BẤT ĐỘNG SẢN HÒA BÌNH HỨA HẸN BÙNG NỔ HẬU COVID-19

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến cho nền kinh tế thế giới gặp một phen chao đảo. Tuy nhiên, trong khi nhiều lĩnh vực lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng thì bất động sản có lẽ vẫn là một kênh trú ẩn khá an toàn và duy trì sinh lời cho các nhà đầu tư. Mới đây, một loạt quyết sách của UBND tỉnh Hòa Bình đã khiến cho giới chuyên môn nhận định rằng, thị trường bất động sản tỉnh này hứa hẹn sẽ khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

Siêu quy hoạch hơn 52.000 ha tại hồ Hòa Bình

Tháng 3/2021, tại Quyết định số 439/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, với tổng quy mô 52.200 ha.

Phạm vi lập quy hoạch nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình (gồm các phường: Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh và một phần xã Hòa Bình) và 4 huyện: Đà Bắc (gồm các xã: Đồng Ruộng, Yên Hòa, Cao Sơn, Tiền Phong, Vầy Nưa, huyện Hiền Lương và Toàn Sơn), huyện Cao Phong (gồm các xã: Bình Thanh và Thung Nai), huyện Tân Lạc (gồm các xã: Suối Hoa và Phú Vinh) và huyện Mai Châu (gồm các xã: Sơn Thủy, Tân Thành và một phần xã Đồng Tân).

Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình được xác định là khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng. Dự báo đến năm 2035, sẽ đón khoảng từ 2,5 – 3 triệu lượt khách.

Được định hướng xây dựng thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình. Là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình; cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước…).

Không gian phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình được hình thành trên cơ sở các không gian cảnh quan đồi núi, hệ sinh thái tự nhiên, các giá trị văn hóa, tâm linh gắn liền với vùng lòng Hồ Hòa Bình, bao gồm 6 phân khu chức năng.

Phân khu 1 là khu vực cửa ngõ gắn với hệ thống cảng Bích Hạ, Ba Cấp (thuộc thành phố Hòa Bình), định hướng trở thành khu vực phát triển đô thị, trung tâm dịch vụ hỗn hợp gắn với phát triển du lịch. Phân khu 2 phát triển du lịch tập trung Hiền Lương – Thanh Bình, Vầy Nưa (thuộc địa phận huyện Đà Bắc) là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao gắn với mặt nước hồ, khu dân cư mới huyện Đà Bắc.

Bất động sản Hòa Bình hứa hẹn bùng nổ hậu Covid-19

 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035 với tổng quy mô 52.200 ha

Phân khu 3 là khu phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên hoang dã phía Bắc hệ sinh thái hồ Hòa Bình (thuộc địa phận huyện Cao Phong và Đà Bắc) định hướng xây dựng thành khu vực bảo tồn hệ sinh thái rừng, phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học. Phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa (thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc) là khu trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch hồ Hòa Bình, trung tâm văn hóa – lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc miền núi phía Bắc; trung tâm du lịch tâm linh gắn với đền Thác Bờ.

Ngoài ra, còn có phân khu dịch vụ du lịch tại xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu) và phân khu du lịch thiên nhiên hoang dã sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (thuộc huyện Đà Bắc).

Đề án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2020 – 2025 sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển đồng bộ toàn khu du lịch. Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đến 2035, thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

Bổ sung thêm 178 dự án nhà ở

Mới đây, tại Quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hòa Bình hàng năm và 5 năm giai đoạn 2017-2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã bổ sung 178 dự án nhà ở vào Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hòa Bình hàng năm và 05 năm giai đoạn 2017-2021 tại Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 19/4/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình với nhiều siêu dự án có quy mô lên đến hàng trăm ha.

Theo quy hoạch, tại thành phố Hòa Bình có 100 dự án, diện tích đất quy hoạch là 764,63 ha, tổng mức đầu tư hơn 6.461 tỷ đồng. Trong đó, Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn có diện tích 269,4 ha, vốn đầu tư hơn 2200 tỷ; dự án Sân golf và Khu đô thị sinh thái tại xã Mông Hóa và xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn có diện tích 155 ha, vốn đầu tư hơn 1300 tỷ đồng.

Huyện Kim Bôi có 26 dự án với nhiều dự án lớn quy mô từ 100 ha như: Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng Kim Bôi tại khu Mớ Đá, thị trấn Bo rộng 271 ha, vốn đầu tư gần 2.290 tỷ; Khu đô thị cao cấp tại xã Cuối Hạ và Khu đô thị cao cấp tại xã Cuối Hạ và cáp treo Đồi Thung – Kim Bôi đều rộng 100 ha, vốn đầu tư 845 tỷ đồng.

Riêng huyện Lương Sơn có 17 dự án, trong đó, dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở ven Sông Bùi (giai đoạn 2) nằm trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và 2 xã Nhuận Trạch, Tân Vinh có diện tích 103 ha, vốn đầu tư hơn 870 tỷ đồng.

Huyện Tân Lạc có 6 dự án với tổng mức đầu tư 1125,6 tỷ. Huyện Yên Thủy có 3 dự án với tổng vốn đầu tư là 169,2 tỷ. Huyện Lạc Thủy có 12 dự án, huyện Lạc Sơn có 10 dự án còn huyện Đà Bắc có 2 dự án.

Tại huyện Cao Phong có 2 dự án, trong đó, Khu đô thị tại Thung Nai (nằm trong Đồ án Quy hoạch chi tiết cảng Thung Nai, xã Thung Nai, huyện Cao Phong) nằm trên diện tích 50 ha, mức đầu tư trên 422 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra khỏi quy hoạch 2 dự án gồm Khu Trung tâm thương mại – Nhà ở khu 5, thị trấn Cao Phong và Khu dân cư và Trung tâm thương mại dịch vụ xóm Bảm (cụm công nghiệp cũ) đều nằm trên địa bàn huyện Cao Phong.

Bất động sản Hòa Bình hứa hẹn bùng nổ hậu Covid-19

Thành phố Hòa Bình sắp có thêm 100 dự án quy hoạch trên tổng diện tích 764,63 ha đất

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, bên cạnh các lợi thế nội tại về đất đai, cảnh quan môi trường, khí hậu và các chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương, Hòa Bình còn có lợi thế khác khi nằm sát với Hà Nội – một thị trường lớn, đầy tiềm năng với quy mô dân số cả chục triệu dân.

Bên cạnh nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2 của tầng lớp thị dân giàu có, thị trường Hòa Bình có khả năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô, bằng chứng là hàng loạt các dự án đã và đang được đầu tư bởi các “ông lớn” như: Phú Mỹ Hưng, T&T Group, FLC, Geleximco,..

Với sự khởi sắc trong mấy năm gần đây, bất động sản Hòa Bình hiện vẫn là một điểm sáng cho thị trường bất động sản ngoại ô khi hội tụ đủ các yếu tố và lợi thế để tiếp tục tăng trưởng trong thời kỳ hậu Covid-19. Giới chuyên môn dự báo, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, dòng tiền chuyển dịch sang phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ngày một nhiều hơn.

Trao đổi với PV Ngày mới Online, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho rằng: “Mặc dù phải gánh chịu không ít tác động từ dịch Covid-19 nhưng bất động sản vẫn có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 sau khi dịch bệnh qua đi. Và thị trường Hòa Bình sẽ trở thành miền đất hứa cho các chủ đầu tư giàu tiềm lực và có kinh nghiệm thực sự. Nếu lựa chọn đầu tư tại các dự án du lịch – nghỉ dưỡng, nhà đầu tư sẽ có 1 kênh trú ẩn an toàn, sinh lời bền vững.”

Theo tìm hiểu của PV, đến nay, khu du lịch hồ Hoà Bình đã thu hút khoảng 16 dự án du lịch – dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng khoảng gần 1.450ha. Tuy nhiên, hầu hết các dự án vẫn nằm trên giấy, bởi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết nên chưa thể triển khai. Vì lẽ đó, một số chủ đầu tư đang rốt ráo hoàn thiện pháp lý cho “đứa con đẻ” để chờ ngày khởi công.

Nguồn: Tạp chí Ngày mới online

Từ khóa » Cảng Bích Hạ Hòa Bình