Bảo Tồn Và Phát Triển Bền Vững Hệ Sinh Thái ở Bán đảo Sơn Trà, Đà ...

Ngày 19/7/2016, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học & Kĩ thuật Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng”

Bán đảo Sơn Trà là một phần của Vùng sinh thái Trường Sơn – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là môi trường sống của 985 loài thực vật (có 22 loài quý, hiếm) và 278 loài động vật (có 15 loài quý, hiếm), và còn được gọi “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm gần đây, hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà chịu nhiều ảnh hưởng từ hoạt động phát triển. Do đó, nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà, Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà” vào lúc 13:30 ngày 19/7/2016 tại Hội trường Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng, số 05 Quang Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo với sự tham gia của hơn 52 đại biểu, gồm đại diện của 08 Sở và Quận: Sở KH&CN; Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT; Sở GD&ĐT; Sở Du lịch; Sở Kế hoạch và đầu tư; UBND quận Sơn. Đại diện Hội Nông dân của Quận Sơn Trà, UBND Phường Thọ Quang, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Khoa học & Kĩ thuật cùng nhiều đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt có sự tham gia của các đại biểu ngoài thành phố Đà Nẵng là các nhà khoa học, các nhà quản lý như Ông Hứa Đức Nhị (Nguyên Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), TS. Vũ Ngọc Long (Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam – thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công Nghệ Việt Nam); Ông Lương Viết Hùng (Tổ chức WWF tại Việt Nam). Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thu hút hơn 17 báo đài đến đưa tin như Đài VTV, Đài DRT, báo Công an Đà Nẵng, báo Nhân dân, báo Tài nguyên môi trường, …

Nhằm tìm hiểu được thực trạng công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà, Hội thảo đã nghe 03 chuyên đề liên quan và một chuyên đề về Mô hình bảo tồn hiệu quả nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (Hội An). Các chuyên đề được trình bày bởi đại diện của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên môi trưởng, Trung tâm GreenViet và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Phần chính của Hội thảo là đại biểu đống góp về giải pháp quản lý để bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà.

Ban tổ chức chụp hình kỉ niệm với các khách mời tham gia Hội thảo
Ban tổ chức chụp hình kỉ niệm với các khách mời tham gia Hội thảo

Đại biểu tham dự đề xuất một số khuyến nghị về giải pháp khả thi giúp bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng đảm bảo quyền lợi được chia sẻ công bằng như Kiểm soát và bán vé cho du khách lên tham quan Sơn Trà; Dùng hình ảnh loài Voọc chà vá chân nâu là biểu tượng của du lịch, biểu tượng của đa dạng sinh học, Đà Nẵng và bằng mọi giá phải bảo tồn được quần thể Voọc chà vá chân nâu; Đánh giá ĐTM của các dự án một cách cẩn thận, trung thực; Nghiên cứu và đánh giá sức chứa của Sơn Trà trong hoạt động du lịch để không phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn được đa dạng sinh học; Hệ sinh thái Sơn Trà chỉ cần giao cho một cơ quan quản lý, các đơn vị khác tham mưu, phối hợp; Bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước của Sơn Trà.

Trong hội thảo cũng nghe được ý kiến mạnh mẽ từ một số đại biểu như: Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật cho rằng Nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà phải đưa vào thảo luận trong lần họp HĐND thành phố trong tháng 8 tới, phải thay đổi cách quản lý cũ là Phát triển kinh tế với Quốc phòng thành phát triển kinh tế với quốc phòng và bảo tồn đa dạng sinh học. Còn ông Nguyễn Diễn – Phó Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp (VCCI) Đà Nẵng “Tạm dừng các dự án gây tác động lớn đến hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà, nếu được sẽ bồi thường để chấm dứt dự án, tôi cũng sẵn sàng góp tiền vì mục đích bảo vệ môi trường”. Bên cạnh đó, bán đảo Sơn Trà nhận được thêm sự quan tâm từ các Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ. Theo ông Bùi Huy Trí, trước năm 2000, lặn nhìn san hô rất đẹp, nhưng bây giờ san hô chết quá nhiều, cần hiểu hơn về Sơn Trà để khi quy hoạch đảm bảo hài hòa lợi ích chung cho cả sự phát triển. Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đề nghị các đơn vị liên quan sớm hỗ trợ cho dự án phục hồi hệ sinh thái trên cạn và dưới nước do Viện Sinh thái học Miền nam chủ trì; Ông Trần Hữu Lân – Sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng dân số có thể tăng thêm nhưng Sơn Trà không thể tự lớn hơn nên kiên quyết phải bảo vệ hệ sinh thái Sơn Trà. TS. Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh thái Miền Nam cho rằng có thể đề xuất Sơn Trà thành khu dự trữ sinh quyển để bảo tồn cả trên cạn và dưới biển.

Hội thảo có vai trò quan trọng trong bối cảnh của bán đảo Sơn Trà hiện nay và là một trong những hoạt động thuộc chương trình liên tịch bảo vệ môi trường năm 2016 giữa Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng với Liên hiệp các hội Khoa học & Kĩ thuật thành phố Đà Nẵng và chương trình tài trợ nhỏ do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tài trợ.

Nguồn: Green Việt

Từ khóa » Hệ Sinh Thái ở đà Nẵng