Bến Tre: Nghiên Cứu Lập Quy Hoạch Phát Triển Khu Kinh Tế Ven Biển ...

Khu vực ven biển thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre

Việc lập Đề án quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển nhằm mở rộng không gian phát triển mới về hướng Đông, tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre. Đây là mô hình khu kinh tế tổng hợp, với các ngành như: công nghiệp năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế xuất, dịch vụ cảng biển và logistics, dịch vụ, thương mại, du lịch và đô thị,...

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm 22 xã và 2 thị trấn thuộc 3 huyện ven biển, bao gồm cả biển và các cồn, bãi bồi ven biển. Cụ thể, huyện Bình Đại gồm 5 xã: Bình Thắng, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận và một phần thị trấn Bình Đại; huyện Ba Tri gồm 10 xã: An Đức, An Hòa Tây, An Thủy, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Phước Ngãi, Phú Lễ, Tân Thủy, Vĩnh Hòa, Vĩnh An và một phần thị trấn Ba Tri; huyện Thạnh Phú gồm 07 xã: An Nhơn, An Điền, An Quy, An Thuận, Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh.

Đề án được xây dựng với mục tiêu: Đến năm 2025, GRDP/người khu vực biển bằng bình quân của tỉnh; quốc phòng an ninh vùng biển và biên giới biển được đảm bảo. Kết nối giao thông 3 huyện biển thông suốt qua tuyến đường ven biển và từ TP.Bến Tre đến khu vực biển. Hình thành trung tâm năng lượng tái tạo, khu đô thị, công nghiệp biển; đầu tư phát triển du lịch biển, doanh thu từ du lịch 3 huyện biển chiếm khoảng 20% doanh thu du lịch của cả tỉnh. Phát triển khu kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo sinh kế người dân, phát triển con người toàn diện, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá.

Đề án có khoảng 41.000 ha phần đất mặt nước lấn biển

Đến năm 2030, GRDP/người khu vực biển gấp 1,5 lần bình quân của tỉnh; quốc phòng an ninh vùng biển và biên giới biển được vững chắc. Hoàn thiện tuyến giao thông động lực ven biển và các tuyến giao thông từ TP.Bến Tre đến khu vực biển. Phát triển trung tâm năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, đô thị biển; phát triển mạnh du lịch biển, doanh thu từ du lịch 3 huyện biển chiếm khoảng 30% doanh thu du lịch của cả tỉnh.

Về thời gian và tiến độ thực hiện: Giai đoạn từ năm 2021-2030, xây dựng Đề án quy hoạch phát triển khu kinh tế; thực hiện quy trình bổ sung khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre vào quy hoạch phát triển khu kinh tế; thực hiện các thủ tục xin chủ trương thành lập khu kinh tế; xây dựng quy chế hoạt động của khu kinh tế; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư và tiến hành xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế. Lập quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng cho các phân khu chức năng. Xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng trong và ngoài các khu chức năng của khu kinh tế.

Tập trung đầu tư phát triển khu trung tâm của khu kinh tế, trong đó có khu công nghiệp năng lượng điện gió, điện khí LNG; khu cảng biển và dịch vụ logistics; khu du lịch, thương mại, dịch vụ, khu dân cư. Hình thành, hoàn chỉnh hạ tầng một số cụm/khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, thủy sản; công nghệ sinh học, dược phẩm; các ngành công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các điểm dân cư đô thị; từng bước hình thành khu đô thị mới hiện đại, văn minh phù hợp với khu kinh tế mang tính động lực.

Giai đoạn sau 2030, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, hoàn chỉnh các khu chức năng theo quy hoạch chi tiết; xây dựng hạ tầng sản xuất kinh doanh các khu công nghiệp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu phi thuế quan. Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình và phát triển các ngành sản phẩm theo quy hoạch trong khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre. Khu đô thị mới được đầu tư xây dựng và chỉnh trang hiện đại, các hoạt động dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế như: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bưu chính viễn thông được phát triển.

Bến Tre sẽ mở rộng không gian phát triển mới về hướng Đông, tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã thống nhất chủ trương hoàn thiện Đề án lấn biển gắn với cải tạo không gian ven biển để hình thành khu kinh tế tổng hợp trực thuộc tỉnh, do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) triển khai. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre cũng đã đề nghị Nhà đầu tư đề xuất và Đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ sớm trình tỉnh và Trung ương.

Trong đó, cần quan tâm làm rõ, bổ sung việc đánh giá, đo lường tác động của dự án đến sinh kế, đến môi trường sinh kế tự nhiên, đến các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể…; đánh giá hiệu quả mang lại của dự án về mặt tài chính, kinh tế, xã hội, xem có thích ứng với biến đổi khí hậu hay không; đảm bảo nguyên tắc phát triển khi triển khai dự án: diện tích rừng tăng lên, sinh kế - thu nhập của người dân phải tốt hơn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre cũng cho rằng, đây là nội dung lớn, khó, mất nhiều thời gian, tâm huyết và nguồn lực nên cần phải chuẩn bị kỹ, tuyên truyền, giải thích để tạo sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, việc triển khai phải có kế hoạch cụ thể, xác định rõ lộ trình, phân công rõ ràng và bố trí nguồn lực hợp lý.

Từ khóa » đê Bao Biển Bến Tre