Bệnh động Mạch ở Chân - Những điều Cần Biết

Bệnh động mạch ở chân - Những điều cần biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: hoanmy.com

Những người ở độ tuổi 50-59 mắc bệnh thường có hút thuốc lá hoặc mắc bệnh đái tháo đường; bệnh cũng thường gặp ở người trên 70 tuổi, người dưới 50 tuổi mắc bệnh cần xem xét yếu tố nguy cơ xơ vữa khác.

Người bệnh thường có triệu chứng ở chân khi gắng sức (khập khiễng cách hồi) hoặc đau lúc nghỉ dạng thiếu máu. Khập khiễng cách hồi điển hình là đau bắp chân khi đi lại và giảm khi nghỉ. Mặc dù khập khiễng cách hồi là triệu chứng đặc trưng của bệnh nhưng chỉ có 30% người bệnh động mạch ngoại biên ở chân có triệu chứng này, 60% là không có triệu chứng. Những người bệnh không có triệu chứng thường gặp ở người đái tháo đường, lớn tuổi, di chứng thần kinh làm cho vận động đi lại ít nên không bộc lộ được triệu chứng. Một trường hợp lâm sàng khác có thể gặp là người bệnh đau do thiếu máu ở chân nặng, đau cả khi nghỉ, vết thương lâu lành hoặc hoại thư.

Đau do thiếu máu ở chân cấp tính có 5P: Đau (pain), vô mạch (pulselessness); tím tái (palor); tê (paresthesia) và yếu liệt chi (paralysis).

Trên lâm sàng để đánh giá bệnh thường sử dụng chỉ số cổ chân - cánh tay – ABI. Đây là chỉ số đặc hiệu đơn giản và có giá trị. Chỉ số được thực hiện dựa vào số đo huyết áp cao nhất ở cổ chân chia cho trị số huyết áp cao nhất ở cánh tay. Độ nhạy của phương pháp là 79% - 95%, độ đặc hiệu 95%-100%. Khi nghỉ, ABI bình thường trong khoảng 0,9-1,3. Khi chỉ số lớn hơn 1,3 thường gợi ý động mạch chày không đè xẹp được. Chỉ số 4,1-9,0 thường gặp ở bệnh mạch máu ngoại biên nhẹ và vừa. Khi chỉ số <4,0 thường chỉ ra có bệnh mạch máu ngoại biên nặng.

Tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng và triệu chứng của bệnh nhân để quyết định các biện pháp khảo sát hơn nữa như MSCT động mạch (viết tắt bởi cụm từ Multi – Slide Computed Tomography là phương pháp chụp cắt lớp vi tính giúp giảm thời gian chụp, giảm liều tia X, hình ảnh rõ nét được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị), DSA mạch máu (DSA được viết tắt bởi cụm từ Digital Subtraction Angiography, đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số sử dụng thuật toán để xóa nền trên 2 ảnh thu nhận được trước và sau khi tiêm chất cản quang vào cơ thể người bệnh, nhằm mục đích nghiên cứu mạch máu trong cơ thể), cộng hưởng từ mạch máu hay là siêu âm Doppler mạch máu.

Trong một số tình huống, triệu chứng khập khiễng cách hồi điển hình nhưng ABI bình thường cần xem xét đo ABI với trắc nghiệm gắng sức. Bệnh nhân được yêu cầu đi bộ trên thảm lăn với tốc độ 3,2km/giờ (2m/phút) với độ dốc 10%-20% cho đến khi đau khập khiễng cách hồi xảy ra hoặc đạt tối đa 5 phút và tiếp theo phải đo lại huyết áp cổ chân. Nếu ABI giảm 15%-20%, chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên được đặt ra.

Phương pháp điều trị cho người bệnh thường người bệnh phải bỏ hút thuốc lá, kiểm soát tốt đường máu, kiểm soát huyết áp, tập luyện và sử dụng các thuốc được bác sĩ kê đơn.

Sở dĩ người bệnh phải bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh xơ vữa, thuốc lá làm thúc đẩy sự co mạch ở các mạch máu xơ vữa, làm gia tăng kết dính tiểu cầu, tăng fibrinogen, Hct và hậu quả làm tăng độ quánh của máu.

Người bệnh luyện tập để cải thiện chức năng, gia tăng kỹ năng đi bộ, cải thiện được mức độ nặng của đau khập khiễng cách hồi, chế độ luyện tập có thể sử dụng đi trên thảm lăn hoặc đi bộ trên đường đủ cường độ để tạo ra khập khiễng cách hồi sau đó sẽ nghỉ cho đến khi hết đau và tập lại. Mỗi đợt tập luyện kéo dài 30-60 phút. Mỗi đợt tập luyện tiến hành 3 lần trong tuần và trong 3 tháng.

Những bệnh nhân có thiếu máu đe dọa chân như đau khi nghỉ, loét chân do thiếu máu, hoại thư, bệnh nhân không đáp ứng với trị liệu phục hồi chức năng gắng sức và thuốc; bệnh nhân bị giới hạn hoạt động bởi đau khập khiễng cách hồi sẽ được điều trị làm thông động mạch bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật, những chỉ định này phụ thuộc vào tuổi, bệnh kèm, dạng tổn thương của người bệnh để bác sĩ có chỉ định phù hợp./.

Từ khóa » Xơ Vữa đông Mạch ở Chân