Bệnh Cúm Nguy Hiểm Như Thế Nào? - VNVC

Bệnh cúm lây lan rất nhanh, biến chứng của bệnh cúm vô cùng nguy hiểm. 15 triệu người Mỹ trên khắp đất nước và 8.200 người đã chết vì bệnh cúm trong mùa 2019-2020, trong đó có ít nhất 54 trẻ em. Với nhiều người Mỹ, bệnh cúm mùa đáng sợ hơn virus corona. Tại Việt Nam, chỉ trong năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 400.000 người mắc cúm, 10 trường hợp tử vong. Cúm vẫn đang là mối đe dọa toàn cầu.

biến chứng của bệnh cúm

Bệnh cúm là gì?

Cúm là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Hiện tại, chưa có thuốc điều trị cúm đặc hiệu. Phương pháp chủ yếu để giảm triệu chứng bệnh là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe bệnh nhân để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “Bệnh cúm thông thường sẽ diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Song đối với trẻ em, người già vốn có sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin cúm để phòng bệnh”.

Triệu chứng của cúm

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau đây, rất có thể bạn đã bị cúm:

  • Sốt,
  • Ớn lạnh,
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi,
  • Ho,
  • Đau họng,
  • Đau nhức toàn thân,
  • Đau đầu,
  • Mệt mỏi,
  • Buồn nôn và nôn,
  • Tiêu chảy…
triệu chứng phổ biến của cúm mùa
Sốt cao, chảy nước mũi, mệt mỏi, đau cơ,… là triệu chứng phổ biến của cúm mùa

Bệnh cúm có nguy hiểm không?

CÓ! Rất nhiều nguyên nhân khiến cúm được liệt vào nhóm các bệnh nguy hiểm:

Video đề xuất:

1. Chủng virus thay đổi hàng năm

Bệnh cúm nguy hiểm khó lường, chính vì các chủng virus cúm thường xuyên biến đổi nên việc phòng ngừa cúm rất khó khăn. Cứ mỗi năm, các chủng virus mới lại xuất hiện, vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. Sự biến đổi nhanh chóng của các chủng virus cúm khiến vắc xin cúm mùa mất đi khả năng bảo vệ cơ thể chống lại các chủng virus đã thay đổi. Nguy cơ xảy ra đại dịch cúm là cực kỳ lớn.

2. Bệnh cúm nguy hiểm vì tỷ lệ lây lan rất nhanh

Virus cúm lan truyền với tốc độ chóng mặt qua các giọt trong không khí. Người bệnh hắt hơi hoặc ho ra hạt ẩm có chứa virus cúm. Loại virus này có thể văng xa tới gần 2 mét. Nếu vô tình hít phải những giọt nước chứa virus cúm, hoặc nếu chúng rơi vào miệng, mũi, mắt của bạn, bạn cũng sẽ nhiễm bệnh. Không chỉ vậy, bạn còn có khả năng bị cúm nếu chạm tay vào một vật thể nơi những giọt nước đó rơi xuống – như bàn, đồ dùng cá nhân, tay nắm cửa – và sau đó đưa tay lên mặt. Virus cúm có thể sống trên bề mặt cứng tới 48 giờ.

Những người bị cúm dễ lây nhất trong 3-4 ngày đầu sau khi nhiễm bệnh. Hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh đều lây bệnh cho người khác bắt đầu 1 ngày trước khi các triệu chứng phát triển và tối đa 5-7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em và một số người có hệ miễn dịch yếu có thể truyền virus trong thời gian dài hơn, khoảng 7 ngày.

Triệu chứng cúm thường xuất hiện khoảng 2 ngày (có trường hợp 1 hoặc 3, 4 ngày) sau khi virus xâm nhập vào cơ thể. Điều đó có nghĩa là bạn có khả năng truyền bệnh cho người khác trước khi biết mình bị bệnh. Ngoài ra, một số người nhiễm virus cúm nhưng không có triệu chứng. Thế là vô tình, họ truyền virus cho người khác.

trẻ mắc bệnh cúm
Cúm dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng, đặc biệt ở mùa đông xuân

3. Dễ nhầm lẫn với cảm lạnh

Triệu chứng của cúm rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nên người bệnh khó phát hiện và điều trị kịp thời.

Cảm cúm và cảm lạnh đều là những bệnh về đường hô hấp nhưng được gây ra bởi các loại virus khác nhau. Trong khi cảm lạnh là căn bệnh thông thường, hiếm khi để lại di chứng thì cảm cúm nặng hơn, diễn biến phức tạp và dễ gây biến chứng nặng nề.

Vì các triệu chứng tương tự nhau nên rất khó phân biệt sự khác biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh. Vì thế, người bệnh khi hắt hơi, sổ mũi thường chỉ nghĩ đơn thuần mình bị cảm lạnh, từ đó nảy sinh tâm lý chủ quan, không điều trị. Đến khi triệu chứng trở nặng, họ mới phát hiện mình nhiễm cúm. Lúc đó, bệnh đã diễn tiến trầm trọng hơn vì không được chữa trị kịp thời.

4. Bệnh dễ tấn công trẻ em và người lớn tuổi, để lại di chứng nặng nề

Ai cũng có nguy cơ mắc cúm, nhưng đối với trẻ em và người cao tuổi – những đối tượng có sức đề kháng kém – thì nguy cơ cao hơn nhiều. Nếu chẳng may trẻ em và người già nhiễm cúm, lại không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ dẫn đến các biến chứng của bệnh cúm: viêm đường hô hấp như viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…; hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và đặc biệt gây tử vong đối với trẻ mắc bệnh mạn tính.

5. Chưa có thuốc đặc trị

Khác với các bệnh nhiễm trùng gây ra do vi khuẩn, bệnh cúm nguy hiểm do virus hiện chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Do đó, điều trị cúm nặng vẫn còn là thách thức cho các bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ chỉ có thể kê đơn các loại thuốc trị cúm giúp làm giảm triệu chứng, khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol (1)) và ibuprofen (Advil (2), Motrin (3)) giảm sốt, siro ho và thuốc thông mũi. Với những người bị cúm nặng hoặc có nguy cơ bị biến chứng, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng virus cho họ.

Biến chứng của bệnh cúm

Cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

1. Nhiễm trùng tai

Trẻ em khi nhiễm virus cúm có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tai, một biến chứng phổ biến của bệnh cúm. Nguyên nhân là virus tấn công trực tiếp vào tai trong. Trong khi đó, trẻ bị sổ mũi, hắt hơi và ho thường có chất lỏng tích tụ trong tai, tạo ra môi trường hoàn hảo cho virus tồn tại và phát triển.

2. Viêm xoang

Một trong các biến chứng của bệnh cúm là viêm xoang. Giống như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang có thể phát triển do cúm. Lúc này, virus tấn công trực tiếp vào xoang hoặc gián tiếp gây nhiễm trùng.

3. Hen suyễn nặng hơn

Những người mắc bệnh hen suyễn có nguy cơ gặp các triệu chứng tồi tệ hơn nếu chẳng may bị cúm. Virus gây viêm đường hô hấp của bệnh nhân, dẫn đến tăng độ nhạy cảm của họ với các chất gây dị ứng cũng như các tác nhân gây hen suyễn khác.

4. Viêm phổi

Cúm là tác nhân phổ biến gây ra viêm phổi. Viêm phổi do cúm cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

5. Co giật

Trẻ em thường có nguy cơ bị co giật do cúm. Một nghiên cứu từ Đại học Utah đã phát hiện ra rằng, cúm lợn gây ra nhiều biến chứng thần kinh ở trẻ em hơn là cúm theo mùa.

Trẻ em bị cúm theo mùa cũng có thể bị co giật do sốt. Biến chứng bệnh cúm này thường chỉ kéo dài một hoặc hai phút và không gây ra thiệt hại vĩnh viễn.

Phụ nữ mang thai bị cúm có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi và đặc biệt là sinh non.

Cúm cũng có thể gây hại cho em bé đang phát triển. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy, những thai phụ bị cúm có nhiều khả năng sinh ra những đứa trẻ bị khiếm khuyết về não và cột sống do biến chứng của cúm.

6. Tử vong

Số ca tử vong do cúm và các biến chứng liên quan đến cúm mỗi năm dao động theo độ dài và mức độ nghiêm trọng của mỗi mùa cúm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9-45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong bởi biến chứng viêm phổi do cúm.

CDC dự đoán ít nhất 12.000 người sẽ chết vì cúm ở Mỹ mỗi năm. Trong mùa cúm 2017-2018, có tới 61.000 người chết và 45 triệu người bị bệnh. Trong mùa 2019-2020 cho đến nay, 15 triệu người ở Mỹ đã bị cúm và 8.200 người đã chết vì bệnh này, trong đó có ít nhất 54 trẻ em.

Hàng năm ở Việt Nam, trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, số mắc thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa. Theo số liệu giám sát năm 2019, tính đến đầu tháng 12 có trên 400.000 người mắc cúm, thấp hơn rất nhiều so với số mắc trung bình hàng năm và thấp hơn 15% so với cùng kỳ 2018. Hiện chưa ghi nhận sự bất thường về số lượng mắc cũng như chủng virus cúm. Theo kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm tại khu vực miền Bắc, chủng gây bệnh chủ yếu là chủng cúm A (H1N1) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận thấy chủng virus cúm mới cũng như chưa thấy có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

tiêm phòng bệnh cúm
Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm vắc xin cúm hàng năm để duy trì kháng thể bảo vệ cao nhất

Chủ động phòng ngừa cúm

PGS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia phòng dịch của Bộ Y Tế, Cố vấn cao cấp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, nhấn mạnh: “Cách tốt nhất để chặn đứng sự sinh sôi và lây lan của virus cúm là không tạo cho chúng môi trường thuận lợi để phát triển. Muốn vậy, mỗi người dân cần được trang bị kiến thức về cách phòng chống cúm nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm virus cúm cũng như lây bệnh cho người xung quanh”.

Để chủ động phòng chống cúm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.

3. Để tránh cúm và các biến chứng do cúm, có một cách đơn giản và hiệu quả: Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Hàng năm, các nhà sản xuất sẽ phát triển một loại vắc xin để ngăn chặn các chủng virus có khả năng lưu hành trong mùa cúm sắp tới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị tất cả mọi người từ sáu tháng tuổi trở lên nên được tiêm phòng.

Vắc xin ngừa cúm có khả năng tạo ra kháng thể chủ động bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm ngừa lên đến 97%. Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nên tiêm vắc xin cúm để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ, cũng như bảo vệ con sau sinh trong 6 tháng đầu khi trẻ chưa đến tuổi được tiêm phòng vắc xin cúm

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Biến chứng của bệnh cúm rất nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang, tai, viêm tim,… đặc biệt nguy hiểm ở nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền mãn tính. Tiêm vắc xin cúm nhắc lại hàng năm là biện pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi các biến chứng nặng nề do cúm.

Từ khóa » Cúm ác Tính Là Gì