Bảo Tồn Bản Sắc Văn Hoá DTTS Trong Thời Hội Nhập: Những "ngọn ...

Nghệ nhân Lường Văn Nhẹp và các thành viên CLB hát dân ca xã Tân Sơn cùng nhau tập luyện những điệu soong hao.
Nghệ nhân Lường Văn Nhẹp và các thành viên CLB hát dân ca xã Tân Sơn cùng nhau tập luyện những điệu soong hao.

Gìn giữ từng lời ca, tiếng hát…

Chúng tôi tìm về thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, nơi đây nổi tiếng với các làn điệu soong hao (hát sli) say đắm của đồng bào dân tộc Nùng, với phiên chợ tình Tân Sơn, diễn ra ngày 14/2 (âm lịch) hàng năm.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Lường Văn Nhẹp, Chủ nhiệm CLB hát dân ca dân tộc Nùng, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn nhớ lại: Trước đây, trong thôn chúng tôi, người nào cũng biết hát soong hao. Trong các buổi chợ, ngày hội, đám cưới, hay mừng nhà mới… đâu đâu cũng nghe vang vọng lời hát. Những câu hát không chỉ giúp chúng tôi phấn chấn tinh thần, giúp đôi tay chắc khỏe trên nương, mà còn giúp cho đôi nam nữ tìm hiểu nhau, nên duyên vợ chồng.

Tuy nhiên, nhận thấy lớp trẻ sau này không còn mặn mà làn điệu hát soong hao, chỉ còn những lớp người trung tuổi và cao tuổi còn giữ gìn nét văn hóa truyền thống này nên từ năm 2013, ông Nhẹp cùng một số người tâm huyết phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ hát dân ca Nùng xã Tân Sơn, để truyền dạy những bài hát soong hao cho những bạn trẻ trong xã.

Câu lạc bộ có khoảng 60 thành viên. Hằng tháng, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt tại một nhà hội viên để cùng nhau dạy hát cho những người trẻ; thường xuyên tổ chức các cuộc hát thi giữa các thôn bản để các nghệ nhân có dịp giao duyên.

Chị Hoàng Thị Nhắm, thành viên Câu lạc bộ cho biết: Trước đây, nghe các ông bà hát, không hiểu, nhưng từ khi tham gia câu lạc bộ dân ca, được các ông bà truyền dạy hát, hiểu được những làn điều soong hao mới cảm nhận được cái hay, được ý nghĩa từ những lời ca mà thêm yêu làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Các học viên câu lạc bộ hát Páo dung xã Vĩnh Tiến đang tập luyện
Các học viên câu lạc bộ hát Páo dung xã Vĩnh Tiến đang tập luyện

Ở vùng đất biên cương xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ được làn điệu hát páo dung của người Dao đỏ. Công lớn đó, là nhờ nghệ nhân “gạo cội” Triệu Thị Sinh ở thôn Phiêng Sâu.

Dù đã ở cái tuổi 85, nhưng bà Sinh vẫn luôn miệt mài tìm mọi cách để giữ gìn làn điệu hát páo dung của dân tộc Dao. Theo bà Sinh, páo dung có nghĩa là ca hát. Hát páo dung là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. "Lớp trẻ bây giờ không còn thích hát những làn điệu dân ca của dân tộc, số người biết hát ngày càng ít, chủ yếu là người lớn tuổi ", bà Sinh nói.

Để giữ gìn làn điệu páo dung, bà Sinh đã cùng một số nghệ nhân biết hát páo dung, đã phối hợp với chính quyền, mở lớp dạy hát và tuyên truyền, vận động bà con người Dao tham gia học hát páo dung. Hiện lớp truyền dạy có 46 học viên từ 13 đến 50 tuổi tham gia.

Theo bà Sinh, nếu như hát then, đàn tính dễ học, dễ thuộc, có giai điệu, có nhạc cụ thì các bài páo dung học rất khó, mỗi bài hát thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc. Vì thế, nhiều bạn trẻ không hiểu hết về ý nghĩa của từng điệu hát nên không hào hứng theo học.

Tuy nhiên, từ sự đam mê những làn điệu páo dung, mà những năm qua, bà Sinh đã kiên trì, tận tâm chỉ bảo cho từng người về kỹ năng diễn xướng, cách ứng tác thơ ca. "Làn điệu hát páo dung được Nhà nước công nhận là di sản văn hoá rồi, nên còn sống sẽ luôn cố gắng dạy cho các cháu biết hát, để mai này tiếp nối, thay bà giữ gìn được làn điệu páo dung của dân tộc mình cho thế hệ sau", bà Sinh nói

Đến chế tác nhạc cụ

Ở xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, Nghệ nhân Lý A Lệnh ở bản Chan 2 được nhiều người biết đến, là một nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông Lệnh không chỉ biết thổi khèn, múa khèn, mà còn tự chế tác được cây khèn Mông cổ truyền.

Ông Lý A Lệnh (bên phải) hướng dẫn du khách biểu diễn khèn Mông tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam
Ông Lý A Lệnh (bên phải) hướng dẫn du khách biểu diễn khèn Mông tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam

Ở tuổi 15, Lý A Lệnh đã có niềm đam mê khèn và có được khả năng thẩm âm tinh tế . Từ sự đam mê và ham học hỏi, tuổi 20, Lý A Lệnh đã trở thành một người chơi khèn có tiếng của vùng đất Mường Ảng. Hiện nay, ông còn là một trong những thợ khèn giỏi có đôi tay khéo léo tạo nên những chiếc khèn Mông truyền thống vừa hay, vừa đẹp.

Theo nghệ nhân Lý A Lệnh, khèn Mông ở quê ông được chế tác từ gỗ pơ mu và thân cây sặt – một loại trúc nhỏ mọc trên rừng. Để làm được những cây khèn vừa hay, vừa đẹp lại có độ bền cao, các loại vật liệu làm khèn phải được chọn lựa vào mùa khô, tốn thời gian khai thác và rất kì công.

Để tìm được vật liệu ưng ý, ông phải luồn rừng lội suối đi tìm cây rừng rất vất vả, có khi phải đi nhiều ngày. Công việc chế tác khèn đòi hỏi phải có sự khéo léo và tỉ mỉ, không phải ai cũng làm được. Thời gian để hoàn thiện một chiếc khèn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến đoạn đẽo gọt, mài giũa các bộ phận, cắt ống khèn, dùi lỗ, lắp lá đồng và lắp ráp phải mất cả năm.

Đặc biệt, việc thử và chỉnh sửa âm thanh, trang trí khèn là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự tập trung lớn, tỉ mỉ, cẩn trọng và phải biết “nghe” âm thanh của khèn để chỉnh cho đúng.

Dù công việc làm khèn phải tốn nhiều công sức, nhưng ông Lý A Lệnh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ công việc này. Với ông đây không chỉ là nghề truyền thống của người Mông, mà cây khèn có ý nghĩa sâu sắc, đó vừa là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, vừa là tâm hồn, bản sắc của cả một cộng đồng dân tộc.

Ý thức được vấn đề này, nhiều năm qua, nghệ nhân Lý A Lệnh đã miệt mài chế tác khèn Mông, truyền dạy cách làm khèn và sử dụng khèn cho con cháu và người dân trong bản. Năm 2019, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Với những đóng của các nghệ quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, nhiều năm qua, Nhà nước đã kịp thời tôn vinh, có chế độ chính sách để khuyến khích cho các nghệ nhân bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trăn trở, khi đa phần các nghệ nhân tuổi đã cao, trong khi việc tiếp cận chính sách hỗ trợ vẫn còn bất cập...

Bảo tồn bản sắc văn hoá DTTS trong thời hội nhập: Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho lớp trẻ (Bài 1)

Từ khóa » Gỗ Pơ Mu