️ Hội Chứng Hoang Tưởng Người Khác Cũng Yêu Mình (erotomania)

Hội chứng hoang tưởng người khác cũng yêu mình (erotomania) có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh. Thuật ngữ erotomania lần đầu được bác sĩ tâm thần người Pháp Gaëtan Gatian de Clérambault sử dụng vào năm 1921.

Theo đó, người bị erotomania thường xuyên ngộ nhận những người có địa vị xã hội, kinh tế, chính trị cao đang si mê họ. Tuy theo lý thuyết đây là một bệnh hiếm gặp nhưng trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng người khác yêu mình cao hơn rất nhiều so với các thống kê.

Hội chứng hoang tưởng người khác cũng yêu mình là gì?

Erotomania là tình trạng sức khỏe tâm thần xảy ra khi ai đó luôn tin rằng một hoặc nhiều người khác đang yêu họ mãnh liệt. Người đó có thể là người nổi tiếng, giàu có, có vị trí xã hội cao hoặc có nhan sắc. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng De Clérambault.

Sự si mê trong tình yêu lúc này chỉ là ảo giác. Trong hầu hết các trường hợp, đối tượng mà người bệnh nghĩ có tình cảm với họ thậm chí còn không biết họ là ai. Ngoài ra, một số người mắc hội chứng này còn tin rằng một người lạ mà họ vừa gặp là đã yêu họ từ cái nhìn đầu tiên.

Bệnh nhân có niềm tin mãnh liệt vào việc người kia luôn cố gắng gửi cho họ rất nhiều tin nhắn tình cảm. Tất cả những điều này xảy ra thông qua suy nghĩ mà bệnh nhân cho đó là thần giao cách cảm. Dù không hề có bằng chứng nào chứng minh cho tình yêu của người đó, họ vẫn không thể từ bỏ niềm tin vào tình yêu ảo tưởng. Người bệnh tự đặt ra cho mình những lý do hợp lý khiến “nửa kia” của họ không công khai mối quan hệ.

Erotomania có sự liên kết với các tình trạng sức khỏe tâm thần khác liên quan đến ảo tưởng hoặc hành vi hưng cảm.

Những triệu chứng thường gặp của hội chứng hoang tưởng erotomania

Theo Medical News Today, người bệnh sống với niềm tin được một người hoàn mỹ yêu thương, dù thực tế không phải vậy. Tình yêu đó khiến họ trở nên phấn khích hơn và ngày càng chìm đắm vào nó. Qua thời gian, bệnh nhân có xu hướng ngụy tạo ra các bằng chứng để chứng minh tình yêu của mình.

Hơn nữa, người mắc chứng bệnh này có biểu hiện cuồng yêu, liên tục nói hoặc kể về người kia. Bệnh nhân cũng bị ám ảnh với việc cố gắng gặp gỡ, giao tiếp hoặc làm cho cả hai được ở bên nhau. Các triệu chứng thường gặp của chứng erotomania bao gồm:

Tìm mọi cách để thông báo với các phương tiện truyền thông về mối quan hệ (thực chất là một chiều) của hai người

Liên tục gửi thư, email hoặc quà tặng cho người yêu trong tưởng tượng

Gọi điện thoại, nhắn tin cho người đó mà không cần đáp trả

Luôn nghĩ rằng người kia đang cố gắng bí mật giao tiếp qua ánh mắt, cử chỉ hoặc tin nhắn (được mã hóa trong tin tức, chương trình truyền hình, phim và các phương tiện truyền thông)

Ngụy tạo những tình huống phức tạp nhưng sai lệch về việc người kia đang theo đuổi họ, rình rập hoặc cố gắng liên lạc với họ

Cảm thấy ghen tị vì tin rằng người kia có thể tiếp xúc với những người khác và sẽ không chung thủy

Có hành vi quấy rối người khác nơi công cộng, đôi khi bị cơ quan chức năng khiển trách hoặc bắt giữ

Mất hứng thú với các hoạt động xã hội

Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình có thể xảy ra trong thời gian dài hoặc chỉ trong những giai đoạn ngắn, được gọi là “phá vỡ tâm thần”. Phá vỡ tâm thần là một triệu chứng phổ biến của các tình trạng sức khỏe tâm thần. Nó liên quan đến việc đột ngột làm xấu đi các ảo tưởng hoặc các đặc điểm tâm thần. Sự phá vỡ về mặt tâm thần có thể xảy ra trong các rối loạn như tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng và rối loạn lưỡng cực.

Chính vì có mối liên hệ với các tình trạng tâm thần khác, người bị chứng erotomania cũng thường có các triệu chứng sau:

Có một năng lượng bất thường khi nghĩ về người yêu trong tưởng tượng của họ

Rối loạn giấc ngủ, rất khó ngủ vào buổi tối

Tham gia vào nhiều hoạt động liên quan đến người kia

Nói nhanh về nhiều chủ đề khác nhau trong một thời gian ngắn (thay đổi chủ đề nói chuyện liên tục)

Có nhiều suy nghĩ trong một khoảng thời gian ngắn, các suy nghĩ đan xen vào nhau

Biểu hiện các hành vi gây rủi ro, liều lĩnh như tiêu nhiều tiền trong một lúc hoặc lái xe tốc độ cao

Nguyên nhân gây bệnh và các trường hợp nổi bật của hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình

Nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải cho việc vì sao có một số người mắc phải chứng bệnh kỳ lạ này. Trong đó, lời giải thích thuyết phục nhất là nó bắt nguồn từ sự thiếu thốn tình cảm thời thơ ấu. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý và tâm thần của người bệnh.

Nhà nhân chủng học, tiến sĩ Helen Fisher cho biết, hình ảnh chụp não của 18 bệnh nhân hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình đã cho thấy sự hưng phấn khác thường. Tình yêu thật sự sẽ kích hoạt sự hưng phấn của não bộ, nhưng nếu tình yêu đó không được đáp trả thì nó sẽ biến thành nỗi ám ảnh và dẫn tới chứng bệnh nguy hiểm này.

Năm 1980, bệnh nhân đầu tiên được xác minh là một người phụ nữ. Theo đó, cô ta tin rằng có nhiều người đàn ông khác nhau (ở những thời điểm khác nhau) đang yêu và theo đuổi mình một cách mãnh liệt. Người phụ nữ này bị bệnh erotomania kéo dài 8 năm trước khi được các bác sĩ tâm thần điều trị thành công.

Một câu chuyện trong tờ “Tâm lý học ngày nay” (2012) nói về trường hợp của Robert Hoskins nối tiếp sau đó. Năm 1995, Hoskins theo đuổi ca sĩ nổi tiếng Madonna và anh tin rằng cô đã được định sẵn là vợ anh. Anh ta trèo tường vào nhà Madonna nhiều lần, đe dọa cô trước khi bị tòa xét xử và bị tống giam 10 năm.

Năm 2016, một phụ nữ 50 tuổi đã kết hôn được người nhà đưa đến phòng khám tâm thần. Bà ta tin rằng ông chủ đang yêu say đắm mình và chính chồng bà là người ngăn cản chuyện tình này.

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình nhưng chưa được công bố. Hầu hết người bệnh đều tránh né sự giúp đỡ của bác sĩ, điều đó gây khó khăn trong việc thống kê tỷ lệ người mắc bệnh.

Phương pháp điều trị hội chứng erotomania

Mục đích của điều trị chứng erotomania thường là giải quyết các triệu chứng loạn thần hoặc ảo tưởng. Phương thức điều trị là sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc. Bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân thông qua tư vấn hoặc tâm lý trị liệu trước khi chẩn đoán.

Thuốc chống loạn thần cổ điển (hoặc điển hình) như pimozide được sử dụng hiệu quả trong điều trị bệnh. Ngoài ra, thuốc chống loạn thần không điều trị (hoặc không điển hình) như olanzapine, risperidone và clozapine cũng được các bác sĩ sử dụng song song với tâm lý trị liệu.

Trường hợp chứng erotomania xuất phát từ một tình trạng tiềm ẩn (rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt), bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị của từng dạng bệnh. Trong đó, rối loạn lưỡng cực thường được điều trị bằng các chất ổn định tâm trạng như lithium (Litva) hoặc axit valproic (Depakene).

Các biến chứng của hội chứng hoang tưởng người khác cũng yêu mình

Erotomania có thể khiến bệnh nhân thể hiện hành vi hung hăng và gây nguy hiểm. Trong nhiều trường hợp, những hành động này có thể khiến người bệnh bị bắt vì tội rình rập hoặc quấy rối. Tồi tệ hơn, hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình có thể khiến một người phát cuồng và sẵn sàng giết chết người họ yêu, sau đó tự sát.

Hội chứng này thường liên quan đến rối loạn lưỡng cực, nó cũng có khả năng liên kết với các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, bao gồm:

Rối loạn lo âu

Nghiện ma túy hoặc rượu bia

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Rối loạn ăn uống (chứng cuồng ăn hoặc chán ăn)

Erotomania có thể chỉ kéo dài trong vài ngày, nhưng thường bệnh sẽ tiếp diễn và trầm trọng hơn trong nhiều năm nếu không được phát hiện kịp thời.

Nếu bạn nhận thấy ai đó có các dấu hiệu của hội chứng hoang tưởng người khác cũng yêu mình, hãy đưa họ đến gặp bác sĩ tâm thần. Đây là một trong những bệnh lý về thần kinh nguy hiểm cần được điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn tham khảo

https://www.healthline.com/health/erotomania

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Hình ảnh Người ảo Tưởng