Bảo Vệ Thắng Cảnh đầm Ô Loan - UBND Tỉnh Phú Yên

Sở VH-TT-DL bàn giao mốc giới ngoài thực địa DTTCQG Đầm Ô Loan cho UBND huyện Tuy An. Ảnh: THIÊN LÝ

Ô Loan là đầm nước lợ nằm về phía đông ven quốc lộ 1, dưới chân đèo Quán Cau, cách TP Tuy Hòa về phía bắc 20km. Phía bắc đầm giáp với hai thôn Tân Long và Phú Sơn (xã An Ninh Đông), phía nam giáp các thôn Diên Hội, Đồng Môn, Tân Qui, Xuân Hòa (xã An Hòa Hải), phía tây giáp thôn Mỹ Phú và Phú Tân (xã An Hiệp).

Cắm mốc giới thực địa

Đứng trên đỉnh đèo Quán Cau phóng tầm nhìn bao quát, mặt đầm Ô Loan yên ả được bao bọc bởi những dãy đồi thấp thoai thoải với ruộng mía xanh ngắt. Nhìn từ phía nam, đầm Ô Loan giống như chim phượng hoàng đang xoải cánh bay về hướng bắc. Còn nhìn từ trên cao, Ô Loan giống con thiên nga đang thong thả bay trên bầu trời cao xanh thăm thẳm. Với thắng cảnh hữu tình, đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) quyết định công nhận là DTTCQG vào ngày 27/9/1996.

Năm 2019, Bộ VH-TT-DL có thỏa thuận điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thỏa thuận điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ các di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT-DL tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu triển khai cắm mốc giới khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan và tổ chức cắm mốc giới tại thực địa.

Ngày 25/4 vừa qua, Sở VH-TT-DL tổ chức nghiệm thu hoàn thành cắm mốc giới tại thực địa DTTCQG Đầm Ô Loan và bàn giao cho UBND huyện Tuy An quản lý. Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, phạm vi các khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan (khu vực bảo vệ I và II) thuộc các xã: An Cư, An Hiệp, An Hòa Hải, An Ninh Đông có diện tích gần 1.785ha. Trong đó, phạm vi khu vực bảo vệ I có diện tích khoảng 1.723ha (bao gồm toàn bộ mặt nước đầm hơn 1.639ha, Hòn Lao 24,35ha và vùng mặt đất ven bờ đầm 59,71ha); khu vực bảo vệ II diện tích gần 62ha (toàn bộ mặt núi Hòn Chồng quay về phía đầm thuộc xã An Hòa Hải).

Trên cơ sở diện tích và ranh giới đã được điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan, tại các khu vực bảo vệ, Sở VH-TT-DL đã tiến hành cắm 278 mốc giới. Trong đó, tại ranh giới khu vực bảo vệ I là 266 mốc (xã An Cư: 64 mốc, xã An Hiệp: 42 mốc, xã An Ninh Đông: 58 mốc, xã An Hòa Hải: 99 mốc, các mốc giữa 2 xã: 3 mốc); tại ranh giới khu vực bảo vệ II, cụ thể là xã An Hòa Hải: 12 mốc.

Người dân đồng tình

Thông tin về cắm mốc giới khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan đã tạo sự phấn khởi cho người dân ở địa phương có di tích. Bà Phạm Thị Nghiêm ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở đây nên tôi hiểu rõ về những giá trị của DTTCQG Đầm Ô Loan. Tuy nhiên, trong thời gian qua, di tích danh thắng này bị xâm hại cả ở dưới nước và khu vực quanh bờ, ảnh hưởng tới cảnh quan du lịch, gây ô nhiễm vùng nuôi và làm giảm nguồn lợi thủy hải sản. Do vậy, việc tỉnh quan tâm cắm mốc giới khu vực bảo vệ DTTCQG như vậy vừa đảm bảo thực hiện việc bảo vệ và phát huy di tích, vừa phù hợp với thực tế địa phương hiện nay”. Không chỉ bà Nghiêm, nhiều người dân ở các thôn, xã tiếp giáp với đầm Ô Loan cũng có chung mong muốn, sau khi cắm mốc, diện tích đất trong khu vực bảo vệ được sử dụng theo quy định của pháp luật, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của mọi người.

Ông Trần Sáu, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải, cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cơ sở vật chất để thực hiện việc khảo sát điều chỉnh, xác định tọa độ cũng như công tác cắm mốc giới ngoài thực địa các khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan theo quyết định của UBND tỉnh. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa; mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng, quán triệt pháp luật về di sản văn hóa, đẩy mạnh tu bổ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh... đến các tổ chức hội, đoàn thể và người dân. Đồng thời, xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Theo Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy, việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan và bàn giao toàn bộ mốc giới cho UBND huyện Tuy An quản lý, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích theo các quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên, môi trường trong khu vực di tích, góp phần phát huy giá trị của di tích. Đồng thời tạo điều kiện cho địa phương thu hút đầu tư phát triển kinh tế, du lịch và ổn định đời sống của nhân dân ở các xã ven đầm.

Việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ DTTCQG Đầm Ô Loan và bàn giao toàn bộ mốc giới cho UBND huyện Tuy An quản lý, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích theo các quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên, môi trường trong khu vực di tích, góp phần phát huy giá trị của di tích. Đồng thời tạo điều kiện cho địa phương thu hút đầu tư phát triển kinh tế, du lịch và ổn định đời sống của nhân dân ở các xã ven đầm.

Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy

(THIÊN LÝ – Báo Phú Yên)

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử đầm ô Loan