Phú Yên: Cần Trả Lại Vẻ đẹp Tự Nhiên Cho Thắng Cảnh Quốc Gia đầm ...

Từ trên đỉnh đèo Quán CauQL1A thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Tuy An, nhìn xuống phía Đông, du khách sẽ bắt gặp đầm Ô Loan - một di tích thắng cảnh quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận theo Quyết định 2410/QĐ-VH ngày 27/9/1996. Với diện tích 1.570 ha, mặt đầm Ô Loan nằm giữa những đồi núi, tiếp giáp với 5 xã An Hòa, An Hiệp, An Cư, An Hải và An Ninh Đông.

Ở độ cao ngàn mét nhìn xuống, hình hài mặt đầm trông như một con chim Loan xoãi cánh, ẩn chứa tiềm năng lớn về nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nổi tiếng nhất là tôm đất, sò huyết, rong câu… nên về đêm mặt đầm rực rỡ ánh đèn của ngư dân giăng lưới, thả câu.

Đã từ lâu, phong cảnh hữu tình nơi ấy tạo nguồn cảm xúc cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác thơ, ca, nhạc, họa và nhiếp ảnh. Thế nhưng, gần 10 năm trở lại đây, khi nghề nuôi tôm sú mở ra một hướng đi mới cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên thì di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan cũng bị xâm hại nghiêm trọng, cư dân lấn chiếm diện tích mặt nước ven đầm, đào đắp hàng trăm đìa tôm.

Đến khi mặt nước ven đầm bị xé nát, nguồn nước tự nhiên trong đầm bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ các đìa tôm đổ ra, sinh vật tự nhiên trong đầm có nguy cơ chết dần thì UBND huyện Tuy An mới chỉ đạo đoàn thanh tra vào cuộc từ năm 1998.

Theo kết quả thanh tra tại thời điểm đó, đã có tới 656 đìa tôm lấn chiếm mặt đầm Ô Loan với diện tích gần 325 ha, trong đó có 259 ha đìa tôm tự phát, chiếm 79,6%, địa phương có diện tích đìa tôm lớn nhất là xã An Cư. Nhiều nơi đìa tôm vươn ra mặt đầm 170m, thậm chí có xã đã lập kế hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm trên đầm Ô Loan và thu phí giao đất mặt nước trái pháp luật.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có văn bản chỉ đạo các Sở Văn hóa - Thông tin, Tài nguyên - Môi trường và UBND huyện Tuy An tiến hành kiểm tra quy hoạch và xử lý ô nhiễm môi trường đầm Ô Loan. Nhiều phương án được đưa ra nhưng cuối cùng các cơ quan chức trách cũng chỉ thực hiện việc cải tạo, mở rộng cửa đầm ở Tân Qui, xã An Hải, mà không có biện pháp giải tỏa hàng trăm đìa tôm lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Thêm một thực tế đáng buồn là từ khi được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia đến nay đã gần 10 năm, đầm Ô Loan chưa bao giờ được đầu tư tôn tạo, xây dựng một hạng mục nào để thu hút du khách tham quan. "Công trình" duy nhất là tấm biển giới thiệu di tích thắng cảnh xây dựng dưới một thửa đất cách nền QL1A cả chục mét, ở vị trí rất khó tìm thấy!

Bao giờ trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan? Bao giờ thắng cảnh này mới được đầu tư khai thác để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan? Câu trả lời xin nhường lại cho UBND tỉnh Phú Yên

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử đầm ô Loan