Bảo Tồn, Phát Huy Giá Trị Văn Hóa ở Quảng Bình

Thực tiễn của quá trình lãnh đạo cách mạng, phát triển đất nước là quá trình đổi mới tư duy chính trị, tư duy kinh tế, Đảng ta có những đổi mới quan trọng lý luận về văn hóa. Xác định đúng đắn vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa và đường lối, quan điểm nghị quyết các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)“về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương chín (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khóa X, khóa XI, XII),Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, điều hành các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Mặt trận, các đoàn thể xã hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa ngày càng đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao; nguồn lực văn hóa được tăng cường. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.

Công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án,quy chế quản lý và trung tu, tôn tạo các giá trị di tích văn hóa - lịch sử đã được đầu tư, phát huy hiệu quả: Di tích Thành Đồng Hới, khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Lệ Thủy); khu Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, di tích Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh (huyện Quảng Trạch); khu di tích Hệ thống đường Trường Sơn; Đài tưởng niệm các TNXP Phà Long Đại (huyện Quảng Ninh); di tích Hang Lèn Hà (huyện Tuyên Hoá); di tích Đình Kim Bảng, di tích Khe Thui (huyện Minh Hóa)...Tính đến nay, toàn tỉnh có 133 di tích đã được xếp hạng; trong đó, có 79 di tích cấp tỉnh, 54 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.2

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu được chú trọng; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được xác lập. Đến nay, toàn tỉnh có 116 đơn vị di sản văn hóa phi vật thể; có 06 di sản văn hóa được Nhà nước đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia3. Lễ hội Đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và các huyện, Lễ hội Rằm tháng ba Minh Hóa, lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch), Lễ hội Cầu ngư của ngư dân vùng biển, lễ hội Núi Thần Đinh (huyện Quảng Ninh); Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), tuần văn hóa - du lịch, gắn với lễ hội đường phố, ẩm thực (thành phố Đồng Hới); lễ hội tâm linh ở Chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy), đền thờ Công chúa Liễu Hạnh (huyện Quảng Trạch), Hội Vật đầu xuân, Cướp cù, Lễ hội Không gian xưa “Chợ Tết quê” ở Ba Đồn; nghệ thuật Ca trù và nghệ thuật Bài chòi dân gian Trung Bộ (được UNESCO công nhận cùng một số tỉnh, thành phố miền Trung)...đã được phục dựng, tổ chức quy mô, khơi dậy giá trị văn hóa, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thu hút hằng nghìn người tham gia, thưởng thức.

Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ít người được tổ chức nghiên cứu, sưu tầm: Đề tài nghiên cứu về vốn âm nhạc dân gian người Nguồn; sưu tầm vốn văn học, nghệ thuật các tộc người Mày, Sách thuộc dân tộc Chứt...góp phần phục dựng, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống quê hương. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, ẩm thực, đặc sản truyền thống phát triển phong phú, chất lượng được nâng lên, được giới thiệu, quảng bá ra thị trường trong nước và khu vực.

Phong trào văn nghệ quần chúng:liên hoan tuyên truyền lưu động, nghệ thuật quần chúng công - nông - binh, liên hoan ca trù, bài chòi, liên hoan các câu lạc bộ...phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng “cơ quan văn hóa”, “làng văn hóa”,“gia đình văn hoá” chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên; lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, cơ sở.

Cùng với nguồn chi ngân sách, chính quyền các cấp đã có các giải pháp huy động sức mạnh nguồn lực của toàn xã hội từng bước nâng cấp, xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; góp phần trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa; sưu tầm, xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động lễ hội, văn nghệ dân gian; phong trào văn hóa...đã huy động hằng trăm triệu đồng/năm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa với nước ngoài đã được tổ chức thông qua các hội chợ du lịch tại Thái Lan, Philippines, Singapore, Lào, Đức;lễ hội hang động Quảng Bình - Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Tuần văn hóa - du lịch Đồng Hới, Tuần văn hóa và Lễ hội Rằm tháng 3 Minh Hóa, Giải đua thuyền truyền thống tỉnh Quảng Bình mở rộng các nước Lào, Thái Lan...đã quảng bá nét văn hóa quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo cơ hội giao lưu học hỏi, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch4.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trên nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế tri thức, kinh tế số và kinh tế xanh. Đây là xu thế có tác động đa chiều đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, hưởng thụ văn hóa và tạo ra nguồn lực quan trọng để phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội đất nước, địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục triển khai để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh, đó là:

Một là, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc quan điểm chỉ đạo, đường lối, nghị quyết về văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa của Đảng. Nắm vững quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: “...phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần...”, “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”5.,từ đó, cấp ủy các cấp đổi mới phương thức, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực văn hóa và quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của toàn dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, quê hương.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong công cuộc kiến thiến nước nhà... phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”6. Từ đó, các cấp, các ngành cần chú trọng hơn việc xây dựng môi trường văn hóa, văn hóa trong chính trị, kinh tế; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa công sở, văn hóa gia đình; gắn với phong trào, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, đô thị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý; rà soát, quy hoạch và quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, bảo tồn giá trị các danh thắng, các di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia; phục dựng, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, văn hóa dân tộc thiểu số; tổ chức tốt các lễ hội văn hóa, tâm linh, du lịch, gắn với chọn lọc một số lễ hội văn hóa đặc sắc của nước ngoài...nhân các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, quê hương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động văn hóa, lễ hội; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở.

Ba là, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục về văn hóa, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quy định về nêu gương, để rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thanh niên, khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, đời sống văn hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; ngăn chặn những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa; sùng bái lối sống văn hóa nước ngoài và đẩy lùi mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, phát tán các văn hóa phẩm độc hại làm xói mòn, hủy hoại những giá trị văn hóa truyền thống.

Bốn là, tiếp tục đầu tư ngân sách, hỗ trợ kinh phí từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, nhất là nông thôn, vùng biên giới, vùng biển bãi ngang. Đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; ban hành các chính sách đặc thù nhằm nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, nhất là các loại hình nghệ thuật các vùng, miền có nguy cơ mai một dần; sử dụng công nghệ thông tin để số hoá các dữ liệu văn nghệ dân gian để người dân tiếp cận với văn hoá dân tộc; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giảng dạy trong trường học, sinh hoạt các câu lạc bộ. Có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân đang thực hành, nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể, góp phần trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ởđịa phương.

Năm là, đẩy mạnh đầu tư nguồn lực xã hội hóa hoạt động văn hóa tương xứng tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là các lễ hội tiêu biểu (đua bơi thuyền truyền thống; các lễ hội: Hang động, Chùa Hoằng Phúc, Núi Thần Đinh, Đền thờ Liễu Hạnh; tuần văn hóa-du lịch, liên hoan nghệ thuật; khai thác hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại gia (homestay) nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững. Gắn phong trào xây dựng đời sống văn hóa, với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đề cao tính tích cực của xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái, tự hào dân tộc; từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa các giai tầng trong xã hội.

“Văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước”7. Phát huy những kết quả đạt được, vận dụng đúng đắn các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, chắc chắn trong thời gian tới, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Phạm Thị Thu Hoài Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(1). Văn kiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1998, trang 36).

(2), (3). Báo cáo năm 2021 của Sở Văn hóa và Thể thao.

(4).Báo cáo số 319-BC/TU, ngày 06//6/2019 của Tỉnh ủy “Sơ kết 5 năm thực hiện NQ33/TW (khóa XI).

(5). Trích văn kiện Đại hội XIII của Đảng, NXB CTQGST 2021, trang 60.

(6). Trích phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/1946.

(7). Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử ở Lệ Thủy