Bệnh ĐỎ ĐUÔI Do Virus ở Tôm Thẻ
Những cảnh báo khi tôm đỏ đuôi, người nuôi cần lưu ý
1. Sơ lược
Hội chứng Taura được xác nhận là do nhiễm Taura syndrome virus (TSV). Hội chứng Taura bùng phát thành dịch lần đầu năm 1992, tại Ecuador và tới năm 1994 xác định được nguyên nhân gây bệnh là virus. TSV là thể virus không vỏ, kích thước 30 – 32 nm, tái tạo trong tế bào chất của tế bào vật chủ. Có ít nhất 3 biến thể gen đã được xác định gồm nhóm Châu Mỹ, nhóm Đông Nam Á và nhóm Belize.
Trong ao nhiễm bệnh, tỉ lệ chết khoảng 40 – 100%. Tôm sống sót sau dịch bệnh trở thành vật mang.
Kí chủ chính là tôm thẻ Chân trắng P. vannamei, và tôm xanh P. stylirostris. Nhiễm bệnh tự nhiên và gây nhiễm thực nghiệm trên các loài tôm khác không gây chết.
Nhiễm bệnh trên các giai đoạn phát triển của tôm nhưng không bao gồm trứng, hợp tử và ấu trùng.
Tấn công chủ yếu vào biểu mô dưới vỏ, ruột giữa, ruột sau, mang, phần phụ, mô liên kết, cơ quan tạo máu, cơ quan lympho và tuyến râu. Các cơ quan nội tạng có nguồn gốc nội bì như gan tụy, ruột giữa, manh tràng ruột giữa, dây thần kinh, cơ trơn, cơ vân, tim không có dấu hiệu mô bệnh học của TSV và thường không nhiễm TSV
Lây truyền chủ yếu theo chiều ngang (như từ nước nhiễm bệnh, từ tôm bệnh sang tôm khỏe, từ các côn trùng trong nước). Phân chim sau khi ăn tôm bệnh vẫn gây nhiễm được trong 48 giờ. Cũng có thể lây lan theo chiều dọc nhưng chưa được nghiên cứu.
Thường xảy ra ở độ mặn dưới 30 ppt
Có giả thuyết cho rằng do hormon lột xác của giáp xác (Ecdysone) có cấu trúc tương tự như Ergosterol (thành phần tế bào nấm và protozoa) nên có thể thuốc diệt nấm là nguyên nhân gây ra hội chứng Taura.
2. Dấu hiệu tổng quát
Thường xuất hiện trong giai đoạn 14 – 40 ngày sau khi thả giống (0,05 – 5 g). Có thể nhiễm ở tôm lớn khi tiếp xúc với virus. Bệnh có sự khác biệt rất rõ ràng ở giai đoạn cấp tính, chuyển tiếp và mãn tính.
Giai đoạn cấp tính:
- Tôm lờ đờ
- Tôm có màu đỏ tươi: do các tế bào sắc tố đỏ nở rộng làm cho tổng thể thân có màu đỏ nhạt, râu, chân đuôi (mái chèo), chân bơi có màu đỏ rõ ràng (bệnh đỏ đuôi).
- Chết khi lột xác: trước khi lột xác những tế bào biểu mô hoạt động là những tế bào đích của virus. Khi bi nhiễm, TSV bắt đầu thay đổi những chức năng bình thường của các tế bào này (gồm biến đổi các chức năng như tạo vỏ và chuyển hóa canxi từ vỏ củ sang vỏ mới) gây hư hoại vỏ, dẫn tới tôm chết khi lột xác.
- Kiểm tra bờ rìa các chân bơi, chân đuôi thấy có sự hoại tử biểu mô. Sự dày mọng của các mép chân bơi, chân bò và đuôi tôm, là dấu hiệu đầu tiên của sự hoại tử cục bộ
- Tôm bệnh thường mềm vỏ, rỗng ruột và thường ở giai đoạn D của quá trình lột xác. Tôm thường chết ở giai đoạn E của quá trình lột xác, khi này, vỏ tôm rất mềm.
Tôm ấu niên bị TSV xuất hiện các vết đen trên thân (ảnh Aquanetviet.com)
Dấu hiệu nhiễm TSV đặc trưng như đỏ thân, chóp đuôi đỏ, sưng mọng, hoại tử
Giai đoạn chuyển tiếp:
- Chỉ xuất hiện vài ngày trong suốt thời gian bùng phát dịch bệnh. Có thể xảy ra khi còn nhiều tôm trong ao vẫn đang giai đoạn cấp tính và vẫn tiếp tục chết mỗi ngày.
- Một lượng tôm trong ao xuất hiện nhiều đốm melanin hình dạng bất thường trên vỏ. Đốm melanin này là kết quả của quá trình tích lũy các tế bào máu để làm lành tổn thương biểu mô do TSV. Những con tôm này có thể mềm hoặc không mềm vỏ; có thể đỏ hoặc không đỏ; có thể hoạt động và ăn bình thường.
Giai đoạn mãn tính:
- Tôm có nhiều đốm đen như bị bệnh do vi khuẩn trên vỏ (đốm đen này hình thành sau khi lột xác thành công, là kết quả của sự melanize hóa các tế bào bị nhiễm TSV).
- Tôm sống sót có thể sẽ chết trong lần lột xác tiếp theo hoặc sẽ vượt qua nhờ miễn dịch tự nhiên.
- Có thể hoặc không bị mềm vỏ, đỏ thân.
- Hoạt động và ăn uống bình thường.
- Sau khi lột xác các chấm melanin sẽ biến mất.
- Tôm bệnh cấp tính chết từ 40 - 100%, số sống sót có thể sống đến 60%.
Tôm bị đốm đen ở giai đoạn mãn tính của bệnh
3. Chuẩn đoán
Nghi ngờ bệnh khi nhìn thấy các dấu hiệu:
- Tôm thẻ đột ngột chết nhiều ở giai đoạn ấu niên hoặc gần lớn.
- Nhiều chim bay trên mặt ao, đáp xuống bắt tôm.
- Tại ao có chim bay, tôm mang các dấu hiệu bệnh TSV như đỏ thân, chết, mềm vỏ, trống ruột, những đốm đen bất thường trên vỏ.
- Dùng kính X10 cầm tay hoặc kính hiển vi kiểm tra mẫu tươi, thấy các dấu hiệu hoại tử biểu mô vỏ vùng rìa đuôi, phần phụ hoặc mang.
Mô bệnh học
- Nhuộm màu Hematoxyline và Eosin biểu mô cơ quan đích của bệnh (biểu mô vỏ, biểu mô mang, ruột sau, ruột trước, đuôi).
- Ở giai đoạn cấp tính, phần tế bào chất còn lại của tế bào vật chủ bị hoại tử thường có hình cầu, đường kính 1 - 20 µm, bắt màu hồng Eosin tới hồng pha xanh nhạt basophilic, kèm theo là các nhân tế bào kết đặc hoặc phân mãnh nên nhìn như “một dãy những hạt tiêu”.
Mũi tên lớn ở hình 5 cho thấy vùng biểu mô xuyên dạ dày bị hoại tử, nhô lên, bắt màu đậm hơn, có thể thấy rõ ‘dãy những hạt tiêu’ là nhân tế bào kết đặc hoặc phân mãnh. Mũi tên nhỏ là các tế bào bình thường (X300), tiếp giáp các tế bào nhiễm bệnh. Hình 7 là vết thương ở biểu mô vỏ và dưới vỏ của giáp đầu ngực (X450).
- Ở giai đoạn mãn tính, dấu hiệu mô bệnh học chỉ thể hiện ở cơ quan lympho của tôm bệnh.
TSV nhiễm trong nhánh mang cấp 2 của tôm. Tế bào tròn đi và teo nhân. Nhuộm H&E, thang đo 50µm.
Các phương pháp phân tử như PCR, RT-PCR
Soi tươi
- Soi mảnh cắt tươi, không nhuộm của mang hoặc phần phụ dưới kính hiển vi nhằm xác nhận các vết thương của giai đoạn bệnh cấp tính. Bao gồm nhiều cấu trúc hình cầu của các nhân kết đặc (pyknosis) và nhân phân mảnh (Karyorrhexis) và tàn tích tế bào chất của tế bào hoại tử (giống như Mô bệnh học nhưng không nhuộm màu).
Mẫu tươi đuôi tôm thẻ giống nhiễm bệnh thực nghiệm ở giai đoạn cấp tính. Cho thấy, tôm đang trong giai đoạn D4 của quá trình lột xác – vỏ cũ và vỏ mới cách nhau một khoảng. Mũi tên chỉ rìa vùng bị hoại tử của biểu mô vỏ - là khoảng không thay vì phải là biểu mô vỏ. Sự hiện diện của các hình cầu khúc xạ (nhân kết đặc và nhân phân mãnh) gần rìa tổn thương. Một vài tế bào sắc tố nở rộng nhìn thấy rõ trong biểu mô dưới vỏ. Không nhuộm, 300X.
4. Phòng bệnh
- Hạn chế sử dụng các thuốc diệt nấm, protozoa có thành phần chứa chất ức chế Ergosterol.
- Bổ sung vitamin D2, cholesterol, khoáng vào thức ăn.
- Chuẩn bị nước nuôi cẩn thận và duy trì chất lượng nước tốt trong suốt quá trình nuôi.
- Thường xuyên quan sát tôm nhằm xử lý kịp thời.
5. Trị bệnh
Quy trình điều trị có thể tham khảo như sau:
Ngăn chặn lột xác:
- Giảm ăn hoặc cắt cữ. Nếu kiềm trong nước tăng cao hoặc giảm thấp đột ngột thì ngừng cho ăn. Nếu tôm chết quá nhiều thì ngưng cho ăn hoàn toàn.
- Duy trì pH > 8 bằng vôi. Nếu bệnh trong mùa mưa thì rất khó điều trị.
- Không được thay nước (luôn luôn không được thay nước khi đang điều trị hoặc khi bệnh).
Duy trì chất lượng nước tốt nhất
- Sục khí liên tục, đảm bảo oxy hòa tan đầy đủ
- Loại bỏ tôm chết
Dùng thuốc
- Không dùng hóa chất hay kháng sinh (không có tác dụng thậm chí còn tác dụng ngược)
- Có thể dùng vi sinh nhưng phải xử lý nhiều lần và liên tục
Sau khi tôm ngừng chết có thể tăng thức ăn từ từ. Tôm hết chết không có nghĩa là hết bệnh, có thể lột xác dính vỏ vào chu kỳ lột tới (sau khi hồi phục từ 10 – 15 ngày).
Nguồn: Theo Tổng hợp - nghetomtep.comVui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Từ khóa » Tôm Râu đỏ
-
Nhận Biết Tôm Khỏe Và Tôm Bệnh - Bách Hóa XANH
-
Tôm Chân đỏ Tươi Sống - Siêu Thị Cá Tươi Và Cá Sống
-
BỆNH ĐỎ ĐUÔI TRÊN TÔM (HỘI CHỨNG TAURA) - Thuốc Trang Trại
-
Tôm Thẻ đuôi đỏ - Fenneropenaeus Indicus - Tép Bạc
-
Dấu Hiệu Phát Sinh Bệnh ở Tôm - Tạp Chí Thủy Sản
-
Tôm Sú Cụ Phú Quốc - CleverFood
-
Tổng Hợp Các Loại Tôm, Cách Phân Biệt & Giá Từng Loại Tôm - VinID
-
MỘT SỐ BỆNH PHỔ BIẾN TRÊN TÔM NUÔI - Viện LOCI
-
Các Bệnh Nguy Hiểm Thường Gặp Trên Tôm Thẻ Chân Trắng
-
CÁCH PHÂN BIỆT CÁC LOẠI TÔM
-
Tổng Hợp Kinh Nghiệm Chẩn đoán Bệnh Tôm Tại Ao
-
Hướng Dẫn Phân Biệt Các Loại Tôm Phổ Biến Và Cách Chọn Tôm Tươi ...