Nên Rũ Bỏ Sự Kỳ Thị! - Cổng Tri Thức Thánh Gióng

Từ tập quán sinh hoạt, vệ sinh phòng dịch được chú trọng tối đa, những lao xao nơi này nơi kia về đủ thứ chuyện xoay quanh cách ly, ánh mắt lo âu về một ca nào đó vừa mới xét nghiệm cho kết quả dương tính, việc liên quan đến nhập cảnh xuất cảnh, sự hốt hoảng đi kèm với đau xót hàng đêm của cả hàng chục triệu người khi ngồi trước màn hình ti vi, điện thoại, máy tính theo dõi sự hoành hành của SARS-CoV-2 trên khắp thế giới...

Trong rất nhiều sự xoay chuyển thay đổi từng ngày từng giờ ấy, tôi đặc biệt quan tâm đến một vấn đề rất nhiều người bàn luận trên đủ thứ các diễn đàn. Đó là sự kỳ thị! Bởi chưa bao giờ vấn đề này thể hiện ở nhiều nơi như vậy. Từ một hành vi của một người, một nhóm, một cộng đồng dân cư, và cao hơn là đã nâng tầm trong phạm vi một quốc gia, thậm chí nơi này nơi nọ còn tạo ra những xung đột kỳ thị giữa quốc gia này với quốc gia khác.

Tỉnh táo để suy nghĩ

Sự kỳ thị dù ở mức nào, khi đọc cũng đem lại cảm giác buồn bã, có khi ở một số người đã bộc phát trạng thái phẫn nộ. Dịch bệnh, nhìn ở khía cạnh kỳ thị đã xóa nhòa đi ranh giới tốt đẹp của sự chan hòa, thân ái. Và trước sinh mệnh của con người, những chiếc barie ngăn chặn được lập ra, lúc này không chỉ ở những khu vực phong tỏa, cách ly về thân thể để ngăn ngừa dịch bệnh, mà nó đã trở thành rào cản về quan điểm tự trong trí não mỗi người. Với cách nhìn về một sự việc, không ít “trường phái”, không ít dòng-trạng - thái cho rằng mình thuộc phía chủ lưu để bình luận cay độc, phê phán, câu móc quan điểm của một nhóm khác. Sự tranh cãi bất tận ấy, đã khiến cho con người tự phân ra cái gọi là “trào lưu” khác nhau, mà họ cho rằng ấy là “chính kiến” của nhóm mình, giữa mùa dịch bệnh.

Một định nghĩa về sự kỳ thị, được nhiều người công nhận, đó là sự phân biệt đối xử, là một thuật ngữ mang tính xã hội học, nhằm chỉ tới một sự đối xử đối với một cá nhân hay một nhóm nhất định dựa vào sự phân loại tầng lớp hay đẳng cấp. Phân biệt đối xử thực tế là một hành vi, định kiến đối với một nhóm khác. Đặc biệt, trong đó có dẫn một câu giải thích xem như “tuyên ngôn” rất sắc bén của Liên hiệp quốc, với ám chỉ rộng ra khi đặt vấn đề này mang tính toàn cầu: “Những hành vi phân biệt đối xử có nhiều hình thức, nhưng tất cả chúng đều có liên quan đến một số hình thức loại trừ và từ chối”.

Vậy thì, khi một người hay một nhóm người nào đó có cách ứng xử mang tính kỳ thị, thì xin hãy tỉnh táo để nghĩ suy và hành động: thay vì kỳ thị, nên tìm cách nào đó giúp đỡ nhau trong khả năng có thể, để hóa giải tình thế tạm thời lúc này, để cùng nhau vui hơn, lạc quan hơn chống lại dịch bệnh. Hoặc ngược lại, đối với một người (hay một nhóm người nào đó) có ý thức cho rằng mình đang bị kỳ thị, cũng xin hãy bình tâm nhìn nhận và thông cảm, nỗ lực hơn nữa, “bắt tay” nhau vì mình và vì đồng loại, chứ không nên phẫn uất, mặc cảm để rồi tạo ra những hố sâu chia rẽ, khiến cho cộng đồng suy yếu đi, giữa lúc đang rất cần sức mạnh đề kháng để chống dịch.

Viết đến đây, bỗng dưng lại nhớ những bài hát cất lên từ miệng hàng vạn người ở nhiều quốc gia để động viên nhau bình tâm chống dịch; những tiếng hô vang giữa chiều chạng vạng và nhìn nhau với ánh mắt sẻ chia; tiếng vỗ tay đồng loạt tôn vinh những bác sĩ, y sĩ và gọi họ là những anh hùng nơi tuyến đầu nguy hiểm…

Tôi tự hỏi, đến lúc nào đó khi “tỉnh” lại, lúc những khó khăn do dịch bệnh đã qua, người ta liệu có tự vấn về cách mình hành xử lúc này? Và điều ấy có tạo nên một sự thay đổi với trạng thái tình cảm tích cực hơn giữa người với người hay không? Xin đừng “loại trừ” và “từ chối” nhau bởi sự kỳ thị, hay “cố thủ” với những mặc cảm về sự kỳ thị!

*Bài viết thể hiện văn phòng và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.HCM.

Theo TNO

Từ khóa » Xóa Bỏ Sự Kỳ Thị Tôn Giáo