Siết Chặt Chi Tiêu - Báo Bà Rịa Vũng Tàu Online

Đang chạy thì phát hiện xe hết xăng, chị Hà vội tấp vào cây xăng bên đường Nguyễn An Ninh và theo thói quen mở nắp bình và nói với nhân viên: “Em ơi đổ đầy bình nhé”. “Của chị 180 ngàn ạ”. Mải suy nghĩ mông lung chị Hà giật cả mình. “Ôi sao nhiều thế em? Bình này chị vẫn đổ tầm 120 -130 ngàn là đầy mà”. Cậu nhân viên tủm tỉm cười giải thích: “Chị ơi xăng giờ đã hơn 30 ngàn/lít, bình của chị đổ đầy 6 lít đó”.

Chiếc xe Lead của hãng Honda vốn được xem là tiết kiệm xăng, lâu nay vẫn cất một góc do gia đình chị Hà đã sắm được ô tô được vài năm nay. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng cao, chị Hà quyết định xe ô tô chỉ dùng vào lúc đi đâu xa, còn chạy loanh quanh trong thành phố thì đi xe máy để tiết kiệm. “Giờ đổ xăng xe máy cũng gần bằng một nửa so với đổ bình xăng ô tô cách đây 2 năm”, chị Hà nói.

Xăng tăng giá kéo theo con cá, bó rau, trái ớt, cọng hành... cũng lên giá, chị Hà cho biết nhiều khi đi chợ cứ quay ra quay vô không biết mua gì vì mặt hàng nào cũng đắt. Trong khi đó, 3 năm nay đồng lương vẫn đứng yên một chỗ, thậm chí có thời điểm bị cắt giảm do dịch COVID-19 và công ty phải tạm ngừng hoạt động. Cũng như chị Hà, nhiều bà nội trợ đã chọn giải pháp tối ưu là siết chặt chi tiêu bằng cách tính toán tiết kiệm, mua thứ gì rẻ nhất, tự nấu bữa sáng ở nhà, hạn chế ăn nhà hàng... Các khoản ưu tiên chỉ dành cho khám chữa bệnh và chi phí học hành của con cái.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn, giá cả tăng nhanh, cùng với phát sinh nhiều chi phí cho y tế, chăm sóc sức khỏe đã tác động lớn đời sống của đại bộ phận người lao động. Khảo sát của Viện năm 2021 cho thấy, có 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% người phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% lao động phải chuyển từ mua sắm hàng ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% trường hợp lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa. Ngoài ra, 60% người lao động phải tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân: 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ BHXH.

Như vậy, giá xăng tăng không chỉ tác động lên kinh tế vĩ mô mà ảnh hưởng ngay chính bữa ăn, sinh hoạt hàng ngày mỗi gia đình người lao động trong thời gian qua. Giá xăng vừa vượt mốc 30 ngàn đồng/lít hôm 23/5 thì trong chiều 1/6, xăng đã vượt 31 ngàn đồng/lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng một lít. Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 13 kỳ điều hành giá có tới 10 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm. Giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng 6.741 - 6.774 đồng/lít. Còn tính trong 2 năm qua, giá xăng trong nước đã tăng tới gần 20.000 đồng/lít.

Nhiều gia đình cạn kiệt nguồn tài chính sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19. Giá xăng và các mặt hàng thiết yếu đang tăng cao hiện nay một lần nữa là gánh nặng đè oằn lên vai người lao động. Trong khi đó, với DN, chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận giảm, cơ hội phục hồi sản xuất lại đang vướng thêm nhiều rào cản.

Tăng giá xăng cũng là vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trên nghị trường khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/6. Bài toán đặt ra là cần có các giải pháp cần thiết để kiểm soát giá xăng dầu, bảo đảm không vượt quá sức chống chịu của nền kinh tế, của người dân và DN. Nếu không có biện pháp kiểm soát giá cả thị trường hiệu quả, nhất là nguy cơ lạm phát thì không chỉ chuyện cơm ăn áo mặc của người lao động; việc sản xuất, kinh doanh của DN, tăng trưởng của nền kinh tế trong ngắn hạn... mà những kế hoạch, mục tiêu kinh tế - xã hội cũng sẽ khó thực hiện.

NGÔ GIA

Từ khóa » Siết Chi Phí