Báu Vật Sâm Ngọc Linh - TTXVN

Báu vật sâm Ngọc Linh 07/04/2022

Nói đến nhân sâm người ta thường nhắc đến Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Trung Quốc..., những quốc gia có thế mạnh về trồng và chế biến nhân sâm từ lâu đời. Tại Việt Nam có một loài sâm quý tuy mới được phát hiện vào thập niên 70 của thế kỉ trước nhưng đã được đánh giá là một trong 5 loài sâm tốt nhất trên thế giới với những thành phần dược tính thần kì mà không một loài sâm nào trên thế giới có được. Đó chính là sâm Ngọc Linh, một báu vật của đại ngàn, bảo vật của quốc gia được kì vọng sẽ đưa Việt Nam gia nhập và Top các “cường quốc” nhân sâm trên thế giới.

Bảo vật quốc gia trên “thánh địa” Ngọc Linh

Trước khi được các nhà khoa học tìm thấy, sâm Ngọc Linh sống tự nhiên dưới những tán rừng già trên đỉnh núi Ngọc Linh nằm giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam nên hầu không ai biết tới. Mãi tới năm 1973, khi Cơ quan Y tế vùng Trung Trung bộ cử một tổ 4 cán bộ do dược sĩ Đào Kim Long dẫn đầu theo đường hướng huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum lên núi Ngọc Linh để tìm thuốc điều trị cho nhân dân và bộ đội thì mới phát hiện ra loài sâm quý này.

Theo lời kể lại của dược sĩ Đào Kim Long, sau nhiều ngày băng rừng vượt suối, đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 03 năm 1973, ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, đoàn đã phát hiện ra hai cây sâm đầu tiên và ngay buổi chiều hôm ấy họ phát hiện được thêm cả một thảm sâm dày đặc, gần như thuần chủng, mọc xanh tốt, nở hoa thơm ngát... bên bờ suối phía Tây núi Ngọc Linh. Xác định đây là giống sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới, dược sĩ Đào Kim Long đã đặt tên khoa học cho nó là panax articulatus KL Dao, về sau dân quen gọi là sâm Ngọc Linh.

Sau khi phát hiện ra loài sâm mới, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác. Giao cho xưởng Dược Trung Trung bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu.

Từ năm 1973 đến nay, qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đã xác định được trong thân, rễ và củ sâm Ngọc Linh có lượng hợp chất saponin cao gấp nhiều lần so với các loài sâm khác trên thế giới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng ưu việt mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có, đó là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường. Vì thế nó được xếp vào top 5 loại sâm tốt nhất trên thế giới.

Không chỉ có giá trị về mặt khoa học, dược liệu, sâm Ngọc Linh còn là cây trồng có giá trị kinh tế rất cao. Ước tính nếu bỏ ra khoảng 3 tỉ đồng để trồng 1 ha sâm thì sau 5 năm có thể thu về 30 tỉ đồng (tức khoảng hơn 1,3 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, việc trồng sâm Ngọc Linh không hề đơn giản vì nó được xác định là loài đặc hữu nên chỉ có thể sinh trưởng và cho chất lượng tốt nhất trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở độ cao 1.200-2.000m trên vùng núi Ngọc Linh.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đặc biệt quan tâm và đánh giá cao báu vật sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Ảnh: Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum

Với những giá trị đặc biệt ấy, năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã đến thăm vùng trồng sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng danh hiệu “Quốc bảo Việt Nam – Báu vật đại ngàn” cho sâm Ngọc Linh.

Việc người đứng đầu Chính phủ thị sát vùng sâm Ngọc Linh cho thấy sự kì vọng rất lớn vào tiềm năng của cây thuốc quý này, bởi nó không chỉ có thể trở thành “quốc kế dân sinh” giúp dân phát triển đời sống, mà còn có thể giúp Việt Nam phát triển được ngành dược liệu và thực phẩm chức năng ngang tầm thế giới.

Đưa Việt Nam lên bản đồ nhân sâm thế giới

Để “quốc bảo” sâm Ngọc Linh trở thành “quốc kế dân sinh” và là ngành xuất khẩu tỉ đô trong những thập niên tới theo như kì vọng của Chính phủ, đòi hỏi lãnh đạo địa phương và giới trồng, sản xuất sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam cần phải sớm có chiến lược bài bản. Bởi ngay như Hàn Quốc, Triều Tiên, những nước có lịch sử xuất khẩu nhân sâm từ cách đây 1.500 năm cũng phải trải qua một quá trình dài mới có được thành quả như ngày nay.

Tại Việt Nam, cây sâm Ngọc Linh được chính phủ quan tâm đặc biệt thông qua những định hướng mang tính chiến lược của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị dược liệu toàn quốc năm 2017 và Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum năm 2018.

Theo đó, Kon Tum, Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải bảo tồn cho bằng được nguồn gene thuần chủng của sâm Ngọc Linh. Khi ngành sâm đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô và thương hiệu mang tầm quốc tế thì cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như cách Hàn Quốc đã làm. Phổ biến nhưng không có nghĩa là hạ thấp giá trị của sâm Ngọc Linh. Thay vào đó cần định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp. Việt Nam cũng cần phải bảo hộ được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên các thị trường quốc tế, bởi đây là thương hiệu quốc gia chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp.

Được biết, tại Kon Tum vấn đề quy hoạch và phát triển cây sâm Ngọc Linh đã gặt hái được những thành công nhất định, điển hình như Cty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Sau hơn 20 năm sưu tầm, nhân giống và phát triển, từ những cây sâm Ngọc Linh tự nhiên trong rừng, đến nay doanh nghiệp này đã sở hữu một vùng trồng sâm rộng lớn trên vùng núi Ngọc Linh, trong đó có hơn 200ha sâm Ngọc Linh hơn 10 năm tuổi đã có thể đưa vào khai thác và sử dụng. Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng có chuyến thị sát đến vùng trồng sâm này và đánh giá cao những hoạt động trong việc bảo tồn, phát triển ngành sâm, gắn với bảo vệ rừng của doanh nghiệp.

Không chỉ sở hữu vùng trồng sâm lớn, Cty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum còn là nhà sản xuất tiên phong trong việc sản xuất các chế phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh. Từ những củ sâm Ngọc Linh hơn 10 năm tuổi, doanh nghiệp đã nghiên cứu tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng bằng dây chuyền công nghệ hiện đại như: rượu ngâm củ sâm tươi, dịch chiết sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh ngâm mật ong, cùng các loại viên uống tăng cường sinh lực, nước uống tăng lực và nước uống dưỡng da... làm từ sâm Ngọc Linh.

Với sự đầu tư bài bản và có tầm nhìn chiến lược, nhiều năm liền Công ty được bình chọn Top 10 thương hiệu được tin dùng nhất Việt Nam. Để tăng cường quảng bá thương hiệu và thể hiện vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp cũng thường xuyên đồng hành hỗ trợ nhiều sự kiện văn hóa lớn như tài trợ cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Nam 2020, và mới đây nhất là trở thành nhà tài trợ chính cho Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia trong 3 năm tới.

Có thể nói, muốn Việt Nam sớm có tên trên bản đồ các quốc gia sâm trên thế giới thì Kon Tum và các doanh nghiệp cần phải chủ động chuyển mình nhanh chóng để trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đó thực sự là một lĩnh vực mũi nhọn chiến lược cần đặc biệt ưu tiên phát triển./.

  • Bài: Thanh Hòa
  • Ảnh: Thanh Hòa, Cao Nguyên, Hoàng Hà và Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

Từ khóa » Hình Dáng Củ Sâm Ngọc Linh