Báo Dân Chúng - Dấu Son Trong Lịch Sử Báo Chí Cách Mạng Việt Nam

Trước những biến động dồn dập của thời cuộc ở châu Âu và châu Á, đặc biệt ở Pháp và Đông Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị toàn thể vào các ngày 29 và 30/3/1938 tại làng Tân Thới Nhứt (gần Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định) với sự tham dự của các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu… Từ việc nhận định chiều hướng phát triển của tình hình thế giới, tình hình bên chính quốc, những âm mưu, hành động của bọn thực dân phản động thuộc địa ở Đông Dương và từ thực tiễn của phong trào đấu tranh trong 6 tháng qua, Hội nghị Trung ương lần này mới khẳng định và bổ sung các Nghị quyết từ Hội nghị Trung ương lần thứ I (26/7/1936).

Hội nghị Trung ương quyết nghị: thực hiện Mặt trận dân chủ thống nhất là “một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại”.

Để phục vụ nhiệm vụ trung tâm thực hiện Mặt trận dân chủ thống nhất theo phương thức đấu tranh công khai hợp pháp, nửa hợp pháp, các báo công khai do Đảng chủ trương, có nhiệm vụ vạch trần sự thối nát và phản động của chế độ thực dân, phong kiến; nêu lên tình cảnh của công nhân, nông dân, nhân dân lao động khổ cực, bị áp bức, bóc lột; bênh vực nguyện vọng, quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin; phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng; chống mọi thủ đoạn lừa bịp, chia rẽ của bọn thống trị; vạch mặt bọn Trốt-kít giả danh cách mạng tung ra những luận điệu xuyên tạc chống Đảng Cộng sản, chống Mặt trận dân chủ thống nhất, chống Liên Xô; hướng dẫn và cổ vũ quần chúng đấu tranh đòi tự do, dân chủ, hòa bình, cơm áo, chống phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh. Cùng với sách báo bí mật, các tờ báo công khai đã góp phần nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên về chính trị, lý luận và kinh nghiệm lãnh đạo, tổ chức đấu tranh.

Từ năm 1937, báo chí công khai do Đảng lãnh đạo phát triển nhanh chóng.

Tại Sài Gòn, sau khi nhóm tơrốtkít đoạt chiếm tờ La Lutte, theo đề nghị của hai đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn và Nguyễn Văn Tạo, ngày 29/5/1937, Trung ương Đảng cho ra tờ báo chữ Pháp L’Avant Garde (Tiền phong) - cơ quan của lao động và nhân dân Đông Dương do đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn làm Thư ký tòa soạn. Để ngăn chặn ảnh hưởng chính trị của L’Avant Garde, bọn cầm quyền giở đủ trò để phá tờ báo: bắt bớ cán bộ biên tập, tịch thu toàn bộ báo L’Avant Garde số 8, số 9. Báo L’Avant Garde phải đình bản.

Ngày 24/9/1937, Trung ương Đảng lại cho ra tờ báo Le Peuple (Dân chúng) do đồng chí Dương Bạch Mai làm Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh làm Quản lý. Le Peuple được sự tin cậy, ngưỡng mộ trong giới bạn đọc biết tiếng Pháp và cả trong các giới lao động ở thành thị và nông thôn, nhờ có sự tuyên truyền, giới thiệu của mạng lưới cộng tác viên. Đó là nguồn ủng hộ tinh thần và vật chất giúp cho Le Peuple ra đời và tồn tại.

Vào thời điểm đặc biệt của năm 1938, Đảng đứng trước đòi hỏi bức xúc phải có một tờ báo công khai chữ Việt để lãnh đạo thống nhất và kịp thời phong trào cách mạng ở cả ba kỳ và trên khắp Đông Dương, căn cứ đề nghị của nhóm biên tập báo Le Peuple dựa vào sự gợi ý của luật sư Trịnh Đình Thảo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Hà Huy Tập nhất trí chủ trương xuất bản tờ báo Dân Chúng.

Ngày 22/7/1938, báo Dân Chúng[1] ra số đầu tiên (số 1). Thành phần Ban Biên tập của báo là các đồng chí trí thức có tầm am hiểu sâu rộng trong Đảng tại địa bàn Sài Gòn, như: Nguyễn Thị Lựu, Trần Văn Kiết, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Kỉnh, Bùi Văn Thủ, Hoàng Văn Thanh, Hoàng Hoa Cương, Nguyễn Văn Trấn...

Tòa soạn của báo Dân Chúng ở chung với báo Le Peuple tại số nhà 43 đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1), sau chuyển sang số nhà 51E đường Colonel Grimaud (nay là đường Phạm Ngũ Lão, quận 1).

Báo Dân Chúng với chủ trương phất cao hơn nữa ngọn cờ Mặt trận Dân chủ Đông Dương thông qua những hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phát triển mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu, nhằm thu hút quần chúng và đẩy mạnh các phong trào đấu tranh; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh về lý luận, tư tưởng, chống xu hướng cải lương, Trốt-kít; đồng thời là phương tiện chuyển tải đường lối và lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn mới của cách mạng.

Giữa lúc bên chính quốc, Chính phủ Pháp ngày càng thiên về hữu, ở Đông Dương bọn phản động thuộc địa ngày càng thẳng tay đàn áp các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, mà báo Dân Chúng (cùng với báo Le Peuple là cơ quan ngôn luận công khai của Đảng Cộng sản) được xuất bản và phát hành là một sự cổ vũ rất lớn giới cần lao và các tầng lớp nhân dân có tinh thần đấu tranh cho tự do dân chủ, tự do báo chí.

Báo Dân Chúng trở thành tờ báo có đông bạn đọc, nhất là ở Sài Gòn - Chợ Lớn, tỉnh Gia Định, khắp Nam Kỳ và Bắc Kỳ[2].

Báo Dân Chúng đã chấp hành nội dung chỉ đạo của Đảng, hết sức khôn khéo và đầy bản lĩnh trên suốt chặng đường hai năm gian khổ thử thách và tự đóng cửa tòa soạn sau số báo 80 (ra ngày 30/8/1939), rút vào bí mật theo Chỉ thị của Trung ương Đảng khi chiến tranh thế giới bùng nổ.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã theo dõi, chỉ đạo sát sao báo Dân Chúng từ nội dung đến nghệ thuật biên tập và thường xuyên viết bài cho báo. Những bài viết ký tên “Trí Cường” hoặc “Dân chúng” đều mang tính chất chỉ đạo, tiêu biểu cho quan điểm, ý kiến của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đến Diên An rồi xuống Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và từ đây theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước; viết bài gửi về cho báo Dân Chúng, báo Notre Voix…Trong báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản vào cuối tháng 7/1939, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đánh giá: “Tờ Dân Chúng xuất bản ở Sài Gòn từ tháng 7/1938 là tờ báo đầu tiên đã bất chấp đạo luật cấm phát hành nếu không được phép trước…Tôi nghĩ rằng Dân Chúng cũng là tờ báo được nhiều người đọc nhất Đông Dương”.[3]

Tòa soạn báo Dân Chúng còn đảm nhận việc giúp Xứ ủy Trung Kỳ in và phát hành tại Sài Gòn những tờ báo của Xứ ủy bị cấm ở Trung Kỳ[4].

Cuộc đấu tranh chống các phe nhóm Trốt-kít gay gắt cả về tư tưởng, chính trị, về mặt lý luận và tổ chức, về chiến lược, chiến thuật cách mạng Đông Dương và thế giới cho đến khẩu hiệu đấu tranh bãi công… Từ năm 1936, cuộc đấu tranh diễn ra rộng rãi trên báo, chữ Việt và chữ Pháp, trong mít tinh, biểu tình, bãi công…

Bài báo cơ bản và toàn diện nhất phê phán bọn Trốt-kít là bài “Tơrốtkít đối với tự do, hòa bình, cơm áo” đăng trên báo Dân Chúng liền 3 số 25, 26, 27 ra các ngày 15, 19, 22/10/1938.

Báo Dân Chúng bên cạnh việc chống quan điểm của Trốt-ki đối với vấn đề chống phát xít và chiến tranh, trong các số báo, thì 45 số đều có bài (có số 2 bài) đấu tranh với quan điểm của Trốt-ki trên tất cả các vấn đề trong cuộc vận động dân chủ trong nước và trên bình diện quốc tế.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống các phe nhóm Trốt-kít, Đảng không ngừng nhắc nhở phải tỉnh táo phân biệt bọn lãnh tụ cách mạng đầu lưỡi với quần chúng lầm đường trong thợ thuyền, lớp nghèo thành thị, nông thôn, tiểu thương, tiểu chủ, trí thức, học sinh… để tuyên truyền giác ngộ, lôi kéo họ liên hiệp hoạt động với ta và từng bước tách rời với bọn cầm đầu Trốt-kít.

Năm 1939, tình hình ngày càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi Anh, Pháp, ký Hiệp ước Munich ngày 30/9/1938 đầu hàng phát xít Đức, ngày 29/10/1938, Đảng đã ra Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc[5] và đã đăng toàn văn trên báo Dân Chúng số 28 ra cùng ngày.

Lợi dụng tình hình bên chính quốc, Daladier thuộc cánh hữu lên cầm quyền (từ tháng 4/1938) từng bước xóa bỏ các thành quả tự do dân chủ giành được trong thời kỳ Mặt trận Bình dân (trên thực tế đã không còn tồn tại từ tháng 10/1938), bọn phản động thuộc địa ở Đông Dương càng ra tay bóp nghẹt tự do dân chủ. Chúng mở đầu cuộc đàn áp báo chí cách mạng, tiến bộ bằng vụ khủng bố báo Dân Chúng ngày 7/3/1939. Nắm ngay vụ này, Trung ương Đảng liền ra Thông báo khẩn cấp ngày 10/3/1939[6]. Thông báo tố cáo: “Chính phủ khủng bố từ Nam chí Bắc, kịch liệt lên án vụ khủng bố Dân Chúng” và kêu gọi “các đảng phái cần phải tổ chức nhiều cuộc mít tinh quần chúng phản đối khủng bố để tiêu biểu lực lượng của quần chúng xứ này ủng hộ Đảng ta và tờ báo Dân Chúng…”.

Thông báo nêu nội dung các khẩu hiệu đưa ra trong các cuộc mít tinh: chống khủng bố, đòi lập tức thả hết nhân viên tòa soạn Dân Chúng, đòi ban hành các quyền tự do dân chủ, cải thiện sinh hoạt cho dân chúng và mở rộng chế độ tuyển cử; đòi tổng ân xá chính trị phạm, thủ tiêu án biệt xứ và quản thúc. Thông báo khẳng định: “Đó là yêu cầu của dân chúng để phòng thủ Đông Dương”.

Chấp hành Thông báo khẩn cấp, các Đảng bộ địa phương khắp nơi trong cả nước tổ chức mít tinh quần chúng, rải truyền đơn; các tờ báo cách mạng, tiến bộ như Le Peuple, Notre Voix, Đời nay, Thế giới, Lao động, Ngày mới, Người mới… đều lên tiếng đòi trả tự do cho nhân viên tòa soạn báo Dân Chúng, đòi tự do báo chí. Trong báo cáo cuối tháng 7/1939 gửi Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ký tên Lin) có nêu sau khi báo Dân Chúng bị khủng bố, “trong suốt tháng sau, 28 cuộc mít tinh phản đối nổ ra, một vài cuộc có tới 1.000 người tham gia; và để giúp tờ báo, một cuộc lạc quyên đã được tổ chức và thu được hơn 400 đồng trong một tuần lễ”.[7]

Ngày 7/9/1939, khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 sắp bùng nổ, nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn đã ra lệnh đóng cửa báo Dân Chúng, tịch thu toàn bộ tài sản của báo và cho mật thám truy lùng Ban biên tập cũng như những người đã từng là cộng tác viên của báo.

Với 80 số phát hành, báo Dân Chúng đã phải 4 lần thay đổi vị trí người quản lý để “qua mắt” mật thám thực dân Pháp liên tục tìm cách đe dọa, khủng bố, truy lùng rất gắt gao. Từ số đầu tiên đến số 43, đồng chí Dương Trí Phú quản lý; từ số 44 - 52, đồng chí Trần Văn Kiết quản lý; từ số 53 - 69 đồng chí Huỳnh Văn Thanh quản lý; từ số 70 - 80 đồng chí Hoàng Hoa Cương quản lý. Việc lựa chọn nhà in cũng phải thay đổi từ nhà in Sati đến nhà in Bảo Tồn, sau cùng là nhà in Xưa & Nay, nhằm đảm bảo sự “an toàn” và phát hành “đúng kỳ hạn” đến với công chúng.

Vượt qua những khó khăn về tài chính, vượt qua sự kiểm duyệt, khủng bố của chính quyền thực dân, mấy lần báo bị tịch thu, 4 lần phải thay đổi người quản lý, ban biên tập bị bắt, bị giam, tài sản bị tịch thu... nhưng các chiến sĩ cách mạng làm báo Dân Chúng đã khôn khéo, dũng cảm chèo lái cho tờ báo trụ vững trong thời gian dài.

Sự ra đời của báo Dân Chúng là một mốc son trong lịch sử và sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng ta trước Cách mạng Tháng 8/1945.

Ngày 16/11/1988, Di tích trụ sở của báo Dân Chúng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (tên cũ) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia tại trung tâm TPHCM.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

---------

[1] Dân Chúng là tờ báo công khai, in ốp-sét đẹp. Thông thường mỗi tuần báo ra hai số vào thứ tư và thứ bảy (riêng thời gian từ số 58 đến số 64, báo ra hàng ngày, sau đó lại ra một tuần hai số). Từ số 1 đến số 9 in trên giấy khổ 30cm x 44,5cm. Từ số 10 đến số cuối cùng in trên giấy khổ 37cm x 54cm. Số trang nhiều, ít của mỗi số báo cũng có thay đổi. Bộ sưu tập báo Dân Chúng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thiếu số 14. Trong 79 số hiện có, 69 số 4 trang, 8 số 2 trang, 1 số 6 trang và 1 số 28 trang. Trong số đó có một số Xuân 1939, 28 trang; 3 số đặc biệt: số 28 kỷ niệm 21 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, số 41 kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, số 74 kỷ niệm 1 năm ngày ra báo Dân Chúng. Số lượng của báo Dân Chúng tăng từ 2.000 bản mỗi số lên 4.000 bản, rồi 6.000 bản, 10.000 bản, cao nhất là số Xuân 1939 có số lượng phát hành tới 15.000 bản. Thời kỳ này, một tờ báo có số lượng như vậy là rất lớn.

Bộ sưu tập báo Dân Chúng đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Nxb. Lao Động tại Hà Nội in thành 3 tập sách, toàn bộ các bài đăng trên báo vào năm 2000 để phổ biến rộng rãi trong công chúng

[2] Báo Dân Chúng bị cấm lưu hành ở Trung Kỳ, Cao Miên; ở Lào ít người đọc.

[3] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr. 498.

[4] Báo Dân được 17 số từ ngày 6/7 đến ngày 7/10/1938… Đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trương ra tờ báo mới lấy tên là Dân tiến, biên tập ở Trung Kỳ, đưa vào Sài Gòn in và phát hành… Báo ra từ số 1 ngày 27/10/1938 đến số 5 ngày 12/12/1938 thì ngưng. Đồng chí Phan Đăng Lưu lại xoay sang tờ báo mới lấy tên là Dân muốn, cũng in và phát hành ở Sài Gòn. Báo chỉ ra được số 1 ngày 20/12/1938 và số 2 ngày 25/1/1939 lại phải ngưng.

[5] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr. 431 - 434.

[6] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr. 498.

[7] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr. 498.

Từ khóa » Tờ Báo đầu Tiên Của đảng Cộng Sản Việt Nam