Báo Le Paria: Lan Tỏa Tinh Thần Làm Báo Cách Mạng Của Nguyễn Ái ...

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link

Ngắm nhìn những tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) xếp ngay ngắn trong tủ kính của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, người xem không khỏi xúc động trước những dấu ấn đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Có số báo Người viết đến 4 bài ngay trên trang nhất, có số báo đăng bức biếm họa ký tên: Nguyen AQ.

Dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu sắc bén, nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã góp phần thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh chống áp bức, bất công và chỉ ra con đường giải phóng cho họ.

Hành trình trở về Việt Nam

100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria (Người cùng khổ). Tờ báo được in trên khổ giấy 36x50cm với tên báo được kéo dài suốt cả trang báo. Tên báo được viết bằng ba thứ tiếng: Chính giữa, nổi bật nhất được viết bằng tiếng Pháp, chữ Ả rập ở bên trái và chữ Hán ở bên phải được dịch thành “Lao động báo.”

Báo Le Paria: Lan tỏa tinh thần làm báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ảnh 1Các số báo Le Paria đang được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Dưới tên báo là hàng chữ tiêu đề báo viết bằng tiếng Pháp là “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa sau đổi thành “Diễn đàn của vô sản thuộc địa,” “Cơ quan của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa” và cuối cùng là “Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa”… Số lượng in báo Le Paria không cố định, dao động từ 1.000 bản đến 5.000 bản. Báo được phát hành tại Pháp, có một số theo các tàu viễn dương phát hành đến Đông Dương và các nước thuộc địa…

Trên Le Paria, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như tin tức, bình luận, xã luận, truyện ngắn, dịch thuật, tiểu phẩm, biếm họa… Những bài báo của Người không chỉ vạch trần chính sách áp bức bóc lột đến tận xương tủy của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương mà còn chỉ rõ bộ mặt xấu xa tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa khác trên thế giới với nhiều cách thức khác nhau, từ bài viết đến ký họa...

Cán bộ bảo tàng Nguyễn Văn Ba, phụ trách việc trưng bày các số báo, cho biết: “Trong các số báo Le Paria sưu tầm được, chúng tôi ấn tượng nhất số 36-37, ra tháng 9-10, năm 1925 có bài viết kèm ký họa: ‘Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu’ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.”

Báo Le Paria: Lan tỏa tinh thần làm báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ảnh 2Bức ký họa ‘Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu’ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. (Ảnh tư liệu)

Đây là tác phẩm đã được in trong sách giáo khoa môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở, vì vậy đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người. Bằng những nét vẽ hết sức sinh động, mộc mạc lột tả được thần thái, hành vi của nhân vật, thông điệp giản dị, dễ hiểu, đôi khi người đọc không biết tiếng Pháp nhưng nhìn tranh ký họa của Người vẫn có thể hiểu được nội dung, vấn đề được đề cập.

[Hồ Chí Minh - người sáng lập, nhà báo vĩ đại của báo chí Cách mạng VN]

“Thông qua cách diễn tả sự kiện bằng tranh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ hành động bắt bớ bỉ ổi của Thực dân Pháp và cổ động phong trào nhân dân Việt Nam yêu cầu thả chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu…,” ông Nguyễn Văn Ba nêu ý kiến.

Là một tờ báo xuất bản ở Pháp từ 1 thế kỷ trước, lại chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp thời đó nên việc tìm lại những tư liệu này không hề dễ dàng.

Báo Le Paria: Lan tỏa tinh thần làm báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ảnh 3Một bức biếm họa ký tên Nguyen AQ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cán bộ sưu tầm, thạc sỹ Thân Quang Minh cho biết: “Các nguồn trong nước không có nhiều, chính vì vậy, bảo tàng đã tập trung khai tác từ các nguồn ở nước ngoài. Thư viện quốc gia Pháp cung cấp đến 25 số báo. Tuy nhiên, các cơ quan phía bạn không có tờ số 1 mà mục tiêu hàng đầu chúng tôi đặt ra là phải tìm được tờ đầu tiên này.”

Các lá thư được tiếp tục gửi đi tới các trung tâm lưu trữ khác ở Pháp, Mỹ, Anh và thật may mắn được sự hỗ trợ của bà Fabienne Muddu từ Bảo tàng Lịch sử di trú Pháp, ông Thân Quang Minh đã được biết bà Olivia Pelletier, chuyên gia lưu trữ phụ trách kho tư liệu về Đông Dương thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp và được tiếp cận kho tư liệu về Việt Nam, trong đó có tờ Le Paria số 1.

Như vậy, với sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Pháp, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp và Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được trên 30 số Le Paria (bản số hóa) trong đó có số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922 và số cuối cùng (số 38) xuất bản ngày 1/4/1926.

“Tiếp nhận tờ Le Paria số 1, do lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập, chúng tôi trân quý tấm lòng của các chuyên gia Pháp đã gìn giữ nhiều năm nay. Chúng tôi hứa sẽ phát huy hiệu quả giá trị di sản của tờ báo này,” ông nói.

Hiện thực hóa lời hứa này, ngày 1/4, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức triển lãm và tọa đàm kỷ kiệm 100 năm ngày báo Le Paria xuất bản số đầu tiên.

Tiền thân của nhiều tờ báo cách mạng

Tại sự kiện, các nhà báo lão thành, các chuyên gia đã làm rõ thêm quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài thông qua việc sử dụng báo chí làm công cụ sắc bén phục vụ đấu tranh cách mạng.

Báo Le Paria: Lan tỏa tinh thần làm báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ảnh 4Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn nêu ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Các tham luận phân tích và làm rõ thêm bối cảnh xuất hiện báo Le Paria; mục đích, nội dung và những tác động tích cực của báo; giá trị định hướng phát triển báo chí cách mạng; từ đó góp phần lan tỏa ánh sáng tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh, di sản quý báu mà Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định mỗi nhà báo sẽ được sống lại một thời kỳ lịch sử, hồi tưởng về những chi tiết, những nội dung mà đối với người làm báo là bài học vô cùng quý giá.

“Báo Le Paria có ấn tượng từ tên gọi, trở thành tờ báo đại diện cho tiếng nói, diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa. Trong khoảng 4 năm đã có 38 số được ra đời, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài viết, hình vẽ rất đặc sắc,” nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Le Paria khẳng định tôn chỉ, mục đích của mình ngay ở số đầu tiên phát hành là 'sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu' với sứ mạng 'giải phóng con người.' Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.”

Báo Le Paria: Lan tỏa tinh thần làm báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ảnh 5Trưng bày kéo dài đến 19/5 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Lô E2, Dương Đình Nghệ, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng mặc dù Le Paria không trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin như báo Thanh niên hay các tờ báo khác nhưng đây là bước đi rất quan trọng để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở ra một con đường riêng, gián tiếp truyền bá tư tưởng Mác-Lênin và kết nối những người yêu nước.

“Có thể xem như Le Paria là sản phẩm đầu tiên trong sự nghiệp báo chí của Bác với tư cách là một người đồng sáng lập, là ‘linh hồn’ của tờ báo. Sau Le Paria, Bác đã lập ra báo Thanh niên (1925), báo Kông nông (1926), báo Đường Kách mệnh (1927), báo Búa liềm (1929)…,” giáo sư Tạ Ngọc Tấn bình luận.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng khối tài liệu quý giá này cần được tiếp tục nghiên cứu và công bố để làm rõ hơn lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam và tư tưởng của nhà báo-lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh./.

(Vietnam+)

Từ khóa » Tờ Báo Của Ai