Bên Trong điện Thoại Của Một Minimalist - The Hanoi Chamomile

Tiêu đề này là sự kết hợp giữa hai tiêu đề “What’s on my phone” (trong điện thoại mình có gì?” và “My minimalist phone setup” (setup điện thoại tối giản), với mục đích chia sẻ với mọi người cách mình sắp xếp màn hình điện thoại theo phong cách tối giản, cũng như một số ứng dụng hữu ích mà mình đang sử dụng.

Note: Dù sử dụng Android, cá nhân mình lại rất thích giao diện của iPhone nên đã cài một ứng dụng có tên là Launcher iOS13 để có thể sử dụng như một chiếc iPhone thực sự. (bạn nào fan cứng Apple bỏ qua cho mình nhé…)

Thông tin cơ bản

Điện thoại: ASUS Zenfone 5 ZE620KL Giao diện: iOS Ngôn ngữ: tiếng Nhật

Trước khi nói về chuyện sắp xếp…

Giống với việc dọn dẹp nhà cửa, điều mà mình đã làm trước tiên đó là loại bỏ những ứng dụng không cần thiết, để có thể giảm bớt số lượng ứng dụng trên điện thoại.

Cách mình sắp xếp các ứng dụng trên màn hình

DSCF8176-3.jpg

Về cách sắp xếp các ứng dụng, mình sử dụng 2 quy tắc:

1. Mỗi trang chỉ được đặt tối đa 8 icon (4×2)

Với cách sắp xếp như thế này, màn hình điện thoại nhìn sẽ rất thoáng và gọn gàng, có được một khoảng trống ở giữa để giúp ảnh nền phía sau nhìn được rõ hơn. Mình đặt hình nền là một chậu cây nhỏ trên một chiếc bàn, và bạn có thể thấy rõ chậu cây được xuất hiện ngay giữa màn hình và không bị một icon ứng dụng nào chèn lên cả.

2. Gộp các ứng dụng tương đương vào một thư mục

Đối với các ứng dụng có cùng một chủ đề, ví dụ như mạng xã hội, từ điển,… thì mình sẽ cho hết vào một thư mục, để tiện truy cập cũng như giảm bớt số lượng icon ứng dụng trên màn hình. Có một số ứng dụng mà mình hay dùng thì sẽ để bên ngoài thay vì bỏ vào trong folder.

Tip #1: Nếu muốn hạn chế việc ấn vào Facebook hay Instagram một cách vô thức thì trước tiên hãy cho các ứng dụng đó vào một thư mục để tránh tiếp xúc nhiều trên màn hình điện thoại.

Trong điện thoại của mình có gì?

Trước tiên là nói về thanh icon cố định ở dưới màn hình. 4 ứng dụng mà mình đặt mặc định ở dưới là Phone, Messege, Spotify và Internet Browser. Cách đây 1 thời gian mình đã từng để ở thanh mặc định này 4 app mạng xã hội bao gồm Facebook, Instagram, Facebook Messenger và LINE. Điều này đã khiến mình không ý thức được việc sử dụng MXH và cứ bấm vào các ứng dụng một cách vô thức.

Tip 2: Tương tự với tip 1 ở phía trên, không nên đặt icon mạng xã hội ở thanh mặc định, hoặc ở màn hình chính nếu bạn muốn giảm thời gian lướt MXH.

Dưới đây là ảnh page 2 trên màn hình điện thoại của mình. Thoạt nhìn qua thì có lẽ bạn sẽ nhận thấy ngay có Gmail ở bên trái trên cùng. Tiếp theo là Podcast, Google News, và ứng dụng hình tròn màu hồng là Tide.

DSCF8178-4

Hệ sinh thái Google

Các ứng dụng của Google có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người, đặc biệt là với những ai sử dụng Android. Nhưng không phải ai cũng biết tận dụng tối đa các chức năng mà mỗi ứng dụng của Google đem lại.

Ngoài Gmail thì mình còn thường xuyên sử dụng Google Podcast để nghe tin tức, tiếng Anh, Google News để đọc tin và một số bài viết. Nếu ai chưa biết đến Podcast là gì thì bạn có thể đọc qua ở bài viết này của mình nhé. Khi Podcast không đơn thuần chỉ là để học ngoại ngữ

Favorite App #1: Tide

Tide, một ứng dụng trên cả tuyệt vời. Tide là app liên quan đến productivity, giúp tăng cường sự tập trung với một số chức năng nhất định như tính giờ theo phương pháp Pomodoro (25 phút), sau đó lưu lại thành một dữ liệu để giúp người dùng có thể theo dõi hàng ngày. Lúc đi ngủ bạn cũng có thể dùng Tide để theo dõi ngủ, thậm chí còn chọn được một số âm thanh như tiếng mưa, tiếng suối chảy, hay là tiếng sóng để giúp giấc ngủ trở nên ngon hơn.

tide.jpg

Mình thường xuyên sử dụng Tide khi mỗi khi thiền vào sáng sớm. Tide có riêng một mục dành cho việc thiền, trong đó có một số bài tập mà mình có thể vừa nghe khi đang thiền, ví dụ như tập thở, tập theo dõi toàn bộ cơ thể,… và có thể tùy chỉnh thời gian thiền tùy ý.

DSCF8187-10.jpg

Nếu như ai mua gói Premium thì sẽ được phép truy cập vào toàn bộ thư viện bài tập thiền mà bên Tide cung cấp. Lưu ý rằng, các lời nói trong bài tập thiền hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Tip #3: Đối với ai đang muốn tập thiền và cần sự hỗ trợ thì mình khuyên bạn tải app Tide này, hoặc ứng dụng có tên là Calm. Calm có lượng bài nghe phong phú hơn nhưng chung quy là vẫn phải mua gói premium để có thể sử dụng toàn bộ chức năng. 

Thư mục – Social (Mạng xã hội)

Trong điện thoại mình vẫn có Facebook và Instagram. Mình không hoàn toàn “cạch” hẳn mạng xã hội. Sau một tháng tối giản kĩ thuật số thì mình đã cải thiện được việc lướt facebook hay instagram một cách vô thức, cũng như biết cách sử dụng các ứng dụng đó theo một cách chủ động hơn.

Ngoài ra thì mình có cả WordPress và Note, hai ứng dụng blog để giúp mình truy cập và theo dõi blog mình viết. WordPress thì chắc các bạn đã rõ. Còn Note là một app blog của Nhật, và mình sử dụng nó để đăng các bài viết tiếng Nhật cũng như tìm đọc một số bài viết của người khác hoặc bạn bè người Nhật.

Link blog của mình trên Note: https://note.mu/chamomiletea

Thư mục – Photography (ảnh)

DSCF8180-5

Mình thường xuyên sử dụng VSCO và Snapseed để chỉnh các bức ảnh trước khi đăng tải lên web hoặc mạng xã hội. Unfold là một app giúp mình có thể ghép nhiều bức ảnh vào một khung để có thể đăng lên mục story của Instagram. Fujifilm Camera Remote là ứng dụng giúp mình kết nối máy ảnh Fujifilm với điện thoại, qua đó có thể chuyển ảnh trực tiếp, cũng như sử dụng điện thoại để điều khiển máy ảnh.

Favorite App #2: Unsplash

Nếu bạn đang muốn tìm kiếm một bức ảnh phù hợp để làm ảnh nền cho màn hình máy tính hoặc điện thoại, hãy vào https://unsplash.com/ hoặc tải app trên điện thoại về để có thể truy cập và tải về những bức ảnh đẹp và siêu chất lượng. Ảnh nền trên điện thoại của mình cũng là từ Unsplash.

Đặc biệt, với những ai đang gặp khó khăn khi tìm kiếm những bức ảnh có chủ đề như “minimalism”, “simple”,… thì chắc chắn không thể bỏ qua Unspash. Bạn có thể tìm thấy một số bức ảnh trên google image, nhưng chất lượng đều rất kém. Trong khi đó, những bức ảnh được đăng tải lên trên Unspash đều có chất lượng rất tuyệt vời.

Một số bức ảnh mình tải về từ Unsplash:

photo-1466781783364-36c955e42a7f john-forson-564310-unsplash bench-accounting-49909-unsplash

Thư mục – Language (Ngôn ngữ)

DSCF8182-6

Mình gộp các ứng dụng của hai chủ đề “Study” (Học tập) và “Dictionary” (Từ điển) vào cùng một thư mục có tên là Language (Ngôn ngữ), vì nhận thấy tại thời điểm hiện tại mình gần như chỉ học ngoại ngữ là chính.

Nói về app từ điển, mình có 3 app là TFlat (từ điển Anh-Việt), Jdict (từ điển Nhật-Việt) và Weblio (từ điển Nhật-Anh). Mình thường xuyên sử dụng Weblio khi đang ôn thi tiếng Nhật N1, vì weblio có rất nhiều ví dụ cho mỗi từ vựng mình tìm kiếm. Trong khi đó, mình sử dụng Jdict chủ yếu để tra chữ Hán, bao gồm phiên âm Hán-Việt, và cách đọc On-kunyomi.

Favorite App #3: Quizlet

Quizlet là một ứng dụng học ngoại ngữ hiệu quả với chức năng chính là tạo flashcard. Nếu ai theo dõi các bài viết về chuyện học ngoại ngữ thì chắc bạn đã biết rõ sự kì diệu của Quizlet, cũng như cách mình sử dụng nó.

Ngoài chức năng flashcard thông thường (mặt trước mặt sau) thì Quizlet còn có rất nhiều tính năng khác như matching, game, test, nói chung là vô vàn cách để học từ một cách thú vị và không nhàm chán.

Hiện tại mình đang sử dụng Quizlet để học tiếng Hàn. Phải công nhận, nhờ quizlet mà mình tiết kiệm được… kha khá số lượng giấy để sử dụng cho flashcard. Mình không có ý chê flashcard giấy kém hiệu quả, chỉ là mình thấy Quizlet nó quá tuyệt ở việc lưu lại toàn bộ flashcard mà mình đã tạo, gồm tiếng Anh, tiếng Nhật, và giờ là tiếng Hàn, chỉ trong một chiếc điện thoại.

Tip #4: Quizlet cũng có trên trang web, nên các bạn nhập các từ vựng và ý nghĩa vào trên máy tính, vì gõ trên máy nhanh hơn trên điện thoại rất nhiều. Nếu bạn đăng nhập thành viên nên các bộ từ vựng đã được tạo trên máy tính cũng sẽ hiện ở trên ứng dụng điện thoại.

study japanese

Favorite App #4: Forest

Ứng dụng này khá giống với Tide ở chức năng bấm giờ. Chỉ có điều, ở Forest, một khi đã bấm Start, bạn sẽ bắt đầu trồng cây, và nếu trong khoảng thời gian đó bạn thoát khỏi Forest để làm việc khác (lướt instagram) thì cây sẽ bị phá. Nói cách khác, đây là ứng dụng giúp bạn tập trung làm việc và không được phép cầm và sử dụng điện thoại cho đến khi hết giờ.

study japanese

Mình chỉ sử dụng Forest cho việc học ngoại ngữ. Còn đối với các công việc khác thì mình sử dụng chức năng bấm giờ trong Tide. Theo dữ liệu trồng cây tháng 6 vừa rồi, khoảng thời gian mình học tiếng Nhật trong cả 1 tháng là 63 tiếng 5 phút, tương đương với trung bình 2 tiếng một ngày. Mỗi ngày trồng một ít cây thì sau một tháng sẽ được cả một khu rừng như rừng sakura trong bức ảnh.

DSCF8184-8

Thư mục – Lifestyle (đời sống)

Thư mục này bao gồm 5 ứng dụng với từng chủ đề khác nhau, nhưng chung quy là đều liên quan đến đời sống sinh hoạt. Roomclip liên quan đến nhà cửa, Delish Kitchen là app nấu ăn (giống như Tasty), Atmosphere là app tạo ra những tiếng động white noise như tiếng mưa, tiếng chim hót,… Airbnb và Grab thì mình nghĩ ai cũng đã biết rõ chức năng.

DSCF8185-9

Favorite App #5: RoomClip

RoomClip cũng có thể được xếp vào thư mục mạng xã hội, vì đây không khác gì một phiên bản Instagram nhưng chỉ để up ảnh nhà cửa, nội thất. Nếu mà đặt theo tên Instagram thì có lẽ là InstaRoom?

roomclip-ogp.png

Thay vì vào Instagram, mình gần như chỉ vào RoomClip với mục đích tìm kiếm những bức ảnh về nhà cửa, phòng ở để có thể tham khảo về cách sắp xếp, bố trí căn phòng chủ yếu là theo phong cách Nhật. Tuy nhiên, đây là ứng dụng của Nhật nên chỉ có trên app store Nhật, mình không biết ở Việt Nam có tìm và tải về được không.

Favorite App #6: Delish Kitchen

“Vị cứu tinh” của mình trong khoản nấu ăn. Hồi còn du học Nhật, mỗi lần đi siêu thị mình thường xuyên bật ứng dụng này để xem “món ăn của ngày hôm nay”, và nếu thấy cách nấu ăn dễ và nguyên liệu đơn giản thì mình sẽ mua và làm theo ngay. Nhờ tham khảo delish kitchen mà mình hiện tại có thể nấu khá nhiều món ăn Nhật.

ogp_image.png

Tip #5: Ngoài Delish Kitchen ra thì bạn cũng có thể tìm các app như Kurashiru hay Cookpad để tham khảo cách nấu ăn (chủ yếu là nấu ăn các món Nhật). 

Một số app khác

Ở trang cuối của màn hình điện thoại mình còn có một vài ứng dụng nữa, chủ yếu là các ứng dụng của Google như Drive, Keep Notes, Translate. Ngoài ra thì có thêm cả thư mục Entertainment (Giải trí) gồm một số app như Youtube hay là Netflix.

Thực ra điện thoại mình cũng không hẳn là tối giản triệt để. Mình vẫn có khá nhiều app, nhưng quan trọng là mình biết cách gộp nó vào các thư mục và sắp xếp bố trí để trông màn hình gọn gàng hơn nhưng vẫn dễ truy cập.

Các bạn có thể tham khảo một số video với tiêu đề như “my minimalist phone setup” trên youtube để tìm được nhiều ý tưởng hợp lý giúp điện thoại của bạn trông gọn gàng hơn nhé.

https://www.youtube.com/watch?v=sNRqc4d_o9o

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Tối Giản Smartphone