Bệnh Sán Dây Bò (Taenia Saginata) - Viện Sốt Rét

Bệnh do sán dây bò là bệnh ký sinh trùng phổ biến tại Việt Nam, bệnh truyền sang người chủ yếu do ăn uống. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá… đặc biệt gây ra cảm giác ghê sợ khi người bệnh nhìn thấy đốt sán chui ra khỏi hậu môn, bò ra ngoài.

Sán dây bò Taenia saginata thuộc giới Animanlia, ngành Platyhelminthes, lớp Cestoda, bộ Cyclophyllidae, họ Taeniidae, chi Taenia, trong chi này ở Việt Nam có 3 loài: T. saginata (sán dây bò) truyền qua thịt bò; T. solium (sán dây lợn) truyền qua thịt lợn; T. asiatica (sán dây châu Á) truyền qua phủ tạng lợn. Chúng đều lưỡng tính, sống ký sinh ở ruột người. Gây bệnh thuộc nhóm C trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm Việt Nam, 2007.

1. Hình thể[3] [4]

1.1. Sán dây bò trưởng thành: có thân dẹp, màu trắng đục, dài khoảng 4-12 m, có 1000-2000 đốt, gồm 3 phần: đầu, cổ, thân.

- Đầu sán: hình trái lê đường kính 1-2 mm, có 4 giác bám, không có thùy và móc.

Hình 1: Đầu sán dây bò, nguồn ảnh CDC Hoa Kỳ

- Cổ sán: dài 5 mm là nơi sinh ra các đốt sán non.

- Thân sán: gồm các đốt non phía cổ có chiều ngang lớn hơn chiều dọc và đốt già có chiều dọc lớn hơn chiểu ngang, có tử cung với 15-32 nhánh và chứa 80.000-100.000 trứng. Đốt sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái. Những đốt sán già tự động đứt ra khỏi thân sán, theo phân hoặc chủ động bò ra ngoài hậu môn, rồi bò ra quần áo, giường chiếu, chuyển động nhờ những cơ rất khỏe. Mỗi ngày thân sán có thể mọc dài ra từ 3-28 đốt. Người là vật chủ chính, nguồn lây nhiễm chính và trâu, bò là vật chủ trung gian. Sán dây bò có thể sống trong cơ thể người từ 20 - 50 năm. Con người thường bị mắc bệnh sán dây bò trưởng thành, còn bệnh ấu trùng sán dây bò hầu như không gặp ở người.

1.2. Trứng: Hình cầu, vỏ dày, đường kính 30-40 µm, bên trong chứa phôi có 4 giác bám.

Hình 2: Trứng sán, đốt sán dây bò, nguồn ảnh CDC Hoa Kỳ

1.3. Nang ấu trùng: (Cysticercus bovis) Kích trước 6-8 mm x 3-5 mm, màu đỏ, có ấu trùng bên trong với đầu sán có 4 giác bám, không có vòng móc. Nang ấu trùng sán bò thường không ký sinh ở người.

Hình 3: Sán dây bò dài 2m

Điều trị và bắt tại Phòng Khám của Viện, ngày 4-8-2015

(lưu ý: có phòng khám tư đã lấy cắp hình ảnh của chúng tôi đăng trên website của họ)

2. Chu trình phát triển

Sơ đồ 1: Chu trình phát triển sán dải bò, nguồn ảnh CDC Hoa Kỳ

Các đốt sán già chui ra khỏi hậu môn người, rơi vào ngoại cảnh, vỡ ra giải phóng hàng trăm ngàn trứng sán. Trâu, bò ăn phải trứng sán vào ruột nở ra ấu trùng và xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “gạo bò” (cysticercus bovis). Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.

Khi người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng. Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần 3 tháng để trưởng thành và sản xuất đốt sán.

Khả năng tồn tại ở ngoại cảnh:

+ Đối với trứng sán dây: Trứng sán nằm trong đốt sán nên khó bị phá vỡ, chỉ khi nào đốt sán thối rữa mới giải phóng trứng; cũng như trứng giun đũa, trứng sán dây ra môi trường nhiệt độ ánh sáng trên 700C mới bị chết. Trứng sán dây bò có thể sống lâu hơn 8 tuần lễ ở môi trường tự nhiên.

+ Đối với ấu trùng sán dây: Ấu trùng sán bị giết chết ở nhiệt độ dưới -20C, nhưng ở 00C đến -20C nó sống được gần 2 tháng và nhiệt độ phòng thí nghiệm chúng sống được 26 ngày. Nếu muốn dùng thịt sống thì phải ướp thịt ở -100C trong 4 ngày mới bảo đảm; ấu trùng bị giết chết ở 45-50C, để đảm bảo an toàn phải đun sôi thịt trên 1 giờ.

3. Đặc điểm dịch tễ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sán dây bò Taenia Saginata phân bố ở khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên tuỳ thuộc vào tập quán ăn uống mà bệnh phát sinh. Có khoảng 60 triệu người mắc sán dây bò, thường gặp ở các nước châu Âu như: Bỉ chiếm tỷ lệ từ 0,4% -9%, Ý từ 1,3%-1,7%.

Ở Việt Nam, sán dây bò thường gặp hơn sán dây lợn (sán dây bò chiếm 78%, sán dây lợn 22%). Người mắc bệnh do thói quen thích ăn thịt bò tái, nấu nướng chưa chín. Vùng đồng bằng mắc bệnh cao hơn miền núi.

4. Triệu chứng lâm sàng

Thông thường bệnh diễn tiến nhẹ, không có triệu chứng điển hình. Một số trường hợp có các triệu chứng như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân…

5. Chẩn đoán

5.1. Chẩn đoán lâm sàng

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân…

5.2. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm phân: phát hiện đốt sán dây, hoặc trứng trong phân.

- Xét nghiệm máu: phát hiện kháng thể trong máu bằng kỹ thuật chẩn đoán huyết thanh ELISA; làm công thức máu có thể phát hiện bạch cầu đa nhân ái toan tăng.

5.3. Chẩn đoán xác định

- Khi có đốt sán bò ra ngoài hậu môn, có đốt sán dây, hoặc trứng trong phân.

6. Điều trị

6.1. Thuốc điều trị[1]

a. Điều trị bệnh sán dây trưởng thành:

Praziquantel 15-20mg/kg cân nặng liều duy nhất hoặc Niclosamide liều 2g cho người lớn liều duy nhất hoặc có thể lặp lại liều trong vòng 7 ngày;

Với trẻ em, khi điều trị bằng thuốc Niclosamide, cần cho liều theo cân nặng cơ thể và được chỉ định bởi bác sỹ: với những trẻ từ 11-34 kg: liều 1g; với trẻ > 34 kg: liều 1.5 g có thể lặp lại trong vòng 7 ngày.

b. Điều trị bệnh ấu trùng sán:

Có thể dùng 1 trong 2 phác đồ sau đây:

-/ Praziquantel 30mg/kg/ngày x 15 ngày x 2-3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày);

-/ Hoặc Praziquantel 15-20mg/kg, liều duy nhất ngày đầu. Những ngày sau dùng Albendazole 15mg/kg/ngày x 30 ngày x 2-3 đợt (đợt cách đợt 20 ngày).

c. Cách tẩy bắt sán dây tại chỗ:[5]

Việc tẩy bắt sán tại chỗ nhằm điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh và giải toả tâm lý ghê sợ của người bệnh khi nhìn thấy đốt sán chui ra từ hậu môn. Đồng thời, tiến hành lưu mẫu sán dây phục vụ nghiên cứu khoa học.

+/ Chỉ định: Người bệnh có các triệu chứng đau bụng, đi ngoài phân nát kéo dài, sút giảm cân…

Có đốt sán dây chui ra từ hậu môn, hoặc nhìn thấy các đốt sán lẫn trong phân.

+/ Các bước tiến hành:

- Chuẩn bị: Bệnh nhân ăn nhẹ tối hôm trước, không ăn các loại rau. Không ăn sáng hôm điều trị, giải thích cho bệnh nhân tại sao phải điều trị, thu hồi sán.

- Điều trị: Mỗi bệnh nhân uống khoảng 25-30mg/kg Praziquantel, liều duy nhất và đợi 1,2-2 giờ. Sau đó pha 1 gói Fortrans 73,690g (hoặc 1 gói 30g MgSO4) với 100 ml nước ấm uống trước, sau đó uống thêm 1-2 lít nước. Sau 1 giờ nếu chưa đi cầu uống thêm 1 gói thứ 2 và nước, đợi đi cầu vào bô và nghỉ ngơi tại chỗ 30 phút trước khi ra về.

- Thu mẫu: Nhân viên thu mẫu phân, đãi phân tìm sán, đo, chụp ảnh, bảo quản mẫu trong dung dịch Formol.

6.2. Cơ chế tác dụng của thuốc:

Thuốc Praziquantel có một số biệt dược như: Distocide, Prazintel, Biltricid, Cysticid, Droncit, Cesol,… dạng đóng gói là viên nén bao phim 600mg. Sau khi uống Praziquantel hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn, đạt nồng độ tối đa sau 1-3 giờ. Thuốc làm tăng tính thấm của màng tế bào ở sán dẫn đến mất Ca++ nội bào, làm sán co cứng và liệt cơ, bên cạnh đó thuốc còn tạo ra các không bào trên da sán sau đó vỡ ra làm sán chết.

Phân bố của thuốc: Praziquantel liên kết với protein huyết tương 80-85%. Thuốc được chuyển hoá qua gan, thải trừ qua nước tiểu dưới dạng chuyển hoá. Thời gian bán thải của chất chính là 1-1,5 giờ và chất chuyển hoá là 4 giờ.

6.3. Chống chỉ định khi dùng thuốc:

- Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi

- Đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, gan, thận hoặc bệnh tâm thần,...

- Dị ứng với thuốc cần dùng.

6.4.Tiêu chuẩn khỏi bệnh:

- Sau điều trị 3-4 tháng, không còn đốt sán bò ra khỏi hậu môn. Xét nghiệm phân không còn đốt sán và trứng sán.

7. Phòng bệnh

Bệnh sán dây bò là một bệnh rất dễ mắc phải, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động do thói quen ăn uống và để lại cảm giác ghê sợ, nặng nề khi mắc bệnh. Để tránh mắc bệnh này, chúng ta hãy thực hiện theo chỉ dẫn của Bộ Y tế: [2]

- Vệ sinh ăn uống, không ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm bệnh.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi.

- Phát hiện và tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.

- Đối với cơ quan chuyên môn: thu dung bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị, tiêu diệt mầm bệnh; kiểm soát trâu, bò vùng có dịch; tuyên truyền người dân không ăn thịt trâu/bò chưa được nấu chín dưới bất ký hình thức nào.

Quản lý nguồn phân: Không phóng uế bừa bãi, sử dụng hố xí tự hoại, không tưới rau bằng phân người chưa xử lý.

Bs. Hoàng Ngọc Hùng

Phòng Khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng

Viện Sốt rét - KST - CT TP Hồ Chí Minh

Từ khóa » Trứng Sán Trong Thịt Bò