Báo Chí Cách Mạng Việt Nam 97 Năm đồng Hành Cùng Dân Tộc

Ngược dòng lịch sử

Xuyên suốt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước cũng như chuẩn bị thành lập Đảng để lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc những quan điểm của V.I. Lênin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”. “Báo chí là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung, người lãnh đạo chung”. 

Cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc xuất bản một tờ báo chính trị, đồng thời mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú để làm nòng cốt cho cách mạng sau này. Kể từ khi tờ Thanh niên ra đời, đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng và hai tổ chức Cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. 

chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-sang-lap-bao-thanh-nien-21-6-1925.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập Báo Thanh Niên (21/6/1925)

Tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã thông qua một nghị quyết về báo chí. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, báo chí đã thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng tiếp tục phát huy vai trò của một “binh chủng” quan trọng, động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường, phóng sự thu thanh từ các chiến trường trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,… thực sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc. 

Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng những người làm báo đã ra trận với tư thế người chiến sĩ, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, đã sáng tạo nên những tác phẩm báo chí giàu sức sống, gắn kết triệu người trên cả nước, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.

Bước sang thời kỳ đổi mới và hội nhập, đây là giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, kịp thời phê phán, đấu tranh với những gì là cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí, những thói hư tật xấu trong xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; đồng thời, là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Ra đời trong khói lửa các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất, đó là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, nêu cao tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 400 nhà báo liệt sĩ, nhiều phóng viên hy sinh với tư thế người chiến sĩ trên mặt trận. 

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy. Hơn hai năm trở lại đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh quyết liệt chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nổi lên như điểm sáng, bài học quý cho thế giới trong trận chiến chống dịch Covid-19 là nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng và rất đáng tự hào của báo chí.

Báo chí Cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập

97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển phong phú và đa dạng, khẳng định vị trí, vai trò của mình và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ngày nay, đất nước đang trên đà đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, đang đặt ra nhiệm vụ hết sức quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí cách mạng phải giữ vững quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước, theo sát những diễn biến của tình hình đất nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác nhất, có lợi nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí cách mạng phải phục vụ đắc lực cho việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân và cộng đồng quốc tế; ra sức cổ vũ những nhân tố mới, khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, đồng thời tích cực đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, những hiện tượng tiêu cực diễn ra trong xã hội. Đặc biệt với quyết tâm cao của toàn Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, báo chí cách mạng có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên; những hạn chế, yếu kém, sai sót, thiếu lành mạnh trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị thật sự trong sạch, lành mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới, phục vụ tốt cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

bac-ho-voi-cac-phong-vien-bao-chi.png
Bác Hồ với các phóng viên báo chí

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo luôn khắc sâu những lời dặn dò đầy tính thực tiễn và lý luận sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn nêu cao tinh thần chiến đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, giữ vững phẩm chất, đạo đức của những người làm báo, có tính chủ động, sáng tạo thể hiện qua các tác phẩm báo chí để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Từ khóa » Tờ Báo đánh Dấu Sự Ra đời Của Báo Chí Cách Mạng Việt Nam