Bệnh Loãng Xương: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán, Phân Loại

Loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp khi tuổi càng cao. Bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp chỉ khi gặp biến chứng, bệnh mới được phát hiện. Vì thế, mỗi cá nhân nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ và chủ động trang bị kiến thức về bệnh để bảo vệ sức khỏe của mình.

bệnh loãng xương

Loãng xương là gì?

Loãng xương (xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần. Mật độ xương giảm dần theo thời gian khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và bị gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào. Trong đó, thường gặp là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Một số xương khi bị gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương cột sống và xương đùi. Các trường hợp này thường phải điều trị phẫu thuật với chi phí tốn kém.

Bệnh thường tiến triển âm thầm. Người bệnh có thể cảm thấy đau mỏi không rõ ràng, chiều cao giảm dần, cột sống gù vẹo. Đây là những triệu chứng chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Một số trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi đã có các dấu hiệu gãy xương. (1)

Tuổi càng cao, tình trạng xốp xương sẽ càng tiến triển nặng hơn. Vì càng lớn tuổi, quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi gây ra các rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương, dẫn tới giảm mật độ xương.

banner tâm anh quận 7 content

tình trạng xốp xương

Dấu hiệu của bệnh loãng xương

Tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Những triệu chứng thường gặp của bệnh là: (2)

  • Giảm mật độ xương: Tình trạng này khiến xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng.
  • Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Bệnh sẽ gây mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân như kim chích.
  • Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn: Tình trạng này làm ảnh hưởng tới những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.
  • Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên có thể kèm những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp

dấu hiệu bị loãng xương

Nguyên nhân gây loãng xương

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mật độ xương bị suy giảm. Ngoài ra, một số tác động sau cũng có khả năng gây bệnh như: (3)

  • Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp cũng là nguyên nhân gây loãng xương.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3…
  • Tác dụng phụ của thuốc do sử dụng thuốc corticosteroid, heparin trong thời gian dài, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Lối sống lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… đều có thể dẫn tới tình trạng xương khớp suy yếu.
  • Những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá là các tác nhân gây hại, thúc đẩy và làm suy yếu hệ thống xương khớp.
  • Người lao động nặng, phải thường xuyên khuân vác vật nặng sẽ có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp cao hơn người bình thường.
  • Không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết trong giai đoạn hình thành và phát triển hệ thống xương khớp cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy yếu xương khớp sớm.
  • Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tình trạng loãng xương. Trong đó, một số yếu tố có thể thay đổi được, một số khác thì không thể.

Các nguy cơ không có khả năng thay đổi gồm:

banner subs ctch content
  • Giới tính: Ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh, nguy cơ loãng xương tăng cao hơn so với nam giới cùng độ tuổi. Vì phụ nữ có tổng khối lượng xương thấp hơn và sự thay đổi hormone sau mãn kinh.
  • Tuổi tác: Khi tuổi càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Kích thước cơ thể: Phụ nữ gầy, nhỏ người thường có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
  • Tiền sử gia đình có người từng bị bệnh từ trước.
  • Phụ nữ mãn kinh trước 45 tuổi.
  • Đã từng bị gãy xương.
  • Mắc các bệnh lý khác: Bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, hội chứng Cushing…
  • Chủng người da trắng hay người châu Á.

Các yếu tố nguy cơ có khả năng thay đổi gồm:

  • Nội tiết tố giới tính: Nồng độ estrogen thấp có thể gây ra tình trạng giảm mật độ xương ở nữ giới. Trong khi, nồng độ testosterone thấp có thể gây ra tình trạng xốp xương ở nam giới.
  • Chế độ ăn uống thiếu hụt dưỡng chất như canxi và vitamin D.
  • Chán ăn tâm thần: Chứng rối loạn ăn uống có thể dẫn tới tình trạng loãng xương.
  • Sử dụng các loại thuốc như corticosteroid, heparin trong thời gian dài.
  • Mức độ hoạt động: Người lười tập thể dục hay ngồi lâu có thể gây yếu xương.
  • Hút thuốc: Người hút thuốc lá thường có mật độ xương thấp hơn người không hút. Vì thế, người hút thuốc dễ mắc bệnh hơn.
  • Uống rượu bia: Lạm dụng rượu bia có thể làm suy yếu xương, khiến xương dễ gãy.

Phân loại loãng xương

Loãng xương được phân loại dựa theo nguyên nhân gây bệnh. Dựa trên kết quả đo mật độ xương, bác sĩ chia bệnh thành nhiều mức độ khác nhau. Mỗi phân loại sẽ cho thấy sự tiến triển, mức độ nghiêm trọng của mỗi người bệnh.

Theo nguyên nhân gây bệnh, loãng xương được chia thành 2 loại gồm:

Loãng xương nguyên phát

Trong trường hợp này, sự phát triển của bệnh có liên quan trực tiếp tới tuổi tác hoặc hiện tượng mãn kinh ở nữ giới tuổi trung niên. Cơ chế gây bệnh bắt đầu từ sự lão hóa từ tạo cốt bào.

Tình trạng này làm mất cân bằng giữa số lượng tế bào xương mới được tái tạo và các mô xương bị hủy dẫn đến tình trạng giảm mật độ xương. Loãng xương nguyên phát bao gồm:

Sau mãn kinh (loãng xương típ 1)

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng loãng xương ở nữ giới sau mãn kinh là do bị suy giảm nội tiết tố estrogen. Ngoài ra, tình trạng giảm sản xuất hormone tuyến cận giáp trạng và tăng thải canxi niệu cũng góp phần khiến mật độ xương trở nên thưa dần.

Loãng xương típ 1 thường ảnh hưởng chủ yếu tới nữ giới trong độ tuổi 50 – 55 và đã mãn kinh. Những triệu chứng đặc trưng bao gồm:

  • Mất khoáng chất của xương xốp
  • Gãy xương
  • Lún đốt sống

Tuổi già (loãng xương típ 2)

Khi càng lớn tuổi, nguy cơ loãng xương sẽ càng gia tăng. Vì chức năng chuyển hóa canxi, các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương khi đó đã dần suy yếu, làm mất cân bằng tạo xương và hủy xương. Bệnh ảnh hướng tới cả nam giới và nữ giới, đặc biệt là người từ 70 tuổi trở lên. Loãng xương típ 2 có các đặc điểm như:

  • Mất khoáng chất toàn thể: Tình trạng này xảy ra ở cả xương xốp lẫn xương đặc.
  • Người lớn tuổi thì loãng xương dễ gặp biến chứng hơn so với người trẻ tuổi, phổ biến nhất là tình trạng gãy cổ xương đùi.

Loãng xương thứ phát

Loãng xương thứ phát thường xác định được nguyên nhân rõ ràng. Sự khởi phát của tình trạng loãng xương này chủ yếu liên quan tới các bệnh mạn tính trong cơ thể hoặc thói quen sử dụng thuốc không đúng. Các nguyên nhân dẫn tới loãng xương thứ phát thường gặp gồm:

  • Bệnh cường giáp
  • Đái tháo đường
  • Bệnh to đầu chi
  • Bệnh gan mạn tính
  • Có tiền sử cắt dạ dày
  • Nhiễm sắc tố sắt và các bệnh lý di truyền khác
  • Cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất
  • Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu trong thời gian dài hoặc lạm dụng quá mức những thuốc như corticoid, heparin
  • Mắc các bệnh lý cột sống
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Mắc bệnh đa u tủy xương (Kahler) và những bệnh ung thư khác

Xác định mật độ xương

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tiêu chuẩn xác định loãng xương thông qua kết quả đo mật độ xương (BMD). Đầu tiên, kết quả BMD của bạn sẽ được so sánh với kết quả BMD của người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh cùng giới tính, dân tộc với bạn. Độ lệch chuẩn (SD) là sự khác biệt giữa BMD của bạn với người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh, gọi là điểm T.

  • Điểm T trong khoảng 1 SD (+1 hay -1): Mật độ xương bình thường.
  • Điểm T khoảng 1 – 2,5 SD dưới trung bình (-1 tới 2,5 SD): Thiếu xương.
  • Điểm T khoảng 2,5 SD trở lên dưới mức trung bình (nhiều hơn -2,5 SD): Loãng xương

Ngoài chỉ số T, BMD của bạn còn được so sánh với BMD của người khỏe mạnh cùng độ tuổi (điểm Z). Điểm Z thể hiện mật độ xương của bạn thấp hay cao hơn so với người khỏe mạnh cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc. Điểm Z được đánh giá như sau:

  • Điểm Z trên -2.0: Bình thường
  • Điểm Z = +0.5, -0.5 hoặc -1.5: Phổ biến với phụ nữ tiền mãn kinh
  • Điểm Z ≤ -2.0: Mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi

Phương pháp chẩn đoán

Đo loãng xương

Đo loãng xương hoặc đo mật độ xương (Bone Mineral Density – BMD) là kỹ thuật dùng tia X năng lượng kép (DXA hoặc DEXA) hoặc chụp CT để xác định hàm lượng canxi, các khoáng chất có trong xương. Các khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hay xương cẳng tay. Mục đích thực hiện của phương pháp chẩn đoán này là phát hiện các vấn đề về loãng xương (xương mỏng, yếu), mất xương (giảm khối lượng xương).

Hiện nay, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang là địa chỉ đáng tin cậy để bạn có thể yên tâm thực hiện việc đo loãng xương. Tất cả hệ thống máy tại bệnh viện đều là thế hệ mới, tiên tiến. Vì thế, người bệnh sẽ nhận kết quả rất nhanh, chính xác cao. Ngoài ra, bệnh viện còn có đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, sẽ đưa ra các chẩn đoán chính xác thông qua kết quả thu được.

máy đo loãng xương
Máy đo mật độ khoáng xương Prodigi (GE/Mexico) tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hệ thống máy do loãng xương tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không những có chức năng đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương, mà còn được tích hợp nhiều công năng quan trọng như đánh giá nguy cơ gãy xương, vôi hóa… Ưu điểm vượt trội của máy so với những thế hệ trước là nguồn tia X năng lượng kép tần số cao, tính năng quét 1 lần OnePass giúp loại bỏ lỗi biến dạng hình ảnh, độ phân giải cao, qua đó xuất ra hình ảnh chất lượng cao, rõ nét.

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Ngoài đo loãng xương, bác sĩ cũng có thể đề xuất người bệnh thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu. Các xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra lượng nội tiết tố và tìm kiếm những nguy cơ làm tăng sự mất xương như tình trạng thiếu hụt các loại vitamin hay khoáng chất trong cơ thể.

Loãng xương có nguy hiểm không?

Khi người bệnh không được điều trị kịp thời hay điều trị không đúng cách, những biến chứng của loãng xương có thể xuất hiện như: (4)

  • Gãy xương: Tình trạng loãng xương làm suy giảm mật độ xương, khiến xương yếu, giòn, dễ gãy. Một số trường hợp chỉ cần một sự va chạm nhẹ, cúi gập người hoặc ho, hắt hơi cũng có khả năng làm gãy xương. Vì xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay, xương cẳng chân là các xương chịu lực tác động nhiều nhất cơ thể. Vì thế, khi bị loãng xương, đây là các xương thường bị ảnh hưởng nhất. Gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng tay, gãy khớp háng là tình trạng thường gặp ở người bệnh loãng xương cao tuổi.
  • Lún xẹp đốt sống: Tình trạng lún xẹp đốt sống do loãng xương có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn. Ngoài ra, biến chứng này có thể khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức kéo dài. Số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều có thể khiến tình trạng thoái hóa cột sống diễn tiến nhanh hơn.
  • Suy giảm khả năng vận động: Người bị loãng xương có thể bị tàn phế vĩnh viễn. Tình trạng này làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Người bệnh thường phải nằm bất động một chỗ trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử, tắc mạch chi…

Cách điều trị loãng xương

Điều trị loãng xương bằng cách kết hợp giữa phương pháp không dùng thuốc và dùng thuốc

Phương pháp không sử dụng thuốc

  • Chế độ ăn uống: Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi theo nhu cầu của cơ thể và tránh uống rượu bia, hút thuốc lá. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân.
  • Chế độ sinh hoạt: Bạn nên vận động cơ thể thường xuyên để tăng sự dẻo dai cho cơ bắp. Ngoài ra, người bệnh cần cẩn trọng trong sinh hoạt để phòng tránh té ngã.
  • Có thể sử dụng những dụng cụ, nẹp chỉnh hình giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.

Phương pháp dùng thuốc

Khi điều trị loãng xương, người bệnh cần bổ sung đủ lượng canxi khoảng 1.000 – 1.200 mg/ngày và lượng vitamin D cần thiết khoảng 800 – 1000 IU/ngày cho cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thêm các loại thuốc chống hủy xương như:

  • Alendronate: Fosamax plus hay Fosamax 5600 (1 viên/tuần).
  • Zoledronic acid được truyền tĩnh mạch với liều lượng 5mg/100ml mỗi năm. Thuốc chống chỉ định với người bệnh suy thận nặng và rối loạn nhịp tim.
  • Calcitonin thường được chỉ định cho người bệnh gãy xương hay bị đau do loãng xương, liều lượng 50 – 100 IU/ngày, cần dùng kết hợp nhóm bisphosphonate.
  • Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERM), Raloxifene (Evista) thường được chỉ định cho nữ giới bị loãng xương sau mãn kinh, liều lượng 60 mg/ngày.
  • Những nhóm thuốc khác cũng thường được sử dụng trong điều trị loãng xương gồm:
  • Strontium ranelate (Protelos): Thuốc tăng cường tạo xương, ức chế hủy xương.
  • Deca-Durabolin và Durabolin: Thuốc giúp tăng quá trình đồng hóa.

dùng thuốc trị loãng xương

Xem thêm: 4 loại thuốc điều trị loãng xương phổ biến hiện nay

Điều trị các biến chứng

Những biến chứng do loãng xương có thể gây đau hoặc gãy xương tùy theo cấp độ bệnh. Để điều trị các biến chứng cần dùng nhiều phương pháp khác nhau.

  • Điều trị đau: Điều trị dựa vào bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết hợp Calcitonin.
  • Điều trị gãy xương: Bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp điều trị như đeo nẹp, bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đốt sống nhân tạo. Một số trường hợp bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật thay xương hoặc thay khớp nếu có chỉ định.

Điều trị lâu dài

Ngoài những phương pháp trên, để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh sẽ cần thực hiện việc điều trị lâu dài như:

  • Theo dõi, tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
  • Kiểm tra lại mật độ xương định kỳ để đánh giá kết quả điều trị.
  • Người bệnh loãng xương nên được điều trị lâu dài trong khoảng 3 – 5 năm. Sau đó, bác sĩ sẽ cần đánh giá lại tình trạng bệnh để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

Cách phòng tránh loãng xương

Để làm chậm và phòng ngừa loãng xương, ngoài việc xác định nguyên nhân thứ phát gây loãng xương, bạn cần lưu ý:

  • Bổ sung đủ canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, tham khảo bác sĩ để được tư vấn các loại viên uống bổ sung phù hợp.
  • Người trong nhóm đối tượng nguy cơ nên được đo loãng xương để kiểm tra và sớm phát hiện ra dấu hiệu loãng xương.
  • Thường xuyên tập thể dục với cường độ phù hợp để xây dựng một hệ xương chắc khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, đặc biệt là với người lớn tuổi.
  • Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích để tránh gây hại đến xương khớp.
  • Khi xuất hiện các vấn đề cơ xương khớp (đau xương khớp, đau cơ bắp, chuột rút thường xuyên…), bạn nên đi đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
  • Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid. Lạm dụng các thuốc này có thể làm tình trạng loãng xương thêm trầm trọng, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
  • Thận trọng khi sinh hoạt và làm việc, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.

Cách chăm sóc người bệnh

Chế độ dinh dưỡng

  • Người bệnh loãng xương nên có chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tiến triển, hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.
  • Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh loãng xương cần phải đảm bảo đủ lượng vitamin, khoáng chất, canxi.
  • Ưu tiên chọn các nguyên liệu thực phẩm tươi sạch.
  • Khi chăm sóc người bệnh lớn tuổi, người nhà nên nghiền nhỏ thức ăn, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Ngoài ra, người lớn tuổi thường khó hấp thụ dưỡng chất bởi hệ tiêu hóa đã bị lão hóa. Vì thế, người nhà có thể trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung thuốc bổ, thực phẩm chức năng cho người bệnh.

Tham khảo: Bị loãng xương nên ăn gì, kiêng gì?

Vận động cơ thể

Người bệnh loãng xương khi tập thể dục nên lưu ý khởi động trước khi tập và thư giãn cơ thể sau khi tập. Trước khi tập, bạn cần khởi động khoảng 10 – 15 phút với các động tác đơn giản như đứng lên ngồi xuống, chạy bộ tại chỗ. Sau khi tập, người bệnh hãy thư giãn cơ thể khoảng 5 – 10 phút bằng cách thả lỏng toàn thân kết hợp hít thở sâu. Ngoài ra, người bệnh cao tuổi nên tránh những bài tập có lực tác động mạnh lên xương, đặc biệt là các bài tập thay đổi tư thế đột ngột.

vận động cơ thể

Phòng tránh té ngã

Té ngã là tình huống vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh loãng xương. Vì thế, trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cần lưu ý:

  • Hạn chế ra ngoài một mình, không di chuyển trên nền đất trơn trượt, nhiều đá, sỏi, gập ghềnh.
  • Đảm bảo tất cả các khu vực trong nhà luôn có đủ ánh sáng.
  • Sàn nhà nên khô ráo, sạch sẽ, gọn gàng. Có thể dùng thảm hay làm sàn gỗ để tránh trơn trượt, hạn chế nguy cơ té ngã cho người bệnh.
  • Lắp thêm tay vịn ở cầu thang hay nhà tắm. Người nhà nên ở bên cạnh người bệnh để hỗ trợ di chuyển đi lên xuống cầu thang hay khi có việc cần thiết.
  • Người bệnh nên đi giày có đế chống trượt.
  • Người bệnh cao tuổi nên cẩn trọng khi dùng những loại thuốc có tác dụng gây hoa mắt, chóng mặt vì có thể ảnh hưởng tới vận động, dễ gây té ngã.
  • Thường xuyên tái khám định kỳ

Quá trình điều trị loãng xương có thể kéo dài khoảng 3 – 5 năm. Người bệnh nên duy trì thói quen thăm khám định kỳ, sử dụng thuốc theo hướng dẫn từ bác sĩ, đo lại mật độ xương sau mỗi 1 – 2 năm. Điều này sẽ giúp đánh giá tiến triển của bệnh và khả năng đáp ứng với điều trị. Qua kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá tổng thể tình trạng bệnh, mức độ loãng xương, từ đó đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; ThS.BS Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Sự lão hóa của hệ thống xương khớp là điều rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm chậm tiến trình loãng xương thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, ngay khi phát hiện các dấu hiệu loãng xương, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Từ khóa » Nguyên Nhân Của Bệnh Loãng Xương ở Người Già Xương Xốp Giòn Dễ Gãy