Bất Hợp Lý Khi Doanh Nghiệp Nội Bị Siết Chi Phí Vốn Quá Mức

Bất hợp lý khi doanh nghiệp nội bị siết chi phí vốn quá mức - Ảnh 1.

Nhiều dự án lớn có thể bị ảnh hưởng do quy định siết chi phí lãi suất của nghị định 20/2017. Trong ảnh: tại một dự án do Tổng công ty Lắp máy VN tham gia thi công - Ảnh: N.T.

Việc khống chế chi phí lãi vay của các doanh nghiệp FDI khi họ vay tiền của công ty mẹ ở nước ngoài là hợp lý. Vì rất nhiều trường hợp doanh nghiệp FDI trong nước khai báo chi phí lãi vay từ nước ngoài rất cao khiến chi phí của họ tăng cao, lợi nhuận giảm, làm giảm số thuế họ đáng ra phải nộp tại VN.

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này với các doanh nghiệp trong nước có chung mức thuế suất lại không hợp lý. Theo nguyên tắc, chi phí của doanh nghiệp này là doanh thu của doanh nghiệp khác. Giả sử trường hợp một doanh nghiệp tại VN có chi phí lãi vay cao thì chi phí đó trở thành doanh thu của doanh nghiệp khác cũng tại VN.

Đến lượt doanh nghiệp này lại phải chịu thuế cho phần doanh thu đó. Như vậy, Nhà nước không hề thất thu thuế khi chi phí lãi vay của một doanh nghiệp cao.

Như vậy, quy định khống chế lãi vay giữa các doanh nghiệp không có chênh lệch thuế suất là không cần thiết cho mục tiêu chống chuyển giá.

Ngay tại điều 11.1 của nghị định 20/2017 đã nói rõ: Nếu hai doanh nghiệp có chung mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá trong giao dịch liên kết. Quy định miễn trừ này cần được mở rộng ra toàn bộ các nghĩa vụ trong nghị định, chứ không phải chỉ dừng lại ở nghĩa vụ kê khai, lập hồ sơ.

Có thể có ý kiến cho rằng mục đích của quy định này là để lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, tạo áp lực để các doanh nghiệp phải kinh doanh bằng vốn tự có, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay như hiện nay. Cái được là như vậy, nhưng cái mất của chính sách này cũng không phải là nhỏ vì sẽ cản trở các doanh nghiệp vay vốn khi có cơ hội kinh doanh, hoặc khi cần tăng trưởng nhanh.

Do đó, để có thể ban hành một quy định về khống chế chi phí lãi vay cần được nghiên cứu và đánh giá tác động rất kỹ, phải ở tầm luật, chứ không thể "cài cắm" trong một nghị định về một mục tiêu khác được.

Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo Luật sửa đổi các luật thuế, trong đó có đề xuất khống chế chi phí lãi vay của doanh nghiệp đối với những khoản vay nợ vượt quá 3 lần hoặc 4 lần vốn tự có. Hiện đây mới chỉ là đề xuất và chúng ta phải đợi ý kiến của Quốc hội.

Vấn đề khống chế lãi vay của toàn bộ các doanh nghiệp trong nước cần được đưa vào Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và chờ ý kiến của Quốc hội. Kể cả trong trường hợp Quốc hội đồng ý thông qua việc khống chế lãi vay thì cũng cần có khoảng thời gian 1-2 năm để các doanh nghiệp chuẩn bị phương án kinh doanh, phương án vốn, chứ không nên áp dụng gấp gáp như nghị định 20/2017.

NGUYỄN MINH ĐỨC

(ban pháp chế Phòng Công nghiệp và thương mại VN)

Kiến nghị sửa quy định vì "sự sống còn"

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Công ty MTCB (viết tắt) cho biết đang đầu tư dự án cáp treo gắn với dịch vụ tại địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, được Nhà nước khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi thuế.

Công ty đang đầu tư hàng loạt dự án từ nguồn vốn các cổ đông, huy động vốn từ các doanh nghiệp, các đối tác có quan hệ liên kết và từ nguồn vốn vay ngân hàng.

Nguồn vốn đầu tư rất cao nên công ty chưa thể có lãi ngay trong những năm đầu. Do vậy, nếu khống chế lãi vay theo nghị định 20 sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn.

"Vì sự sống còn của doanh nghiệp, chúng tôi kiến nghị chưa áp dụng quy định khống chế tỉ lệ lãi vay" - công ty kiến nghị.

A.H.

Từ khóa » Siết Chi Phí