Bệnh Da Vẩy Cá Là Gì? Cách để Có Làn Da đẹp Hơn

Nội dung bài viết

  • 1. Những thông tin chung về bệnh da vẩy cá
  • 2. Nguyên nhân của bệnh da vẩy cá
  • 3. Biểu hiện của bệnh da vẩy cá như thế nào?
  • 4. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh da vẩy cá
  • 5. Điều trị bệnh da vẩy cá
  • 6. Những hướng dẫn chăm sóc da tại nhà
  • 7. Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ

Bệnh da vẩy cá là một rối loạn da di truyền, khi các tế bào da chết tích tụ tạo lớp vẩy dày, khô trên bề mặt da. Có những trường hợp nhẹ của bệnh da vẩy cá không được chẩn đoán vì họ bị nhầm là da cực kỳ khô. Tuy vậy, cũng có những trường hợp, hiện tượng tróc vẩy nặng làm rối loạn đến điều hòa nhiệt độ và ảnh hưởng nhiều đến cơ thể. Vậy hãy cùng Youmed tìm hiểu những kiến thức về bệnh, để có cách điều trị và chăm sóc phù hợp.

1. Những thông tin chung về bệnh da vẩy cá

Bệnh vẩy cá thuộc nhóm bệnh có sự biến đổi bất thường của lớp thượng bì của da. Do đó, người bệnh sẽ có biểu hiện da cực kì khô, dày và bong vẩy, vẩy giống như vẩy cá. Bệnh vẩy cá có hơn 20 thể, trong bài viết chúng tôi sẽ tập trung giúp bạn hiểu rõ về bệnh da vẩy cá thông thường. Đây là thể bệnh thường gặp nhất của bệnh vẩy cá. Chiếm 95% trong các bệnh nhân bệnh da vẩy cá.

Cứ 250 người sẽ có 1 người mắc bệnh da vẩy cá thông thường. Bệnh da vẩy cá thông thường có thể xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc muộn hơn.

Tỉ lệ mắc bệnh của nam và nữ tương đương. Bệnh thường liên quan đến yếu tố cơ địa và thường khởi phát sớm. Tuổi khởi phát bệnh thường là khi trẻ từ 3-12 tháng tuổi.

da vẩy cá

Biểu hiện của bệnh da vẩy cá thường nặng về mùa đông và tốt hơn vào mùa hè. Do đó, bạn có thể không biểu hiện bệnh ở vùng khí hậu nhiệt đới, nhưng lại biểu hiện rõ khi chuyển sang vùng khí hậu ôn đới

2. Nguyên nhân của bệnh da vẩy cá

Bệnh da vảy cá thông thường được gây ra bởi một đột biến gen được di truyền từ một hoặc cả cha và mẹ. Trẻ em thừa hưởng gen khiếm khuyết chỉ từ một cha hoặc mẹ có dạng bệnh nhẹ hơn. Những người thừa hưởng hai gen khiếm khuyết có mức độ bệnh nghiêm trọng hơn.

Đột biến gen ở đây là đột biến mất chức năng trong gen mã hóa protein filaggrin. Các đột biến dẫn đến sản xuất filaggrin bị lỗi. Filaggrin là một protein thượng bì da cần thiết cho sự liên kết của các sợi keratin trong tế bào thượng bì. Nó tạo thành một hàng rào bảo vệ da hiệu quả. Nhờ đó, fillagrin giúp duy trì độ pH của da, duy trì độ ẩm trong lớp sừng và giảm mất nước qua thượng bì.

Da khô do giảm filagrin làm mất nước trong da. Và da tróc vảy là kết quả từ các cơ chế sửa chữa bằng tăng sinh tế bào. Trẻ em bị rối loạn di truyền thường có làn da bình thường khi sinh, nhưng da dần tróc vảy và sần sùi trong vài năm đầu đời.

Nếu bệnh vẩy cá không phải do khiếm khuyết di truyền, nó được gọi là bệnh da vẩy cá mắc phải. Nó thường liên quan đến các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư, bệnh tuyến giáp hoặc HIV / AIDS.

3. Biểu hiện của bệnh da vẩy cá như thế nào?

3.1 Các vị trí trên cơ thể thường bị ảnh hưởng

Bệnh da vẩy cá thường ảnh hưởng nhiều đến các vị trí như:

  • Mặt trước cẳng chân (mặt duỗi)
  • Mặt sau tay (mặt duỗi)
  • Da đầu
  • Lưng
  • Trán và má, đặc biệt ở trẻ nhỏ

3.2 Các vị trí trên cơ thể ít bị ảnh hưởng

Bệnh da vẩy cá thường ít gây ảnh hưởng ở:

  • Mặt
  • Phía trước cổ
  • Bụng
  • Các nếp xếp ở trước cẳng tay (mặt gấp của cẳng tay)
  • Nếp xếp sau gối (mặt gấp của cẳng chân)

3.3 Những biểu hiện thường gặp của bệnh da vảy cá

Bệnh thường bắt đầu trong thời thơ ấu. Hầu hết trẻ có làn da bình thường khi sinh. Từ 3 tháng đến 5 tuổi là khi dễ nhận thấy những thay đổi của da nhất. Đôi khi, những thay đổi này bắt đầu khi trẻ nhỏ hơn hoặc lớn hơn. Cha mẹ có thể nhận thấy một hoặc nhiều thay đổi sau đây:

  • Da khô: Một trường hợp nhẹ của bệnh da vẩy cá thông thường có thể bị nhầm với da khô.

da vẩy cá

  • Tróc vảy: Các vảy trong bệnh da vảy cá có các vảy phấn nhỏ, cũng có thể là những mảng vảy lớn kích thước từ 1–10 mm. Màu sắc từ trắng đến xám hoặc nâu. Tróc vảy làm cho da có cảm giác thô ráp. Có sự phân bố không đồng đều trên cơ thể như nói ở trên.
  • Da dày: Điều này có xu hướng dễ nhận thấy nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. 
  • Nhiều đường trên lòng bàn tay và lòng bàn chân: Nếu bệnh da vẩy cá nghiêm trọng, bạn có thể thấy các vết nứt sâu trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nhiễm trùng có thể phát triển trong các vết nứt sâu.

da vẩy cá

  • Ngứa da: Ngứa thường do da khô.
  • Những vết sần sùi trên da: Những vết sần này có thể bị nhầm lẫn với mụn trứng cá và thường phát triển trên cánh tay, đùi và mông. Tình trạng này gọi là dày sừng nang lông.
  • Không thể đổ mồ hôi đủ: Nếu mức độ bệnh rất nghiêm trọng, một đứa trẻ (hoặc người lớn) có thể không thể đổ mồ hôi bình thường, giảm sự dung nạp với nhiệt độ cao.

3.4 Những yếu tố ảnh hưởng tới bệnh

Thời tiết

Các biểu hiện như da khô ngứa, nứt nẻ…sẽ nặng hơn khi thời tiết khô, lạnh. Tuy nhiên bệnh sẽ bớt khi khí hậu ấm và ẩm hơn.

Tuổi tác

Ở một số trẻ, việc tróc vẩy trở nên nặng dần cho đến khi trẻ đến tuổi dậy thì và sau đó nó giảm đi. Các dấu hiệu và triệu chứng cũng có thể biến mất trong một thời gian và trở lại trong những năm thiếu niên.

Nếu bạn bị một trường hợp nhẹ, khi còn nhỏ thường bị nhầm là da khô, thì có vẻ như bệnh da vẩy cá chỉ mới bắt đầu trong những năm thiếu niên.

Bệnh cũng có thể trở lại sau này trong cuộc sống khi bạn đã trưởng thành.

4. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh da vẩy cá

Bệnh da vẩy cá là bệnh thường chỉ cần dựa trên lâm sàng để chẩn đoán. Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán thông qua hỏi bệnh sử và kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng và các vảy đặc trưng.

Cho dù bệnh da vẩy cá bắt đầu ở trẻ em hay người lớn, nó có thể nhẹ đến mức bị nhầm lẫn với làn da cực kỳ khô. Nhiều người không bao giờ nhận ra họ bị bệnh da vẩy cá. Lý do có thể là vì họ bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên nên da không khô tới tróc vẩy.

Do đó bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm khác, chẳng hạn như sinh thiết da. Điều này cũng để loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây da khô, bong vảy.

5. Điều trị bệnh da vẩy cá

5.1 Điều trị bệnh da vẩy cá thông thường

Bệnh da vẩy cá thông thường không có cách điều trị triệt để. Khả năng hồi phục đối với trẻ bị bệnh da vảy cá rất cao. Bệnh có khuynh hướng tự cải thiện sau tuổi dậy thì. Trong khi đó, dạng mắc phải chỉ bớt đi sau khi đã giải quyết xong bệnh lý nội khoa đi kèm. Do đó, mục tiêu chính trong điều trị là phục hồi độ ẩm cho da.

 Để điều trị bệnh da vảy cá, bác sĩ có thể chỉ định dùng những loại sau:

Kem giữ ẩm

Các loại kem có chứa urea có khả năng giữ nước trong lớp sừng.

da vẩy cá

Thuốc bạt sừng bong vảy

 Thuốc dạng kem hoặc dạng mỡ có chứa

  • Alpha hoặc beta-hydroxy acids (glycolic acid, lactic acid, salicylic acid).
  • Thuốc retinoid như tretinoin hoặc tazarotene
  • Nồng độ cao propylene glycol
Thuốc uống

Đối với các trường hợp Da vảy cá nặng, có thể cần phải dùng thêm thuốc uống như sau: Isotretinoin. Isotretinoin một loại thuốc mạnh có nhiều tác dụng phụ như viêm mắt và môi, và rụng tóc…Phụ nữ có thai nên cẩn trọng khi sử dụng vì thuốc gây ra dị tật cho thai nhi.

5.2 Điều trị bệnh da vẩy cá mắc phải

Khi nghi ngờ có bệnh da vảy cá mắc phải ở người lớn, bác sĩ cần nghiên cứu tầm soát các bệnh lý nội khoa tiềm ẩn. Hoặc bác sĩ cần truy tìm các loại thuốc men đã gây khởi phát bệnh. Tiên lượng của bệnh da vảy cá mắc phải ở người lớn tùy thuộc vào việc điều trị bệnh nội khoa nền, hoặc ngưng sử dụng các loại thuốc đã gây khởi phát bệnh.

6. Những hướng dẫn chăm sóc da tại nhà

Các biện pháp tự chăm sóc tại nhà có thể giúp cải thiện vẻ ngoài và tính chất của làn da đang bị tổn thương.

Hãy xem xét những gợi ý sau của bác sĩ:

  • Tắm ngâm nước ấm lâu để làm mềm da. Sử dụng các xà phòng dịu nhẹ. Xoa nhẹ làn da ẩm ướt bằng miếng bọt biển có kết cấu thô hoặc đá bọt để giúp loại bỏ vảy. Sau khi tắm hoặc tắm, nhẹ nhàng vỗ hoặc làm khô da bằng khăn để một chút độ ẩm còn lại trên da.
  • Thoa kem dưỡng ẩm hoặc kem bôi trơn trong khi da vẫn còn ẩm khi tắm. Chọn một loại kem dưỡng ẩm có urea hoặc propylene glycol – hoạt chất giúp giữ ẩm cho da. Dầu khoáng là một lựa chọn tốt.

da vẩy cá

  • Áp dụng một sản phẩm không kê đơn có chứa urea, acid lactic hoặc nồng độ acid salicylic thấp hai lần mỗi ngày. Các hợp chất acid nhẹ giúp da dễ bong các tế bào da chết. Urea giúp liên kết độ ẩm cho da. Sử dụng máy tạo độ ẩm để thêm độ ẩm cho không khí trong nhà.

7. Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ

Nếu bạn nghi ngờ bạn hoặc con bạn bị bệnh da vẩy cá, hãy đăt cuộc hẹn với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể giúp bạn chẩn đoán tình trạng bằng cách kiểm tra các tróc vẩy đặc trưng.

Ngoài ra hãy chắc chắn bạn sẽ tìm tư vấn y tế nếu các triệu chứng xấu đi hoặc không cải thiện. Khi mà bạn đã áp dụng các biện pháp tự chăm sóc ở nhà mà bạn biết. Lúc này có thể bạn cần thuốc mạnh hơn để kiểm soát tình trạng bệnh.

Như vậy, bệnh da vẩy cá là bệnh lí di truyền do khiếm khuyết gen tổng hợp Fillagrin. Một mắc xích quan trọng trong hàng rào bảo vệ da. Từ đó làm làn da bạn trở nên khô ráp, sần sùi và tróc vẩy. Bệnh lí hiện chưa có cách điều trị triệt để. Tuy nhiên, hiện nay vẫn kiểm soát được qua việc chăm sóc và điều trị đúng cách. Ngoài ra, bệnh có thể thoái lui khi đến độ tuổi dậy thì. Vì vậy, việc nhận biết được bệnh chính xác và được hướng dẫn chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng. Hãy đặt hẹn ngay với chuyên gia y khoa nếu nghi ngờ bạn hoặc con bạn bị da vảy cá. Hoặc khi da khô không đáp ứng với chăm sóc đã có tại nhà.

Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ

Từ khóa » Da Cá Bẩm Sinh