Lối Sống Tối Giản Thời Công Nghệ Số - The Hanoi Chamomile

Những ngày gần đây, thế giới công nghệ đang “phát sốt” vì những sản phẩm mới “ra lò” của Apple như iPad Air mới, Apple Watch series 6, và đặc biệt là iOS 14. Riêng iPhone 12 thì được “ém”, có lẽ với mục đích marketing và nó kích thích sự tò mò của khách hàng, giúp Apple thu hút được nhiều sự chú ý hơn trong khoảng thời gian này (Tất nhiên lí do lớn hơn phải kể đến việc Apple gặp khó khăn với chuỗi cung ứng do dịch COVID-19). Tải iOS 14 về, mình cũng có nghịch thử mấy cái tính năng mới, đặc biệt là widget, và rồi cũng ngốn tí thời gian vào việc sắp xếp lại màn hình iPhone sao cho nó “spark joys” một chút.

Cách đây một tuần, mình có xem một phim tài liệu của Netflix với tiêu đề “The Social Dilemma”, (tạm dịch là sự tiến thoái lưỡng nan của xã hội). Phim xoay quanh vấn đề sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, và ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống cá nhân, và ở phạm vi lớn hơn là chính trị xã hội.

Hôm trước, khi viết một bài với tiêu đề “Dạo này mình xem gì? nghe gì?“, mình có đề cập đến The Social Dilemma, đồng thời liên hệ với cuốn sách “Digital Minimalism” của Cal Newport mà mình đã đọc đi đọc lại đến 3 lần.

Và rồi hôm qua khi đang đi dạo bên trong nhà sách Phương Nam, mình vô tình thấy được bản dịch của cuốn sách đó, với tiêu đề “Lối sống tối giản thời công nghệ số“. Dù đã đọc bản tiếng Anh và thuộc làu làu nội dung nhưng mình vẫn quyết định mua bản dịch tiếng Việt, thế là từ chiều tối hôm qua đến hôm nay chỉ có đứng, nằm, ngồi đọc cho xong cái cuốn này.

Chợt nhận ra đợt này mình tiếp xúc khá nhiều với các thông tin liên quan đến công nghệ hay là mạng xã hội, ở cả hai mặt tốt lẫn xấu, vì thế mình muốn viết bài này để giới thiệu lại cuốn sách “Digital Minimalism” (bản dịch tiếng Việt), đồng thời chia sẻ một số quan điểm cá nhân xoay quanh lối sống tối giản số.

Review sách

Trước tiên là nói về cuốn sách.

Cầm cuốn sách trên tay, điều đầu tiên mà mình để ý đó là bìa sách hoàn toàn không có điểm tương đồng gì với bản gốc. Nếu như bản gốc có tông màu chủ đạo là màu vàng với các sọc ngang, và ô hình tròn ở giữa, thì bìa của bản dịch này trông rất… tối giản. Cỡ chữ tiêu đề hơi nhỏ, và điểm nhấn lớn nhất là hình ảnh chiếc điện thoại smartphone đang “tan biến” dần, làm mình liên tưởng đến cúng búng tay của Thanos :))

Bản gốc tiếng Anh với bìa sách màu vàng

“Lối sống tối giản thời công nghệ số”. Bạn thấy tiêu đề này thế nào? Cá nhân mình thấy nó nghe hay hơn hẳn cái “chủ nghĩa tối giản kĩ thuật số” mà mình tự dịch khi viết blog cách đây một năm. Thế rồi hai cụm từ “tối giản” và “công nghệ số” được sử dụng font chữ to hơn, từ đó tạo nên điểm nhấn giúp người mua tập trung hơn vào hai cụm từ này khi nhìn vào bìa sách, và như thế, trong mắt họ, cuốn sách này sẽ có thêm một tiêu đề ngắn gọn hơn, đó là “TỐI GIẢN CÔNG NGHỆ SỐ“. Đỉnh!

Vì đã đọc bản gốc tiếng Anh tới 3 lần nên mình cũng nhớ kha khá, thế nên khi đọc bản dịch, mình có thể biết được liệu dịch giả có “ăn bớt” phần nào không, hay là có dịch sai, hoặc là dùng ngôn từ không phù hợp hay không. Và mình phải nói là bạn Khánh Trang (dịch giả) dịch cuốn này cực kỳ đầy đủ và sát nghĩa.

Tóm lại, tiêu đề hay, nội dung chuẩn, bìa sách cũng ổn. 9.5/10. Cá nhân mình thấy sẽ tuyệt hơn nếu bản dịch tiếng Việt vẫn giữ cái tiêu đề tiếng Anh “Digital Minimalism”, đặt ở ngay dưới tiêu đề tiếng Việt.

Về nội dung cụ thể, bạn có thể đọc tham khảo hai bài viết review mà mình đã viết cách đây một năm, khi mà bản dịch vẫn chưa có. Hai bài này sau đó được vinh dự ghép lại và đăng lên trang tamlyhoctoipham.com. Mình sẽ để link ở cuối bài viết nhé.

Tóm tắt sách

Cuốn sách mở đầu bằng việc phê phán những nền tảng cung cấp mạng xã hội như Facebook hay Instagram vì đã cố tình xây dựng “một loại máy đánh bạc” khiến con người ngày càng nghiện mạng xã hội. Có một câu viết rất hay ở đây: “ngồi đếm số lượt THÍCH đang là một loại cần sa mới“. Và để chống lại việc bị nghiện “loại cần sa mới này”, nói chung quy là nghiện và sử dụng mạng xã hội một cách vô thức, thì cần phải có một chiến lược nghiêm túc, thay vì đơn thuần chỉ áp dụng một số mẹo nhỏ được chia sẻ tràn lan trên mạng.

Chiến lược mà tác giả muốn nói ở đây, chính là minimalism – chủ nghĩa tối giản. Thay đổi hành vi thường sẽ xuất phát từ việc thay đổi tư duy và suy nghĩ, do đó, áp dụng triết lý của chủ nghĩa tối giản – ít hơn nhưng nhiều hơn, sẽ là một biện pháp mang tính lâu dài, và nó có thể giúp chúng ta thay đổi hoàn toàn cách sử dụng điện thoại và mạng xã hội.

Chủ nghĩa tối giản số là gì? – “Một khái niệm mà ở đó bạn tập trung thời gian online của mình vào những ứng dụng, hoạt động đã được tối ưu hóa và lựa chọn cẩn thận, với mục đích hỗ trợ những thứ bạn coi trọng, và sau đó vui vẻ bỏ lỡ mọi thứ khác” (tự dịch).

Để có thể áp dụng lối sống mới này thì cần phải có một sự thay đổi mạnh mẽ trong một thời gian ngắn, từ đó Cal Newport đề xuất phương pháp “Digital Declutter” – Dọn dẹp không gian số, trong vòng 30 ngày. Đây có thể coi là một cuộc “cách mạng” dọn dẹp chứ không đơn thuần chỉ là một đợt digital detox, vì mục đích cuối cùng của 30 ngày dọn dẹp không gian số, đó là giúp bạn xây dựng được một lối sống mà ở đó bạn là người làm chủ thiết bị công nghệ, chứ không phải là detox xong thì lại ngựa quen đường cũ, lại quay về thói quen sử dụng mạng xã hội một cách vô thức.

Phần sau của cuốn sách chia sẻ về một số ý tưởng giúp ta có thể duy trì cuộc sống tối giản số một cách bền vững, trong đó phải kể đến chương 5 – ngưng bấm nút like, một chương rất thú vị và cũng khiến mình phải suy nghĩ rất nhiều.

Mình là một Digital Minimalist

Trước khi đọc cuốn sách này lần đầu vào năm ngoái, mình đã sống tối giản được hơn một năm, và cũng đã “ngấm dần” tư tưởng triết lý ít hơn nhưng nhiều hơn (less is more). Thế nên sau khi đọc sách này, mình có thể áp dụng ngay được triết lý tối giản vào cuộc sống số, bắt đầu với cuộc cách mạng dọn dẹp kĩ thuật số 30 ngày. Kể từ đó, thói quen sử dụng điện thoại và mạng xã hội của mình đã dần thay đổi theo một chiều hướng tích cực hơn, đúng với những gì Cal Newport đã muốn hướng người đọc tới. Mình tắt gần hết notification của các ứng dụng, trong đó có cả facebook messenger, instagram, gmail, xoá vĩnh viễn Facebook trên điện thoại (chỉ sử dụng trên máy tính), và dành thời gian cho những việc có ý nghĩa hơn. Và mình nghĩ là bản thân đủ điều kiện để tự gọi mình là một digital minimalist.

Nhưng…

Một Digital Minimalist như mình đôi lúc vẫn “hút cần sa”

Thế giới không bao giờ ngừng quay, và nền tảng công nghệ số cũng vậy. Việc trở thành một blogger, youtuber hay influencer phần nào khiến mình lại rơi vào trạng thái “chờ đợi xem có bao nhiêu view”, “chờ đợi xem hôm nay có bao nhiêu lượt subscribe mới”, và những sản phẩm cần sa mới này lại khiến mình phải thèm thuồng và suýt nữa thì lại bị nghiện. Đó là đợt tháng 4, tháng 5 vừa rồi, và nó buộc mình phải thực hiện công cuộc dọn dẹp không gian số lần thứ 2.

Sau lần đó, mình cũng rút ra được một điều rằng, digital minimalist cũng có thêm một điểm tương đồng với minimalist, không chỉ ở triết lý “less is more”, hay là ưu tiên những thứ quan trọng. Đó là việc trở thành digital minimalist chỉ là điểm xuất phát, chứ không phải là đích đến. Bạn áp dụng triết lý tối giản, bạn thực hiện công cuộc dọn dẹp không gian số 30 ngày, sau đó bạn cảm thấy mình sử dụng điện thoại có ý thức hơn, nên bạn nghĩ mình đã đạt được mục tiêu cuối cùng là trở thành một digital minimalist. Cơ mà điều quan trọng hơn là, bạn duy trì lối sống tối giản số đó như thế nào từ giờ trở đi?

Điều này luôn là một bài toán hóc búa và nan giải, ngay cả đối với mình. Dù Cal Newport đã đề xuất vài ý tưởng hay và thú vị trong nửa sau cuốn sách, nhưng mình nghĩ cách tốt nhất để có thể duy trì được lối sống tối giản kĩ thuật số, đó là thường xuyên làm một phát “không facebook, không instagram” trong 30 ngày, ví dụ như một năm hai lần chẳng hạn.

Tóm lại…

Cuốn sách này rất đáng để đọc. Mình đọc đến lần thứ 4 rồi mà vẫn muốn đọc lại lần nữa.

Và nếu bạn có Netflix thì nhớ xem The Social Dilemma.

One more thing…

Nếu bạn có upgrade lên iOS 14 thì cũng đừng có cắm đầu cắm mũi vào việc chỉnh sửa icon qua shortcuts nhé. Mỗi lần ấn vào icon đó nó sẽ nhảy lên ứng dụng shortcuts trước rồi mới nhảy qua cái ứng dụng chính, cảm giác khó chịu lắm. Mình thử rồi =)))))

Stay focused, be present.

P/S: lời thú tội muộn màng: hôm trước upgrade iOS 14 xong dành gần một ngày để khám phá tính năng và chỉnh sửa sắp xếp lại màn hình.

Các bài viết về tối giản công nghệ số do mình viết:

Bàn về cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kĩ thuật số) – Phần 1

Bàn về cuốn sách “Digital Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản kĩ thuật số) – Phần 2

Bắt đầu 30 ngày tối giản hoá kĩ thuật số (30-day digital declutter)

30 ngày tối giản hoá kĩ thuật số lần 2

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Tối Giản Smartphone