Bệnh Hoang Tưởng Là Gì?

1. Bệnh hoang tưởng là gì?

Bệnh hoang tưởng còn được gọi là bệnh tâm thần hoang tưởng hay thần kinh hoang tưởng. Bệnh có tên tiếng Anh là Paranoid Personality Disorder.

Theo cách suy nghĩ của người bệnh, nhiều chuyện không có thật nhưng họ lại cho là hoàn toàn đúng. Sự sai lệch này của bệnh nhân nặng nề đến mức bạn không thể giải thích bằng lý lẽ hay chứng minh bằng chứng cứ được.

Quá trình hình thành chứng hoang tưởng rất phức tạp, liên quan mật thiết với các chứng rối loạn tâm thần. Hoang tưởng thường kéo dài và làm biến đổi nhân cách của bệnh nhân, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động tâm thần khác.

Bệnh hoang tưởng cần phải được điều trị, tốt nhất là điều trị với các bác sĩ khoa Tâm thần. Mức độ bệnh, thể trạng của bệnh nhân cùng phương pháp điều trị của bác sĩ sẽ quyết định thời gian điều trị ngắn hay dài. Cần lưu ý thêm rằng việc điều trị sẽ đạt được hiệu quả cao hơn khi người bệnh nhận thức được vấn đề mà mình đang gặp phải và sẵn sàng đối diện với nó.

Bạn có thể gặp phải một số dạng hoang tưởng như:

- Hoang tưởng ghen tuông.

- Hoang tưởng tự cao.

- Hoang tưởng bị hại.

- Hoang tưởng do rượu.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hoang tưởng

Những biểu hiện của bệnh hoang tưởng thường không rõ ràng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm:

- Lo ngại mọi người có hành động bí mật gì đó, nghi ngờ hành động của những người khác.

- Miễn cưỡng khi tâm sự với người khác hoặc tiết lộ thông tin cá nhân do sợ thông tin đó có thể chống lại mình.

- Khó tha thứ và giữ hận thù.

- Nhạy cảm và dễ có những suy nghĩ tiêu cực.

- Không có khả năng làm việc cùng người khác.

- Nóng tính, dễ tấn công người khác, dễ giận dữ.

- Có những nỗi nghi ngờ không giải thích được.

- Tách rời xã hội.

- Hay tranh luận, bướng bỉnh.

Khi thấy bản thân có các dấu hiệu hoang tưởng, bạn nên mạnh dạn đi khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu người thân trong gia đình bạn có những triệu chứng của bệnh hoang tưởng thì nên liên hệ trước với bác sĩ để được hướng dẫn, rồi sau đó đưa người bệnh đi khám.

Việc điều trị bệnh hoang tưởng diễn ra càng sớm càng tốt, bởi những triệu chứng của bệnh hoang tưởng sẽ tăng dần theo thời gian và khiến cho người bệnh thay đổi tiêu cực theo nó.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng

Nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng có thể xuất phát từ định kiến hay ám ảnh, từ ảo giác hay là hiện tượng duy nhất của một bệnh loạn thần còn sót lại (hoang tưởng di chứng).

Hoang tưởng cũng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau như: tâm thần phân liệt, loạn thần cấp tính, các rối loạn cảm xúc (trầm cảm, hưng cảm) có triệu chứng loạn thần, loạn thần thực tổn...

Sự hình thành và tiến triển của bệnh hoang tưởng:

Hoang tưởng suy đoán thường kéo dài và làm biến đổi sâu sắc nhân cách của người bệnh, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động tâm thần khác.

- Hoang tưởng kết tinh: hoang tưởng hình thành và ngày càng được củng cố thành hệ thống vững vàng, cố định.

- Tri giác hoang tưởng: người bệnh nhìn thấy những sự vật, những người xung quanh có một cái gì đặc biệt khác thường liên quan đến số phận họ.

- Suy đoán hoang tưởng: dần dần người bệnh tìm thấy cái gì đặc biệt khác thường đó có ý nghĩa ngày càng rõ ràng và giải thích nó theo suy đoán của mình.

- Hoang tưởng tan biến: hoang tưởng có thể biến đi một cách tự phát hay do điều trị hoặc tan rã trong trí tuệ sa sút.

- Khí sắc hoang tưởng: người bệnh lo lắng, chờ đợi một cái gì bất thường sẽ đến với mình, một mối nguy hiểm đang đe doạ tính mạng và cuộc đời họ, mà họ không tự giải thích được.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoang tưởng?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoang tưởng, chẳng hạn như:

- Tiền sử gia đình có người bị mắc bệnh tâm thần phân liệt.

- Tăng kích hoạt hệ miễn dịch, chẳng hạn như do viêm hoặc bệnh tự miễn.

- Có cha lớn tuổi.

- Mắc một số biến chứng khi sinh, chẳng hạn như suy dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với chất độc hay virus có thể tác động đến sự phát triển của não.

- Dùng thuốc hướng thần (thần kinh hoặc tâm thần) trong độ tuổi thiếu niên và thanh niên.

Lưu ý rằng: Một người khi có nhiều hơn 3 yếu tố nguy cơ sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh hoang tưởng. Vì vậy, nếu bạn đang có trên 3 yếu tố nguy cơ, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh.

4. Tác hại và biến chứng của bệnh hoang tưởng

Bệnh hoang tưởng có thể dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng cho bản thân người bệnh và những người xung quanh. Cụ thể là:

- Hoang tưởng khiến cho người bệnh luôn lo ngại, nghi kị những người xung quanh, làm rạn nứt các mối quan hệ xã hội cũng như có nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình.

- Bệnh hoang tưởng khiến cho người bệnh gặp hạn chế lớn trong công việc do không thể làm việc nhóm.

- Bệnh hoang tưởng khiến cho người bệnh trở nên nóng nảy, dễ giận dữ và tấn công người khác. Trong trường hợp xấu nhất người bị bệnh hoang tưởng có thể trở thành sát nhân giết người.

- Bệnh hoang tưởng nếu nặng hơn có thể khiến cho người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có ý nghĩ tự sát.

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh hoang tưởng diễn tiến nặng hơn và tránh các tình huống phải cấp cứu. Hãy nhìn nhận hoang tưởng là một căn bệnh bạn cần phải chữa, không nên vì tâm lý sợ bị coi là "kẻ tâm thần" mà dấu bệnh và từ chối điều trị.

Có nhiều trường hợp người mắc bệnh hoang tưởng không muốn đến khám bác sĩ vì:

- Người bệnh không chịu thừa nhận mình đang mắc bệnh.

- Người thân hoặc bạn bè không thể khuyên nhủ bệnh nhân tới khám.

- Bệnh nhân ở quá xa nơi có dịch vụ y tế điều trị trầm cảm chuyên sâu.

-Không sắp xếp được thời gian hoặc thời gian hẹn khám bác sĩ không phù hợp.

5. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hoang tưởng

Chẩn đoán bệnh

Nếu nghi ngờ một người mắc bệnh hoang tưởng, bác sĩ sẽ tiến hành khám và làm một số xét nghiệm để giúp loại trừ khả năng bạn mắc các tình trạng có triệu chứng tương tự nghiện rượu và ma túy. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp MRI hoặc CT.

Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng tâm thần của người bệnh bằng cách quan sát sự xuất hiện, thái độ và hỏi về những suy nghĩ, tâm trạng, hoang tưởng, ảo giác, sử dụng chất và khả năng bạo lực hoặc tự tử. Họ cũng sẽ thảo luận về tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình.

Phương pháp điều trị bệnh hoang tưởng

Điều trị rối loạn ảo giác thường liên quan đến cả dược lý trị liệu và tâm lý trị liệu. Do tính chất mãn tính của tình trạng này, các chiến lược điều trị nên được điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân của bệnh nhân và tập trung vào việc duy trì chức năng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Dược lý trị liệu:

Thuốc chống rối loạn thần kinh có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn hoang tưởng. Thuốc chống trầm cảm đã được sử dụng thành công trong điều trị rối loạn hoang tưởng.

- Tâm lý trị liệu:

Đối với hầu hết bệnh nhân bị rối loạn hoang tưởng, một số hình thức điều trị hỗ trợ là rất cần thiết. Mục tiêu của liệu pháp hỗ trợ bao gồm tạo điều kiện tuân thủ điều trị và giáo dục cho bệnh nhân về căn bệnh và cách điều trị của nó. Các can thiệp về giáo dục và xã hội có thể bao gồm đào tạo kỹ năng xã hội, hướng dẫn cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, bao gồm: suy giảm cảm giác, cách ly, căng thẳng và bạo lực. Cung cấp hướng dẫn thực tế và hỗ trợ trong việc đối phó với các vấn đề xuất phát từ rối loạn hoang tưởng có thể rất hữu ích.

Phương pháp điều trị nhận thức có thể sẽ được chỉ định cho một số bệnh nhân. Trong hình thức trị liệu này, nhà trị liệu sử dụng các câu hỏi tương tác và các thử nghiệm hành vi để giúp bệnh nhân xác định các suy nghĩ có vấn đề và sau đó thay thế chúng bằng tư duy thay thế, thích ứng hơn. Việc thảo luận về bản chất phi thực tế của niềm tin hoang tưởng với bệnh nhân nên được thực hiện một cách nhẹ nhàng. Lưu ý rằng phương pháp này chỉ được thực hiện sau khi mối quan hệ giữa chuyên gia với bệnh nhân đã được thiết lập.

Những điều mà bệnh nhân cần làm:

- Bền bỉ khi điều trị.

- Dùng thuốc theo chỉ dẫn.

- Không được ngừng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sỹ.

- Thay đổi lối sống.

- Giảm căng thăng trong công việc.

- Trung thực khi điều trị bệnh.

- Không bao giờ tuyệt vọng .

6. Phòng chống bệnh hoang tưởng

Để phòng tránh bệnh hoang tưởng, người bệnh cần thực hiện những nguyên tắc sau:

- Uống thuốc theo chỉ dẫn.

- Chú ý đến dấu hiệu cảnh báo.

- Thực hiện một kế hoạch để biết phải làm gì nếu triệu chứng trở lại.

- Tránh thuốc và rượu.

BS. Nguyễn Thành Nhân

Bệnh viện Quận 11

Từ khóa » Hình ảnh Người ảo Tưởng