Bệnh á Sừng: Các Lưu ý Trong điều Trị Và Ngăn Ngừa Tái Phát

Bệnh á sừng là một dạng viêm da cơ địa có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy không quá nguy hiểm nhưng bệnh lại gây ra nhiều phiền toái cho người mắc phải. Bên cạnh đó, á sừng cũng rất dễ tái phát nếu không được chữa trị đúng cách, thậm chí có thể trở nặng, gây nhiễm trùng thứ cấp.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu bệnh á sừng là gì, triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị cũng như ngăn ngừa căn bệnh này trong bài viết sau.

Bệnh á sừng là gì?

bệnh á sừng

Bệnh á sừng là một dạng viêm da cơ địa rất phổ biến. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau nhưng thường thấy nhất là ở đầu ngón chân, gót chân, kẽ chân, đầu ngón tay. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hay nhiều vùng da cùng lúc.

Triệu chứng của bệnh á sừng

Bệnh á sừng ở tay, chân thường khiến vùng da trở nên khô, thô ráp, bong tróc, nứt nẻ, xuất hiện vảy. Nếu bị nhiễm trùng thứ phát hoặc kích ứng mạnh, vùng da này có thể sưng đỏ, thậm chí chảy máu, khiến người bệnh đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt.

Nguyên nhân gây á sừng

Bên cạnh yếu tố da nhạy cảm, cơ địa dễ dị ứng do di truyền cũng là một nguyên nhân thường gặp gây á sừng. Những nguyên nhân gây bệnh khác có thể bao gồm:

  • Cọ xát do cử động lặp lại: Khi gót chân hoặc ngón chân cọ xát vào giày lúc di chuyển.
  • Tiếp xúc với chất liệu gây kích ứng: Các loại tất chân quá bí làm bằng vải sợi tổng hợp, giày dép có chất liệu nylon hoặc vinyl.
  • Tiết quá nhiều mồ hôi: Mồ hôi khiến da bị ẩm ướt sau đó khô đi nhanh chóng, gây ra hiện tượng nứt nẻ trên bề mặt da.
  • Thay đổi thời tiết: Thời tiết mùa hè nóng nực, ra nhiều mồ hôi hay mùa đông lạnh, khô khiến người bệnh phải đeo tất, giày, ủng. Điều này khiến bệnh dễ tái phát và trở nên nặng hơn.
  • Tiếp xúc chất gây kích ứng: Bạn có thể bị á sừng vì tiếp xúc với các yếu tố dễ gây tổn thương da như chất tẩy rửa, hóa chất, xà phòng, nước, không khí nhiễm bẩn…

Bệnh á sừng có lây không?

Bệnh á sừng là bệnh viêm da cơ địa dị ứng, không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây. Tuy nhiên, yếu tố di truyền có ảnh hưởng nhất định tới bệnh á sừng.

Bệnh á sừng có thể bị tái phát nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này có thể lan rộng làm nặng hơn các triệu chứng bong tróc, tổn thương, nứt nẻ trên da.

Cách chữa bệnh á sừng hiệu quả

bệnh á sừng

Cách chữa bệnh á sừng tập trung vào các mục tiêu như cải thiện triệu chứng, điều trị bệnh á sừng trở nặng và tránh các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa tái phát.

Cải thiện triệu chứng bệnh

Khi mắc bệnh á sừng, bạn cần lưu ý những điều sau đây để cải thiện triệu chứng:

  • Luôn dưỡng ẩm cho da: Đây là điều tiên quyết nhất đối với điều trị triệu chứng của bệnh. Bạn có thể dùng dầu oliu để thoa lên chân tay, dùng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để làm mềm da, giữ ẩm cho da.
  • Bảo vệ vết nứt trên da để tránh tổn thương: Bạn có thể xịt hoặc bôi acrylate lên vết nứt để giảm đau.
  • Sử dụng thuốc mỡ theo toa: Các thuốc thường dùng bao gồm tacrolimus và steroid bôi tại chỗ.
  • Tránh nguy cơ tổn thương lớp sừng da: Không chọc các mụn nước, lột da, chà xát, kỳ cọ mạnh vùng da tổn thương. Nếu lớp sừng bị tổn thương sẽ rất dễ bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn thứ cấp.
  • Dùng khăn lau khô: Sau khi rửa tay chân cần dùng khăn lau khô nhất là các kẽ ngón tay ngón chân rồi bôi kem dưỡng ẩm cho da.
  • Không ngâm chân, tay với nước muối: Dung dịch nước muối có tính ưu trương sẽ làm da khô, căng và dễ nứt nẻ.

Nếu bạn phải dùng chất tẩy rửa để rửa chén hay lau dọn nhà, bạn nên đeo bao tay hoặc đi ủng bằng cao su tự nhiên latex. Thói quen này sẽ giúp bạn phòng ngừa và hạn chế tổn thương do á sừng gây ra.

Cách điều trị khi bệnh trở nặng

Khi bệnh á sừng trở nặng, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị. Bạn nên không nên tự ý dùng các loại kem bôi, thuốc uống, thuốc xịt vì có thể gây tác dụng phụ và khiến bệnh á sừng tái phát nghiêm trọng hơn.

Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc bôi điều trị á sừng bao gồm acid salicylic, gentrizone, fucicort… có chứa steroid để giảm viêm.

Nếu bị nhiễm nấm hay nhiễm trùng thứ phát do bệnh á sừng, bạn có thể phải dùng kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.

Ngăn ngừa bệnh á sừng tái phát

Để tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh hoặc khiến bệnh trở nặng, bạn nên lưu ý các cách chăm sóc sau đây:

  • Hạn chế đi bộ nhiều.
  • Thay tất thường xuyên.
  • Bôi kem có chứa dimeticon 4 giờ/lần.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng, stress.
  • Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm và trước khi đi ngủ để chăm sóc da.
  • Dành thời gian chăm sóc đôi chân, đặc biệt là các ngón chân và gót chân.
  • Hạn chế chà xát lên vùng da như bàn chân, bàn tay, đầu ngón chân, gót chân.
  • Mang giày tất vừa vặn, chất liệu thoáng khí. Tránh chọn giày cứng, quá chật làm tổn thương chân.

bệnh á sừng

Khi điều trị á sừng, bạn cũng cần chú ý cả chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Cơ thể người bệnh cần được cung cấp đầy đủ vitamin đặc biệt là vitamin A, C, D, E. Bạn có thể bổ sung vitamin với các loại rau xanh, hoa quả tươi như bắp cải, rau ngót, giá đỗ, đậu Hà Lan, cam, quýt, bưởi, đu đủ…

Bạn cũng cần tránh sử dụng các loại gia vị cay nóng, rượu, bia, các chất kích thích hoặc thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, nhộng, đậu phộng…

Bệnh á sừng tuy không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị sớm thì rất dễ trở nặng và khó chữa lành. Bạn nên theo dõi chăm sóc da thường xuyên và áp dụng chế độ ăn hợp lý để nhanh chóng hồi phục làn da khỏe mạnh nhé!

Từ khóa » Sừng Da Bàn Chân