Bến Cầu: Mô Hình Chuyển đổi Cây Bắp Trên Nền đất Lúa Gắn Với Liên ...

Ông Nguyễn Văn Hậu – Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu và ông Ngô Quang Tưởng – Phó Giám đốc Bộ phận sản xuất Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam kiểm ruộng bắp.

Những năm gần đây, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện Bến Cầu được chú trọng đầu tư, góp phần cung cấp nước tưới cho hàng ngàn héc-ta cây trồng. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình sản xuất lúa của nông dân đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là việc biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các xã phía Tây của huyện còn chưa bảo đảm nguồn nước tưới thường xuyên, phụ thuộc vào lượng mưa và nguồn nước ngầm nhiễm phèn làm cho cây lúa kém phát triển dẫn đến năng suất thấp. Ngoài ra, từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao khiến lợi nhuận từ sản xuất lúa của nông dân suy giảm nghiêm trọng.

Để giúp người nông dân phát triển sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập, ngành nông nghiệp huyện Bến Cầu đã thực hiện mô hình chuyển đổi cây bắp trên nền đất lúa gắn với liên kết với các doanh nghiệp nhằm chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bắp có hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, góp phần đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân bước đầu hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu– Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trên cùng diện tích canh tác, thời gian sinh trưởng của cây bắp khoảng 95 ngày (lúa 90-100 ngày), nhưng năng suất và giá trị thu hoạch của cây bắp cao hơn gấp 2 lần so với cây lúa. Trong khi đó, cây bắp là cây trồng cạn tiêu tốn ít nước tưới hơn so với trồng lúa, từ đó sẽ giảm được áp lực thiếu nước sản xuất thường xảy ra vào mùa khô trong vụ Đông Xuân hằng năm tại địa phương.

Ông Trần Văn Vui, ngụ ấp Long An, xã Long Thuận cho biết, hiện gia đình ông đang trồng hơn 1,2 ha bắp giống nếp trắng có ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam. Ngay từ khi xuống giống bắp, ngoài việc được công ty hỗ trợ 5 triệu đồng/ha chi phí đầu tư ban đầu, ông còn được cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo hạt và chăm sóc cây theo từng giai đoạn sinh trưởng. Nhờ vậy, đến nay diện tích bắp của gia đình phát triển khá tốt, trái to, hạt đều, hứa hẹn năng suất cao.

Ông Ngô Quang Tưởng – Phó Giám đốc Bộ phận sản xuất Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam kiểm tra chất lượng bắp của hộ ông Trần Văn Vui.

Theo ông Vui, diện tích bắp của gia đình được Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam ký hợp đồng bao tiêu với giá 10.700 đồng/kg. Hiện ruộng bắp được hơn 75 ngày tuổi, thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt có khả năng thu hoạch từ 8 đến 10 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hậu- Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu cho biết, những năm gần đây, giá cả nhiều mặt hàng nông sản lên xuống thất thường, nên trước khi gieo trồng, người nông dân thường phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều.

Việc trồng cây gì để khi thu hoạch bán được giá, không bị thua lỗ là một bài toán khó đối với người nông dân, không phải cứ thấy giá cao thì lao vào trồng, vì có thể lúc mới trồng thì giá cao ngất ngưởng nhưng đến lúc thu hoạch thì giá chạm đáy.

Với mô hình liên kết trồng bắp mà ông Vui và các hộ nông dân trên địa bàn đang thực hiện không những sản phẩm làm ra được bảo đảm ổn định, mà lợi nhuận mang về trên cùng một diện tích canh tác cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Bên cạnh đó, việc luân canh cây bắp vào giữa 2 vụ lúa hằng năm giúp người nông dân hạn chế tình trạng lúa lộn từ vụ trước sang vụ sau, đồng thời cắt đứt mầm bệnh, sâu hại.

“Bắp là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian canh tác ngắn và chi phí sản xuất thấp, bảo đảm cho người nông dân có lợi nhuận cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, với mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trên cây bắp được triển khai, người nông dân không còn phải lo cảnh được mùa mất giá như những loại cây trồng khác.

Trong thời gian tới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tiếp tục phối hợp với các xã vận động nông dân triển khai mô hình liên kết trồng cây bắp luân canh trên đất lúa, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm chất lượng và đầu ra cho sản phẩm, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn, người nông dân có thu nhập ổn định, không còn phải lo đầu ra cho nông sản”- ông Hậu chia sẻ thêm.

Ông Ngô Quang Tưởng và ông Trần Văn Vui kiểm tra ruộng bắp.

Ông Ngô Quang Tưởng- Phó Giám đốc bộ phận sản xuất Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam cho biết, trên địa bàn huyện Bến Cầu có khoảng 70 ha bắp được công ty ký hợp đồng bao tiêu với giá sau thu hoạch là 10.700 đồng/kg.

Ngay từ lúc nông dân làm đất xuống giống, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp bám đồng, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp canh tác, bảo đảm cây trồng phát triển tốt hạn chế chi phí vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân còn được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để làm đất, gieo hạt và mua vật tư nông nghiệp canh tác.

Nguyên An

Từ khóa » Cây Bắp