Başlıksız

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI HÀNH VI TRỐN TRÁNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ.

Để giúp cho công dân nhận thức đầy đủ và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật nghĩa vụ quân sự, xin trích các quy định của Luật nghĩa vụ quân sự và Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ như sau:

Điều 59. Luật Nghĩa vụ Quân sự quy định Xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chúng ta biết rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là thời chiến hay thời bình, bảo vệ đất nước luôn là nhiệm vụ tiên quyết, hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh của dân tộc. Do vậy, thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa là quyền, nghĩa vụ của mọi công dân nhất là thanh niên trẻ. Vì vậy, việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự cần lên án và đáng bị phê phán, bởi đã đi ngược lại phẩm cách kiên cường, dũng cảm vốn có của con người Việt Nam. Hiện tượng tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự là vừa trái pháp luật vừa trái với đạo đức công dân. Hành vi này bao gồm trốn tránh lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi đi khám sức khỏe để đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung. Những hành vi này được xem là những hành vi trốn tránh trách nhiệm và là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt hành chính hay nặng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 332 của Bộ Luật Hình sự hiện hành.

Bên cạnh đó việc thực hiện và cung cấp cho người khác những loại giấy khám sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe thực sự của đương sự nhằm để trốn tránh nghĩa vụ quân sự được xem là vi phạm pháp luật. Hành vi này không chỉ đơn thuần bị xử phạt vi phạm hành chính mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu, con dấu của các cơ quan tổ chức khác, được quy định tại Điều 341 hoặc Điều 334 của Bộ Luật Hình sự.

Điều 5. Vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà cán bộ, nhân viên y tế có được đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.

Điều 9. Vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí sắp xếp thời gian, không tạo điều kiện cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người có trách nhiệm thi hành nhiệm vụ về đăng ký nghĩa vụ quân sự, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận lại công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bố trí, tạo điều kiện cho công dân thực hiện chế độ đăng ký, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, thực hiện việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, chấp hành lệnh gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiếp nhận lại công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này

Khi đã nộp phạt hành chính, không có nghĩa là người này sẽ đương nhiên không phải thực hiện theo lệnh gọi nhập ngũ mà vẫn phải tiến hành nhập ngũ như bình thường. Nếu sau khhi xử phạt hành chính mà vẫn trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, theo điều của 332 của  Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 332: Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự trực tiếp xâm phạm đến chính sách, pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

Từ khóa » Trốn Khám Nghĩa Vụ Quân Sự Bị Gì