Bảo Tồn, Phát Huy Giá Trị Ruộng Bậc Thang Của Người Mường Hoà Bình

In

Bảo tồn, phát huy giá trị ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình

Cập nhật: 16/8/2022 (HBĐT) - Sẽ là niềm tự hào, vinh dự lớn lao nếu hệ thống ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình trở thành di sản cấp quốc gia, tiến tới di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Cho đến thời điểm này, các vùng lúa nước, ruộng bậc thang khác ở Việt Nam mặc dù rất đẹp nhưng khó có thể được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới về cảnh quan văn hoá. Vẻ đẹp ruộng bậc thang xóm Thêu, xã Quý Hoà (Lạc Sơn). Độc đáo bức tranh ruộng bậc thang ở 4 vùng Mường Quá trình kiến tạo nghìn năm đã hình thành nên bức tranh ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình với đa dạng loại hình, có khu ruộng độ dốc cao, có khu ruộng thoai thoải, có nơi lại nằm xen kẽ với những cánh rừng nguyên sinh, quanh hồ nước, thậm chí trên ruộng có các tảng đá lớn… tạo nên vẻ đẹp và giá trị độc đáo. Trong hệ thống ruộng bậc thang trải khắp 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động), các khu ruộng mang vẻ đẹp ấn tượng hơn thuộc các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong. Theo thống kê, có hơn 40 thửa rộng từ 10 ha trở lên với tổng diện tích khoảng 5.120 ha tại các vùng Mường. Ruộng thường nằm xen kẽ các bản làng và khoảng rừng. Nhiều khu ruộng cốt cao, độ thay đổi từ dưới lên hàng trăm mét tạo thành thửa ruộng với hàng trăm bậc thang sánh ngang với các khu ruộng ở Sa Pa (Lào Cai); Mù Căng Chải (Yên Bái); Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang)… Đặc biệt, không thể không nhắc đến vẻ đẹp ruộng bậc thang cuốn hút ở vùng Mường Vang (Lạc Sơn). Trung tâm của hệ thống là xã Miền Đồi với hơn 800 ha, các xã Quý Hoà, Tuân Đạo, Mỹ Thành cũng có hàng trăm ha. Đặc điểm ruộng bậc thang nơi đây là địa hình càng lên cao, rừng tự nhiên càng nguyên sinh lâu đời, các khu ruộng bậc thang càng dốc. Một số khu ruộng nằm xen các thác nước đẹp và hùng vĩ với độ cao hàng trăm mét đổ xuống, uốn lượn qua các thửa ruộng, những cánh rừng nhỏ, bản làng cùng nếp nhà sàn Mường lấp ló tạo nên khung cảnh giao hoà giữa thiên nhiên và con người. Nhiều khu đồi nhấp nhô thay đổi chiều cao, độ rộng… khiến các thửa ruộng bậc thang cũng muôn hình muôn vẻ tạo nên góc nhìn, vẻ đẹp khác nhau làm say mê lòng người. Cách TP Hoà Bình không xa là vùng ruộng bậc thang của huyện Cao Phong. Một trong những khu ruộng lớn, trải dài diện tích hơn 300 ha thuộc các xóm Bợ, Rớm Khánh, Đai của xã Thạch Yên, tiếp giáp với khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến (Kim Bôi). Khu ruộng xóm Cạn, Mừng của xã Hợp Phong cũng có cảnh quan khá đẹp. Tại giữa khu ruộng xóm Mừng còn có miếu thờ Bụt và thần lúa. Các khu ruộng bậc thang ấn tượng khác thuộc xóm Cóc 1, Cóc 2 - xã Ngọc Mỹ, Muôn Chếch - xã Đông Lai (Tân Lạc); xã Kim Bôi, Nam Thượng, Cuối Hạ, Sào Báy, Mỵ Hoà (Kim Bôi). Bên cạnh vẻ đẹp hiếm thấy, ruộng bậc thang ở các vùng Mường Hoà Bình có sự kết nối với thiên nhiên, nhất là những dòng suối, thác nước tạo cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những cánh rừng có hệ động thực vật khá phong phú, một số loài động vật trong sách đỏ Việt Nam còn xuất hiện nhiều ở đây như hoẵng, chồn bay, sóc bay… Các vùng ruộng bậc thang cũng có sự kết nối với nhau tạo thành hệ thống tổng thể. Ruộng bậc thang có đáp ứng tiêu chí kiệt tác văn hoá thế giới? Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu các hiện tượng và khả năng đặc biệt cùng các nhà nghiên cứu thuộc Hội Khảo cổ học, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã tiến hành nghiên cứu dự án di sản văn hoá thế giới "Ruộng lúa, ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình”. Với định hướng nghiên cứu bảo tồn theo hướng mở (bảo tồn thiên nhiên, văn hoá ruộng bậc thang để phát triển du lịch cao cấp), dự án thực hiện mục tiêu nghiên cứu trên quy mô lớn về văn hoá trồng lúa và tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Mường; hệ thống ruộng bậc thang…Từ đó bảo tồn, tôn tạo thêm các khu ruộng bậc thang chính và các đền thờ tổ tiên; từng bước hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di sản cấp quốc gia, tiến tới được UNESCO công nhận di sản săn hoá thế giới. Các chuyên gia nghiên cứu dự án di sản "Ruộng lúa, ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình” đưa ra nhận định: Trong khi chỉ cần đáp ứng 1 hoặc nhiều tiêu chí thì các quần thể ruộng bậc thang và núi rừng tự nhiên tại 3 huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn đáp ứng được 3/6 tiêu chí bình chọn di sản văn hoá thế giới. Cụ thể, với hệ thống ruộng bậc thang đa dạng, diện tích vùng trung tâm lên đến 6.000 ha cùng hàng trăm thửa lớn nhỏ, cảnh quan văn hoá vô cùng ngoạn mục, ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình "là kiệt tác cho thấy sự sáng tạo thiên tài của con người”. Bên cạnh đó, có rất nhiều di chỉ khảo cổ của nền văn hoá Hoà Bình được phát hiện tại khu vực trung tâm ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình "là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho truyền thống văn hoá hoặc cho một nền văn minh còn đang tồn tại hay đã mất”. Ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình cũng đáp ứng tiêu chí "là mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh hoạ cho một (các) giai đoạn lịch sử loài người”, với hàng chục di chỉ khảo cổ thời kỳ săn bắt hái lượm, hạt thóc 10.000 năm được tìm thấy tại hang xóm Trại - xã Tân Lập (Lạc Sơn); bộ sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” chứa đựng thế giới quan của người Mường cổ; chương trình nghiên cứu về gen cây lúa năm 2012 khẳng định vùng đồng bằng sông Hồng, sông Đà của Việt Nam là nơi cổ xưa nhất trồng lúa. Với hệ thống các ruộng bậc thang mới được phát hiện cùng nền văn hoá Hoà Bình đã được nghiên cứu và công nhận trên thế giới tròn 90 năm. Đồng thời, so sánh với các khu ruộng bậc thang và văn hoá trồng lúa của các di tích đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới như ruộng bậc thang ở Bali (Indonesia), châu Hồng Hà của người Hà Nhì, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vùng Cordillera (Philippines)…, nhóm nghiên cứu của dự án cũng khẳng định khả năng chắc chắn ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình sẽ được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong tương lai, nếu ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình được công nhận là di sản quốc gia, tiến tới đích lớn hơn trở thành kỳ quan thế giới sẽ là bước đột phá trong thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước đến với Hoà Bình, với Việt Nam. Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với dự án nghiên cứu khảo sát và thực hiện những bước tiếp theo. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong vùng dự án bảo tồn, tôn tạo di sản. Tỉnh cũng quan tâm, chú trọng phát triển du lịch cao cấp dựa vào lợi thế cảnh quan ruộng bậc thang. Điểm nổi bật và đặc sắc là ruộng bậc thang Hoà Bình rộng và đẹp, cây rừng xen kẽ, xóm nhà đồng bào dân tộc Mường chưa bị thay đổi bởi đô thị hoá. Thiên nhiên hoang sơ và được bảo tồn tốt, đảm bảo nguồn nước cho các khu ruộng bậc thang. Nhiều điểm cao cốt độ 1.200m có thể phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái và du lịch vùng cao. Một số di tích khảo cổ có thể là điểm thăm quan du lịch như hang xóm Trại, hang Muối, hình vẽ ở bãi đá xóm Cỏ… Ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình cũng là điểm đầu tiên, gần nhất trên tuyến du lịch miền Tây Bắc, gần nhiều khu du lịch (KDL) có thể tạo liên kết vùng như: Rừng quốc gia Cúc Phương, KDL Mai Châu, KDL Pù Luông, KDL Tràng An - Tam Cốc Bích Động. Bùi Minh Top ×

Tìm kiếm

Đóng ×

Bản quyền thuộc báo Hoà Bình

Phát triển bởi ICT GROUP.

Đóng

Từ khóa » đặc điểm Ruộng Bậc Thang