Một Số điểm Tương đồng Và Khác Biệt Giữa Hệ Thống Bầu Cử ở Các ...

Hệ thống bầu cử là toàn bộ các quan hệ xảy ra trong các cuộc bầu cử kể từ lúc lập danh sách cử tri, giới thiệu ứng cử viên, cho tới giai đoạn cuối cùng là xác định và công bố kết quả bầu cử.

ở các nước TBCN cũng như các nước XHCN, bầu cử được áp dụng trong việc thành lập nhiều cơ quan quyền lực nhà nước khác nhau. Hệ thống bầu cử được quy định khá phức tạp với bầu cử nhiều vòng, gián tiếp, trực tiếp, v.v.. với những cơ chế, hình thức rất đa dạng. Trong bài viết này, tác giả cố gắng đề cập một cách chung nhất đến những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai hệ thống bầu cử này.

I. Những điểm giống nhau trong hệ thống bầu cử ở các nước XHCN và TBCN

Như chúng ta đã biết, các nước XHCN và các nước TBCN theo đuổi những mục tiêu chính trị khác nhau. Để đạt được các mục tiêu chính trị đó, mỗi hệ thống cũng sẽ áp dụng những phương pháp bầu cử thích hợp. Mặc dù vậy, bên cạnh những điểm khác biệt thì về hình thức, giữa hai hệ thống bầu cử này vẫn có những điểm tương đồng nhất định.

1. Thể hiện quyền dân chủ của nhân dân

- Theo một nghĩa nào đó, các cuộc bầu cử ở các nước TBCN và XHCN đều thể hiện quyền dân chủ của đông đảo quần chúng nhân dân.

ở các nước tư bản, hiện tượng tẩy chay các cuộc bầu cử là hết sức phổ biến, nhưng số người tham gia vào các sự kiện chính trị này vẫn chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Những người được bầu lên thông qua các cuộc bầu cử phổ thông đều giành được sự tín nhiệm của một bộ phận đáng kể cử tri. Do vậy, họ vẫn là những người đại diện hợp pháp cho quần chúng nhân dân. ở các nước XHCN, bầu cử luôn được khẳng định là một trong những quyền thiêng liêng và cơ bản của con người, là phương tiện để người dân thực hiện chủ quyền của mình. Quan sát thực tế bầu cử ở các nước XHCN cho thấy, số người tham gia bầu cử rất đông, và các đại biểu cũng được bầu với sự tín nhiệm cao của cử tri.

- Cả hai hệ thống bầu cử đều được coi là phương tiện để hợp pháp hoá quyền lực của nhà nước. Sự hợp pháp ở đây được dựa trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ của người dân đối với những người cầm quyền. Theo một số nhà nghiên cứu thì một nhà nước không nhận được sự đồng tình từ phía các công dân thì đó là những dấu hiệu của sự bất hợp pháp và thông thường nhà nước đó sẽ phải quản lý xã hội bằng các biện pháp bạo lực. Trong chừng mực mà người dân cảm thấy chủ quyền của mình được đại diện và bản thân lá phiếu của họ có ý nghĩa trong việc lựa chọn những người lãnh đạo, thì dường như sự tuân thủ đối với các luật lệ cũng sẽ tự giác hơn. Điều này có nghĩa rằng, những người được bầu là những người đã được người dân uỷ quyền. Bản thân sự tồn tại của nhà nước cũng là thể hiện ý chí, mong muốn của dân chúng.

2. Áp dụng các nguyên tắc bầu cử giống nhau

Khi nói tới bầu cử, các nước TBCN và các nước XHCN đều tuyên bố các cuộc bầu cử được tiến hành dựa trên các nguyên tắc như: phổ thông, bình đẳng, tự do và bỏ phiếu kín.

- Bầu cử phổ thông là một nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử, được hiến pháp ở hầu hết các nước trên thế giới quy định. Theo nguyên tắc này, mọi công dân đến tuổi trưởng thành đều được tham gia bầu cử, trừ những người bị mất trí hay những người bị tước quyền công dân. Ngày nay nguyên tắc này được coi là một trong những quyền năng cơ bản nhất của công dân, bởi lẽ nó thể hiện tính công khai, dân chủ rộng rãi, đòi hỏi sự bảo đảm để công dân thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của mình. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có chế độ xã hội khác nhau lại đều cùng thống nhất đưa ra những nguyên tắc bầu cử đó. Chẳng hạn, các nước như Anh, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam, v.v… đều quy định các công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử. Mọi công dân không phân biệt giống nòi, dân tộc, giới tính, nghề nghiệp, tín ngưỡng, trình độ giáo dục, tài sản, v.v… đến độ tuổi trên đều có quyền đi bầu cử.

- Về lý thuyết, cả hai hệ thống bầu cử đều tuyên bố nguyên tắc bình đẳng, nghĩa là cho phép các công dân tham gia vào quá trình bầu cử và ứng cử với những điều kiện ngang nhau. Giá trị của các phiếu bầu là như nhau không phụ thuộc vào các yếu tố nhân thân của người đi bầu. Các đại biểu cũng đại diện cho một số lượng cử tri tương đối ngang bằng nhau.

- Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Đây là yêu cầu khách quan của chế độ bầu cử nhằm bảo đảm tính bí mật cho sự lựa chọn của cử tri. Bất cứ một quốc gia nào tuyên bố là một quốc gia dân chủ, (cho dù quốc gia đó có dân chủ thực sự hay không) cũng đều áp dụng nguyên tắc bỏ phiếu kín. Nguyên tắc này loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với hoạt động bỏ phiếu của cử tri, thể hiện ở chỗ địa điểm bầu cử có phòng viết phiếu kín, bàn viết phiếu kín, phiếu không có dấu hiệu đặc biệt, tên ứng cử viên được in sẵn để không ai phát hiện ra chủ nhân của các lá phiếu.

II. Những điểm khác biệt trong hệ thống bầu cử TBCN và XHCN

1. Sự tham gia của các đảng chính trị

Có thể nói, điểm khác biệt rõ nhất giữa hai hệ thống bầu cử TBCN và XHCN là ở các nước tư bản, các cuộc bầu cử thực chất là cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị. Như chúng ta đã biết, ở hầu hết các nước tư bản hiện nay đều tồn tại  hệ thống đa đảng đối lập đại diện cho các nhóm, các lợi ích xã hội khác nhau. Mục tiêu của các đảng chính trị đều nhằm giành quyền lực nhà nước thông qua bầu cử. Chính vì vậy, bầu cử là vũ đài cho cuộc cạnh tranh giữa các khuynh hướng chính trị. Các đảng phái chính trị cử người của mình ra tranh cử, và các ứng viên của đảng muốn có cơ hội trúng cử phải trình bày các cương lĩnh, chính sách, kế hoạch hành động để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Đây cũng là một trong những lý do làm cho các cuộc bầu cử ở các nước tư bản, đặc biệt là ở các nước tư bản phát triển, ngày càng trở nên sôi động, quyết liệt.

Hiện nay ở nhiều nước tư bản tồn tại hàng trăm đảng chính trị khác nhau, nhưng thực chất chỉ những đảng lớn mới có tiếng nói trong các quá trình chính trị và thay nhau nắm quyền. Do những quy định của pháp luật bầu cử, các đảng nhỏ hiếm khi có cơ hội để giành thắng lợi trong các cuộc cạnh tranh. Chẳng hạn, ở Mỹ chỉ có hai đảng Dân chủ và Cộng hoà thay nhau giữ vai trò thống trị; ở Anh đó là sự luân phiên giữa Công Đảng và Đảng Bảo Thủ, v.v… Các đảng nhỏ chỉ có vai trò làm  phong phú và sinh động hơn cho đời sống chính trị tại các quốc gia này mà thôi.

Trong khi đó, ở hầu hết các nước XHCN đều duy trì chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo, đó là đảng Cộng sản. ở đây không có sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt như ở các quốc gia theo chế độ đa đảng. Trong các cuộc bầu cử, đảng Cộng sản cử các đại diện của mình ra tranh cử bên cạnh các ứng cử viên ngoài đảng (đối tượng này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và được tuyển lựa thông qua cơ chế giới thiệu ứng cử viên, hiệp thương bầu cử…). Về thực chất, đây là cuộc cạnh tranh giữa các đảng viên trong nội bộ đảng Cộng sản. Do vậy, trong bất kỳ tình huống nào thì đảng Cộng sản vẫn giữ được vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội. Ngay như ở Trung Quốc, mặc dù nước này hiện cũng đang tồn tại chế độ đa đảng (ngoài đảng Cộng sản, Trung Quốc hiện có 8 đảng nhỏ khác), nhưng phương châm mà Trung Quốc theo đuổi vẫn là “đa đảng tham chính, một đảng chấp chính”, và đảng chấp chính đó là đảng Cộng sản. Đây có lẽ là một trong những điểm khác nhau căn bản nhất giữa hệ thống bầu cử TBCN và XHCN.

2. Phương pháp bầu cử

Hai phương pháp bầu cử cơ bản được áp dụng phổ biến ở các nước tư bản hiện nay là phương pháp đa số và phương pháp đại diện theo tỷ lệ. Các phương pháp bầu cử khác (bầu cử lựa chọn và bầu cử hỗn hợp) chẳng qua chỉ là sự biến dạng và hết hợp của hai phương pháp này.

Bầu cử theo phương pháp đa số lại có đa số tương đối và đa số tuyệt đối. Phương pháp đa số tương đối (hay còn gọi là phương pháp “người thắng được tất cả”- “the first past – the post”) quy định, trong một cuộc bầu cử, người thắng cuộc là người giành được số phiếu bầu cao nhất, không nhất thiết phải vượt quá 50% tổng số phiếu bầu của cử tri. Phương pháp này đơn giản nhất và được áp dụng phổ biến nhất. (Các nước như Anh, Mỹ hiện đang áp dụng chủ yếu phương pháp này). Ưu điểm của phương pháp đa số tương đối là cuộc tuyển cử luôn luôn đạt được kết quả, luôn bầu ra được số người như mong muốn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là không thể hiện được ý chí của đa số cử tri.

Bầu cử theo phương pháp đa số tuyệt đối đòi hỏi người trúng cử phải giành được nhiều hơn 50% tổng số phiếu bầu. Phương pháp này khắc phục được các nhược điểm của phương pháp đa số tương đối, nhưng đôi khi phải bầu lại nhiều lần. ở Pháp, trong bầu cử nghị viện, người ta kết hợp cả hình thức đa số tương đối và đa số tuyệt đối với cách bầu cử hai vòng.

Bầu cử theo phương pháp đại diện theo tỷ lệ là cách bầu các đại biểu theo tỷ lệ số phiếu mà các đảng chính trị thu được. Theo phương pháp này, các cử tri bỏ phiếu cho các đảng phái chứ không phải cho từng ứng cử viên cụ thể. Số lượng nghị sĩ của các đảng trong nghị viện phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu mà đảng đó thu được. Bầu cử đại diện theo tỷ lệ thường được áp dụng tại các nước Tây Âu.

ở các nước XHCN (Việt Nam, Trung Quốc) hiện không áp dụng phương pháp bầu cử theo đa số tương đối và đại diện theo tỷ lệ mà áp dụng phương pháp đa số tuyệt đối. Điều này một phần xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội, và một phần từ sự khác biệt trong nhận thức về dân chủ giữa hai chế độ. Như đã trình bày, do điều kiện đặc thù ở các nước XHCN, các cuộc bầu cử không phải là cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phải chính trị nên sự áp dụng phương pháp đại diện theo tỷ lệ là không phù hợp. Cũng như vậy, với những khẳng định về bản chất dân chủ của chế độ XHCN là dân chủ cho số đông, cho đa số nhân dân lao động, thì phương pháp bầu cử theo đa số tương đối cũng không phải là sự lựa chọn hợp lý đối với các nước XHCN.

3. Vận động tranh cử

Vấn đề vận động bầu cử cũng là một điểm khác biệt quan trọng của hai hệ thống bầu cử. Vận động bầu cử là hoạt động của các tổ chức và cá nhân thực hiện trong quá trình chuẩn bị bầu cử. Mục đích của hành vi vận động bầu cử là nhằm huy động, khuyến khích nhân dân tham gia bầu cử, hoặc vận động cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên, các đảng chính trị nào đó.

ở các nước tư bản, vận động bầu cử là một hiện tượng hết sức phổ biến và bình thường trong đời sống chính trị. Người ta coi đây là diễn đàn để thể hiện quan điểm, cương lĩnh và chương trình hành động của các đảng phái và của các ứng cử viên. Pháp luật bầu cử của các nước tư bản thường có những quy định chặt chẽ về vận động bầu cử và xem đó như là một nội dung quan trọng sau khi các ứng cả viên được chính thức lên danh sách.

Có thể nói, ở các nước tư bản, vận động bầu cử đã trở thành một công nghệ. Vận động ai? Vận động cái gì? Vận động như thế nào? Đây là những vấn đề được các ứng cử viên, các đảng “lập trình” và lên kế hoạch, và cùng với nó là sự vào cuộc của cả một bộ máy giúp việc mang tính chuyên nghiệp cao nhằm truyền đạt các ý tưởng, các thông điệp, các khẩu hiệu hành động… của các ứng cử viên, hoặc của các đảng chính trị tới các cử tri.

Trong quá trình vận động trên, sự tham gia các phương tiện thông tin đại chúng, với tư cách là “ quyền lực thứ tư” có một vai trò hết sức quan trọng. Các cuộc điều tra ở Mỹ cho thấy, trong các cuộc bầu cử, người dân nhận được thông tin về các ứng cử viên chủ yếu từ các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua việc đưa tin, bình luận, hoặc thông báo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận, kênh thông tin này cũng góp phần định hướng cho sự lựa chọn của các cử tri.

Trong khi đó, vận động tranh cử ở các nước XHCN vẫn chưa được chấp nhận một cách phổ biến. Nhiều người còn nhận thức rằng, vận động tranh cử là cách làm của tư bản nhằm lăng xê, quảng cáo chính trị cho các đảng, hoặc cho các ứng cử viên cụ thể. Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã cho phép các ứng cử viên đại biểu quốc hội được phép vận động tranh cử trên các phương tiện thông tin đại chúng theo sự sắp xếp và tổ chức của cơ quan phụ trách bầu cử, với thời lượng và hình thức bình quân đối với tất cả các ứng cử viên. Theo quy định của pháp luật thì các ứng cử viên không được phép tự ý tiến hành vận động bầu cử. Thực tế là vận động tranh cử ở nước ta vẫn chỉ mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất.

4. Kinh phí cho vận động tranh cử

ở các nước tư bản, đặc biệt là các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, vận động bầu cử là một quá trình rất tốn kém. Vì vậy, trong quá trình này, tiền đóng một vai trò quan trọng. Nó trở thành điều kiện cần thiết cho các cuộc chạy đua của các ứng cử viên vào các vị trí quyền lực. Một nhà chính trị Mỹ đã từng phát biểu rằng: “Tiền là nguồn sữa mẹ của chính trị!” Trên thực tế thì nhân tố này ngày càng trở nên quan trọng khi mà xu hướng thương mại hoá của các cuộc bầu cử ngày càng bộc lộ rõ.

Theo số liệu của Uỷ ban bầu cử liên bang, trong toàn bộ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2000, ứng cử viên của đảng Cộng hoà, G. Bush đã chi hết gần 186 triệu USD – trong khi đối thủ của ông – ứng cử viên của đảng Dân chủ, A. Gore cũng đã chi 120 triệu USD. Đây là mức chi cao nhất mà các ứng cử viên tổng thống đã đạt tới trong suốt lịch sử hơn 200 năm tồn tại của quốc gia này.

Thông thường tiền mà các ứng cử viên, hoặc các đảng sử dụng để vận động bầu cử xuất phát từ các nguồn chính như: tiền trợ cấp của nhà nước; tiền của bản thân ứng cử viên; tiền từ các nhà tài trợ; tiền từ các nhóm lợi ích và các uỷ ban hành động chính trị,… Pháp luật bầu cử của Mỹ quy định rõ các nguồn kinh phí được phép trang trải cho vận động tranh cử, các phương thức sử dụng tài chính và số tiền ủng hộ tối đa của các tổ chức và cá nhân cho các ứng cử viên và các đảng chính trị.

Đối với các nước XHCN, vấn đề tổ chức bầu cử thường được coi là công việc của nhà nước, nên mọi khoản chi phí cho quá trình này đều do nhà nước đài thọ. Các cá nhân và tổ chức không được phép quyên tiền để phục vụ cho vận động tranh cử. Điều này có thể đem lại cơ hội ngang nhau cho các ứng cử viên và loại trừ nguy cơ hình thành những đường dây “maphia” giữa các nhà chính trị được bầu với các nhà tài trợ. Thực tế bầu cử ở nhiều nước tư bản cho thấy, đôi khi các nhà chính trị có những hành động “trả ơn” những người đã quyên tiền giúp mình bằng cách ban phát cho họ những đặc ân nào đó.

Hơn nữa, cũng có ý kiến cho rằng, nếu như cho phép các ứng cử viên nhận tiền từ các nhà tài trợ phục vụ cho vận động tranh cử thì sẽ dẫn đến tình trạng cử tri bị nhiễu thông tin, các cuộc bầu cử bị làm cho biến dạng bởi sự tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng vốn lúc này đã trở thành “những cái loa” quảng cáo thuê cho các ứng cử viên; nguy cơ thương mại hoá các cuộc bầu cử có thể sẽ trở thành hiện thực và tiếp theo là tấn bi kịch của dân chủ: chính trị chỉ là sân chơi của những người giàu, còn những người nghèo chỉ được quyền lựa chọn người sẽ cai trị mình.

5. Sự tham gia của cử tri

Quan sát các cuộc bầu cử ở các nước tư bản, chúng ta nhận thấy, tỷ lệ cử tri đi bầu cử ở các nước này tương đối thấp so với các nước XHCN (trừ những nước áp dụng chế độ bầu cử bắt buộc, chẳng hạn như Ôtxtrâylia, Bỉ).

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Theo các nhà nghiên cứu chính trị, thì nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự thờ ơ chính trị của người dân. Họ cho rằng, đảng nào cầm quyền cũng vậy thôi, không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của họ cả. Lựa chọn đảng Dân chủ hay Cộng hoà cũng giống như đặt người dân trước sự lựa chọn giữa “dịch hạch” và “dịch tả”. Về lý thuyết, các cuộc bầu cử ở các nước tư bản là sự cạnh tranh, đối chọi về chính sách giữa các đảng chính trị, nhưng ngày nay, sự khác biệt đó là không đáng kể.

Về hình thức, ở các nước XHCN, các cuộc bầu cử thường thu hút số lượng cử tri tham gia khá đông, thường trên 90%, thậm chí có nơi chiếm tới 98-99%. Số lượng cử tri đi bầu đông cũng có nghĩa là những người được bầu sẽ đại diện cho tiếng nói của đa số tuyệt đối quần chúng nhân dân. Điều này rất khác so với một số nước tư bản, chẳng hạn như Mỹ, khi mà các cuộc bầu cử tổng thống ở nước này chỉ khoảng 50% cử tri đi bầu, và tổng thống cũng thường chỉ trúng cử với khoảng 50% số phiếu kể trên. Như vậy, trên thực tế, tổng thống chỉ là người đại diện cho khoảng 25% tổng số cử tri trên toàn nước Mỹ. Đây chính là một trong những vấn đề khiến cho người ta nghi ngờ về nền dân chủ Mỹ.

6. Sự ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình bầu cử

Hiện nay các nước TBCN là những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao hơn so với các quốc gia XHCN, do vậy, họ đã sớm đưa những thành tựu này vào phục vụ cho công tác bầu cử. Chẳng hạn, với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin, các cử tri ở Mỹ, Pháp chỉ ngồi tại nhà cũng có thể tìm hiểu được những thông tin cần thiết về các ứng cử viên thông qua hệ thống Internet và các phương tiện thông tin đại chúng. Các ứng cử viên cũng có thể thực hiện các giao dịch, tiếp xúc với cử tri từ xa thông qua truyền hình vệ tinh, hoặc hệ thống thông tin liên lạc, thư tín. Tại một số bang của Mỹ, cử tri có thể thực hiện việc đăng ký danh sách cử tri thông qua mạng Internet mà không cần phải đến địa điểm đăng ký tại địa phương. Điều này cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri tham gia tích cực hơn vào quá trình bầu cử.

Việc trang bị các máy bầu cử ở các nước tư bản cũng là một tiến bộ quan trọng. Bầu cử bằng máy giúp cho việc xác định kết quả được nhanh chóng, chính xác, chống được các khả năng gian lận, bảo đảm được yếu tố bí mật của phiếu bầu.

ở các nước XHCN, do điều kiện kinh tế chưa phát triển, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào công tác bầu cử còn ở mức thấp.

Trên đây là những điểm giống và nhau căn bản giữa hai hệ thống bầu cử ở các nước TBCN và XHCN. Mặc dù là hai chế độ chính trị với những định hướng phát triển xã hội theo những cách thức khác nhau, nhưng ở chế độ xã hội nào thì bầu cử cũng vẫn được coi là những cơ sở căn bản để hình thành quyền lực nhà nước, là phương thức để người dân thực hiện quyền dân chủ của mình. Tuy nhiên, do bản chất của mỗi chế độ xã hội nên các công đoạn của quá trình bầu cử ở mỗi hệ thống cũng có những điểm khác biệt đáng kể.

Từ khóa » Hệ Thống Bầu Cử ở Mỹ