Bệnh Lao - Bệnh Viện FV - FV Hospital

Bệnh lao do một loại vi khuẩn gọi là Mycobacterium tuberculosis gây ra khi vi khuẩn này lây lan từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ li ti được phát tán vào trong không khí. Điều này có thể xảy ra khi một người đang mắc bệnh lao ở dạng hoạt động nhưng chưa được điều trị mà ho, nói chuyện, hắt hơi, khạc nhổ, cười hay hát.

Mặc dù lao là bệnh truyền nhiễm, nhưng bệnh không dễ mắc phải. Người bình thường sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh lao từ người sống chung hay làm việc chung hơn là từ người lạ. Hầu hết người có bệnh lao ở dạng hoạt động đã được điều trị bằng các loại thuốc thích hợp trong ít nhất hai tuần thì không còn khả năng lây nhiễm.

NHIỄM LAO DẠNG TIỀM ẦN VÀ BỆNH LAO

Không phải tất cả mọi người nhiễm vi khuẩn lao đều phát bệnh. Vì vậy, có hai tình trạng liên quan đến lao: nhiễm lao dạng tiềm ẩn và bệnh lao

Nhiễm lao dạng tiềm ẩn

Vi khuẩn lao có thể sống trong cơ thể mà không phát bệnh. Đây gọi là nhiễm lao dạng tiềm ẩn. Ở hầu hết những người hít phải vi khuẩn lao và bị nhiễm khuẩn, cơ thể có khả năng kháng lại vi khuẩn để ngăn chúng tăng trưởng. Những người bị nhiễm lao dạng tiềm ẩn không cảm thấy bệnh và không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào. Những người này không lây nhiễm và không thể truyền vi khuẩn lao cho những người khác. Tuy nhiên, một khi vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động trong cơ thể và sinh sản, người này sẽ chuyển từ nhiễm lao dạng tiềm ẩn sang mắc bệnh lao.

Bệnh lao

Vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động nếu hệ miễn dịch không thể ngăn chúng tăng trưởng. Khi vi khuẩn lao hoạt động (sinh sản trong cơ thể), thì gọi là bệnh lao. Những người mắc bệnh lao sẽ phát bệnh và có thể lây lan vi khuẩn sang những người mà họ tiếp xúc mỗi ngày.

Có nhiều người nhiễm lao dạng tiềm ẩn nhưng không bao giờ phát bệnh. Một số người phát bệnh lao ngay sau khi bị nhiễm khuẩn lao (trong vòng vài tuần) trước khi hệ miễn dịch của họ có thể kháng vi khuẩn lao. Những người khác có thể phát bệnh vài năm sau đó khi hệ miễn dịch của họ bị suy giảm vì một lý do nào đó.

Đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, đặc biệt là những người nhiễm HIV, thì nguy cơ phát bệnh lao sẽ cao hơn những người có hệ miễn dịch bình thường.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH LAO

Thông thường bệnh lao có biểu hiện sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi đêm hoặc ho dai dẳng.Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao bao gồm:

  • Ho kéo dài ba tuần hoặc lâu hơn,
  • Ho ra máu,
  • Đau ngực, hoặc đau khi hít thở hay ho,
  • Sụt cân không chủ ý,
  • Mệt mỏi,
  • Sốt,
  • Đổ mồ hôi đêm,
  • Ớn lạnh,
  • Biếng ăn.

Bệnh lao cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể bệnh nhân, bao gồm thận, cột sống hoặc não. Khi bệnh lao xảy ra ngoài khu vực phổi, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau tùy theo các bộ phận có liên quan. Ví dụ, bệnh lao ở cột sống có thể làm bệnh nhân đau lưng, và bệnh lao ở thận có thể làm bệnh nhân đi tiểu ra máu.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lao, nhưng có một số yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố đó bao gồm:

Hệ miễn dịch suy giảm

Hệ miễn dịch khỏe mạnh thường kháng thành công vi khuẩn lao, nhưng cơ thểngười không thể tăng cường khả năng chống chọi bệnh hiệu quả nếu sức đề kháng bị yếu đi. Một số bệnh và loại thuốc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, bao gồm:

  • HIV/AIDS,
  • Bệnh tiểu đường,
  • Bệnh thận giai đoạn cuối,
  • Một số bệnh ung thư,
  • Điều trị ung thư, ví dụ như hóa trị,
  • Các loại thuốc chống thải ghép các cơ quan cấy ghép,
  • Một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và bệnh vảy nến,
  • Suy dinh dưỡng,
  • Còn rất trẻ hoặc lớn tuổi.

Du lịch hoặc sinh sống trong một số khu vực

Nguy cơ mắc bệnh lao sẽ cao hơn ở những người sinh sống hoặc du lịch đến các quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc cao, ví dụ như:

  • Châu Phi phía nam Sahara,
  • Ấn Độ,
  • Trung Quốc,
  • Nga,
  • Pakistan.

Nghèo đói và lạm dụng chất gây nghiện

  • Thiếu sự chăm sóc y tế,
  • Lạm dụng chất gây nghiện. Nghiện chích ma túy và lạm dụng rượu bia làm suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn,
  • Sử dụng thuốc lá. Sử dụng thuốc lá sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh lao.

Công việc chăm sóc sức khỏe

Việc tiếp xúc thường xuyên với những người mắc bệnh sẽ làm tăng cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn lao. Mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.

XÉT NGHIỆM& CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán bệnh lao

Những người nghi ngờ mắc bệnh lao phải có đánh giá y khoa, bao gồm:

  • Bệnh sử,
  • Thăm khám lâm sàng,
  • Kiểm tra nhiễm khuẩn lao (xét nghiệm lao qua da (phản ứng lao tố) và xét nghiệm máu),
  • Chẩn đoán hình ảnh phổi (X-quang), và
  • Các xét nghiệm thích hợp.

Các xét nghiệm khác, ví dụ như chụp X-quang phổi và xét nghiệm đàm, là cần thiết để xem liệu bệnh nhân có mắc bệnh lao hay không.

2. Xét nghiệm lao qua da (còn gọi là phản ứng lao tố)

Xét nghiệm lao qua da (hay còn gọi là xét nghiệm Mantoux) được thực hiện bằng cách tiêm một lượng nhỏ dung dịch (gọi là tuberculin) vào trong phần da dưới cánh tay. Người được xét nghiệm lao qua da phải quay lại trong vòng 48 đến 72 giờ để các chuyên viên y tế đã được đào tạo chuyên môn kiểm tra phản ứng trên cánh tay. Chuyên viên y tế sẽ kiểm tra vùng cứng, nhô lên hoặc sưng tấy, và nếu có, đo kích thước vùng này bằng thước. Da tự bị đỏ không được xem là một phần của phản ứng.

Kết quả xét nghiệm lao qua da phụ thuộc vào kích thước của vùng cứng, nhô lên, hoặc sưng tấy. Kết quả còn phụ thuộc vào nguy cơ của người bị lây nhiễm vi khuẩn lao và diễn tiến của bệnh lao nếu đã nhiễm khuẩn.

  • Xét nghiệm lao qua da dương tính: điều này có nghĩa là cơ thể của bệnh nhân đã nhiễm vi khuẩn lao. Các xét nghiệm bổ sung là cần thiết để xác định bệnh nhân nhiễm lao tiềm ẩn hay mắc bệnh lao.
  • Xét nghiệm lao qua da âm tính: điều này có nghĩa là cơ thể của bệnh nhân không phản ứng với xét nghiệm, và không có khả năng bị nhiễm lao tiềm ẩn hay mắc bệnh lao.

3. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu (còn được gọi là xét nghiệm phóng thích interferon-gamma hoặc IGRAs) dùng để đo sự phản ứng của hệ miễn dịch với vi khuẩn gây bệnh lao. IGRA sẽ đo mức độ phản ứng mạnh mẽ của hệ miễn dịch cơ thể với vi khuẩn lao bằng cách xét nghiệm máu trong phòng thí nghiệm.Hiện có 2 loại xét nghiệm IGRAs:

  • QuantiFERON®–TB Gold In-Tube test (QFT-GIT)
  • T-SPOT®.TB test (T-Spot)
    • IGRA dương tính: điều này có nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm vi khuẩn lao. Các xét nghiệm bổ sung là cần thiết để xác định bệnh nhân nhiễm lao tiềm ẩn hay mắc bệnh lao. Sau đó chuyên viên y tế sẽ cung cấp việc điều trị khi cần thiết.
    • IGRA âm tính: điều này có nghĩa là máu của bệnh nhân không phản ứng với xét nghiệm và không có khả năng bị nhiễm lao tiềm ẩn hoặc mắc bệnh lao.

IGRAs là phương pháp ưu tiên để kiểm tra nhiễm khuẩn lao cho:

  • Những người đã chủng ngừa vắc xin Bacille Calmette–Guérin (BCG),
  • Những người có khó khăn về thời gian để quay lại cuộc hẹn thứ 2 nhằm kiểm tra phản ứng với xét nghiệm lao qua da.

Bệnh nhân sẽ không gặp vấn đề gì nếu lặp lại xét nghiệm IGRAs.

4. Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Nếu kết quả xét nghiệm lao qua da là dương tính, bác sĩ điều trị có thể chỉ định chụp X-quang phổi hoặc chụp CT. Các hình ảnh này cho thấy những đốm trắng trong phổi, nơi hệ miễn dịch của bệnh nhân đã tạo bức tường ngăn cách vi khuẩn lao, hoặc có thể cho thấy những thay đổi ở phổi do bệnh lao đang hoạt động. Chụp CT sẽ cung cấp những hình ảnh chi tiết hơn chụp X-quang.

5. Xét nghiệm đàm

Nếu chụp X-quang cho thấy dấu hiệu của bệnh lao, bác sĩ có thể lấy mẫu đàm, là chất nhầy khi bệnh nhân ho ra. Các mẫu bệnh phẩm này sẽ được dùng để xét nghiệm vi khuẩn lao.

Các mẫu đàm cũng có thể được sử dụng để kiểm tra các chủng lao kháng thuốc. Việc kiểm tra các chủng lao kháng thuốc sẽ giúp bác sĩ lựa chọn các loại thuốc có khả năng điều trị tốt nhất. Các xét nghiệm này có thể cần từ 4 đến 8 tuần để hoàn thành.

ĐIỀU TRỊ

1. Điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn

Những người nhiễm lao dạng tiềm ẩn thường được chỉ định điều trị để ngăn ngừa phát bệnh lao.

Do những người nhiễm lao dạng tiềm ẩn có ít vi khuẩn hơn nên việc điều trị cũng dễ dàng hơn nhiều. Có bốn phác đồ điều trị đã được phê duyệt để điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn bao gồm:

  • Isoniazid (INH),
  • Rifampin (RIF),
  • Rifapentine (RPT).

Một số nhóm người (như những người có hệ miễn dịch suy giảm) sẽ có nguy cơ phát bệnh lao rất cao một khi nhiễm vi khuẩn lao. Mọi nỗ lực nên được thực hiện để bắt đầu điều trị thích hợp và để đảm bảo hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn.

2. Điều trị bệnh lao

Bệnh lao có thể được điều trị bằng cách dùng nhiều loại thuốc từ 6 đến 9 tháng. Hiện có 10 loại thuốc đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị lao. Trong các loại thuốc đã được phê duyệt, các thuốc kháng lao ưu tiên là cốt lõi của phác đồ điều trị bao gồm:

  • Isoniazid (INH),
  • Rifampin (RIF),
  • Ethambutol (EMB),
  • Pyrazinamide (PZA).

Phác đồ điều trị bệnh lao gồm giai đoạn đầu tiên là 2 tháng, sau đó có nhiều sự lựa chọn cho giai đoạn duy trì là 4 tháng hoặc 7 tháng (tổng cộng là 6 đến 9 tháng điều trị).

Phác đồ điều trị thông thường nhất là:

  • Phác đồ đầu tiên kết hợp 4 loại thuốc là isoniazid, rifampin, pyrazinamide, và ethambutol trong 2 tháng. Khi đã biết vi khuẩn lao phân lập đủ nhạy với thuốc, thì có thể ngưng sử dụng ethambutol,
  • Sau đó là phác đồ kết hợp 2 loại thuốc isoniazid và rifampin trong 4 tháng.

Điều rất quan trọng là những người mắc bệnh lao phải dùng hết thuốc và chính xác theo chỉ định. Nếu bệnh nhân ngừng dùng thuốc quá sớm, bệnh có thể tái phát trở lại; nếu bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách, vi khuẩn lao còn hoạt động có thể trở nên kháng những loại thuốc này. Bệnh lao kháng thuốc sẽ khó điều trị hơn và tốn kém nhiều hơn.

Bệnh nhân mắc bệnh lao đang dùng thuốc pyrazinamide nên xét nghiệm acid uric huyết thanh định kỳ còn những bệnh nhân mắc bệnh lao đang dùng thuốc ethambutol nên kiểm tra thị lực và tình trạng mù màu xanh-đỏ định kỳ.

BỆNH LAO: HỎI VÀ ĐÁP

Bệnh lao là gì?

Bệnh lao là bệnh do vi khuẩn gây ra bằng cách lây từ người này sang người khác qua không khí. Bệnh lao thường ảnh hưởng đến phổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể như não, thận, hoặc cột sống. Nếu không được điều trị, bệnh lao có thể dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng của bệnh lao?

Các triệu chứng thông thường của bệnh lao là cảm giác mệt mỏi hoặc suy yếu, sụt cân, sốt, và đổ mồ hôi đêm. Các triệu chứng của bệnh lao phổi còn bao gồm ho, đau ngực, và ho ra máu. Các triệu chứng của bệnh lao ở các bộ phận khác của cơ thể sẽ tùy thuộc vào bộ phận bị ảnh hưởng.

Cách lây nhiễm bệnh lao

Bệnh lao lây qua không khí từ người này sang người khác. Vi khuẩn lao bị phát tán vào không khí khi một người mắc bệnh lao phổi hoặc lao họng ho, hắt hơi, nói, hoặc hát. Những người ở gần đó có thể hít phải các vi khuẩn này và bị nhiễm khuẩn.

Bệnh lao KHÔNG lây nhiễm qua:

  • Bắt tay,
  • Dùng chung thực phẩm hay thức uống,
  • Chạm vào khăn trải giường hoặc bồn cầu,
  • Dùng chung bàn chải đánh răng,
  • Ôm hôn.

Sự khác nhau giữa nhiễm lao dạng tiềm ẩn và bệnh lao?

Người nhiễm lao dạng tiềm ẩn có mang vi khuẩn lao trong cơ thể, nhưng bệnh nhân không phát bệnh do các vi khuẩn ở dạng không hoạt động. Những người này không có các triệu chứng của bệnh lao, và không thể lây lan vi khuẩn sang người khác. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phát bệnh lao trong tương lai nên thường được chỉ định điều trị để ngăn ngừa phát bệnh lao.

Những người mắc bệnh lao phát bệnh là do các vi khuẩn lao ở dạng hoạt động, có nghĩa là các vi khuẩn lao đang sinh sản và phá hủy các mô cơ thể. Bệnh nhân thường có các triệu chứng của bệnh lao. Những người mắc bệnh lao phổi hoặc lao họng có khả năng lây lan vi khuẩn sang người khác nên được chỉ định các loại thuốc để điều trị bệnh lao.

Tôi nên làm gì nếu đã từng tiếp xúc với người nhiễm lao dạng tiềm ẩn?

Một người nhiễm lao dạng tiềm ẩn không thể lây lan vi khuẩn sang người khác. Bệnh nhân không cần phải làm xét nghiệm kiểm tra nếu tiếp xúc với người nhiễm lao dạng tiềm ẩn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tiếp xúc với người mắc bệnh lao hoặc người có các triệu chứng của bệnh lao thì nên đi kiểm tra .

Nên làm gì nếu từng tiếp xúc với người mắc bệnh lao?

Những người mắc bệnh lao có nhiều khả năng lây lan vi khuẩn cho những người mà họ tiếp xúc mỗi ngày, ví dụ như các thành viên trong gia đình hoặc đồng nghiệp. Bất kỳ ai có tiếp xúc với người mắc bệnh lao, người đó nên đến bác sĩ để kiểm tra.

Kiểm tra lao bằng cách nào?

Có hai loại kiểm tra có thể được sử dụng để giúp phát hiện nhiễm khuẩn lao: xét nghiệm qua da và xét nghiệm máu. Xét nghiệm Mantoux qua da được thực hiện bằng cách tiêm một lượng nhỏ dung dịch (gọi là tuberculin) vào trong phần da dưới cánh tay. Người được xét nghiệm lao qua da phải quay lại trong vòng 48 đến 72 giờ để các chuyên viên y tế đã được đào tạo chuyên môn kiểm tra phản ứng trên cánh tay. Xét nghiệm máu giúp đo phản ứng của hệ miễn dịch bệnh nhân với các vi khuẩn gây bệnh lao.

Xét nghiệm nhiễm khuẩn lao dương tính có ý nghĩa gì?

Xét nghiệm nhiễm khuẩn lao dương tính chỉ cho biết bệnh nhân đã bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng không cho biết bệnh nhân đã phát bệnh lao hay chưa. Các kiểm tra khác, như chụp X-quang phổi và xét nghiệm đàm, là cần thiết để xem liệu bệnh nhân có mắc bệnh lao hay không.

Bacille Calmette–Guérin (BCG) là gì?

BCG là một loại vắc xin để phòng ngừa bệnh lao và được sử dụng ở nhiều quốc gia. Vắc xin BCG không hoàn toàn giúp ngăn ngừa chúng ta khỏi bệnh lao. Vắc xin cũng có thể làm cho xét nghiệm lao qua da có kết quả dương tính giả.

Tại sao nhiễm lao dạng tiềm ẩn cần được điều trị?

Nếu một người nhiễm lao dạng tiềm ẩn nhưng chưa phát bệnh lao, bác sĩ điều trị có thể yêu cầu người đó dùng thuốc để tiêu diệt các vi khuẩn lao và ngăn ngừa phátbệnh lao. Quyết định thực hiện điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn sẽ dựa vào những dấu hiệu của nguy cơ phát bệnh lao. Một vài người có khả năng phát bệnh lao cao hơn những người khác khi họ nhiễm khuẩn lao. Đó là những người nhiễm HIV, những người mà gần đây có tiếp xúc với người mắc bệnh lao, và những người có một số bệnh lý nội khoa.

Bệnh lao được điều trị như thế nào?

Bệnh lao có thể được điều trị bằng cách dùng nhiều loại thuốc thường là trong 6 tháng và trong một vài trường hợp lên đến 9 tháng hoặc thậm chí là 12 tháng. Điều quan trọng là những người mắc bệnh lao phải dùng hết thuốc và chính xác theo chỉ định. Nếu bệnh nhân ngừng dùng thuốc quá sớm, bệnh có thể tái phát trở lại; nếu bệnh nhân không dùng thuốc đúng cách, vi khuẩn còn hoạt động có thể kháng các loại thuốc này. Bệnh lao kháng thuốc sẽ khó điều trị hơn và tốn kém nhiều hơn. Trong một vài trường hợp, nhân viên của Sở y tế địa phương sẽ đến gặp bệnh nhân lao thường xuyên để kiểm tra việc dùng thuốc. Đây gọi là liệu pháp giám sát trực tiếp (DOT). DOT giúp bệnh nhân hoàn thành việc điều trị trong thời gian sớm nhất.

Bệnh nhân có thể làm gì để tránh lây lan bệnh lao?

Cách quan trọng nhất để phòng tránh lây lan bệnh lao là dùng hết thuốc và dùng chính xác theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc điều dưỡng. Bệnh nhân cũng cần đến tất cả các cuộc hẹn tại phòng khám! Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ kiểm tra diễn tiến của bệnh lao. Bệnh nhân có thể cần chụp X-quang hoặc xét nghiệm đàm lần nữa. Các kiểm tra này sẽ cho biết thuốc điều trị có hiệu quả hay không và cũng cho biết bệnh nhân còn có thể lây lan vi khuẩn lao cho những người khác nữa hay không. Để điều trị thành công, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ vấn đề gì mà mình gặp phải.

Nếu phải nhập viện vì bệnh lao, bệnh nhân có thể được sắp xếp vào một phòng đặc biệt. Các phòng này sử dụng các lỗ thông hơi để giữ cho vi khuẩn lao không lây lan sang các phòng khác. Những người làm việc trong các phòng đặc biệt này phải mang khẩu trang đặc biệt để bảo vệ mình khỏi vi khuẩn lao. Bệnh nhân phải ở trong phòng để không lây lan vi khuẩn lao cho người khác. Khi cần vật dụng gì không có sẵn trong phòng bệnh thì bệnh nhân hãy trao đổi với điều dưỡng.

Nếu bị nhiễm khuẩn khi đang sống ở nhà, bệnh nhân có thể thực hiện những điều sau để bảo vệ những người bên cạnh:

  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Điều này rất quan trọng!
  • Luôn luôn che miệng bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi, hoặc cười. Đặt khăn giấy vào một túi kín và bỏ đi,
  • Không đi làm hoặc đi học. Cách ly bản thân với những người xung quanh và tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai. Ngủ trong phòng tách riêng với các thành viên khác trong gia đình,
  • Không khí ra khỏi phòng thường ở bên ngoài tòa nhà (nếu ngoài trời không quá lạnh). Bệnh lao sẽ lây lan trong không gian nhỏ kín nơi mà không khí không di chuyển. Đặt một cái quạt máy ở cửa sổ để thổi đi khí (thải) mà có thể chứa đầy vi khuẩn lao. Nếu mở các cửa sổ khác trong phòng, quạt máy cũng sẽ mang không khí sạch vào. Điều này sẽ giảm cơ hội các vi khuẩn lao ở lại trong phòng và lây nhiễm sang người hít thở không khí.

Hãy nhớ rằng, bệnh lao lây lan qua không khí. Con người không thể nhiễm vi khuẩn lao qua bắt tay, ngồi lên bồn cầu, dùng chung chén dĩa hoặc đồ dùng nấu ăn với những người mắc bệnh lao.

Sau khi sử dụng thuốc khoảng 2 hoặc 3 tuần, người mắc bệnh lao có thể không còn khả năng lây lan vi khuẩn lao sang người khác. Khi bác sĩ hoặc điều dưỡng đồng ý, bệnh nhân sẽ có thể quay lại các hoạt động hằng ngày, bao gồm việc đi làm hoặc đi học trở lại. Hãy nhớ rằng, bệnh nhân sẽ khỏe mạnh chỉ khi dùng thuốc chính xác theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc điều dưỡng.

Hãy nghĩ về những người mà người mắc bệnh lao có thể tiếp xúc, ví dụ như các thành viên trong gia đình, những người bạn thân, và các đồng nghiệp. Sở y tế địa phương có thể cần phải kiểm tra họ về nhiễm khuẩn lao. Bệnh lao đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em và những người đã nhiễm HIV. Nếu đã nhiễm vi khuẩn lao, những người này cần dùng thuốc ngay để tránh phát bệnh lao.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh lao là gì?

Nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh lao, bệnh nhân nên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc điều dưỡng. Các loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ là vấn đề nhỏ. Một số tác dụng phụ khác thì nghiêm trọng hơn. Nếu bệnh nhân gặp phải một tác dụng phụ nghiêm trọng, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc điều dưỡng. Bệnh nhân có thể được yêu cầu ngưng dùng thuốc và trở lại phòng khám để thực hiện các kiểm tra.

Các tác dụng phụ được liệt kê dưới đây là nghiêm trọng. Nếu có bất kỳ các triệu chứng này, hãy gọi ngay cho bác sĩ và điều dưỡng:

  • Chán ăn,
  • Buồn nôn,
  • Ói mửa,
  • Vàng da hoặc mắt,
  • Sốt 3 ngày hoặc lâu hơn,
  • Đau bụng,
  • Châm chích ở các ngón tay hoặc ngón chân,
  • Đau ở ngực dưới và ợ nóng,
  • Cảm giác ngứa,
  • Phát ban trên da,
  • Dễ bị thâm tím da,
  • Chảy máu nướu răng,
  • Chảy máu mũi,
  • Nước tiểu có màu sậm đen hoặc màu trà,
  • Đau khớp,
  • Chóng mặt,
  • Châm chích hoặc tê xung quanh miệng,
  • Thị lực mờ hoặc thay đổi,
  • Ù tai,
  • Mất thính giác.

Các tác dụng phụ được liệt kê bên dưới là các vấn đề nhỏ. Nếu có bất kỳ các triệu chứng này, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục dùng thuốc:

  • Rifampin có thể làm cho nước tiểu, nước bọt và nước mắt có màu vàng. Bác sĩ hoặc điều dưỡng có thể khuyên bệnh nhân không mang kính áp tròng mềm bởi vì kính có thể bị nhuộm màu,
  • Rifampin có thể làm cho bệnh nhân trở nên nhạy cảm với ánh nắng. Điều này có nghĩa là bệnh nhân nên sử dụng kem chống nắng tốt và che phủ các vùng tiếp xúc với ánh nắng để không bị bỏng nắng,
  • Rifampin sẽ làm cho thuốc và que cấy tránh thai ít hiệu quả. Phụ nữ dùng thuốc rifampin nên sử dụng phương pháp tránh thai khác,
  • Nếu đang dùng thuốc rifampin cùng với methadone (thuốc sử dụng để điều trị nghiện ma túy), bệnh nhân có thể có các triệu chứng cai thuốc. Bác sĩ và điều dưỡng có thể cần phải điều chỉnh liều methodone.

Từ khóa » Nguyên Nhân Bị Lao Lực