 tháng năm 2018 đạt 330,9 triệu USD.

  1. 8. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 898,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 710,1 nghìn tỷ đồng, bằng 64,6%; thu từ dầu thô 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 121,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,9 nghìn tỷ đồng, bằng 78,7%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 936,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 651 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; chi đầu tư phát triển 192,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2%; chi trả nợ lãi 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5%.

  1. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 8/2018 đạt 23.481 triệu USD, là tháng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 2.581 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng Chín, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 20,50 tỷ USD, giảm 12,7% so với tháng trước[13]. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý III/2018 ước tính đạt 64,73 tỷ USD, tăng 10,4% so với quý II/2018 và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 8/2018 đạt 21.284 triệu USD, cao hơn 284 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng Chín, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 19,80 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý III/2018 ước tính đạt 62,70 tỷ USD, tăng 8,2% so với quý II/2018 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nên cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Tám thặng dư 2,2 tỷ USD[14]; tháng Chín ước tính xuất siêu 700 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD[15], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 9 tháng ước tính đạt 11,1 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó dịch vụ du lịch đạt 7,6 tỷ USD (chiếm 68,3% tổng kim ngạch), tăng 15%; dịch vụ vận tải đạt 2,2 tỷ USD (chiếm 19,4%), tăng 16%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng ước tính đạt 13,8 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 47,3% tổng kim ngạch), tăng 8,9%; dịch vụ du lịch đạt 4,4 tỷ USD (chiếm 31,6%), tăng 11,5%. Nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng là 2,7 tỷ USD, bằng 24,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

  1. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Tính chung quý III/2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với quý III/2017. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 9/2018 tăng 3,20% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2018 giảm 0,97% so với tháng trước; giảm 1,89% so với tháng 12/2017; giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2018 tăng 0,16% so với tháng trước; tăng 2,59% so với tháng 12/2017 và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2017.

  1. Một số tình hình xã hội

a) Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình năm 2018 của cả nước ước tính 94,66 triệu người, bao gồm dân số thành thị 33,63 triệu người, chiếm 35,5%; dân số nông thôn 61,03 triệu người, chiếm 64,5%; dân số nam 46,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 47,91 triệu người, chiếm 50,6%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước 9 tháng năm 2018 là 55,2 triệu người, tăng 581,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,5 triệu người, tăng 535,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc 9 tháng năm nay là 54,1 triệu người, bao gồm 20,7 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 38,3% tổng số (giảm 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người, chiếm 26,6% (tăng 1 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19 triệu người, chiếm 35,1% (tăng 1,1 điểm phần trăm).

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2018 ước tính là 2,2% (quý I là 2,2%; quý II là 2,19%; quý III là 2,2%), trong đó khu vực thành thị là 3,1%; khu vực nông thôn là 1,74%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2018 ước tính là 7,15%, trong đó khu vực thành thị là 10,71%; khu vực nông thôn là 5,81%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng ước tính là 1,46% (quý I/2018 là 1,52%; quý II là 1,43%; quý III là 1,42%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,63%; khu vực nông thôn là 1,86%.

b) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Đời sống dân cư 9 tháng năm 2018 được cải thiện, nhất là ở khu vực nông thôn nhờ kết quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Thiếu đói trong nông dân giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, cả nước có 100,7 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 401,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 40,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 7,4 nghìn tấn lương thực và 1,6 tỷ đồng.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng trị giá quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 9 tháng là 4.763 tỷ đồng. Bên cạnh đó có gần 22,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

c) Tai nạn giao thông

Trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 6.861 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6.381 vụ va chạm giao thông, làm 6.012 người chết, 3.670 người bị thương và 6.649 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng năm nay giảm 7,8% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 2,3%; số vụ va chạm giao thông giảm 13,1%); số người chết giảm 1,8%; số người bị thương tăng 3,4% và số người bị thương nhẹ giảm 19,3%.

d) Thiệt hại do thiên tai 

Tính chung 9 tháng, thiên tai đã làm 183 người chết và mất tích, 129 người bị thương; hơn 1,8 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi; 59,5 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái và ngập nước; gần 142 nghìn ha lúa và 29,6 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng ước tính hơn 8,8 nghìn tỷ đồng.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong 9 tháng năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 10.988 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 10.264 vụ với tổng số tiền phạt hơn 161 tỷ đồng. Trong 9 tháng, cả nước xảy ra 3.008 vụ cháy, nổ, làm 82 người chết và 224 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng.

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

[1] Tăng trưởng GDP quý II/2018 điều chỉnh giảm 0,06 điểm phần trăm so với số ước tính 6,79% do điều chỉnh giảm tốc độ tăng của khu vực  nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,25 điểm phần trăm (nguyên nhân chủ yếu do số liệu ước tính sản phầm điều, tiêu, tôm thẻ cao hơn số liệu sơ bộ) và khu vực dịch vụ 0,01 điểm phần trăm.

[2] Tăng trưởng GDP quý III một số năm: Năm 2011 tăng 6,21%; năm 2012 tăng 5,39%; năm 2013 tăng 5,54%; năm 2014 tăng 6,07%; năm 2015 tăng 6,87%; năm 2016 tăng 6,56%; năm 2017 tăng 7,38%; năm 2018 tăng 6,88%.

[3] Tăng trưởng GDP 9 tháng của một số năm: Năm 2011 tăng 6,03%; năm 2012 tăng 5,10%; năm 2013 tăng 5,14%; năm 2014 tăng 5,53%; năm 2015 tăng 6,53%; năm 2016 tăng 5,99%; năm 2017 tăng 6,41%; năm 2018 tăng 6,98%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 2,75%; năm 2013 tăng 2,38%; năm 2014 tăng 2,94%; năm 2015 tăng 2,08%; năm 2016 tăng 0,62%; năm 2017 tăng 2,89%; năm 2018 tăng 3,65%.

[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 2,28%; năm 2013 tăng 2,11%; năm 2014 tăng 2,01%; năm 2015 tăng 1,78%; năm 2016 tăng 0,02%; năm 2017 tăng 2,08%; năm 2018 tăng 2,78%.

[6] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành thủy sản 9 tháng của một số năm: Năm 2011 tăng 3,46%; năm 2012 tăng 4,06%; năm 2013 tăng 2,95%; năm 2014 tăng 6,15%; năm 2015 tăng 2,11%; năm 2016 tăng 1,81%; năm 2017 tăng 5,48%; năm 2018 tăng 6,37%.

[7] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 8,74%; năm 2013 tăng 6,58%; năm 2014 tăng 7,09%; năm 2015 tăng 10,15%; năm 2016 tăng 11,20%; năm 2017 tăng 12,77%; năm 2018 tăng 12,65%.

[8] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 6,47%; năm 2013 tăng 6,43%; năm 2014 tăng 5,94%; năm 2015 tăng 6,10%; năm 2016 tăng 6,67%; năm 2017 tăng 7,21%; năm 2018 tăng 6,89%.

[9] Tốc độ tăng IIP 9 tháng các năm 2012-2018 lần lượt là: 6,1%; 5,3%; 6,8%; 9,9%; 7,1%; 8,8%; 10,6%.

[10] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[11] Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng cao trong đó có nguyên nhân thời gian này các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước đang rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ các doanh nghiệp không còn hoạt động trong thời gian dài.

[12] Trong 9 tháng năm nay có một số dự án lớn được cấp phép là: Dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD do Nhật Bản đầu tư; Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD do Hàn Quốc đầu tư; Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) tại Thừa Thiên – Huế điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,1 tỷ USD của nhà đầu tư Xin-ga-po; Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD với mục tiêu sản xuất mô đun camera do Hàn Quốc đầu tư.

[13] Chủ yếu do số ngày làm việc trong tháng Chín ít hơn tháng Tám, đồng thời trong tháng Tám xuất khẩu sản phẩm mới Note 9 và Note 9+ của Samsung tăng mạnh.

[14] Ước tính tháng Tám nhập siêu 100 triệu USD.

[15] Trong đó, 9 tháng xuất siêu sang Hoa Kỳ 25,1 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 21,1 tỷ USD, tăng 8,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,5 tỷ USD, giảm 9,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 19 tỷ USD, giảm 3,6%; nhập siêu từ ASEAN 4,5 tỷ USD, tăng 1,9%.

Từ khóa » Chỉ Số Gdp Của Việt Nam Năm 2018