Bầu Cử Hoa Kỳ Năm 2020: Quy Trình Và Một Số Yếu Tố Tác động

Bầu cử Hoa Kỳ năm 2020: Quy trình và một số yếu tố tác động -0

Ngày 3-11 đánh dấu một trong những sự kiện chính trị thu hút mối quan tâm của đông đảo người dân trên toàn thế giới trong năm 2020. Sau khi chứng kiến cuộc chạy đua gay cấn giữa các ứng cử viên, cử tri Mỹ phải đưa ra quyết định lựa chọn người sẽ đứng đầu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ để dẫn dắt nền kinh tế hàng đầu thế giới trong bốn năm tới: Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng hòa hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ?

Quy trình bầu cử

Bầu cử Hoa Kỳ năm 2020 -0

Hiến pháp Hoa Kỳ đã có quy định về yêu cầu đối với người giữ chức vụ liên bang. Tổng thống phải là công dân Hoa Kỳ khi sinh ra, ít nhất 35 tuổi và thường trú tại Hoa Kỳ trong ít nhất 14 năm. Phó Tổng thống cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự. Người đã làm Tổng thống hai nhiệm kỳ thì không được làm Phó Tổng thống.

Các ứng cử viên vào Thượng viện phải ít nhất 30 tuổi, là công dân Hoa Kỳ trong chín năm và là thường trú nhân hợp pháp của bang mà họ muốn đại diện. Các ứng cử viên vào Hạ viện Hoa Kỳ phải ít nhất 25 tuổi, là công dân Hoa Kỳ trong ít nhất bảy năm và là thường trú nhân hợp pháp của bang mà họ muốn đại diện tại Quốc hội.

bang-1604055289633.jpg
(Theo Ấn phẩm "Tóm lược bầu cử ở Hoa Kỳ", bản tiếng Việt do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cung cấp)

Bước 1: Bầu cử sơ bộ

Bầu cử Hoa Kỳ năm 2020 -0

Các ứng cử viên sẽ vận động sự ủng hộ trong nội bộ đảng để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng của mình. Trong các cuộc họp nội bộ, các đảng viên gặp gỡ, thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn người mà họ cho là ứng cử viên xuất sắc nhất trong đảng.

Tại cuộc bầu cử sơ bộ, các đảng viên bỏ phiếu ở cấp bang để tìm ra ứng cử viên sẽ đại diện cho họ trong cuộc tổng tuyển cử. Ứng cử viên đại diện cho từng đảng được thông báo chính thức trong đại hội toàn quốc của đảng và sau đó chọn ứng cử viên Phó Tổng thống để cùng liên danh tranh cử với mình.

Từ năm 1853 đến nay, người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng luôn là ứng cử viên của đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ dù một số đảng khác cũng có ứng cử viên tham gia tranh cử. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump là đảng viên đảng Cộng hòa.

Bước 2: Tổng tuyển cử

Bầu cử Hoa Kỳ năm 2020 -0

Các ứng cử viên Tổng thống tổ chức vận động tranh cử khắp cả nước để giành được sự ủng hộ của người dân trong cuộc tổng tuyển cử. Ngoài ra, họ còn tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình để cử tri hiểu rõ quan điểm và năng lực của từng ứng cử viên.

Tổng thống Hoa Kỳ không do cử tri trực tiếp bầu ra mà được bầu gián tiếp thông qua các đại cử tri. Cử tri dùng lá phiếu của họ (phiếu phổ thông) để bầu Tổng thống và một số chức danh quan trọng khác. Sau đó, đại cử tri của các bang sẽ bầu cho ứng cử viên được đa số cử tri của bang đó lựa chọn.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mỗi bang được phân bổ số phiếu đại cử tri bằng với tổng số ghế Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ của bang đó trong Quốc hội. Mỗi bang trong 50 bang đều được phân bổ hai ghế Thượng nghị sĩ. Riêng đặc khu Columbia (thủ đô Washington, D.C.) có ba phiếu đại cử tri mặc dù không có một đại diện nào ở Quốc hội Hoa Kỳ. Bang nào càng đông dân thì bang đó càng có nhiều phiếu đại cử tri.

Tổng số phiếu đại cử tri hiện nay là 538, bằng tổng số Thượng nghị sĩ (100), Hạ nghị sĩ (435) và đặc khu Columbia (3). Trong đó, một số bang đông dân như California có 55 phiếu đại cử tri, Texas có 38 phiếu đại cử tri, Florida có 29 phiếu đại cử tri. Những bang quy mô dân số nhỏ như Wyoming chỉ có ba phiếu đại cử tri.

Đại cử tri có thể là những người cống hiến tận tụy cho đảng, các quan chức dân cử của bang, đôi khi là những người có quan hệ cá nhân hoặc chính trị với ứng cử viên Tổng thống. Họ trở thành đại cử tri thông qua các quy trình khá phức tạp tùy thuộc vào mỗi bang. Ở nhiều bang, các ứng viên đại cử tri được chọn tại đại hội cấp quận và bang. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thường đề cử các nhóm đại cử tri riêng vào đầu mùa xuân hoặc muộn nhất vào tháng 10 trong năm bầu cử. Năm 2020, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là một trong 29 đại cử tri của đảng Dân chủ ở bang New York.

Bầu cử Hoa Kỳ năm 2020 -0

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, ứng cử viên thắng tại nhiều bang hơn và giành nhiều phiếu phổ thông hơn chưa chắc đã giành chiến thắng cuối cùng. Điều quan trọng là phải giành thắng lợi ở những bang có dân số đông, tức là bang có nhiều phiếu đại cử tri. Để đắc cử Tổng thống, ứng cử viên phải đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri.

Theo quy định, vào ngày thứ hai của tuần thứ ba trong tháng 12 (năm 2020 là ngày 14-12), các đại cử tri họp tại tòa nhà Quốc hội của mỗi bang để bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Tại hầu hết các bang, ứng cử viên Tổng thống nào giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông sẽ giành được toàn bộ phiếu cử tri đoàn. Chỉ có bang Maine và Nebraska là phân chia số phiếu đại cử tri theo tỷ lệ phiếu phổ thông mà các ứng cử viên nhận được.

Hiếm có trường hợp đại cử tri không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử đại diện cho đảng của mình. Đại cử tri có lá phiếu ngược lại với lá phiếu của cử tri phổ thông được gọi là “đại cử tri không trung thành”.

Một tháng sau khi cử tri đoàn bỏ phiếu, Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp hai viện để tuyên bố người thắng cử. Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử sẽ diễn ra vào ngày 20-1 của năm tiếp theo.

Ngày thứ ba

Luật pháp Hoa Kỳ ấn định ngày bầu Tổng thống là ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11. Do vậy, ngày bầu cử sớm nhất nếu được tổ chức là ngày 2-11 và muộn nhất là ngày 8-11. Năm 2020, ngày 3-11 là ngày bầu Tổng thống Hoa Kỳ.

Quy định này được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1845 thay thế cho quy định cũ được thông qua năm 1792, vốn cho phép các bang tùy vào điều kiện cụ thể mà tổ chức bỏ phiếu trong vòng 34 ngày trước ngày 1-12.

Sự phát triển của ngành đường sắt, thông tin và điện báo ở Hoa Kỳ cũng khiến việc bỏ phiếu tại các bang vào những ngày khác nhau có thể tạo ra sự thiếu công bằng. Một ứng cử viên Tổng thống thắng cử tại một số bang tổ chức bầu cử sớm có thể giành lợi thế ở các bang bầu cử diễn ra sau. Cử tri cũng có thể di chuyển từ bang này sang bang khác và bỏ phiếu nhiều lần. Do đó, ấn định ngày bầu cử tạo ra sự công bằng hơn.

Vào thế kỷ 18, Hoa Kỳ vẫn là một nước nông nghiệp, đầu tháng 11 là thời điểm nông dân vừa thu hoạch xong và thời tiết cũng chưa quá lạnh. Ngày thứ tư trong tuần thường diễn ra các phiên họp chợ, trong khi cuối tuần lại là thời gian cho các nghỉ lễ hay nghi thức tôn giáo. Nếu cử tri từ các nông trại xa xôi dành ngày thứ hai để đến điểm bỏ phiếu và bỏ phiếu vào ngày thứ ba thì ngựa của họ có thời gian nghỉ ngơi. Do vậy, tổ chức bầu cử vào ngày thứ ba thu hút cử tri đi bỏ phiếu nhiều hơn.

Mùa bầu cử

Mùa bầu cử tại Hoa Kỳ diễn ra vào các năm chẵn. Bầu cử Tổng thống diễn ra bốn năm một lần và xen vào đó là các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hai năm một lần.

Trong ngày bầu cử Tổng thống hoặc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cử tri nước này bầu một danh sách gồm nhiều vị trí quan trọng khác. Đầu tiên là bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, tiếp đó là Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ. Nhiệm kỳ của các Thượng nghị sĩ là sáu năm, cứ hai năm một lần bầu lại 1/3 trong số 100 Thượng nghị sĩ để duy trì tính liên tục. Toàn bộ 435 Hạ nghị sĩ cũng được bầu lại do nhiệm kỳ của Hạ viện là hai năm.

Năm 2020, cử tri Hoa Kỳ không chỉ bầu Tổng thống mà còn bỏ phiếu bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 35 trong số 100 ghế tại Thượng viện và Thống đốc của 13 bang cùng nhiều chức danh khác như Thị trưởng, Hội đồng thành phố ở các chính quyền địa phương.

infoduyet-1604055290360.jpg

Sự cân bằng

Quốc hội Hoa Kỳ là cơ quan lập pháp lưỡng viện, gồm Thượng viện và Hạ viện. Nghị viện của 49 bang được tổ chức theo hình thức này, riêng Nghị viện bang Nebraska được tổ chức theo hình thức nhất viện. Để bảo đảm sự cân bằng quyền lực tại Thượng viện liên bang, mỗi bang đều có hai Thượng nghị sĩ đại diện.

Trong khi đó, số Hạ nghị sĩ của mỗi bang phụ thuộc vào tỷ lệ dân số tương ứng. Hiện nay, Hạ viện liên bang có 435 ghế và con số này phụ thuộc vào tình hình biến động dân cư. Cứ 10 năm, Hoa Kỳ lại tiến hành cuộc tổng điều tra dân số một lần vào đầu thập kỷ. Trên cơ sở bản đồ dân số, cơ cấu ghế trong Hạ viện liên bang sẽ được vẽ lại. Các bang có quy mô dân số lớn như California, Texas, Florida chiếm nhiều ghế trong Hạ viện hơn so với các bang ít dân khác.

Bang chiến trường

“Bang chiến trường” hay còn gọi là “bang rung lắc” là thuật ngữ chỉ những bang mà các bên tranh cử thường khó biết trước kết quả. Kết quả bầu cử ở các bang này cũng thường “rung lắc”, thay đổi vào mỗi kỳ bầu cử. Tầm quan trọng của các bang chiến trường khiến các ứng cử viên thường chi khoảng 75% ngân sách tranh cử để thu hút cử tri tại những địa phương này.

Năm 2000, ứng cử viên AI Gore của đảng Dân chủ giành được 48,38% phiếu phổ thông, cao hơn 47,87% của ứng cử viên đảng Cộng hòa George Bush. Tuy nhiên, ông Bush lại đạt được 271 phiếu đại cử tri so với 266 phiếu của ông AI Gore. Bang Florida là nơi mang về chiến thắng cho Tổng thống Bush với 25 phiếu đại cử tri dù sự chênh lệch số phiếu phổ thông chỉ là 537.

Năm 2016, ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ đạt được hơn 65,8 triệu phiếu phổ thông, nhiều hơn ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa gần ba triệu phiếu. Song, ông Trump lại có được 306 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống. Các bang chiến trường như Florida, Ohio, Iowa giúp ông Trump giành chiến thắng.

Ở Hoa Kỳ, có một số bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ như California, New York và một số bang thường ủng hộ đảng Cộng hòa như Oklahoma, Alabama. Ở những bang này, dù ứng cử viên Tổng thống có là ai thì đa số cử tri vẫn bầu cho đảng mà họ ủng hộ. Do vậy, chiến thắng của mỗi ứng cử viên phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử ở bang chiến trường. Ở những bang này, các ứng cử viên phải thuyết phục được cử tri còn dao động và lưỡng lự.

Mỗi lá phiếu đều rất quan trọng ở các bang chiến trường. Năm 1948, ứng viên Harry S. Truman của đảng Dân chủ đánh bại đối thủ Thomas Dewey với số phiếu bầu nhiều hơn chưa đến 1 điểm % tại một số bang chiến trường, trong đó có Ohio. Cuộc đua quá sít sao đến mức có tờ báo đăng tin sai là ông Dewey thắng cử. Trong cuộc đua vào Nhà trắng giữa hai ứng viên Richard M. Nixon và John F. Kennedy năm 1960, kết quả thắng thua tại 10 bang rung lắc chỉ chênh lệch chưa đến 2 điểm % phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton nhờ thắng tại 6/10 bang chiến trường có sự cạnh tranh gắt gao nhất.

Lịch sử cũng cho thấy Ohio luôn là chiến địa rất quan trọng. Trong những cuộc bầu cử Tổng thống trước đây, ứng cử viên hầu như đều phải thắng ở bang Ohio thì mới trúng cử.

Theo trang web chuyên về các vấn đề chính trị của Hoa Kỳ FiveThirtyEight, các bang chiến trường của năm 2016 gồm: Colorado, Florida, Iowa, Michigan, Minnesota, Nevada, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin.

Năm 2020, các bang chiến trường tiềm tàng trong cuộc đua giữa ông Trump và ông Biden là Arizona, Florida, Georgia, Iowa, Maine, Michigan, Minnesota, Nebraska, Nevada, New Hampshire, Bắc Carolina, Ohio, Pennsylvania, Wisconsin. Đó là lý do thời gian qua cả hai ứng cử viên tổ chức nhiều cuộc vận động cử tri để hút phiếu ở những bang này.

Tờ The Guardian đánh giá tám bang có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử là Florida, Pennsylvania, Ohio, Michigan, Bắc Carolina, Arizona, Wisconsin, Iowa.

liendanh-1604055290492.jpg
Trong cuộc bầu cử năm 2020, liên danh tranh cử của đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence, liên danh tranh cử của đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris. (Ảnh: AP)

Một số yếu tố tác động cuộc bầu cử

Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020

Bầu cử Hoa Kỳ năm 2020 -0

Đại dịch Covid-19

Điều không thể lường trước là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Hoa Kỳ hiện là quốc gia có số người mắc và tử vong do Covid-19 nhiều nhất toàn cầu. Theo thống kê của Worldometers, tính đến ngày 2-11, nước này ghi nhận hơn 9,46 triệu người mắc và hơn 236 nghìn người tử vong do Covid-19.

Dịch bệnh làm đảo lộn tình hình kinh tế - xã hội Hoa Kỳ và có những ảnh hưởng quan trọng đến cuộc bầu cử năm nay. Từ khi dịch bệnh bùng phát, một số bang đã phải lùi thời gian tổ chức bầu cử sơ bộ hoặc chuyển sang bầu cử qua thư điện tử. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy hiểm, đảng Dân chủ đã lùi thời điểm tiến hành Đại hội toàn quốc và tổ chức sự kiện này theo hình thức trực tuyến.

Sau khi ông Trump và đệ nhất phu nhân được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào đầu tháng 10, Ủy ban Tranh luận Tổng thống (CPD) thông báo, cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên Tổng thống sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố không tham gia tranh luận theo hình thức này. Sau đó, cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai bị hủy, thay vào đó, hai ứng cử viên đã tham gia phiên hỏi - đáp riêng rẽ với cử tri được phát sóng trên truyền hình.

Trong hai cuộc “so găng” trực tiếp, cách thức ứng phó dịch Covid-19 là chủ đề tranh luận nóng bỏng giữa hai ứng cử viên. Ông Biden chỉ trích cách Tổng thống Trump xử lý đại dịch, xoáy vào việc đảng Cộng hòa tìm mọi cách xóa bỏ chương trình chăm sóc y tế “Affordable Care Act” từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ông Biden nhấn mạnh bây giờ là lúc người dân cần chăm sóc y tế nhất. Tổng thống Trump đáp trả bằng việc đưa ra các dẫn chứng Hoa Kỳ đang ngày một kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, đặc biệt là các tiến bộ trong việc điều chế vaccine.

Ông Trump khẳng định, vaccine phòng Covid-19 đã “sẵn sàng” và “sẽ được công bố trong những tuần tới”. Ứng cử viên đảng Dân chủ bày tỏ hoài nghi về khung thời gian do ứng cử viên đảng Cộng hòa đưa ra. Ông Biden cho rằng ông Trump không có kế hoạch rõ ràng trong ứng phó dịch Covid-19 và dự báo nước Mỹ sẽ bước vào một “mùa đông đen tối” khi số ca bệnh tăng mạnh tại hàng chục bang trên cả nước.

Ông Biden cam kết sẽ tập trung thúc đẩy người dân đeo khẩu trang và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhanh hơn. Ngoài ra, ông sẽ công bố các tiêu chuẩn quốc gia để có thể mở cửa các trường học và giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại một cách an toàn cũng như hỗ trợ tài chính cho họ.

Về phần mình, ông Trump chỉ trích đề xuất về ứng phó dịch bệnh của ông Biden và cho rằng tất cả những gì mà ứng cử viên đảng Dân chủ nói đều xoay quanh việc đóng cửa. Đương kim Tổng thống khẳng định nước Hoa Kỳ sẽ không đóng cửa, trong khi cựu Phó Tổng thống đáp lại rằng ông sẽ cấm cửa virus SARS-CoV-2 chứ không đóng cửa đất nước.

Bầu cử Hoa Kỳ năm 2020 -0
Trong buổi tranh luận trực tiếp tại bang Utah, ngày 7-10 (giờ ET), hai ứng viên Phó Tổng thống ngồi cách xa nhau gần bốn mét, với hai vách ngăn plexiglass ở giữa, để ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19. Tại sự kiện này, hai ứng viên tập trung tranh luận về đại dịch Covid-19. (Ảnh: AP)

Hai ứng cử viên cũng có cách tiếp cận trái ngược nhau đối với đại dịch Covid-19. Đội ngũ của ông Biden thử nghiệm các chiến lược nhằm hạn chế sự lây nhiễm như dùng xe tải làm văn phòng lưu động để phát tài liệu, bảng ủng hộ. Các cuộc gặp gỡ trực tiếp của ông Biden diễn ra ở quy mô nhỏ, người tham dự được đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang.

Trái lại, Tổng thống Trump luôn xây dựng một hình ảnh mạnh mẽ, không sợ hãi với dịch bệnh. Bất chấp khuyến cáo tránh tụ tập đông người của các chuyên gia y tế, ông vẫn mạnh tay chi cho các cuộc mít-tinh rầm rộ nhằm thu hút người tham gia. Trong lúc ông Biden ở nhà chuẩn bị cho cuộc tranh luận cuối cùng thì Tổng thống Trump đến vùng tây bắc xa xôi của bang Pennsylvania để tổ chức một cuộc vận động tranh cử quy mô lớn.

Để cử tri có thể tham gia bỏ phiếu một cách an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, nhiều bang đã mở rộng áp dụng hình thức bỏ phiếu sớm, cả trực tiếp và bỏ phiếu qua bưu điện, trước ngày bầu cử. Theo Dự án Bầu cử Hoa Kỳ (U.S. Elections Project), tính đến ngày 29-10, hơn 80 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm, tương đương hơn 58% tổng số cử tri tham gia cuộc bầu cử năm 2016.

Đây là số cử tri đi bầu sớm cao kỷ lục trong hơn một thế kỷ qua. Trong đó, số cử tri bỏ phiếu qua bưu điện là 51,9 triệu người, số cử tri bỏ phiếu trực tiếp là 28,1 triệu người. Các chuyên gia dự báo số cử tri đi bầu năm nay sẽ vượt con số 138 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Vào thời điểm đó, 47 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm.

Kinh tế

Không chỉ cướp đi tính mạng hàng trăm nghìn công dân Hoa Kỳ, Covid-19 còn tác động mạnh mẽ đến “sức khỏe” của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cử tri Hoa Kỳ luôn dành sự quan tâm đến các chính sách, đường lối tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập mà các ứng viên đưa ra.

Dịch bệnh đã khiến kinh tế Hoa Kỳ ngưng trệ, đảo ngược nhiều thành quả trong bốn năm qua mà ông Trump luôn tự hào như tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên là 4,4%. Tháng 4-2020, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục là 14,7% với hơn 20 triệu lao động mất việc làm và sống nhờ các khoản trợ cấp. Giới chuyên môn cho rằng khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Hoa Kỳ còn tồi tệ hơn cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Đây cũng chính là những điểm mà ông Biden khoét sâu khi chỉ trích chính quyền của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, nền kinh tế Hoa Kỳ đang có dấu hiệu phục hồi với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9-2020 là 7,9%. Theo số liệu do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố ngày 29-10, sau khi suy thoái ở mức kỷ lục, kinh tế nước này ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất từ trước đến nay, khi tăng trưởng trong quý III đạt 33,1%. Đây là mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1947. Trước đó, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ đã giảm 31,4% trong quý II, cũng là giai đoạn nghiêm trọng nhất của đại dịch, và giảm 5% trong quý I. Hơn nữa, tác động của dịch Covid-19 tại mỗi bang là khác nhau. Các bang ở bờ đông chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các bang khu vực bờ tây.

ghep_moi-1604058649507.jpg
Hai ứng cử viên Tổng thống trong cuộc tranh luận thứ hai và cuối cùng trước ngày bầu cử, diễn ra tại bang Tennesse, ngày 22-10 (giờ ET). (Ảnh: AP)

Chính sách kinh tế được ông Trump và ông Biden bảo vệ khi vận động tranh cử cũng rất khác nhau và nó có tác động không nhỏ đến lá phiếu của cử tri, đặc biệt là ở các bang chiến trường. Từ năm 2017, Tổng thống Trump đã theo đuổi chính sách nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh nhất có thể. Ông cho rằng, hầu hết việc làm, của cải và sự sáng tạo của nước Mỹ đều được sản sinh ra ở khu vực này. Do đó, ông cho triển khai một chương trình cắt giảm thuế ở quy mô lớn, tập trung giảm thuế doanh nghiệp, nới lỏng các quy chế giám sát, môi trường, lao động và bảo vệ nhà đầu tư.

Những di sản về kinh tế vẫn là khía cạnh mà ông Trump được đánh giá cao. Ông am hiểu thương trường và là một nhà đàm phán với phong cách khó lường. Các con số hay niên giám thống kê khó có thể phản ánh được hết cách ông xoay chuyển nền kinh tế Hoa Kỳ, nhất là các ngành công nghiệp.

Trong khi đó, chương trình nghị sự của ông Biden tập trung giải quyết vấn đề bất bình đẳng kinh tế. Ứng cử viên đảng Dân chủ cho rằng, chênh lệch giàu nghèo quá lớn ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc chính trị, xã hội và phúc lợi của đất nước. Để kéo dần nước Hoa Kỳ về được điểm cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội, ông Biden kêu gọi tăng chi tiêu xã hội, nhất là cho giáo dục, y tế và tăng đầu tư vào hạ tầng, môi trường cũng như các lĩnh vực công khác. Đây là sách lược có phần đi ngược với nỗ lực cắt giảm thuế của Tổng thống Trump và tăng thuế đánh vào các hộ gia đình thu nhập cao.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng, khi được hỏi về mức lương tối thiểu, hai ứng viên cũng đưa ra quan điểm trái ngược nhau. Ông Biden ủng hộ nâng lương tối thiểu quốc gia lên 15 USD/giờ thay vì 7,25 USD/giờ như hiện nay. Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm cho rằng nên để các bang tự quyết vấn đề này. Ông cho biết sẽ cân nhắc việc tăng lương tối thiểu nhưng không đến mức khiến các doanh nghiệp phá sản.

Chính sách đối ngoại

Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà trắng, ông Trump theo đuổi chiến lược đối ngoại với phương châm “Nước Mỹ trên hết” (America First). Tổng thống đương nhiệm tỏ ra hoài nghi về nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, quốc phòng. Chính sách đối ngoại của ông Trump đã xem xét lại hầu hết hiệp ước thương mại giữa Hoa Kỳ với các đối tác, lan cả sang các lĩnh vực công nghệ, môi trường, đầu tư và tỷ giá. Trong bốn năm qua, xung đột trong quan hệ quốc tế thường xảy ra ở nhiều cấp độ giữa Hoa Kỳ với các đối tác, trong đó có cả các đồng minh và một số tổ chức quốc tế.

Tổng thống Trump coi các thành viên của NATO là đối thủ cạnh tranh kinh tế và NATO nên trả thêm tiền cho Hoa Kỳ vì đã hỗ trợ bảo đảm an ninh quốc phòng. Năm 2019, ông đã đưa Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vì cho rằng thỏa thuận này mang đến “sự bất công”.

Trong ngắn hạn, các quyết sách của ông Trump đã thu được nhiều kết quả khá tích cực về tăng trưởng và việc làm trước khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới Hoa Kỳ. Ông Trump cũng khá thận trọng khi không đẩy nền kinh tế và thị trường đi quá giới hạn trước các đợt rung chuyển do căng thẳng thương mại.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của ông Biden nhấn mạnh đến việc củng cố các mối quan hệ với các đồng minh của Hoa Kỳ. Cựu Phó Tổng thống cho rằng, Hoa Kỳ cần giữ vai trò lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế và tăng cường hợp tác với các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ông Biden cam kết sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khối NATO đoàn kết và công bố chính sách “quay trở lại mái nhà chung”, đồng thời sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại các hiệp định toàn cầu như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

ghep1-1604055290066.jpg
Để cử tri có thể tham gia bỏ phiếu một cách an toàn, nhiều bang đã mở rộng hình thức bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử. (Ảnh: AP)

Kết quả nhiều cuộc thăm dò cho thấy, cựu Phó Tổng thống Biden đang chiếm ưu thế trước Tổng thống đương nhiệm Trump. Song, những lần bầu cử trước đây đã chứng minh người dẫn điểm ở các cuộc thăm dò dư luận chưa chắc là người chiến thắng cuối cùng. Nhưng có một điều chắc chắn duy nhất, đó là quyết định bỏ phiếu cho ai của cử tri Hoa Kỳ luôn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ là sách lược của các ứng viên đối với nền kinh tế mà còn là những đường hướng vượt xa biên giới quốc gia.

Cây xanh Hà Nội -0

Ngày xuất bản: 2-11-2020

Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN

Nội dung: NGUYỄN SƠN - HOÀNG HÀ

Trình bày: ĐỨC DUY

Từ khóa » Hệ Thống Bầu Cử ở Mỹ