Báo Cáo Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2017 - Việt Nam

Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Tóm tắt

Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định sự kiểm soát đáng kể của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo và có những quy định mập mờ cho phép hạn chế tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018, vẫn duy trì những hạn chế này. Luật mới tiếp tục quy định một quy trình đăng ký và công nhận các nhóm tôn giáo gồm nhiều bước; tuy nhiên, Luật đã rút ngắn thời gian để tổ chức tôn giáo được công nhận trên toàn quốc và ở cấp tỉnh từ 23 năm xuống còn 5 năm. Luật cũng quy định cụ thể quyền có tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Có hai báo cáo về việc thành viên các nhóm tôn giáo bị chết trong khi đang bị cảnh sát giam giữ; nhà chức trách cho biết những cái chết này là do tự tử, nhưng gia đình những người đó nói rằng cái chết của họ có liên quan đến việc cảnh sát sử dụng vũ lực. Theo báo cáo, thành viên của các nhóm đã được công nhận hoặc đã được cấp chứng nhận đăng ký   hoạt động tôn giáo mà ít bị can thiệp hơn, mặc dù một số nhóm đã được công nhận cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sinh hoạt tập trung. Các chức sắc tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm chưa được công nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cho biết chính quyền có nhiều hình thức sách nhiễu, bao gồm việc hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, hạn chế đi lại, thu giữ hoặc hủy hoại tài sản, từ chối đăng ký và/hoặc các yêu cầu xin phép khác. Có các báo cáo về tình trạng sách nhiễu nghiêm trọng ở Tây Nguyên và Tây Bắc và đối với tín đồ Công giáo ở Bắc Trung Bộ, nhất là ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các tín đồ tôn giáo cho biết nhà chức trách địa phương hoặc cấp tỉnh thực hiện phần lớn các vụ sách nhiễu. Thành viên các nhóm tôn giáo nói rằng một số chính quyền địa phương và cấp tỉnh sử dụng hệ thống các quy định pháp lý của địa phương và trung ương để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và trấn áp hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính phủ về cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc hội họp và các hoạt động khác của họ.

Vào tháng 9, theo báo cáo, một nhóm người có vũ trang đã phá rối một thánh lễ tại một nhà thờ Công giáo ở tỉnh Đồng Nai. Nhiều lần trong năm qua, vài trăm thành viên của các nhóm được cho là ủng hộ chính quyền đã biểu tình chống lại Công giáo ở tỉnh Nghệ An.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1, Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ đã nêu vấn đề tự do tôn giáo trong các cuộc họp với các quan chức chính phủ cấp cao. Đại sứ và các viên chức của đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã hối thúc chính phủ cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, các hội thánh Tin lành và Công giáo tại gia, các nhóm Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài độc lập; yêu cầu trao nhiều tự do hơn cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận; và kêu gọi chấm dứt các hạn chế và sách nhiễu đối với các nhóm tôn giáo chưa được công nhận hoặc chưa đăng ký. Đại sứ và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đã vận động cho tự do tôn giáo trong các chuyến thăm trên cả nước, trong đó có Tây Nguyên. Đại sứ và các quan chức Hoa Kỳ thường xuyên gặp gỡ và duy trì liên lạc với các chức sắc tôn giáo trên khắp cả nước. Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam vào tháng 1. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động đã đến thăm Việt Nam vào tháng 5 để tham dự Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam thường niên. Trong các chuyến thăm này, Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế và Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đã vận động cải thiện tự do tôn giáo trong luật và trên thực tiễn, và đã gặp gỡ nhiều nhóm tôn giáo đã được công nhận và chưa được công nhận. Các viên chức sứ quán và các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã gửi cho các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam bản khuyến nghị về sửa đổi dự thảo các nghị định về thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong quá trình soạn thảo để các nghị định này phù hợp với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ tự do tôn giáo.

Phần I. Thống kê về tôn giáo

Chính phủ Hoa Kỳ ước tính dân số Việt Nam là 96.2 triệu người (tính đến tháng 7 năm 2017). Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ (Ban TGCP), 26.4% dân số được xếp vào các tín đồ tôn giáo, số này không bao gồm những người thừa nhận có một niềm tin tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó, ước tính chiếm 95% dân số theo thống kê trước đây của Ban TGCP. Trong tổng dân số, 14.91% là tín đồ đạo Phật, 7.35% là tín đồ Công giáo La Mã, 1.09%  là tín đồ đạo Tin lành, 1.16% là tín đồ đạo Cao Đài, và 1.47% là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Dựa theo số liệu thống kê trước đây, trong cộng đồng tín đồ Phật giáo, Phật giáo Bắc Tông là tôn giáo chính của người Kinh (Việt) là dân tộc chiếm đa số, còn khoảng 1.2% dân số, hầu hết là nhóm dân tộc thiểu số Khmer, thực hành Phật giáo Nam Tông. Các nhóm tôn giáo nhỏ hơn cộng lại chỉ chiếm dưới 0.16% dân số, trong đó có khoảng 70.000 người dân tộc Chăm thực hành dòng đạo Hinđu riêng biệt ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ; khoảng 80.000 tín đồ Hồi giáo sống rải rác trên cả nước (trong đó khoảng 40% theo dòng Sunni; 60% còn lại theo dòng Bani Islam); khoảng 3.000 người theo đạo Baha’i; và xấp xỉ 1.000 người là tín đồ thuộc Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki tô (hay còn gọi là Giáo phái Mặc môn). Các nhóm tôn giáo bản địa (đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn) chiếm tổng cộng 0.34%. Một nhóm nhỏ, phần lớn là người nước ngoài, theo đạo Do Thái cư trú ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các công dân khác tự nhận mình không theo tôn giáo nào, hoặc theo các tín ngưỡng thờ linh vật, thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, các vị thánh bảo hộ, các anh hùng dân tộc, hoặc những người được kính trọng ở địa phương. Nhiều cá nhân kết hợp giữa các hình thức thờ cúng truyền thống và giáo lý tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật và đạo Thiên Chúa.

Theo Dự án Tương lai Tôn giáo Toàn cầu Pew-Templeton, năm 2015, 45.3% dân số theo “tín ngưỡng dân gian”, 16.4% theo đạo Phật và 8.2% theo đạo Thiên Chúa, còn lại 29.6% không theo tôn giáo nào.

Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Dựa theo ước tính của các tín đồ, có khoảng 2/3 tín đồ Tin lành là người dân tộc thiểu số, bao gồm các nhóm ở khu vực Tây Bắc (H’mông, Dao, Thái và các dân tộc khác) và Tây Nguyên (Êđê, Jarai, Xêđăng và M’nông, trong đó có các nhóm được gọi chung là người Thượng hoặc Đề Ga). Nhóm dân tộc Khmer Krom chủ yếu theo dòng Phật giáo Nam Tông.

Phần II. Tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của Chính phủ

Khung pháp lý

Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do không theo một tôn giáo nào. Hiến pháp thừa nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của những người bị hạn chế quyền, bao gồm tù nhân hoặc người nước ngoài và người không có quốc tịch. Hiến pháp quy định tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp cấm công dân vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định 92 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này được ban hành năm 2012 là các văn bản pháp luật chủ yếu điều chỉnh hoạt động tôn giáo. Các văn bản này sẽ được thay thế bởi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 hướng dẫn thi hành Luật, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Vào cuối năm 2017, một dự thảo nghị định quy định các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm luật mới đang được hoàn thiện. Cả luật cũ và luật mới đều tái khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đồng thời cũng quy định rằng các cá nhân không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh; tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Chính phủ đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo và một pháp môn (một tập hợp các thực hành tín ngưỡng) thuộc 15 tôn giáo riêng biệt theo phân loại của Chính phủ. 15 tôn giáo đó là: Phật giáo, Hồi giáo, Bahai, Công giáo, Tin lành, Mặc môn, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu, đạo Bà la môn Khơ me và Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn. Các hệ phái thuộc mỗi tôn giáo này phải làm thủ tục đăng ký và/hoặc công nhận riêng. Còn hai nhóm nữa là Hội thánh Phúc âm ngũ tuần và Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn đã được cấp “đăng ký hoạt động tôn giáo” nhưng chưa được công nhận.

Các quy định pháp lý hiện hành và luật mới quy định sự kiểm soát của chính quyền đối với hoạt động tôn giáo và cho phép hạn chế tự do tôn giáo vì lợi ích “an ninh quốc gia” và “đoàn kết xã hội.”

Luật mới giảm thời gian chờ đợi để một nhóm tôn giáo và nhóm (các nhóm) tôn giáo trực thuộc của nó được công nhận từ 23 năm xuống còn 5 năm, giảm số lượng các thủ tục liên quan đến tôn giáo mà yêu cầu phải có sự chấp thuận trước của chính quyền, làm rõ quy trình để các tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động và được công nhận, và lần đầu tiên quy định cụ thể quyền có tư cách pháp nhân của các nhóm tôn giáo đã được công nhận và các nhóm tôn giáo trực thuộc của chúng. Luật cũng quy định rằng các nhóm tôn giáo được phép tiến hành các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan, nhưng không quy định cụ thể luật nào được áp dụng trong trường hợp luật này có thể mâu thuẫn với các luật khác, hoặc các luật khác được dẫn chiếu lại quy định không rõ ràng, chẳng hạn như Luật Giáo dục.

Ban TGCP chịu trách nhiệm thi hành các luật và nghị định về tôn giáo. Ban Tôn giáo có hệ thống cơ quan ở cấp trung ương, cấp tỉnh, và ở một số khu vực còn có văn phòng ở cấp huyện. Các quy định pháp lý hiện hành và luật mới quy định trách nhiệm cụ thể của Ban Tôn giáo ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp địa phương, và giao một số nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến tôn giáo cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp địa phương (tức là giao cho lãnh đạo địa phương). Ban TGCP cấp trung ương có trách nhiệm phổ biến thông tin cho các cấp chính quyền và bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật về tôn giáo ở các cấp tỉnh, huyện, xã và thôn.

Pháp luật hiện hành và luật mới nghiêm cấm việc ép buộc người khác theo hoặc từ bỏ một tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Pháp luật hiện hành quy định một quy trình gồm nhiều bước để một tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký và công nhận. Một tổ chức tôn giáo trước tiên phải làm thủ tục xin chính quyền cấp xã cấp “đăng ký sinh hoạt tôn giáo” bằng việc nộp hồ sơ với các thông tin về cơ cấu tổ chức, ban lãnh đạo, thành viên và các hoạt động của tổ chức đó. Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho phép một nhóm cá nhân tập trung tại một địa điểm xác định để “thực hành nghi lễ thờ cúng, cầu nguyện, hoặc bày tỏ niềm tin tôn giáo”. Sau khi đã hoạt động hợp pháp trong 20 năm theo đăng ký sinh hoạt tôn giáo, một tổ chức tôn giáo được phép làm thủ tục xin cấp “đăng ký hoạt động tôn giáo” tại Ban Tôn giáo cấp tỉnh hoặc cấp trung ương, tùy thuộc vào phạm vi hoạt động về mặt địa lý của tổ chức đó. Việc đăng ký hoạt động tôn giáo cho phép nhóm tôn giáo được tiến hành các cuộc lễ tôn giáo, các nghi thức tôn giáo, và giảng đạo tại địa điểm đã đăng ký; tổ chức đại hội thông qua hiến chương, điều lệ của tổ chức; bầu hoặc bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo và tổ chức các khóa đào tạo về giáo lý tôn giáo; sửa chữa, cải tạo cơ sở tôn giáo; thực hiện các hoạt động truyền giáo, từ thiện, nhân đạo. Ba năm sau khi được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo đủ điều kiện xin được công nhận về mặt pháp lý sau khi bầu ban lãnh đạo thông qua hội nghị toàn quốc. Hồ sơ đề nghị công nhận phải có thông tin về ban lãnh đạo của tổ chức, số lượng tín đồ, quá trình hoạt động, giáo lý, giáo luật và điều lệ của tổ chức. Theo pháp luật hiện hành, hồ sơ đề nghị công nhận phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đối với tổ chức tôn giáo hoạt động trong nhiều tỉnh) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tổ chức tôn giáo hoạt động trong phạm vi một tỉnh).

Ở mỗi bước của quy trình xin đăng ký và công nhận, pháp luật hiện hành quy định cụ thể thời hạn trả lời, tối đa là 45 ngày, tùy thuộc vào phạm vi đề nghị. Mặc dù pháp luật yêu cầu chính quyền phải có giải thích chính thức bằng văn bản nếu từ chối hồ sơ, nhưng việc từ chối có thể vì bất kỳ lý do gì, bởi pháp luật trao cho các cơ quan nhà nước phạm vi quyền hạn quyết định rất rộng.

Luật mới cũng quy định một quy trình gồm nhiều bước để một tổ chức tôn giáo được công nhận. Theo luật mới, trước tiên, một tổ chức tôn giáo chưa được công nhận phải được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bởi Ban Tôn giáo cấp tỉnh (nếu tổ chức sẽ chỉ hoạt động trong phạm vi một tỉnh) hoặc Ban Tôn giáo cấp trung ương (nếu tổ chức sẽ hoạt động trong nhiều tỉnh). Để được cấp đăng ký, tổ chức tôn giáo phải nộp một bộ hồ sơ chi tiết với thông tin về giáo lý, quá trình hoạt động, điều lệ, ban lãnh đạo, thành viên và minh chứng về việc có địa điểm hội họp hợp pháp. Ban Tôn giáo cấp tỉnh có thẩm quyền hoặc Bộ Nội vụ, tùy thuộc vào việc tổ chức tôn giáo xin cấp đăng ký đang hoạt động ở một hay nhiều tỉnh, có trách nhiệm chấp thuận hồ sơ đăng ký hợp lệ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Ban Tôn giáo cấp tỉnh có thẩm quyền hoặc Bộ Nội vụ phải trả lời bằng văn bản nếu từ chối cấp đăng ký.

Theo luật mới, các tổ chức tôn giáo được cấp chứng nhận đăng ký (“các tổ chức tôn giáo đã đăng ký”) được phép giảng đạo, tổ chức các cuộc lễ tôn giáo và tổ chức các lớp học tôn giáo tại các địa điểm đã được phê duyệt; tổ chức hội nghị để thông qua hiến chương và điều lệ của tổ chức; bầu hoặc bổ nhiệm ban lãnh đạo; sửa chữa, cải tạo cơ sở tôn giáo; thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Tuy nhiên, theo luật mới, nhiều hoạt động tôn giáo vẫn phải được các cơ quan nhà nước chấp thuận trước hoặc được đăng ký. Luật mới quy định rằng tất cả các hoạt động đó còn phải tuân thủ các luật khác về xây dựng và về hoạt động từ thiện.

Luật mới cho phép một tổ chức tôn giáo làm thủ tục xin được công nhận sau khi đã hoạt động liên tục trong ít nhất năm năm có đăng ký hợp pháp, đã có hiến chương và điều lệ hợp pháp, ban lãnh đạo có lý lịch tốt và không có án tích, nhân danh mình quản lý tài sản và thực hiện các giao dịch với tư cách một thực thể độc lập. Sau khi đáp ứng các điều kiện trên, tổ chức tôn giáo đã đăng ký phải nộp một bộ hồ sơ chi tiết cho Ban Tôn giáo cấp tỉnh hoặc cấp trung ương, phụ thuộc vào phạm vi hoạt động về địa lý của tổ chức đó. Hồ sơ phải bao gồm thông tin về cơ cấu tổ chức, thành viên, địa điểm hoạt động, quá trình hoạt động, hiến chương và các vấn đề tài chính. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hoặc Bộ Nội vụ có trách nhiệm chấp thuận hồ sơ đề nghị công nhận hợp lệ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hoặc Bộ Nội vụ phải trả lời bằng văn bản nếu từ chối hồ sơ.

Theo pháp luật hiện hành, chính phủ giám sát các nhóm tôn giáo, các nhóm này phải được đăng ký chính thức hoặc được công nhận là tổ chức tôn giáo chính thức. Pháp luật hiện hành quy định rằng chính quyền phải chấp thuận ban lãnh đạo, hoạt động và việc thành lập các cơ sở đào tạo tôn giáo hay việc mở các lớp học tôn giáo, và yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đăng ký các chức sắc và nhà tu hành với Ban TGCP hoặc Ban Tôn giáo cấp tỉnh. Pháp luật hiện hành quy định cụ thể hướng dẫn về chương trình học đối với các cơ sở đào tạo tôn giáo.

Theo pháp luật hiện hành và theo luật mới, các tổ chức tôn giáo có quyền xuất bản các tài liệu tôn giáo, sản xuất và xuất khẩu các vật phẩm và biểu tượng tôn giáo, xây dựng và duy trì các cơ sở tôn giáo, nhận tài trợ từ các nguồn trong nước và nước ngoài. Cả luật hiện hành và luật mới đều ám chỉ, nhưng không cụ thể, rằng các quyền này chỉ áp dụng đối với các tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Các tổ chức tôn giáo còn phải tuân thủ các luật khác về xuất bản.

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về việc tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân hay không. Tuy nhiên, luật mới khẳng định rằng một tổ chức tôn giáo đã được công nhận sẽ có địa vị pháp lý của một “pháp nhân phi thương mại” kể từ ngày được công nhận. Không có quy định nào về việc tổ chức tôn giáo đã đăng ký nhưng chưa được công nhận có thể có tư cách pháp nhân. Các tổ chức đã được công nhận trước khi luật mới có hiệu lực sẽ tiếp tục được công nhận và các tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký trước khi luật mới có hiệu lực sẽ giữ nguyên chứng nhận đăng ký đó. Tổ chức tôn giáo trực thuộc của một tổ chức tôn giáo đã được công nhận được phép xin cấp đăng ký pháp nhân riêng.

Luật mới quy định rõ rằng các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc, nhà tu hành và tín đồ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính, hoặc tố cáo (khiếu nại chính thức về cán bộ hoặc cơ quan nhà nước) theo các luật và nghị định có liên quan. Luật mới cũng quy định rằng các tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án về hành vi của các nhóm tôn giáo hoặc các tín đồ tôn giáo. Trong pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể tương tự.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm 2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ đăng ký các hội thánh Tin lành chưa được công nhận và chưa được đăng ký để họ có thể công khai sinh hoạt đạo và tiến tới được công nhận. Chỉ thị chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền ở Tây Nguyên và Tây Bắc giúp đỡ các nhóm tín đồ Tin lành đăng ký hoạt động tôn giáo và sinh hoạt đạo tại gia đình hoặc tại “địa điểm thích hợp”, ngay cả khi họ không đáp ứng các tiêu chí để thành lập hội thánh chính thức. Chỉ thị cũng chỉ đạo các cán bộ địa phương ở Tây Nguyên, khu vực miền Trung và phía nam dãy Trường Sơn cho phép “các nhà thờ tại gia” chưa đăng ký được hoạt động với điều kiện họ “cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật” và không gắn với các phong trào chính trị ly khai hoặc “đạo Tin lành Đề Ga”. Theo các quan chức Ban TGCP, Chỉ thị này sẽ không còn hiệu lực khi luật mới có hiệu lực.

Pháp luật hiện hành và luật mới đều quy định một quy trình riêng để các tổ chức tôn giáo chưa đăng ký, chưa được công nhận hoặc các nhóm cá nhân được phép tiến hành một số hoạt động tôn giáo cụ thể bằng cách nộp hồ sơ cho ủy ban nhân dân cấp xã. Pháp luật hiện hành yêu cầu ủy ban nhân dân phải trả lời bằng văn bản về hồ sơ đó trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, còn luật mới yêu cầu ủy ban nhân dân trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Pháp luật hiện hành và luật mới quy định nhiều hoạt động tôn giáo phải được chính quyền trung ương và/hoặc địa phương chấp thuận trước hoặc được đăng ký. Theo luật mới, các hoạt động này vẫn bao gồm “các hoạt động tín ngưỡng” (được định nghĩa là các sinh hoạt làng xã truyền thống liên quan đến thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng, thờ cúng dân gian); “lễ hội tín ngưỡng” được tổ chức lần đầu; thành lập, chia, tách, sáp nhập các tổ chức tôn giáo trực thuộc; phong phẩm, bổ nhiệm, hoặc suy cử các chức việc ( người có chức vụ trong tổ chức)); thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; tổ chức các lớp bồi dưỡng về tôn giáo; tổ chức đại hội tôn giáo; tổ chức các sự kiện tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo bên ngoài các địa điểm đã được phê duyệt; đi ra nước ngoài để tiến hành các hoạt động tôn giáo hoặc đào tạo; tham gia tổ chức tôn giáo nước ngoài.

Theo pháp luật hiện hành, một số hoạt động tôn giáo không buộc phải được chấp thuận trước, nhưng phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hoạt động phải thông báo bao gồm “các lễ hội tín ngưỡng” thường xuyên hoặc theo định kỳ; cách chức, bãi nhiệm chức sắc; tiến hành các hoạt động quyên góp; thông báo về số lượng tuyển sinh tại chủng viện hoặc trường học tôn giáo; sửa chữa, cải tạo cơ sở tôn giáo không phải là di tích lịch sử-văn hóa. Theo luật mới, các hoạt động khác phải thông báo mà không cần được chấp thuận trước bao gồm phong phẩm, bổ nhiệm, suy cử chức sắc, (chẳng hạn hòa thượng); thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc (người có chức vụ trong tổ chức); thực hiện các hoạt động tại cơ sở đào tạo tôn giáo đã được phê duyệt; các hoạt động tôn giáo thường xuyên (được định nghĩa là “truyền bá tôn giáo, thực hành giáo lý, lễ nghi tôn giáo và quản lý tổ chức tôn giáo”); và các hội nghị nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Luật mới quy định tù nhân được tiếp cận các tài liệu tôn giáo trong khi bị giam giữ với các điều kiện nhất định. Luật bảo lưu quyền của chính phủ trong việc hạn chế “bảo đảm” quyền này. Nghị định 162 quy định rằng người bị giam giữ có thể sử dụng các tài liệu tôn giáo được xuất bản và lưu hành hợp pháp, phù hợp với các quy định pháp luật về tạm giữ, tạm giam, phạt tù hoặc các hình thức giam giữ khác. Việc sử dụng và/hoặc sinh hoạt này không được ảnh hưởng đến quyền có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo của những người khác và không được trái với các luật có liên quan. Nghị định quy định rằng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý các tài liệu tôn giáo, thời gian, địa điểm sử dụng các tài liệu này.

Luật mới quy định các nhóm tôn giáo đã được công nhận và “các cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan” có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, khởi kiện vụ án dân sự, hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của các luật có liên quan.

Pháp luật hiện hành và luật mới quy định các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ nhiều luật khác đối với một số hoạt động nhất định. Pháp luật hiện hành và luật mới đều quy định cụ thể rằng các tổ chức tôn giáo được phép tiến hành các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo theo quy định của các luật có liên quan, nhưng không quy định rõ hoạt động nào là được phép. Ngoài ra, cả luật hiện hành và luật mới quy định rằng việc xây dựng hoặc cải tạo các cơ sở tôn giáo phải tuân thủ các luật và quy định có liên quan về xây dựng, và người nước ngoài tham gia các hoạt động tôn giáo phải tuân thủ pháp luật về nhập cảnh.

Pháp luật hiện hành và luật mới quy định việc xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các kinh sách tôn giáo phải tuân thủ các luật và quy định có liên quan đến xuất bản. Luật xuất bản quy định mọi nhà xuất bản phải là các tổ chức công đã được cấp phép hoặc là doanh nghiệp nhà nước. Các nhà xuất bản phải được chính phủ phê duyệt trước khi xuất bản tất cả các ấn phẩm, trong đó có các kinh sách tôn giáo. Theo quy định trong nghị định, chỉ Nhà xuất bản Tôn giáo mới có thể xuất bản sách tôn giáo. Các nhà xuất bản đã được phép in Kinh thánh bằng tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Trung, Ê đê, Jarai, Banar, M’nông, H’mông, C’ho và tiếng Anh. Các ấn phẩm khác bao gồm nhưng không giới hạn ở các ấn phẩm liên quan đến thờ cúng tổ tiên, đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và đạo Cao Đài. Bất kỳ nhà sách nào cũng có thể bán kinh sách tôn giáo và các tài liệu tôn giáo khác đã được xuất bản một cách hợp pháp.

Hiến pháp quy định nhà nước đại diện cho toàn dân sở hữu và quản lý toàn bộ đất đai. Theo luật mới, việc sử dụng đất của các tổ chức tôn giáo phải phù hợp với luật đất đai và các nghị định có liên quan. Luật đất đai công nhận rằng các cơ sở tôn giáo và trường học tôn giáo đã được cấp phép có thể có quyền sử dụng đất và được giao đất hoặc cho thuê đất. Luật quy định các cơ sở tôn giáo đủ điều kiện được nhà nước bồi thường nếu đất của họ bị thu hồi vì mục đích công cộng. Luật cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất vì mục đích công cộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở tôn giáo.

Luật đất đai quy định ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “lâu dài và ổn định” cho các cơ sở tôn giáo nếu họ được phép hoạt động, đất không có tranh chấp, và đất không phải có được từ việc nhận chuyển nhượng hoặc tặng cho sau ngày 1/7/2004. Các cơ sở tôn giáo không được phép chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho hoặc thế chấp quyền sử dụng đất của họ. Trong trường hợp có tranh chấp đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Các bên không đồng ý với quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại tòa án.

Trên thực tế, nếu một tổ chức tôn giáo chưa được công nhận, cá nhân các thành viên của giáo đoàn có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới danh nghĩa cá nhân, nhưng giấy chứng nhận này không được cấp cho tổ chức với tư cách là một cơ sở tôn giáo. Việc cải tạo hoặc nâng cấp cơ sở tôn giáo cũng phải được thông báo cho chính quyền, mặc dù không nhất thiết phải có giấy phép, tùy thuộc vào mức độ cải tạo. Nghị định 92 quy định chính quyền phải trả lời hồ sơ xin phép xây dựng trong thời hạn 20 ngày, mặc dù pháp luật không quy định trách nhiệm của chính quyền trong trường hợp không tuân thủ thời hạn nói trên.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm 2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho đề nghị của các tổ chức Tin lành đã được công nhận về việc xây dựng nhà thờ và về đào tạo và bổ nhiệm mục sư.

Chính phủ không cho phép giảng dạy tôn giáo trong các trường công lập và trường tư. Các trường tư phải tuân theo khung chương trình đào tạo được chính phủ phê duyệt, và khung chương trình này không cho phép giảng dạy tôn giáo.

Pháp luật không bắt buộc các cá nhân phải ghi thông tin về tôn giáo của mình trên chứng minh thư nhân dân.

Luật mới có các quy định riêng đối với người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam được xin phép hoạt động tôn giáo, giảng dạy, tham dự các chương trình đào tạo tôn giáo trong nước, hoặc giảng đạo trong các cơ sở tôn giáo trong nước. Luật mới yêu cầu các tổ chức tôn giáo hoặc công dân Việt Nam phải được chính phủ cho phép trước khi đăng cai tổ chức hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động tôn giáo nào liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc xuất cảnh ra nước ngoài. Pháp luật hiện hành cũng quy định các điều kiện để người nước ngoài hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, bao gồm những người tham gia bồi dưỡng tôn giáo, phong phẩm và tham gia ban lãnh đạo, được phép tiến hành các hoạt động của họ.

Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Động thái thực tế của chính phủ

Tóm tắt: Có hai báo cáo về cái chết của thành viên các nhóm tôn giáo khi đang bị cảnh sát giam giữ, nhà chức trách nói rằng những cái chết đó là do tự tử nhưng gia đình nạn nhân lại nói rằng những cái chết đó có liên quan đến việc cảnh sát sử dụng vũ lực. Thành viên các nhóm tôn giáo cho biết sự đối xử của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo có sự khác nhau đáng kể giữa các vùng và giữa cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp địa phương. Thành viên của một số nhóm tôn giáo chưa đăng ký cho biết họ có thể sinh hoạt tập trung mà không bị chính quyền can thiệp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù một số nhóm báo cáo rằng họ gặp nhiều khó khăn hơn ở thành phố Hồ Chí Minh, và họ buộc phải cung cấp số lượng người tham dự hàng tuần cho nhà chức trách. Các chức sắc tôn giáo, đặc biệt là của các nhóm chưa đăng ký ở ngoài địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các nhóm dân tộc thiểu số, cho biết chính quyền có nhiều hình thức sách nhiễu, bao gồm việc hành hung, bắt và giam giữ, truy tố, theo dõi, hạn chế đi lại, thu giữ hoặc hủy hoại tài sản, từ chối đăng ký và/hoặc các yêu cầu xin phép khác. Theo các nguồn tin từ nhóm tôn giáo, chính quyền địa phương thường không bị buộc phải chịu trách nhiệm đối với các vụ việc xảy ra đã được báo cáo. Chính quyền tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa được công nhận và các nhóm chưa được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, đặc biệt là những nhóm mà chính phủ cho rằng có tham gia hoạt động chính trị. Theo báo cáo, thành viên của các nhóm đã được công nhận hoặc đã đăng ký được phép hành đạo mà ít bị can thiệp hơn; tuy nhiên, theo các chức sắc và tín đồ tôn giáo và mạng xã hội, những vụ việc trong đó các cá nhân mặc thường phục sách nhiễu các linh mục Công giáo và giáo dân trên cả nước đã có sự gia tăng đáng kể. Các chức sắc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sinh hoạt tập trung tại các địa điểm hội họp chưa đăng ký. Truyền thông của nhà nước và các blog ủng hộ chính quyền đã đăng tải các bài viết chỉ trích Công giáo và các chức sắc Công giáo trong năm qua.

Theo một tổ chức phi chính phủ, vào khoảng ngày ngày 5 tháng 5 ó, Ma Seo Sùng chết khi đang bị tạm giữ tại đồn công an tỉnh Đắk Lắk, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Theo báo cáo, ngày 30 tháng 4, công an xã Ea So đã bắt Sùng và cháu của Sùng là Giàng A Lăng do nghi ngờ về việc họ đang “tìm kiếm quê hương Thiên Chúa Giáo mới”. Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết hai người này bị bắt vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngày 5 tháng 5, công an tỉnh Đắk Lắk thông báo cho gia đình của Sùng rằng Sùng đã tự treo cổ trong trại tạm giam. Các quan sát viên nói rằng những bức ảnh của người nhà chụp lại thi thể cho thấy các dấu hiệu chấn thương kín.

Theo mạng xã hội và các nguồn tin khác, ngày 2 tháng 5, các cán bộ công an tỉnh Vĩnh Long đã bắt Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, với cáo buộc phạm tội “tuyên truyền chống nhà nước” và “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo báo cáo, các cán bộ an ninh nghi ngờ ông Tấn treo cờ của Việt Nam Cộng hòa trong nhà của mình. Ngày 3 tháng 5, các cán bộ an ninh thông báo cho người nhà ông Tấn rằng ông ta đã cắt cổ tự tử khi đang bị tạm giam. Vào cùng ngày, một cán bộ công an trao trả thi thể ông Tấn cho gia đình. Người nhà ông Tấn, thông qua một video được đăng tải lên Facebook, khẳng định là họ cho rằng các cán bộ công an địa phương đã cắt cổ ông Tấn để khiến cho cái chết của ông trông giống như một vụ tự tử. Theo báo cáo, nhà chức trách tỉnh Vĩnh Long đã sách nhiễu người nhà ông Tấn sau cái chết của ông, chẳng hạn như đề nghị hàng xóm không đến ăn tại nhà hàng của họ hoặc không mua sắm tại cửa hàng tạp hóa của họ, theo dõi họ khi họ đi chợ, và kêu gọi hàng xóm cách ly họ về mặt xã hội. Mẹ và hai người anh em trai của ông Tấn phải trốn tránh nhà chức trách địa phương. Theo báo cáo, các cán bộ công an địa phương đã thẩm vấn tất cả những người đến thăm gia đình ông Tấn và yêu cầu những người bạn thân của gia đình bí mật thăm dò gia đình và báo cáo lại với họ.

Ngày 30 tháng 7, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập và nhà hoạt động vì tự do tôn giáo và nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển và mục sư đạo Tin lành Nguyễn Trung Tôn bị bắt do cáo buộc phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Ông Truyển điều hành Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam, và vận động đòi các quyền cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập chưa đăng ký, bên cạnh các hoạt động khác. Ông Tôn từ lâu đã là một nhà vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Ông còn là thành viên của Hội đồng Liên Tôn, một nhóm chủ yếu gồm đại diện của các tôn giáo chưa đăng ký. Trước khi bị bắt vào tháng 7, ngày 27 tháng 2, theo nhiều nguồn tin, ông Tôn và một người họ hàng bị bắt cóc và đánh đập bởi những người không rõ lai lịch. Họ được tìm thấy khi đang bị thương tích nghiêm trọng vào khoảng 2 giờ sáng ngày hôm sau bên ngoài một khu rừng ở tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 26 tháng 6, tại An Phú, tỉnh An Giang, công an đã bắt các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, bao gồm Bùi Văn Trung và người nhà, trong đó có hai cháu của ông Trung, một cháu 16 tuổi và một cháu 11 tuổi, và quản thúc tại gia đối với bà Lê Thị Hên, vợ ông và một trong các con gái của ông, trong khi chờ điều tra về hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Các cháu của ông sau đó đã được thả tự do. Theo báo cáo, công an đã hành hung chị Bùi Thị Thắm, con gái ông Trung khiến chị này sau đó phải nhập viện một thời gian ngắn. Công an đã thả chị Thắm nhưng ông Trung và con trai là Bùi Văn Thâm vẫn bị giam giữ, vợ ông Trung và một người con gái khác, chị Bùi Thị Bích Tuyền, vẫn bị quản thúc tại gia cho đến cuối năm. Theo báo cáo, các vụ bắt bớ hồi tháng 6 có liên quan tới các cuộc biểu tình phản đối của gia đình ông Trung đối với các hành vi của cảnh sát như chặn đường và sách nhiễu những người tham dự một buổi lễ kỷ niệm ngày giỗ của mẹ ông Trung vào tháng 4 chưa được đăng ký tại lễ đường trong nhà ông. Trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, theo báo cáo, cảnh sát đã triệu tập để thẩm vấn một số người tham dự buổi lễ; các cá nhân mặc thường phục đã đánh đập những người khác. Theo báo cáo, nhà chức trách cố gắng tìm cách điều tra nhóm người này về các vấn đề an ninh quốc gia. Trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 11, người nhà ông Trung đã phải tham dự khoảng 30 buổi làm việc với nhà chức trách, và họ nói rằng nguyện vọng duy nhất của nhóm tôn giáo của họ là thờ tự một cách hòa bình.

Từ tháng 1 đến tháng 7, theo báo cáo, sức khỏe của mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính, người đang chấp hành bản án 11 năm tù về tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc”, tiếp tục suy giảm. Vợ ông Chính nghi ngờ rằng ông không nhận được thuốc men mà bà cung cấp cho nhà chức trách trại giam và nói rằng các cán bộ quản trại khuyến khích các tù nhân khác quấy nhiễu ông Chính bằng lời nói. Bà cũng báo cáo rằng công an địa phương ở Pleiku, tỉnh Gia Lai nhiều lần giam giữ, sách nhiễu và đe dọa bà trong 6 tháng đầu năm, trong đó có một lần khi các nhà ngoại giao đến thăm Pleiku vào tháng 3. Ngày 28 tháng 7, nhà chức trách đã dừng thi hành bản án của ông Chính và ông chuyển sang Mỹ sinh sống.

Ngày 1 tháng 9, nhà chức trách đã chuyển Phan Văn Thu, lãnh đạo nhóm tôn giáo Ân Đàn Đại Đạo từ nhà tù An Phước ở tỉnh Bình Dương sang Trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai, trại giam này ở gần vợ ông hơn. Ông Phan Văn Thu bị kết án tù chung thân vào năm 2013 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Thành viên các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, được gọi chung là Đề Ga (hay người Thượng) cho biết chính phủ tiếp tục giám sát, thẩm vấn, bắt bớ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với họ, một phần là do các sinh hoạt tôn giáo của họ. Các quan chức nói rằng các tín đồ đạo Thiên Chúa Đề Ga đã kích động việc ly khai bạo lực của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ năm 2001 đến năm 2008. Báo chí của nhà nước đã đăng tải những bài viết cảnh báo các cá nhân không nên theo đạo Tin lành Đề Ga.

Một số chức sắc hội thánh Tin lành và người Thượng nói rằng nhà chức trách địa phương đã thu giữ đất hoặc tài sản của họ, một phần là do tín ngưỡng tôn giáo của họ. Chính quyền cấp tỉnh thường xuyên giải tán các cuộc sinh hoạt tôn giáo tập trung và chỉ đạo các cán bộ tổ chức công khai bác bỏ đạo Thiên Chúa Đề Ga hoặc các “tín ngưỡng Thiên Chúa trái phép” khác trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Lãnh đạo và thành viên các hội thánh chưa được đăng ký này cho biết họ bị cảnh sát sách nhiễu, chẳng hạn như bị giam giữ để thẩm vấn, tiếp tục bị theo dõi chặt chẽ hơn, bị tịch thu điện thoại di động và kinh thánh. Có các báo cáo về việc sách nhiễu nghiêm trọng ở các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai, Bình Phước, Trà Vinh và Phú Yên, bên cạnh các tỉnh khác.

Theo một tổ chức phi chính phủ, trong năm qua, các lực lượng chính quyền ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đã theo dõi những người đi nhà thờ bị tình nghi của Hội thánh Tin lành Đề Ga ở thôn Pưng B, thẩm vấn họ về hoạt động tôn giáo của họ, và cáo buộc họ âm mưu vượt biên trái phép và nhận sự chỉ đạo từ các nhóm chống chính quyền ở hải ngoại. Ngày 10 tháng 2, công an tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh truy nã Ksor Y Blia, một mục sư hội thánh Đề Ga, do đã tổ chức và lãnh đạo cuộc di cư trái phép sang Thái Lan. Ngày 14 tháng 2, trưởng công an xã đã gặp Nay H Oanh, con gái của Ksor Y Blia, và theo báo cáo, đã cấm chị này ở lại Hội thánh Tin lành Đề Ga và đe dọa giam giữ nếu không tuân thủ lệnh cấm.

Theo báo cáo của một nhóm tôn giáo chưa được công nhận, ngày 12 tháng 7, các công an viên làng Ea Khit, xã Ea Bhok, huyện Cu Kuin, tỉnh Đăk Lăk, đã đem mục sư Y Joh Buon Krong ra kiểm điểm trước dân làng và buộc ông này bỏ đạo. Mục sư này là người đứng đầu Hội thánh Tin lành đấng Christ chưa được đăng ký ở Ea Khit.

Trong một số trường hợp, người Thượng nói rằng do tiếp tục bị đàn áp về xã hội và tôn giáo nên họ phải trốn chạy sang Campuchia và Thái Lan, đôi khi để xin tị nạn. Một số người xin tị nạn ở Thái Lan cho biết nhà chức trách Việt Nam ở địa phương tiếp tục sách nhiễu họ từ xa, trong đó có việc sách nhiễu thông qua mạng xã hội và sách nhiễu, hăm dọa, đôi khi còn hành hung, người thân của họ ở quê nhà.

Tại giáo họ Văn Thai, giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An, có nhiều vụ việc các cá nhân mặc thường phục sách nhiễu giáo dân và linh mục, hành hung giáo dân, phá hoại tài sản nhà thờ và tài sản của giáo dân. Trong một trường hợp, ngày 30 tháng 5, theo báo cáo, các cá nhân mặc thường phục đã bao vây nhà thờ trong một thánh lễ, xúc phạm các giáo dân, ném đá vào xe và nhà của họ, phá hỏng ban thờ. Theo báo cáo, nhà chức trách đã không ngăn lại những vụ việc nói trên.

Báo chí của nhà nước và các blog ủng hộ chính quyền tìm cách phỉ báng các linh mục tích cực giúp đỡ các nhà hoạt động và nạn nhân của thảm họa Formosa năm 2016, trong đó một nhà máy thép đã xả chất thải độc hại ra biển dẫn đến cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam. Theo báo cáo, nhà chức trách đã gây sức ép lên các linh mục giúp đỡ nạn nhân rời khỏi giáo xứ của họ. Vào đầu tháng 5, các tổ chức xã hội thuộc nhà nước như Hội Cựu chiến binh và Hội Liên hiệp phụ nữ đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục của giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An về những nỗ lực của họ trong việc giúp các nạn nhân trong thảm họa Formosa. Các blog ủng hộ chính quyền đã đăng tải nhiều bài viết chỉ trích các linh mục Công giáo, cáo buộc họ nhận tiền và “câu kết với các thế lực thù địch nhằm mục đích kích động gây rối trật tự công cộng và hoạt động chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước”. Nhà chức trách đã bắt một số nhà hoạt động Công giáo trong năm qua, các nhà hoạt động Công giáo khác đang phải trốn tránh hoặc chạy sang các nước khác để xin tị nạn.

Theo các tài khoản trên mạng xã hội, ngày 16 tháng 4, ở Tây Bắc, nhà chức trách đã ngăn không cho các linh mục tiến hành thánh lễ Phục Sinh tại một nhà thờ Công giáo tại gia ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Báo chí nhà nước cho biết chính quyền các cấp ở Tây Bắc tiếp tục khẳng định rằng đạo Dương Văn Mình là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhà chức trách nói rằng họ coi việc xóa bỏ (tư cách thành viên) đạo này là một nhiệm vụ ưu tiên.

Theo các chức sắc tôn giáo, vào tháng 1, nhà chức trách địa phương ở Chợ Mới, tỉnh An Giang đã ngăn không cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập tổ chức kỷ niệm sinh nhật nhà tiên tri Huỳnh Phú Sổ.

Ngày 6 tháng 1, nhà chức trách ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã phá bỏ một nhà đòn, công trình công cộng được sử dụng trong lễ tang của các tín đồ đạo Dương Văn Mình, ở thôn Lân Thùng, xã Phương Giao. Một cuộc đụng độ giữa chính quyền và dân làng đã nổ ra; hai công an viên địa phương bị thương. Sau vụ việc này, 7 người dân đã bị “xử phạt hành chính” do “chống người thi hành công vụ”. Báo chí không đưa tin về việc các công an viên có liên quan bị xử phạt như thế nào, nếu có.

Ngày 3 tháng 10, báo chí đưa tin rằng nhà chức trách bắt đầu truy nã blogger và cựu tù nhân lương tâm Công giáo Trần Minh Nhật, người đã được trả tự do năm 2015 sau khi chấp hành xong án phạt tù. Nhà chức trách nói rằng ông Nhật đã vi phạm án  3 năm quản chế. Ông Nhật nói rằng quyết định gần đây của tòa á cấp phúc thẩm đã xóa bỏ yêu cầu quản chế, và ông nói với báo chí rằng ông không biết về lệnh truy nã.

Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc báo cáo rằng trong năm qua, họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sinh hoạt tập trung tại các điểm nhóm truyền thống. Theo lãnh đạo của Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc, nhà chức trách địa phương ở tỉnh Thanh Hóa đã từ chối đăng ký việc tổ chức Giáng Sinh của 8 điểm nhóm ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn và Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Theo báo cáo, đây là những khu vực mà các nhóm Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc đã sinh hoạt tập trung  từ 6 đến 10 năm qua mà không có vụ việc nào xảy ra. Trong văn bản từ chối đăng ký, nhà chức trách lưu ý rằng các lần sinh hoạt tập trung trước đây là bất hợp pháp và giải thích rằng các điểm nhóm này không đáp ứng các điều kiện để tổ chức và tiến hành sinh hoạt tôn giáo tập trung – ví dụ, họ “không có người đại diện pháp lý để phối hợp với nhà chức trách trong việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo phù hợp với quy định của pháp luật” hoặc không “đáp ứng các yêu cầu về trật tự và an toàn”. Nhà chức trách kêu gọi các tín đồ sinh hoạt đạo hoặc tổ chức Giáng Sinh tại nhà riêng, nếu họ muốn.

Một số lãnh đạo tôn giáo bị hạn chế đi lại, và lãnh đạo và tín đồ của một số nhóm tôn giáo bị hạn chế di chuyển. Linh mục Công giáo Nguyễn Ngọc Nam Phong và Mục sư Thân Văn Trường của một nhóm Tin lành chưa đăng ký bị ngăn không cho xuất cảnh vì lý do “an ninh quốc gia” vào ngày 27 tháng 6 và ngày 3 tháng 10.

Ba linh mục Công giáo dòng Chúa cứu thế và một nhà sư thuộc đạo Phật báo cáo rằng họ bị hạn chế đến tham dự thánh lễ đặc biệt mừng Đức Mẹ Vô nhiễm ở tỉnh Đồng Nai vào tháng 12. Cảnh sát đã chặn lại và đánh đập các linh mục Anthony Lê Ngọc Thanh, Paul Lê Xuân Lộc, và Joseph Trương Hoàng Vũ khi họ đang trên đường đến dự thánh lễ. Cảnh sát giam giữ ba linh mục trong ba giờ trước khi thả họ ra. Theo báo cáo, Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, người được mời đến dự thánh lễ, đã bị ngăn không cho rời khỏi nhà vào dịp này và nhiều lần khác trong năm. Khi ông được ra khỏi nhà, ông bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi sát sao.

Vào tháng 3, tháng 4 và tháng 6, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập và các nhà hoạt động cho biết nhà chức trách địa phương, công an và những người được nghi là cảnh sát mặc thường phục ở một số tỉnh, bao gồm An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ đã lập ra các trạm kiểm soát để theo dõi và ngăn không cho họ đến chùa Quang Minh, ngôi chùa mà chính quyền nói rằng chưa được đăng ký, để tham dự một lễ kỷ niệm tôn giáo lớn. Theo báo cáo, nhà chức trách địa phương nói rằng chính phủ sẽ không cho phép các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tổ chức các lễ kỷ niệm liên quan đến cuộc đời của nhà tiên tri Huỳnh Phú Sổ. Một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo chưa đăng ký nói rằng tài khoản Facebook của họ đã bị khóa.

Cũng như các năm trước, đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ báo cáo rằng nhà chức trách chỉ cho phép ông rời Thanh Minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra sức khỏe hàng quý. Các lãnh đạo khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho biết chính phủ tiếp tục theo dõi hoạt động và hạn chế việc đi lại của họ, mặc dù họ có thể gặp một số nhà ngoại giao nước ngoài, đến thăm các thành viên khác của Giáo hội và giữ liên lạc với các cộng sự ở hải ngoại. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Lê Công Cầu cho biết công an địa phương đã thẩm vấn ông một vài lần do cáo buộc ông “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Ông cũng nói rằng ngày 14 tháng 5, công an địa phương ở Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ngăn không cho ông rời khỏi nhà. Ông Cầu tuyệt thực từ ngày 15 đến 22 tháng 5 để phản đối việc nhà chức trách ngăn không cho ông đến thăm Thích Quảng Độ. Ngày 11 tháng 9, một cán bộ công an đã ngăn cản một nhà ngoại giao nước ngoài đến gặp ông Cầu tại nhà riêng của ông.

Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, nhà chức trách đã thẩm vấn và đe dọa giam giữ Ngô Đức Tiến và Nguyễn Văn Đệ, hai nhà lãnh đạo của phong trào Thanh niên phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và gây sức ép buộc họ từ bỏ tư cách thành viên của Giáo hội. Hai nhà lãnh đạo trẻ này từ chối ký vào văn bản thừa nhận họ có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Ngày 31 tháng 10, sau khi ni cô Đàm Thoa đến thăm thầy Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo báo cáo, nhà chức trách đã dẫn giải bà đến sân bay ở thành phố Hồ Chí Minh và đưa bà lên máy bay trở về nhà ở tỉnh Bắc Giang, tại đây, nhà chức trách địa phương đã gặp và giữ bà tại một ngôi chùa trong 13 ngày mà chỉ cung cấp rất ít thức ăn và không có nhà vệ sinh. Bà được thả ngày 13 tháng 11 sau khi các cuộc họp của Tuần lễ Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương kết thúc ở Đà Nẵng và các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Hà Nội.

Ngày 19 tháng 7, theo báo cáo, nhà chức trách địa phương ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ngăn cản một số người tham dự lễ tưởng niệm ở chùa Phước Bửu để vinh danh Đại đức Thích Minh Tuệ và đe dọa bắt những người tham dự. Chùa Phước Bửu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Một tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng các công an viên đã xâm nhập vào chùa từ đêm trước buổi lễ và các đặc vụ mặc thường phục được nghi là có liên hệ với nhà chức trách địa phương đã phóng xe máy xuyên qua những người dự lễ, đồng thời chửi mắng các thành viên của giáo đoàn. Sáng hôm sau, theo báo cáo, khoảng 20 công an viên đã trực sẵn bên ngoài ngôi chùa và thẩm vấn tất cả những người đến dự buổi lễ, ghi lại thông tin biển số xe, chụp ảnh và quay video. Nhà chức trách cũng ghi lại thông tin tương tự trong một buổi lễ ở ngôi chùa này vào ngày 5 tháng 9. Ngày 27 tháng 12, nhà chức trách địa phương bắt đầu xây một mương nhỏ ở trước cổng chùa, ngăn cản các hoạt động tôn giáo của chùa và ngăn không cho các tín đồ đến lễ chùa.

Ngày 13 tháng 1, các cá nhân đeo mặt nạ, được cho là công an, đã phá rối lễ tất niên của Chùa An Cư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Đà Nẵng, đánh đập các tín đồ, thu giữ điện thoại di động và bắt dừng buổi lễ. Những người khác đã phong tỏa các con đường dẫn đến chùa để ngăn không cho các tín đồ vào chùa.

Ngày 27 tháng 7, một tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng 5 cán bộ xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đã dùng lời lẽ sách nhiễu các tín đồ ở Thánh thất Nam Hoài Nhơn thuộc Hội thánh Cao Đài độc lập khi họ đang chuẩn bị cho nghi lễ thường kỳ. Theo báo chí đưa tin, vào tháng 3, nhà chức trách tỉnh Đồng Tháp đã sách nhiễu một nhóm tín đồ đạo Cao Đài ở huyện  Tam Nông và lấy thánh thất của họ để bàn giao cho một nhóm Cao Đài đã được công nhận chính thức sử dụng. Theo lời các tín đồ độc lập nói với báo chí, nhà chức trách của xã, huyện và tỉnh tìm cách buộc các tín đồ đạo Cao Đài độc lập tham gia nhóm Cao Đài đã được công nhận.

Theo báo cáo, các chức sắc đạo Cao Đài đã đăng ký không gặp những khó khăn tương tự như các chức sắc đạo Cao Đài độc lập. Báo chí đưa tin đạo Cao Đài đã đăng ký tổ chức các lễ hội mà không có trở ngại nào.

Vào tháng 7, theo báo cáo, cảnh sát và nhà chức trách địa phương ở Huế đã sách nhiễu, hăm dọa và  ngăn chặn các thành viên của Phong trào Thanh niên Phật giáo khi họ tổ chức trại hè thường niên của phong trào này ở Huế.

Ngày 28 tháng 6, các linh mục, blogger và các nhà hoạt động cho biết khoảng 100 người được nghi là cảnh sát mặc thường phục ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xông vào Đan viện Công giáo Thiên An. Những người này đã giật đổ cây thánh giá và đập vỡ tượng Chúa. Theo báo cáo, nhà chức trách cố gắng gây sức ép buộc Đan viện giao đất để thực hiện một dự án du lịch. Ngày 12 tháng 7, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã gặp các tu sĩ thuộc Đan viện và giới chức Tổng giáo phận Huế để nỗ lực giải quyết tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm qua. Cuộc họp dài 5 giờ đồng hồ này đánh dấu buổi làm việc chính thức đầu tiên giữa Đan viện và chính quyền cấp tỉnh. Mặc dù tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, song hai bên đều khẳng định rằng họ sẵn sàng đối thoại. Sau cuộc họp này, các  đan sĩ cho biết việc làm đường của nhà chức trách ở Huế đã gây mất nước ở Đan viện. Theo mạng xã hội và Đài châu Á Tự do, ngày 23 tháng 12, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế gửi một văn bản cho lãnh đạo Dòng Thánh Biển Đức ở cả Roma và Việt Nam, cáo buộc Linh mục Nguyễn Văn Đức, Bề trên Đan viện Thiên An, về việc tổ chức các hoạt động bất hợp pháp, coi thường pháp luật Việt Nam, và không tôn trọng nhà chức trách địa phương và nhân dân. Theo đó, Ủy ban nhân dân đề nghị các chức sắc Dòng Thánh Biển Đức cách chức Linh mục Đức khỏi chức vụ Bề trên Đan viện Thiên An và thuyên chuyển ông ra khỏi địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Nhiều nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được chính phủ công nhận ủng hộ các nhà hoạt động đòi quyền lợi về đất đai hoặc lên tiếng về tình trạng tham nhũng được nghi là tồn tại trong tổ chức này cho biết nhà chức trách địa phương tiếp tục sách nhiễu họ và các tăng ni tại các chùa của họ ở tỉnh Bắc Giang, Hà Nam và Hà Nội. Họ nói rằng việc sách nhiễu bao gồm các hành động hăm dọa tăng ni, dùng vũ lực đuổi các tu sĩ ra khỏi chùa, cảnh sát mặc thường phục xông vào chùa, phá hủy tài sản của nhà chùa và lấy trộm tiền công đức của dân làng.

Linh mục Công giáo Phan Văn Lợi ở Huế cho biết các cán bộ công an tiếp tục theo dõi sát sao những người đến thăm nhà ông và giám sát việc liên lạc của ông. Năm 2016, ông Lợi từng nói rằng nhà chức trách có những hành động này để trả đũa cho hoạt động vận động nhân quyền và tự do tôn giáo của ông.

Trong năm qua, những người thực hành Pháp Luân Công báo cáo rằng họ bị nhà chức trách ở nhiều tỉnh sách nhiễu, bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Quảng Ngãi, Huế, và Hà Nội. Việc sách nhiễu diễn ra dưới hình thức nhà chức trách địa phương yêu cầu họ rời khỏi các công viên nơi họ đã từng sinh hoạt tập trung và các cá nhân bật nhạc lớn và ném các thứ như nước mắm vào họ ở những nơi công cộng.

Mục sư hệ phái Tin lành Mennonite Nguyễn Hồng Quang báo cáo rằng những người được nghi là cán bộ an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh đã vài lần ném đá, rác và trứng thối vào các nhà thờ Tin lành và nhà riêng của ông Quang.

Các mục sư hệ phái Tin lành Mennonite của các hội thánh chưa đăng ký ở thành phố Hồ Chí Minh báo cáo rằng trong năm qua, công an, nhà chức trách địa phương và những người được nghi là cảnh sát mặc thường phục đã theo dõi, hăm dọa và sách nhiễu các chức sắc hội thánh và tín đồ.

Cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký đều cho biết các cơ quan nhà nước đôi khi không trả lời hồ sơ đăng ký hoặc đề nghị chấp thuận hoạt động tôn giáo trong đúng thời hạn do luật quy định, nếu có trả lời, và thường không nêu rõ lý do từ chối hồ sơ. Một số nhóm báo cáo rằng họ khiếu nại thành công quyết định của địa phương lên cấp cao hơn thông qua các kênh không chính thức. Một số chức sắc tôn giáo cho biết nhà chức trách đôi khi đòi quà hối lộ để chấp thuận hồ sơ dễ hơn. Một số nhóm nói rằng trong năm qua, nhà chức trách địa phương từ chối xem xét hồ sơ đăng ký do chờ văn bản hướng dẫn theo luật mới. Các nhà chức trách thường giải thích việc trì hoãn và từ chối là do người nộp hồ sơ không khai đúng các mẫu hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin. Chính quyền địa phương cũng thường nêu ra các quan ngại chung chung về an ninh, như mất ổn định chính trị hoặc tiềm ẩn khả năng xung đột giữa các tín đồ của các đạo truyền thống hoặc của dân tộc đã tồn tại lâu đời với các hệ phái Thiên Chúa giáo mới. Một số hội thánh Tin lành tại gia cho biết chính quyền địa phương đã sử dụng các Linh mục hệ phái Tin lành Mennonite Nguyễn Hồng Quang cho biết nhà chức trách địa phương ở Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục từ chối hồ sơ đăng ký giáo đoàn của ông mà không giải thích rõ lý do. Các chức sắc Công Theo báo cáo, chính quyền địa phương ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục gây sức ép buộc các chi hội nhỏ thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Nam, một số chi hội chỉ có khoảng 100 tín đồ, phải sáp nhập với nhau thành các nhóm lớn hơn lên đến 1.500 người để có thể đăng ký chính thức. Các lãnh đạo hội thánh tiếp tục nói rằng yêu cầu trên là không hợp lý, cho rằng nhiều chi hội có tín đồ là các nhóm dân tộc thiểu số với ngôn ngữ riêng và các hoạt động thờ cúng khác biệt. Địa hình đồi núi và cơ sở hạ tầng thiếu thốn ở vùng cao nguyên nông thôn đã khiến cho nhiều hội thánh trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Nam không đủ số lượng tín đồ tối thiểu theo quy định để đăng ký ở địa phương.

Một số nhóm Tin lành đã đăng ký và chưa đăng ký tiếp tục báo cáo rằng nhà chức trách địa phương, đặc biệt là ở Tây Nguyên, tiếp tục gây sức ép buộc các chi hội mới phải liên kết với các chi hội hiện có hoặc với các hệ phái khác đã hoạt động lâu hơn. Các mục sư nói rằng thực tiễn này rất phổ biến trong các làng dân tộc thiểu số ở các tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Theo nhiều giám mục Công giáo, các giáo xứ ở vùng sâu vùng xa với đa số giáo dân là người dân tộc thiểu số tiếp tục gặp khó khăn trong việc đăng ký với chính quyền cấp tỉnh, và vấp phải sự thực thi pháp luật không đồng đều, thiếu nhất quán và thiếu trách nhiệm của chính quyền tỉnh. Các chức sắc Công giáo tiếp tục khẳng định các khu vực thường gặp phải những vấn đề khó khăn nhất là Tây Nguyên (các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng), Tây Bắc và tỉnh Hòa Bình.

Một số nhóm Phật giáo, Tin lành và Cao Đài không thuộc một tổ chức tôn giáo đã được công nhận hoặc đăng ký nào và cũng không làm thủ tục đăng ký hay đề nghị công nhận. Các nhóm Phật giáo, Cao Đài và Thiên Chúa giáo chưa đăng ký, trong đó có thành viên của Hội đồng Liên Tôn, tiếp tục báo cáo thường xuyên rằng một số nhà chức trách cấp tỉnh lợi dụng các quy định pháp luật về đăng ký ở địa phương để gây sức ép, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, sách nhiễu và hành hung họ, làm nản lòng các tín đồ của họ trong việc tham gia vào các nhóm trên.

Ban TGCP báo cáo rằng tính đến ngày 30/10, chính quyền cấp tỉnh ở miền Bắc đã công nhận 8 tổ chức tôn giáo cơ sở mới và chính quyền địa phương đã cấp đăng ký cho 655 điểm nhóm của các hội thánh trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc, một trong hai hội thánh Tin lành lớn nhất. Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc nói rằng chính quyền cấp tỉnh đã công nhận 6 hội thánh địa phương ở miền Bắc trong năm qua. Ở miền Nam không có con số thống kê về vấn đề này.

Các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là thành viên của các tổ chức chưa làm thủ tục đăng ký hoặc chưa được cấp đăng ký, tiếp tục báo cáo họ bị các cán bộ an ninh địa phương đe dọa về việc tham dự các nghi lễ tôn giáo.

Chiến sĩ trong quân đội không được phép đọc kinh thánh hoặc thực hành nghi lễ tôn giáo vào bất kỳ thời gian nào khi đang làm nhiệm vụ; họ phải xin nghỉ phép để thực hiện các hoạt động trên, theo báo cáo của các chuyên gia về tự do tôn giáo. Năm 2015, Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo đã gửi đơn đến chính phủ đề nghị cho phép các chiến sĩ được đến nhà thờ trong thời gian làm nhiệm vụ; tuy nhiên, Hội này vẫn chưa nhận được câu trả lời. Theo báo cáo của các chuyên gia, không có quy định rõ ràng về sinh hoạt tôn giáo trong quân đội, trong khi cá nhân người chỉ huy đơn vị có quyền hạn rất lớn.

Trong một số trường hợp, chính quyền tiếp tục từ chối không cho một số tù nhân và người bị tạm giam quyền cầu nguyện. Theo báo cáo, các quản giáo ở trại tạm giam tỉnh Khánh Hòa không cho phép tù nhân Công giáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tiếp cận kinh thánh. Các quản giáo ở trại giam Nam Hà, Phủ Lý, tỉnh Hà Nam từ chối không cho phép một linh mục đến thăm tù nhân Công giáo Hồ Đức Hòa, theo nguồn tin từ gia đình ông Hòa. Các tù nhân khác tiếp tục báo cáo rằng họ được phép đọc kinh thánh và thực hành tín ngưỡng khi đang bị giam giữ.

Ngày 22 tháng 10, cộng đồng Bahai tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm thành lập ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mà không có sự can thiệp nào của chính quyền.

Chính quyền trung ương và địa phương cho phép lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành Cải chính diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vào tháng 11 và tháng 12 với hàng chục nghìn người tham dự. Nhà chức trách cho phép một chức sắc tôn giáo nước ngoài lãnh đạo các lễ kỷ niệm ở Hà Nội.

Một mục sư cấp cao của Hội thánh Tin lành Trưởng lão báo cáo rằng chính quyền địa phương không cho phép hội thánh tổ chức trại hè cho trẻ em ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, và yêu cầu một số thành viên không được cầu nguyện ở các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đăk Lăk và Đăk Nông.

Ngày 16 tháng 2, chính quyền ngăn cản Cha Leopoldo Girelli, vào thời điểm đó là đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, chủ trì thánh lễ Tạ ơn mừng Chân phước Jean Baptiste Malo, người được Giáo hội Công giáo công nhận là một vị tử đạo, ở giáo xứ Vĩnh Hội, huyện Ngàn Sâu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Mặc dù pháp luật cấm xuất bản tất cả các tài liệu, bao gồm tài liệu tôn giáo, mà không được chính phủ phê duyệt, trên thực tế, một số nhà xuất bản tư nhân không được cấp phép vẫn tiếp tục in ấn và phát hành không chính thức các kinh sách tôn giáo mà không bị chính phủ can thiệp.

Vào cuối năm, Hòa thượng Thích Không Tánh và các nhà sư chùa Liên Trì, ngôi chùa bị chính quyền cấp huyện ở thành phố Hồ Chí Minh phá bỏ năm 2016, vẫn đang sống ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố. Ông Tánh cho biết chính quyền địa phương từ chối cung cấp bất kỳ địa điểm nào khác để xây lại chùa ngoài một địa điểm mà trước đây chính quyền đã đề nghị ở khu vực Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông Tánh cho rằng địa điểm này là không phù hợp.

Các cuộc thảo luận về di dời địa điểm giữa nhà chức trách và lãnh đạo của Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm vẫn tiếp diễn vào cuối năm.

Dòng nữ tu Thánh Phaolo thành Chartres ở Hà Nội cho biết một công ty phát triển nhà ở địa phương muốn xây dựng một khu chung cư, sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các quan chức thành phố cấp không đúng trên đất tu viện bị chính quyền thu hồi năm 1954. Bất chấp quyết định của chính quyền dừng việc xây dựng vào tháng 7 năm 2016 do bị phản đối, công trình lại được tiếp tục vào tháng 1 năm 2017.

Chính phủ tiếp tục hạn chế số lượng chủng sinh tại các chủng viện Công giáo và Tin lành ở mức mà theo lãnh đạo các hội thánh là không đủ đáp ứng nhu cầu.

Các nhóm Công giáo, Tin lành, đạo Hồi, Baha’i và đạo Phật được phép đào tạo tôn giáo cho các tín đồ tại cơ sở của họ. Học sinh tiếp tục tham gia các khóa tu mùa hè, giảng dạy về triết lý Phật giáo cơ bản, được tổ chức ở các chùa trên cả nước.

Các nhóm Tin lành và Công giáo tiếp tục báo cáo rằng những hạn chế về mặt pháp luật và thiếu quy định pháp lý rõ ràng về việc vận hành các cơ sở y tế và giáo dục của tôn giáo đã khiến cho họ phải thận trọng khi có ý định mở các bệnh viện và các trường học của giáo xứ, mặc dù các phát ngôn của chính phủ đều thể hiện sự hoan nghênh các nhóm tôn giáo mở rộng việc tham gia vào các hoạt động y tế, giáo dục và từ thiện. Các đại diện Công giáo nói rằng chính phủ từ chối trao trả các bệnh viện, phòng khám và trường học đã thu giữ của Giáo hội Công giáo trong những thập kỷ qua. Ngày 19 tháng 7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phê chuẩn việc nâng cấp trường dạy nghề Hòa Bình do Giáo phận Xuân Lộc, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai sở hữu và vận hành. Đa số các cơ sở giáo dục do các nhóm tôn giáo sở hữu và vận hành vẫn là các nhà trẻ và trường mẫu giáo.

Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương cho phép các tổ chức tôn giáo cung cấp các dịch vụ xã hội. Ví dụ, ở Hà Nội, các quan chức thành phố tiếp tục cho phép các hội thánh Tin lành tại gia vận hành các trung tâm cai nghiện ma túy; tuy nhiên, một hội thánh Tin lành ở Quốc Oai vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động, theo lời của lãnh đạo hội thánh.

Hầu hết các đại diện của các nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng việc là thành viên của một nhóm tôn giáo đã đăng ký nhìn chung không gây bất lợi nghiêm trọng cho các cá nhân trong đời sống dân sự, kinh tế và thế tục ngoài nhà nước, nhưng việc là thành viên của một nhóm tôn giáo chưa đăng ký thì gặp bất lợi hơn. Nhiều người theo các tôn giáo đã đăng ký khác nhau giữ các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và có đại diện trong Quốc hội. Nhiều tổ chức tôn giáo đã được công nhận trên toàn quốc như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như các chức sắc và tín đồ tôn giáo khác, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tập hợp các tổ chức gắn với chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các quan chức chính phủ cấp cao gửi thiệp chúc mừng và đến thăm các nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh và tham dự các hoạt động của Đại lễ Phật đản Vesak kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Lý lịch chính thức của bốn nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đều ghi rằng họ không theo một tôn giáo nào.

Mặc dù các tín đồ Công giáo và Tin lành có thể phục vụ trong quân đội (bao gồm cả trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự ngắn hạn), các sĩ quan không được phép là tín đồ tôn giáo. Các tín đồ tôn giáo thường bị loại ra trong quá trình tuyển mộ tân binh.

Sự đối xử của chính quyền đối với người nước ngoài mong muốn cầu nguyện hoặc truyền đạo có sự khác biệt trong thực tiễn giữa địa phương này với địa phương khác. Nhìn chung, người nước ngoài có thể gặp gỡ các tín đồ và tiến hành các nghi lễ tôn giáo; tuy nhiên, một nhóm tôn giáo đã được công nhận bày tỏ quan ngại về khó khăn trong việc xin thị thực nhập cảnh phù hợp (vì mục đích tôn giáo) cho các nhân viên tôn giáo của họ. Các quan chức thành phố cho phép nhiều giáo đoàn nước ngoài gặp gỡ và xét duyệt hồ sơ xin nhập cảnh chính thức cho hai nhóm Tin lành nước ngoài. Một số giáo đoàn nước ngoài có thể thực hiện hoạt động từ thiện nhưng không được cho phép một cách chính thức.

Trong năm qua, chính quyền đã dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với một số chức sắc tôn giáo. Nhà chức trách cho phép Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến Đà Nẵng và Huế, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông trong một thập kỷ qua.

Trong năm qua, nhiều quan chức chính phủ cấp cao và quan chức chính quyền cấp tỉnh khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn tôn trọng tự do tôn giáo của công dân và chỉ trích rằng các báo cáo về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo và hạn chế đi lại là không chính xác. Chính phủ nói rằng họ tiếp tục giám sát hoạt động của một số nhóm tôn giáo do các nhóm này có hoạt động vận động chính trị và viện dẫn các điều khoản về an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc trong hiến pháp và bộ luật hình sự để không tuân theo các luật và quy định về tự do tôn giáo. Ví dụ, hành động của chính phủ như cản trở một số cuộc sinh hoạt tôn giáo tập trung và ngăn cản nỗ lực truyền đạo của các nhóm tôn giáo cho một số nhóm người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới được cho là nhạy cảm, bao gồm khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều lãnh đạo tôn giáo bày tỏ thái độ chờ đợi và xem xét tình hình đối với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Các lãnh đạo tôn giáo và các chuyên gia nhấn mạnh rằng hai nghị định hướng dẫn thi hành và thực tiễn thi hành luật mới, nhất là ở cấp địa phương, có ý nghĩa rất quan trọng. Một số nhóm tôn giáo và chuyên gia tiếp tục khẳng định luật mới là một bước tiến về tự do tôn giáo trong một số lĩnh vực nhất định. Một số nhóm tôn giáo và chuyên gia lại bày tỏ quan ngại rằng cách quy định mang tính cụ thể hơn của luật và quy trình đăng ký có thể khiến cho các hoạt động tôn giáo, bao gồm đăng ký địa điểm hội họp và chức việc, mở rộng hoạt động và truyền đạo, trở nên khó khăn hơn. Một số lãnh đạo tôn giáo và tổ chức phi chính phủ cho biết họ tin rằng luật mới sẽ khiến cho việc đăng ký các nhóm tôn giáo mới khó khăn hơn, trong khi những người khác lại nói rằng luật mới sẽ tạo điều kiện  thuận lợi hơn cho việc đăng ký của họ. Nhiều nhóm tôn giáo hoan nghênh các quy định giảm thời gian chờ để một nhóm tôn giáo đã đăng ký được công nhận từ 23 năm xuống còn 5 năm. Các nhóm tôn giáo và chuyên gia bày tỏ quan ngại về mức phạt tiền trong dự thảo nghị định về xử phạt hành vi vi phạm, họ nói rằng mức phạt tiền này có thể đặc biệt khó khăn cho các nhà thờ tại gia và các nhóm tôn giáo nhỏ khác. Các chuyên gia nói rằng việc thừa nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo là một bước tiến tích cực về tự do tôn giáo. Lãnh đạo các hội thánh ở hải ngoại nói rằng họ đánh giá cao các quy định mới cho phép họ đăng ký các giáo đoàn.

Các chức sắc tôn giáo và giới nghiên cứu nói rằng luật mới đã đưa vào khung pháp lý của Việt Nam những hạn chế đáng kể và sự kiểm soát mang tính quan liêu đối với hoạt động tôn giáo. Nhiều chức sắc tôn giáo bày tỏ quan ngại rằng luật mới tiếp tục trao quyền hạn đáng kể cho chính quyền trong việc chấp thuận hoặc từ chối nhiều loại hồ sơ đề nghị. Một số nguồn tin tôn giáo tiếp tục nói rằng luật mới không phải được ban hành để bảo vệ tự do tôn giáo mà để thể chế hóa các quy định của Đảng Cộng sản. Các lãnh đạo  tôn giáo tiếp tục lưu ý rằng các luật và quy định hiện hành về giáo dục, y tế, xuất bản và xây dựng vẫn còn hạn chế đối với các nhóm tôn giáo và cần được sửa đổi để cho phép các nhóm tôn giáo có tự do lớn hơn trong việc thực hiện các hoạt động nói trên trong thực tiễn. Một số lãnh đạotôn giáo và nhà nghiên cứu nói rằng định nghĩa về tôn giáo của luật mới không thống nhất với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Các nhóm này cũng nói rằng luật nên cho phép các tổ chức tôn giáo tiến hành các hoạt động mà không cần sự chấp thuận của chính quyền.

Phần III. Tình hình tôn trọng tự do tôn giáo của xã hội

Ngày 4 tháng 9, theo truyền thông đưa tin, một nhóm gồm khoảng 10 cá nhân có vũ trang đã phá rối một thánh lễ ở nhà thờ giáo xứ Thọ Hòa, tỉnh Đồng Nai để chất vấn linh mục về một bài viết ông đăng trên Facebook kêu gọi cải cách chính trị. Theo báo cáo của các chức sắc Công giáo, các cán bộ công an đã xử phạt những người có trách nhiệm, mặc dù linh mục giáo xứ nói rằng ban đầu nhà chức trách không có phản ứng gì đối với nhà thờ và tỏ ra thông cảm với những người đã phá thánh lễ.

Có một số vụ việc sách nhiễu giáo dân bởi Hội Cờ đỏ, một nhóm ủng hộ chính quyền. Vào các ngày 29 và 30 tháng 10, vài trăm thành viên của hội này đã tập trung tại giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An và bên ngoài trụ sở ủy ban nhân dân xã Diễn Mỹ, Nghệ An để bài bác các giáo dân. Theo báo cáo, hai linh mục Công giáo ở giáo phận Vinh đã đến Diễn Mỹ theo lời mời của lãnh đạo địa phương để thảo luận về vụ sách nhiễu của Hội Cờ đỏ đối với giáo dân. Các linh mục bị hội này bao vây khi họ cố gắng rời cuộc họp. Theo báo cáo, các cuộc đụng độ giữa hội này và giáo dân đã chuyển thành bạo lực vào ngày 17 tháng 12 liên quan đến việc xây một nhà nguyện ở giáo phận Vinh, theo báo chí nhà nước và các giáo dân. Báo chí nhà nước đưa tin các giáo dân đã hành hung cảnh sát, trong khi mạng xã hội và các nguồn khác đưa tin rằng các cá nhân mặc thường phục đã hành hung giáo dân dưới sự chỉ đạo của nhà chức trách địa phương.

Học viện Công giáo tiếp tục gặp chính quyền thành phố tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận thành phố Chí Minh ở gần Đại Chủng viện Thánh Giuse để thảo luận về việc xác định một địa điểm cố định phù hợp của học viện. Địa điểm hiện tại đã hạn chế khả năng của học viện trong việc tiếp nhận học viên mới bởi số lượng học viên đăng ký vượt quá sức chứa của địa điểm này.

Các linh mục Công giáo ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục giúp đỡ tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn và chỉ trích một công ty thép quốc tế gây ra cá chết và ô nhiễm ven biển một số tỉnh khu vực miền Trung. Các linh mục cũng giúp giáo dân làm đơn khiếu nại và khởi kiện chính quyền đòi bồi thường thiệt hại về tài chính.

Phần IV. Chính sách và sự tham gia của chính phủ Hoa Kỳ

Vào tháng 1, Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm và Đại sứ Hoa Kỳ đã gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao của Việt Nam và kêu gọi tiếp tục cải thiện tự do tôn giáo. Các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam đã bày tỏ những quan ngại trọng tâm về tự do tôn giáo trong các cuộc gặp của họ với các quan chức chính phủ và đại diện xã hội dân sự. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động đã thảo luận các quan ngại về tự do tôn giáo với các quan chức chính phủ Việt Nam tại cuộc Đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam vào tháng 5. Trong cùng chuyến thăm này, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng cũng đã gặp nhiều nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký. Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế đã đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1 để thảo luận về tự do tôn giáo với các quan chức địa phương và với nhiều nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký. Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã gửi cho các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam bản khuyến nghị sửa đổi dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để các nghị định này phù hợp với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ tự do tôn giáo.

Đại sứ Hoa Kỳ và các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã đề nghị chính quyền cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các hội thánh Tin lành và Công giáo tại gia, và các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập; đề nghị cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận và đã đăng ký được hưởng nhiều tự do hơn; và đề nghị chấm dứt những hạn chế đối với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký. Các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã nêu ra các vụ việc cụ thể, bao gồm cái chết của thành viên các nhóm tôn giáo trong khi bị giam giữ, cũng như các vụ chính quyền sách nhiễu các nhóm Công giáo, Tin lành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhóm Hòa Hảo độc lập, đạo Dương Văn Mình, các nhà thờ tại gia của người dân tộc thiểu số, với Ban TGCP, Bộ Ngoại giao, chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đề nghị tăng cường việc cấp đăng ký cho các giáo đoàn trên cả nước và cải thiện chính sách đăng ký sao cho thống nhất và minh bạch hơn, bao gồm việc đăng ký các sự kiện công cộng lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 500 năm Tin lành Cải chính. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam giải quyết các tranh chấp đất đai còn tồn đọng với các tổ chức tôn giáo một cách hòa bình.

Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo với nhiều quan chức chính phủ và nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, Ban TGCP, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, và các cơ quan khác ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Đại sứ Hoa Kỳ và các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán đã gặp các chức sắc tôn giáo của cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký và tham dự các cuộc lễ tôn giáo để thể hiện sự ủng hộ đối với tự do tôn giáo. Các viên chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán ở mọi cấp bậc đã có các chuyến công tác đến các địa phương trên cả nước, trong đó có Tây Bắc và Tây Nguyên, để theo dõi tự do tôn giáo, gặp gỡ các chức sắc tôn giáo, và nhấn mạnh với các quan chức chính phủ rằng sự tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền có vai trò cốt yếu để cải thiện quan hệ song phương. Các đại diện của đại sứ quán và tổng lãnh sự quán giữ mối liên hệ thường xuyên với nhiều chức sắc của các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, đã đăng ký và chưa đăng ký.

Từ khóa » Xóa Bỏ Sự Kỳ Thị Tôn Giáo