RUỘNG BẬC THANG TÂY BẮC | THUY KIEU'S SPACE
Có thể bạn quan tâm
CÁC KHU RUỘNG BẬC THANG Ở TÂY BẮC
Khái niệm
Ruộng bậc thang là phương thức canh tác, xây dựng đồng ruộng trồng lúa nước vùng đồi núi. Đất ở sườn đồi, núi được san ủi thành vạt có cùng độ dốc theo đường đồng mức (độ cao và diện tích tương đương nhau) tiếp nối từ trên xuống theo kiểu bậc thang.
Đặc điểm canh tác ruộng bậc thang
Do ở các vùng cao, miền núi hiếm đất bằng để canh tác, nhất là trồng lúa nước, người ta khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu bạt tam cấp để tạo thành những vạt đất bằng, kết hợp canh tác lúa nước ở thung lũng hẹp với việc khai khẩn trên núi cao. Sau đó tùy vào ý định canh tác mà có thể để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về.
Ở Việt Nam hình thức canh tác này cũng rất phổ biến ở các vùng cao như Tây Nguyên, Tây Bắc hoặc các vùng Trung du ở Bắc bộ…
Từng khu ruộng bậc thang được xếp tầng tầng, lớp lớp, núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, nằm ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non.
Vụ mùa bắt đầu từ khi gieo mạ vào khoảng tháng 3-4, cày cấy, phân tro chăm sóc đến tháng 9-10 thì thu hoạch. Sớm trễ theo từng vùng, từng nơi, phụ thuộc vào việc có nguồn nước sớm hay muộn. Phong cảnh ruộng bậc thang và nét sinh hoạt của đồng bào dân tộc tạo nên những bức tranh sinh động, tuyệt đẹp, khó tả.
Các yếu tố để khai thác ruộng bậc thang
Thứ nhất: Do địa hình đồi núi, không thể làm ruộng như ở đồng bằng. Cũng vì lý do này nên nước chảy xuống sẽ gây nên hiện tượng xói mòn, sạt lở. Xây ruộng theo hình bậc thang sẽ giảm thiểu tốt nhất những tác động của nước mưa. Giữ lại nhiều nhất chất dinh dưỡng trong đất.
Thứ hai: Nguồn tài nguyên nước chủ yếu ở đây là nguồn nước tự nhiên, nước mạch chảy ra từ các sườn núi, khe núi, nước suối, nước mưa, nước ao, không có nước sông, hồ, họ không đào giếng lấy nước. Nguồn nước mạch chảy ra từ các khe núi, sườn núi chiếm vai trò quan trọng, nó là nguồn nước phổ biến nhất và được sử dụng nhiều nhất trong các sinh hoạt hàng ngày cũng như trong sản xuất. Những vùng đồi núi có nhiều mạch nước ngầm, làm ruộng bậc thang sẽ tận dụng được những mạch nước đó, tiện cho việc điều tiết nước, vì ở trên núi sẽ gặp khó khăn trong việc tưới tiêu (ít sông hoặc ở xa), nước sẽ từ bậc cao chảy xuống bậc thấp, như vậy không xảy ra hiện tượng úng lụt mà nước vẫn đủ.
Thứ ba: làm ruộng theo hình bậc thang sẽ tiết kiệm diện tích đất, trồng được nhiều hơn và….nhìn cũng đẹp hơn.
Mùa mưa, sử dụng nhiều nguồn tài nguyên nước khác nhau: nước mưa, nước ao, nước mạch. Mùa khô, chỉ có nước mạch và nước suối, nhưng các nguồn nước này cũng chỉ có với một dung lượng hạn chế.
Từ những đặc điểm tài nguyên nước ở trên địa bàn sinh sống , đã góp phần tạo ra, dấu ấn trong tri thức dân gian về nước. Chẳng hạn tri thức ứng xử với nguồn nước mạch trên núi cao của họ rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Hay nói cách khác, người dân ở nơi đây đã biết thích nghi, biết tận dụng đặc điểm nguồn nước trên địa bàn sinh sống của mình để phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội cho dân tộc mình.
Ý nghĩa của việc làm ruộng bậc thang
Những ruộng bậc thang đều là ruộng lúa nước một vụ, nó không những cung cấp phần lương thực chủ yếu cho người dân, mà còn là nguồn hàng hóa đáng kể để người dân bán ra thị trường, cải thiện đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, cũng như hiệu quả rõ rệt về mặt xã hội như: tạo công ăn việc làm cho lượng lớn người dân.
Phát triển ruộng bậc thang sẽ thúc đẩy phát triển hơn nữa các ngành kinh tế nông nghiệp vì đây là một hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, sản phẩm truyền thống tại chỗ rất hiệu quả, tiếp thị và quảng bá tận gốc về xuất xứ sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về tự bảo vệ sức khỏe của cộng đồng xã hội trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn ngày càng tăng. Càng giá trị hơn bởi nhiều khu ruộng bậc thang ngày nay đang góp phần tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo cho vùng cao. Đây là những điểm đến hấp dẫn và không thể thiếu của rất nhiều du khách nước ngoài.
Làm ruộng bậc thang là một hướng đi giúp xoá đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững nhưng vẫn bảo tồn được văn hoá và bảo vệ môi trường sống lẫn môi trường tự nhiên.
Nhờ có sản xuất lúa nước nên năng suất cao hơn sản xuất lúa cạn (lúa nương), vì vậy tạo ra sự ổn định về lương thực, nâng cao đời sống của người dân vùng cao.
NÉT VĂN HÓA RUỘNG BẬC THANG Ở TÂY BẮC
Kinh nghiệm làm lúa nước của người dân Tây Bắc
Ở VN loại hình ruộng bậc thang cũng xuất hiện ở nhiều nơi ở phía Bắc, thậm chí có cả ở M’Drăk thuộc Đắk Lắk, trong đó ít nhất đã có ruộng bậc thang Mù Cang Chải (ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình, Yên Bái) được công nhận là di tích quốc gia năm 2007.
Nhìn từ trên cao, những ruộng bậc thang giống như một bức tranh uốn lượn mềm mại. Đó là lí do vì sao người Tây Bắc luôn tự hào về vùng đất mà chính họ đã tạo nên nét văn hóa độc đáo cho chính họ.
Kinh nghiệm làm ruộng bậc thang của người dân nơi đây rất phong phú, yếu tố đầu tiên mà họ quan tâm là chọn mảnh đồi có nguồn nước mạch, hoặc gần nguồn nước mạch có thể đào rãnh dẫn nước tới ruộng. Để dẫn nước về các ruộng bậc thang, người ta đào rãnh, tạo dòng chảy dẫn nước từ trên cao xuống thấp, từ bên này sang bên kia, từ ruộng trên xuống ruộng dưới. Các hệ thống rãnh dẫn nước này cũng có hệ thống các rãnh thoát nước khi cần (mưa lũ nước lớn). Phía trên ruộng bậc thang, người ta đào giao thông hào để phòng trừ mưa lớn nước tràn từ đỉnh nương xuống ruộng làm gẫy lúa, trôi màu trên ruộng, đồng thời đây cũng là hàng rào ngăn cản trâu bò, dê vào ruộng phá hoại lúa. Canh tác ruộng bậc thang, người ta phải chờ mưa xuống đầy suối để qua mương máng dẫn nước vào ruộng thì mới có thể canh tác được. Năm mưa nhiều, năm mưa ít, năm cấy sớm, năm cấy muộn ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Và lúa là lọai ưa đất nương, chịu được hạn, thích ứng với thời tiết vùng núi cao, có chu kỳ sinh trưởng, phát triển trong khoảng từ tháng 3 âm lịch đến tháng 7 âm lịch. Các ruộng bậc thang là sự ứng xử của người Mông, người Dao, người Giáy với loại hình canh tác trên đất dốc. Ruộng bậc thang là thành tựu cả về mặt văn hóa lẫn tri thức dân gian, đã phát huy tác dụng, tạo ra sản xuất lúa nước ở vùng cao. Miền thượng du Tây Bắc đồi núi chập chùng, ruộng bậc thang trải dài từ trên cao xuống tận thung lũng. Các thửa ruộng uốn lượn theo nhiều nấc, là công lao của bao thế hệ cư dân miền cao nối tiếp nhau tạo dựng để có những mùa vàng…
Khi tạo ra những thửa ruộng bậc thang này, người Mông, người Dao, người Giáy chỉ nghĩ rằng mình làm như thế là hiệu quả nhất trong việc canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, do đồi núi có độ dốc cao, địa hình lại quanh co, nên những thửa ruộng bậc thang đã uốn khúc một cách rất mềm mại. Mỗi mùa, ruộng bậc thang lại tạo ra những bức tranh với những mảng màu sắc riêng. Vụ gieo trồng ruộng bậc thang vừa có màu xanh của mạ non vừa có màu trắng bạc của nước. Mùa thu hoạch đến, ruộng bậc thang “biến” trái núi thành một rừng vàng óng mượt. Và vẻ đẹp của ruộng bậc thang còn biến hóa hơn khi người Mông, người Dao, người Giáy luân phiên canh tác, luân phiên thu hoạch các loại cây trồng. Ruộng bậc thang có 2 thời điểm được xem là độc đáo nhất, đó là điểm khi người dân đưa nước vào ruộng vì nhìn ruộng lấp loáng rất đẹp, và mùa gặt vì lúc đó lúa chín vàng, vẻ đẹp còn gắn với sự no ấm, gắn với đời sống của người dân và gắn với các lễ hội sinh hoạt văn hóa đặc sắc của bà con.Với lợi thế về khí hậu, cảnh quan và các điều kiện về nơi nghỉ dưỡng, đây là nơi lý tưởng cho các du khách trong việc nghỉ ngơi, khám phá thế giới thiên nhiên. Trong đó, du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái là một loại hình mới mẻ nhưng đầy thân thiện.Khi nói đến Lào Cai, người ta thường mường tượng đến một nơi núi non trùng điệp, có những nơi quanh năm không thấy ánh mặt trời. Cảnh đẹp vừa hùng vĩ, vừa mang một chút hoang trường, và đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch tham quan những thửa ruộng bậc thang mang một ý nghĩa quan trọng, ngoài việc đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi giải trí và nghiên cứu khoa học còn có vai trò góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, văn hoá và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng bào dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán, nét văn hoá riêng. Đến Sa Pa du khách có thể nghỉ ngơi tại nhà của người dân tộc Mông và tham gia vào đời sống sinh hoạt của họ, thăm bản làng để ngắm nhìn ruộng bậc thang, cách canh tác trên ruộng lúa, cối giã gạo bằng sức nước và ngắm cảnh núi non.
RUỘNG BẬC THANG TÂY BẮC NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA
Nhìn từ góc độ văn hóa, những ruộng bậc thang còn được xem như là hình ảnh đặc trưng và gần như là biểu tượng của khu vực vùng cao.
Ruộng bậc thang là phương thức canh tác nông nghiệp chính, được bảo tồn và phát triển bền vững, đảm bảo cung cấp lương thực cho bà con vùng núi, đưa đặc sản nếp nương, gạo tám vùng cao đến với người dân miền xuôi và cũng là sản phẩm du lịch độc đáo cho vùng cao. Rất nhiều du khách nước ngoài khi tới Việt Nam đã đặt tour du lịch đến vùng Tây Bắc chỉ với mục đích được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ thú của những thửa ruộng bậc thang và làn sương khói lan tỏa chiều chiều trên những nóc nhà lấp ló sau dãy núi. Ruộng bậc thang hấp dẫn không chỉ du khách Việt mà cả du khách nước ngoài cũng đều mong muốn được ghi lại hình ảnh của mình giữa bao la trời đất, có thung lũng xanh tươi, có ruộng bậc thang và bóng áo chàm thấp thoáng giữa núi non trùng điệp. Đây là một hoạt động nông nghiệp truyền thống nhằm nuôi sống con người mà xoay quanh loại hình này còn có biết bao các yếu tố văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng liên quan.
Theo số liệu điều tra của Tổ chức du lịch thế giới, ngày nay có trên 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hoá độc đáo và khác biệt với nền văn hoá của dân tộc họ. Họ muốn được xem và hưởng thụ những giá trị văn hoá giàu bản sắc, đích thực, sống động trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Hơn nữa, du lịch kết hợp tìm hiểu văn hoá, lịch sử vùng miền đang là xu hướng được nhiều người ưa chuộng. Thế nên, vẻ đẹp thiên nhiên cùng với cơ sở hạ tầng hiện đại và sự đa dạng các sản phẩm du lịch ngày càng trở thành điểm đến nổi tiếng của Tây Bắc, của Việt Nam và của cả du khách khắp nơi trên thế giới. Các hoạt động văn hoá sống động như phiên chợ, cảnh làm ruộng bậc thang, lễ cưới, sinh hoạt ở từng gia đình, sản xuất đồ rèn, thêu dệt thổ cẩm… luôn thu hút du khách. Vừa qua Ruộng Bậc thang SaPa được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) vừa công bố là 1 trong 7 ruộng bậc thang hùng vĩ nhất châu Á và thế giới. Điều này chứng tỏ ruộng bậc thang ở Việt nam đang trên đà vươn tầm thế giới. Ruộng bậc thang Tây Bắc đẹp không kém gì ruộng bậc thang ở Phillipine. Đó là lý do vì sao Sapa là nơi luôn thu hút khách.
Trong chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2010 giữa 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ đã đưa sản phẩm ruộng bậc thang vào khai thác du lịch, tạo ra nét mới trong chương trình liên kết du lịch giữa 3 địa phương trên.
Bên cạnh đó Yên Bái là một tỉnh có tiềm năng du lịch lớn bởi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên với nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao… với những địa chỉ du lịch hấp dẫn: Thác Bà, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Lục Yên. Đặc biệt, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia. Trong Chương trình Du lịch về cội nguồn, nhiều lễ hội đã được tổ chức như: Ngày hội văn hóa Mông Suối Giàng tôn vinh cây chè tổ, Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò, Hội chợ, tổ chức tour du lịch khám phá Di tích danh thắng cấp quốc gia – ruộng bậc thang Mù Cang Chải… với nội dung hoạt động phong phú, đa dạng tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách.
Trong thời gian qua, ngành du lịch đã quan tâm chú trọng đến việc khai thác giá trị truyền thống dân ca, dân vũ, âm nhạc như: các điệu khèn của người Mông, các điệu múa xòe của người Thái, múa sạp Tây Bắc có nguồn gốc từ Yên Bái, tính tẩu của người Tày…Các lễ hội dân gian như: Lồng Tồng, Hạn Khuống, Gầu Tào… được khôi phục và tổ chức thường xuyên, gắn với các hoạt động du lịch. Có thể nói, với 30 dân tộc anh em đủ để tỉnh Yên Bái có được một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú, hội tụ những nét đặc sắc và độc đáo không lẫn với dân tộc nào. Nhà nước đã hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để cải tạo đất nương rẫy làm ruộng bậc thang. Tuy nhiên Sa Pa, Yên Bái không phải là khu vực duy nhất ở Việt Nam có ruộng bậc thang. Hiện nay, một số điểm du lịch ở Tây Bắc đã và đang thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước là Sa Pa, Bắc Hà (Lao Cai); TP Ðiện Biên Phủ, U Va (Ðiện Biên); Bản Hin, Nhà tù Sơn La, Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La); Hồ Thác Bà, Di tích Căng và đồn Nghĩa Lộ, Suối Giàng (Yên Bái); hồ Sông Ðà, Mai Châu, Kim Bôi (Hòa Bình)… Hầu hết các điểm du lịch này đã có những thay đổi tích cực và rõ rệt trong đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư địa phương. Ruộng bậc thang gắn liền với phát triển lọai hình homestay, đây là lọai hình để tìm hiểu kỹ thuật trồng lúa nước của người dân. Những du khách đến từ các quốc gia khác nhau có nền kinh tế phát triển, họ thích đến những vùng cao tìm về thiên nhiên tới thăm các bản làng bởi họ muốn biết sức mạnh và cái gì giúp những người dân nơi đây sống và tồn tại một cách tự tin và tạo ra những khu ruộng bậc thang đẹp như vậy. Đó là giá trị của người dân nơi đây và cũng là nét đẹp riêng của người dân Tây Bắc.
Hiện có nhiều tour tham quan ruộng bậc thang, trong đó có 2 tour chính: Từ Sa Pa – Lý Lao Chải – Tả Van, và Sa Pa – Lý Lao Chải – Tả Van – Bản Hồ – Thanh Phú – Suối Thầu.
Ngòai ra quần thể ruộng bậc thang còn chứng minh không chỉ riêng người Kinh mới có văn minh lúa nước mà những tộc người vùng cao cũng làm lúa nước rất tài giỏi. Nếu hiểu họ đã trải qua cuộc sống va đập, cọ xát giữa vùng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nặng nề thì sẽ biết họ đã phải tìm cách tự vượt lên, phải chịu khó lắm mới làm được ruộng bậc thang khi chưa có một hình mẫu, một chủ trương, chính sách nào. Ruộng bậc thang Việt nam đã bắt đầu vươn danh thế giới và là nguồn cảm hứng cho các nhà nhiếp ảnh. Chẳng hạn như bộ sưu tập mới nhất của nhà thiết kế Việt Nam là Anh Vũ và Thiên Tòan tham dự hai sự kiện lớn tại Đức và Singapore. Bộ sưu tập này lấy nguồn cảm hứng ý tưởng đậm chất dân tộc từ ruộng bậc thang. Từ đó ta thấy ruộng bậc thang là hình ảnh đặc trưng gắn liền với nét văn hóa của nguời dân vùng cao và luôn là nguồn cảm hứng để các nhà nghệ thuật nhiếp ảnh khắc họa.
Từ khóa » đặc điểm Ruộng Bậc Thang
-
Ruộng Bậc Thang – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ruộng Bậc Thang - Vốn Tri Thức Dân Gian Của Miền Núi Cao
-
Ruộng Bậc Thang - Vẻ đẹp Từ Bàn Tay Lao động
-
Ruộng Bậc Thang - Nét đẹp Lao động Sản Xuất, Văn Hóa Truyền Thống ...
-
Ruộng Bậc Thang Mù Cang Chải - Du Lịch Yên Bái
-
[Điểm đến] Ai Bắc Những Bậc Thang Lên Trời? | Tin Tức | Vietnamairlines
-
Bảo Tồn, Phát Huy Giá Trị Ruộng Bậc Thang Của Người Mường Hoà Bình
-
Điểm Danh Ruộng Bậc Thang ở Châu Á “hút Hồn” Khách Du Lịch
-
Ruộng Bậc Thang Hồng Thái, Tuyên Quang
-
Ruộng Bậc Thang Trong đời Sống Của đồng Bào Rẻo Cao Hoàng Su Phì
-
Hồi Sinh Ruộng Bậc Thang Brenta ở Italia - Báo Hậu Giang
-
Top 15 đặc điểm Nổi Bật Của Ruộng Bậc Thang
-
Ruộng Bậc Thang Mùa Nước đổ