Bệnh Quai Bị - Hello Bacsi

Bệnh quai bị có tỷ lệ mắc bệnh cao ở những vùng dân cư đông đúc, mức sống thấp, có khí hậu thường xuyên mát hoặc lạnh. Tại Việt Nam, bệnh thường xuất hiện thành đợt dịch nhỏ đến vừa hoặc có khi phân tán khắp cả nước, phần lớn tập trung ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên.

Khí hậu mát, lạnh và khô hanh là điều kiện giúp cho tác nhân gây bệnh quai bị lan truyền nhanh hơn. Bệnh thường bùng thành dịch ở các nhóm trẻ nhỏ đi học mẫu giáo, tiểu học, cũng có khi xảy ra ở trẻ lớn hơn hoặc thanh thiếu niên và người cao tuổi nhưng với tỷ lệ thấp. Nguy cơ mắc bệnh ở nam cao hơn so với nữ.

Vậy bệnh quai bị là gì? Đâu là những dấu hiệu và triệu chứng giúp nhận biết căn bệnh này? Làm sao để điều trị và liệu bệnh có gây ra vấn đề gì cho sức khỏe sau này không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Bệnh quai bị là gì?

Quai bị (hay còn gọi là má chàm bàm) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Virus gây bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến tuyến nước bọt nằm ở gần tai, gây ra sưng ở một hoặc cả hai tuyến nước bọt này.

Nhìn chung, bệnh quai bị thường xảy ra ở trẻ em từ 5–9 tuổi, nhưng virus gây bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm sang người lớn. Tuy không phải là một bệnh nghiêm trọng, nhưng quai bị không được điều trị đúng cách có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây bệnh quai bị

Virus quai bị (Mumps virus) thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae là tác nhân gây ra bệnh quai bị ở trẻ em và người lớn. Virus này có thể tồn tại khá lâu trong môi trường ngoài cơ thể, tuy nhiên, chúng có thể bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn.

Quai bị có thể lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc khi hít phải các giọt hô hấp (nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng) trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, cười, khạc nhổ… Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh khi dùng chung vật dụng như muỗng, đũa, cốc uống hoặc có tiếp xúc gần với người bệnh.

Bệnh dễ dàng lây lan trong thời điểm 2 ngày trước khi các triệu chứng quai bị xuất hiện, hoặc 6 ngày sau khi các dấu hiệu của bệnh quai bị biến mất.

Đọc thêm

Bệnh quai bị có lây không? 3 cách lây lan chủ yếu

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh quai bị

Triệu chứng bệnh quai bị

Nhiều phụ huynh thắc mắc trẻ bị quai bị đau ở đâu? Thực tế, sưng đau tuyến nước bọt chính là dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh quai bị. Tình trạng này khiến cho vùng má dưới mang tai phình ra ở một hoặc cả hai bên má.

Nhìn chung, các dấu hiệu bị quai bị thường bao gồm:

  • Đau ở tuyến nước bọt
  • Sưng ở một hoặc cả hai bên mặt
  • Đau khi nhai hoặc nuốt
  • Sốt
  • Đau nhức đầu
  • Đau nhức cơ
  • Mệt mỏi và cảm thấy yếu ớt
  • Mất cảm giác ngon miệng.

Trong phần lớn các trường hợp, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh quai bị.

Đọc thêm

Cách nhận biết triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em qua từng giai đoạn bệnh

Khi nào nên đưa trẻ bị quai bị đi khám?

Nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bệnh quai bị, hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra ngay, đặc biệt khi trẻ có những biểu hiện như:

  • Sốt cao (39ºC)
  • Gặp khó khăn trong việc ăn uống
  • Hay nhầm lẫn, mất phương hướng
  • Đau bụng
  • Đau và sưng tinh hoàn ở bé trai
Virus gây bệnh quai bị rất dễ lây lan trong khoảng 9 ngày từ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Do đó, bạn nên thông báo trước với nhân viên y tế để được hướng dẫn di chuyển đến khu vực cách ly hoặc có biện pháp làm giảm thiểu nguy cơ gây lây nhiễm cho người khác.

Biến chứng của bệnh quai bị

biến chứng của bệnh quai bị

Bệnh quai bị có nguy hiểm không? Rất hiếm khi có ca bệnh gặp phải biến chứng nhưng khi có thường khá nghiêm trọng. Các biến chứng quai bị phần lớn liên quan đến tình trạng viêm và sưng ở một số bộ phận khác của cơ thể:

  • Viêm tinh hoàn: Viêm tinh hoàn có thể xảy ra làm cho một hoặc cả hai tinh hoàn bị sưng lên ở những bé trai đến tuổi dậy thì. Tình trạng này gây đau đớn, khó chịu nhưng hiếm khi gây vô sinh sau này.
  • Viêm não: Virus quai bị có thể gây ra viêm não dẫn đến nhiều vấn đề thần kinh, thậm chí đe dọa tính mạng.
  • Viêm màng và dịch não tủy: Khi virus nhiễm vào máu và đi đến hệ thống thần kinh trung ương gây viêm nhiễm, người bệnh có thể bị viêm màng não.
  • Viêm tuyến tụy: Nếu bị viêm tụy, người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng gồm đau bụng phía trên, buồn nôn và nôn mửa.
  • Mất thính lực: Bệnh nhân có thể bị điếc ở một hoặc cả hai tai.
  • Vấn đề ở tim như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim
  • Sảy thai nếu mẹ bầu bị quai bị khi đang mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu thai kỳ

Đọc thêm

Viêm tinh hoàn do quai bị: Biến chứng có nguy cơ gây vô sinh?

Chẩn đoán bệnh

Khi thấy người bệnh có những biểu hiện bệnh quai bị, bác sĩ thường:

  • Thăm hỏi về việc tiêm phòng trước đây và những trường hợp có nguy cơ lây truyền virus gây bệnh
  • Đề nghị làm xét nghiệm máu để tìm kiếm virus quai bị

Phương pháp điều trị bệnh quai bị

Điều trị quai bị

Đến nay, bệnh quai bị vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tác nhân gây ra bệnh là do virus vì thể sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Tuy vậy, hầu hết trường hợp, người bệnh (trẻ em hay người lớn) thường phục hồi trong vòng vài tuần nếu không gặp biến chứng gì.

1. Nguyên tắc điều trị quai bị

Nguyên tắc trong điều trị quai bị là:

  • Hạn chế vận động tối đa.
  • Chăm sóc tốt cho người bệnh nhất là trong thời gian toàn phát.
  • Điều trị chống viêm tinh hoàn, buồng trứng, viêm tụy, viêm màng não.
  • Chỉ dùng kháng sinh khi xảy ra bội nhiễm vi khuẩn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Các trường hợp bệnh nặng có thể cần dùng phối hợp globulin miễn dịch.

2. Hướng dẫn điều trị quai bị tại nhà

Nghỉ ngơi là biện pháp tốt nhất để cơ thể phục hồi hoàn toàn. Song song đó, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm đau và khó chịu, đồng thời phòng tránh virus lây truyền sang người xung quanh:

  • Cách ly người bệnh với mọi người để ngăn ngừa lây truyền virus quai bị.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol để giảm bớt triệu chứng đau.
  • Chườm ấm để giảm sốt.
  • Chườm mát để giảm bớt khó chịu ở vùng bị sưng.
  • Tránh ăn những thực phẩm cứng, rắn, cần phải nhai nhiều. Thay vào đó, bạn nên cho người bệnh ăn cháo, những thực phẩm mềm hay có dạng lỏng.
  • Tránh ăn thực phẩm có vị chua, như trái cây, nước ép cam quýt vì gây kích thích tiết nước bọt.
  • Uống nhiều nước.

Đọc thêm

Quai bị kiêng gì? 4 loại thực phẩm bệnh nhân quai bị nên tránh xa

Phòng ngừa bệnh quai bị

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh hiện nay là tiêm vắc xin quai bị. Hầu hết mọi người đều tạo được khả năng miễn dịch với virus gây bệnh sau khi tiêm phòng đầy đủ.

Vắc xin quai bị thường được tiêm ở dạng kết hợp phòng 3 bệnh sởi – quai bị – rubella (MMR). Tất cả trẻ em nên được tiêm đủ hai mũi vắc-xin trước khi đi học vào lúc:

  • Từ 12–15 tháng tuổi
  • Từ 4–6 tuổi

Bạn cần phải tiêm đủ hai liều để đảm bảo có hiệu quả trong việc phòng ngừa quai bị.

Một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm một mũi vắc xin lần thứ ba nếu bạn đang ở trong một vùng bùng phát dịch quai bị.

Đọc thêm

Bệnh quai bị ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được bệnh quai bị là gì, nên làm gì khi bị quai bị và cách phòng ngừa quai bị.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Hiện Tượng Lên Quai Bị Như Thế Nào