Bệnh Suy Tim - Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị
Có thể bạn quan tâm
Suy tim là một bệnh thường gặp trong các bệnh về tim mạch. Đây là một căn bệnh nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên việc trị liệu có thể giúp cải thiện tình hình và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
1. Bệnh suy tim là gì
- Phân loại bệnh suy tim
2. Triệu chứng của bệnh suy tim
- Khi nào nên đi khám bác sĩ?
3. Nguyên nhân gây ra bệnh suy tim
- Yếu tố nguy cơ gây bệnh suy tim
4. Biến chứng của bệnh suy tim
5. Điều trị bệnh suy tim
- Chẩn đoán
- Điều trị
6. Phòng chống bệnh suy tim
7. Bác sĩ điều trị
8. Chia sẻ của bệnh nhân
1. Bệnh suy tim là gì?
Suy tim (tên tiếng Anh là Heart Failure) đôi lúc còn được biết đến như suy tim sung huyết, xảy ra khi cơ tim không đủ khả năng bơm lượng máu cần thiết cho cơ thể. Trong những tình trạng nhất định, như hẹp mạch vành hay tăng huyết áp, dần dần sẽ làm tim quá yếu hoặc quá cứng để đổ đầy và bơm máu một cách hiệu quả.
Không phải tất cả các tình trạng đưa tới suy tim đều có thể được đảo ngược, nhưng việc trị liệu có thể cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng suy tim và giúp kéo dài cuộc sống. Thay đổi lối sống – ví dụ như tập thể dục, bớt ăn muối, kiềm chế stress và giảm cân có thể giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phân loại suy tim
Suy tim trái: Dịch có thể tích tụ ở phổi, gây khó thở.
Suy tim phải: Dịch có thể tích tụ ở ổ bụng, chân và bàn chân, gây phù.
Suy tim tâm thu: Thất trái không thể co bóp một cách mạnh mẽ, chỉ ra một vấn đề với hệ thống bơm.
Suy tim tâm trương (còn gọi là suy tim với phân suất tống máu bảo tồn): Thất trái không thể thư giãn hoặc đổ đầy, chỉ ra một vấn đề với sự đổ đầy.
2. Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng của bệnh suy tim
Suy tim có thể là mạn tính hoặc cấp tính. Các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim bao gồm:
- Khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm
- Mệt mỏi và yếu mệt
- Phù chân, mắt cá và bàn chân
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Giảm khả năng gắng sức
- Ho dai dẳng hoặc khò khè với đàm có lẫn những vệt máu
- Tiểu đêm
- Báng bụng
- Tăng cân đột ngột do giữ nước trong cơ thể
- Chán ăn hoặc buồn nôn
- Khó tập trung hoặc sự tỉnh táo suy giảm
- Khó thở nặng, đột ngột và ho đàm có bọt hồng
- Đau ngực nếu suy tim do đau tim
Hình ảnh của bệnh suy tim
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hãy đi khám nếu bạn nghĩ bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim. Hãy gọi cấp cứu nếu bạn có bất kì các triệu chứng nào sau đây:
- Đau ngực
- Ngất hoặc yếu người nghiêm trọng
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều đi kèm với khó thở, đau ngực hoặc ngất
- Khó thở nặng, đột ngột và ho đàm có bọt hồng
Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng trên có thể do suy tim, nhưng cũng có rất nhiều nguyên nhân khác gây ra chúng, gồm các tình trạng tim phổi đe dọa tính mạng khác. Đừng cố tự chẩn đoán. Gọi cấp cứu để được giúp đỡ ngay lập tức. Bác sĩ cấp cứu sẽ cố gắng ổn định tình trạng của bạn và quyết định xem triệu chứng bạn có là do suy tim hay do nguyên nhân khác.
Nếu bạn được chẩn đoán là suy tim và nếu có bất kì triệu chứng nào đột ngột diễn tiến nặng hoặc phát sinh thêm triệu chứng mới, điều đó nghĩa là tình trạng suy tim đang xấu đi hoặc không đáp ứng với điều trị. Lúc đó, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ của bạn.
Bác sĩ tham vấn thông tin:
✍ Các bác sĩ Tim Mạch Hello Doctor
☎ Gọi Bác sĩ
유 Chat Bác sĩ trên Facebook
3. Nguyên nhân gây ra bệnh suy tim
Suy tim thường là hậu quả của những tình trạng phá hủy tim hoặc làm suy yếu tim. Tuy nhiên, không nhất thiết tim bị yếu mới suy tim mà còn có thể xảy ra trong trường hợp nếu cơ tim quá cứng.
Trong suy tim, tâm thất trở nên cứng và không được đổ đầy thỏa đáng giữa mỗi nhịp tim. Trong vài trường hợp suy tim, cơ tim có thể bị phá hủy và suy yếu, và tâm thất dãn đến mức tim không thể bơm máu một cách hiệu quả khắp cơ thể. Theo thời gian, tim không thể đáp ứng nhu cầu bơm máu bình thường đến phần còn lại của cơ thể.
Phân suất tống máu là một thước đo quan trọng để biết tim bơm máu tốt đến mức nào và thường được dùng để phân loại suy tim và hướng dẫn điều trị. Với một trái tim khỏe mạnh, phân suất tống máu là trên 50% - nghĩa là hơn phân nửa máu đổ vào thất được tống ra với mỗi nhịp tim. Nhưng suy tim có thể diễn ra thậm chí với một phân suất tống máu bình thường. Điều này xảy ra nếu cơ tim quá cứng ví dụ như do tăng huyết áp.
Thuật ngữ “suy tim sung huyết” đến từ việc máu bị ứ lại – hoặc sung huyết - ở gan, bụng, chi dưới và phổi. Tuy nhiên, không phải tất cả suy tim đều gây sung huyết. Khó thở và yếu mệt vẫn có thể xảy ra dù không có ứ dịch.Suy tim có thể do thất trái, thất phải hoặc cả hai thất. Thông thường, suy tim bắt đầu với bên trái, đặc biệt là thất trái – buồng tống máu chính của tim.
Bất kì tình trạng nào sau đây đều có thể phá hủy hoặc làm suy yếu tim và gây suy tim. Vài tình trạng có thể hiện diện mà bạn không hề hay biết:
Bệnh mạch vành và đau tim: Bệnh mạch vành là loại bệnh tim phổ biến nhất gây suy tim. Theo thời gian, các động mạch cấp máu cho cơ tim bị hẹp lại do mảng xơ vữa – một quá trình gọi là xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa tích tụ có thể gây giảm lưu lượng máu tới tim.
Cơn đau tim xảy ra nếu mảng xơ vữa trong động mạch vỡ ra. Việc này làm huyết khối hình thành gây tắc nghẽn dòng máu đến một vùng cơ tim nhất định, làm yếu khả năng bơm máu của tim và thường phá hủy cơ tim lâu dài. Nếu sự phá hủy là đáng kể, nó có thể dẫn tới suy yếu cơ tim.
Bệnh mạch vành làm suy yếu cơ tim
Tăng huyết áp: Huyết áp là áp lực máu bơm bởi tim qua các động mạch. Nếu huyết áp cao, tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu đi khắp cơ thể.
Theo thời gian, cơ tim có thể trở nên dày hơn để bù trừ việc phải làm nhiều hơn. Cuối cùng, cơ tim trở thành quá cứng hoặc quá yếu để bơm máu hiệu quả.
Van tim bị khiếm khuyết: Van tim giữ cho máu chảy đúng hướng. Một van tim bị phá hủy - do khiếm khuyết ở tim, bệnh mạch vành hoặc nhiễm trùng tim – ép buộc tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì lưu lượng máu.
Theo thời gian, tim trở nên suy yếu. Tuy nhiên, van tim bị khiếm khuyết có thể được sửa chữa hoặc thay thề nếu được tìm thấy đúng lúc.
Bệnh cơ tim: Bệnh cơ tim có thể có nhiều nguyên nhân, gồm nhiều bệnh, nhiễm trùng, lạm dụng chất cồn và tác hại của thuốc, như cocaine hoặc thuốc dùng trong hóa trị.
Yếu tố gen đóng vai trò quan trọng trong nhiều loại bệnh cơ tim, như là bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim xốp, và bệnh cơ tim phì đại.
Viêm cơ tim: Viêm cơ tim thường do virus và có thể dẫn tới suy tim trái.
Khiếm khuyết tim bẩm sinh. Nếu các buồng hoặc van tim không được tạo hình chính xác, phần khỏe mạnh của tim phải làm việc nhiều hơn, và gây suy tim.
Loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường có thể làm tim đập quá nhanh, nên tim phải làm việc nhiều hơn. Theo thời gian, tim có thể suy yếu, gây suy tim. Một nhịp tim chậm có thể ngăn tim bạn bơm đủ máu đi khắp cơ thể và cũng có thể gây suy tim.
Các bệnh khác: Các bệnh mạn tính – như bệnh đái tháo đường, HIV, bệnh cường giáp, bệnh suy giáp, hoặc bệnh ứ sắt hay ứ protein – cũng có thể góp phần suy tim.
Những nguyên nhân gây suy tim cấp bao gồm virus tấn công cơ tim, nhiễm trùng nặng, phản ứng dị ứng, huyết khối ở phổi, sử dụng các thuốc nhất định hoặc bất kì bệnh nào ảnh hưởng toàn thân.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh suy tim
Chỉ một yếu tố nguy cơ cũng đủ gây suy tim, nhưng sự kết hợp các tác nhân càng làm tăng nguy cơ suy tim.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tăng huyết áp: Tim buộc phải làm việc nhiều hơn bình thường nếu huyết áp cao.
- Bệnh mạch vành: Hẹp mạch vành có thể hạn chế cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim làm cơ tim suy yếu.
- Đái tháo đường: Đái tháo đường tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và bệnh mạch vành.
- Một số thuốc đái tháo đườn: Một vài loại thuốc đái tháo đường được phát hiện làm tăng nguy cơ suy tim ở một số bệnh nhân. Dù vậy, đừng tự ý ngưng dùng thuốc. Hãy thảo luận với bác sĩ nếu cần có bất kì sự đổi thuốc nào.
- Một số loại thuốc nhất định: Một vài thuốc có thể gây suy tim hoặc các vấn đề tim. Các thuốc này có thể bao gồm thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc chống loạn nhịp, thuốc trị tăng huyết áp, ung thư, bệnh về máu, bệnh thần kinh, bệnh tâm thần, bệnh phổi, bệnh tiết niệu, tình trạng viêm và nhiễm trùng, và lạm dụng thuốc.
- Đừng tự ý ngưng thuốc: Nếu bạn có câu hỏi nào về loại thuốc bạn đang dùng, hội ý với bác sĩ để xem họ có yêu cầu bất kì thay đổi nào không.
- Ngưng thở khi ngủ: ngưng thở khi ngủ làm giảm mức oxy trong máu và tăng nguy cơ loạn nhịp tim, cuối dùng là dẫn đến suy tim.
- Khiếm khuyết tim bẩm sinh: Một vài người suy tim do có bất thường cấu trúc tim lúc mới sinh.
- Bệnh van tim: Người có bệnh van tim có nguy cơ suy tim cao hơn.
- Virus: Nhiễm virus có thể phá hủy cơ tim.
- Sử dụng rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia có thể làm cơ tim suy yếu và dẫn tới suy tim.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ suy tim.
- Béo phì: Người béo phì có nhiều khả năng suy tim hơn.
- Nhịp tim không đều: Nếu nhịp tim không đều, đặc biệt khi chúng diễn ra thường xuyên và nhanh, có thể giảm sức mạnh cơ tim và gây suy tim.
4. Biến chứng và tác hại của bệnh suy tim
Diễn tiến suy tim tùy thuộc nguyên nhân, độ nặng, sức khỏe tổng quát, và những yếu tố khác như tuổi. Các biến chứng có thể gồm:
- Bệnh thận mạn hay suy thận: Suy tim làm giảm lưu lượng máu tới thận, cuối cùng gây suy thận nếu không điều trị. Phá hủy thận do suy tim có thể yêu cầu thẩm phân máu để điều trị.
- Bệnh van tim: Van tim có thể hoạt động không đúng cách dẫn đến hư hại về cấu trúc nếu tim to hoặc nếu huyết áp cao do suy tim.
- Vấn đề về nhịp tim: Loạn nhịp tim có thể là một biến chứng tiềm tàng của suy tim.
- Suy gan: Suy tim có thể dẫn tới tụ dịch làm tăng áp lực lên gan. Sự ứ dịch này có thể tạo sẹo ở gan, tạo nhiều khó khăn trong hoạt động chức năng của gan.
Các triệu chứng và chức năng tim có thể cải thiện với điều trị đúng cách. Tuy nhiên, suy tim có thể đe dọa tính mạng. bệnh nhân suy tim có thể có các triệu chứng nghiêm trọng, và có thể cần cấy ghép tim hoặc thiết bị hỗ trợ tâm thất.
5. Các phương pháp điều trị bệnh suy tim
Chẩn đoán
Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử kĩ lưỡng, xem lại các triệu chứng và tiền hành thăm khám. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ, như là tăng huyết áp, bệnh mạch vành hoặc đái tháo đường.
Bằng việc dùng ống nghe, bác sĩ có thể nghe phổi bạn để tìm dấu hiệu sung huyết. Ống nghe cũng phát hiện tiếng tim bất thường gợi ý suy tim. Bác sĩ có thể khám tĩnh mạch ở cổ bạn và kiểm tra sự tụ dịch ở bụng và chân bạn.
Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể thực hiện các kiểm tra sau:
Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể lấy máu bạn để xét nghiệm chức năng thận, gan và tuyến giáp và tìm kiếm các chỉ điểm của những bệnh khác gây ảnh hưởng đến tim.
Xét nghiệm NT-proBNP trong máu có thể giúp chẩn đoán suy tim khi kết hợp với các kiểm tra khác nếu chẩn đoán chưa được xác định.
Xquang ngực: Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ đánh giá tình trạng phổi và tim. Trong suy tim, sẽ có tim to và sung huyết thấy được ở phổi. X-quang cũng được dùng để chẩn đoán các tình trạng khác ngoài suy tim có thể giải thích cho các dấu hiệu và triệu chứng ở bạn.
Điện tâm đồ (ECG): Xét nghiệm này ghi lại hoạt động điện của tim bạn qua các điện cực gắn ngoài da. Các xung điện được ghi lại dưới dạng sóng trên một màn hình hoặc được in ra giấy.
ECG giúp chẩn đoán vấn đề về nhịp tim và sự phá hủy tim do đau tim có thể là nền tảng cho suy tim.
Siêu âm tim: Đây là một xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán suy tim. Siêu âm tim giúp phân biệt suy tim tâm thu và suy tim tâm trương, một tình trạng mà cơ tim cứng và không thể đổ đầy thích hợp.
Siêu âm tim sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh video của tim. Nó giúp nhận biết kích thước và hình dạng của tim và tim bơm máu tốt đến mức nào.
Siêu âm tim cũng giúp tìm ra các vấn đề về van tim hoặc bằng chứng đã từng đau tim trước đó, các bất thường tim khác, và vài nguyên nhân bất thường gây suy tim.
Phân suất tống máu được đo trong quá trình siêu âm tim và có thể được đo bằng xét nghiệm y học hạt nhân, thông tim và MRI tim. Đây là một thước đo quan trọng để đánh giá tim bơm máu tốt như thế nào và được sử dụng để phân loại suy tim cũng như hướng dẫn điều trị.
Kiểm tra gắng sức: kiểm tra gắng sức đo lường khả năng tim và mạch máu đáp ứng với sự gắng sức như thế nào. Bệnh nhân có thể đi trên thảm lăn hoặc đạp xe đạp cố định trong khi đang được gắn một máy đo điện tâm đồ. Hoặc bệnh nhân có thể được tiêm thuốc kích thích tim tương tự như đang tập luyện. Thỉnh thoảng kiểm tra gắng sức được thực hiện trong lúc mang một mặt nạ đo khả năng tim và phổi nhận oxy và thải ra cacbonic.
Xét nghiệm gắng sức giúp biết được có bạn bệnh mạch vành hay không. Nó cũng quyết định cơ thể bạn đáp ứng với việc hiệu suất bơm của tim giảm sút như thế nào và đưa tới các quyết định điều trị dài hạn.
Nếu bác sĩ muốn thấy hình ảnh tim bạn trong lúc gắng sức, họ sẽ yêu cầu một xét nghiệm gắng sức hạt nhân hoặc siêu âm tim gắng sức. Nó tương tự một xét nghiệm gắng sức thể chất, nhưng sử dụng kĩ thuật hình ảnh học để khắc họa tim bạn trong quá trình xét nghiệm.
Chụp cắt lớp tim hạy chụp cộng hưởng từ tim: Những xét nghiệm này dùng để chẩn đoán các vấn đề về tim, bao gồm nguyên nhân gây suy tim.
Trong chụp cắt lớp tim, bệnh nhân nằm trên một cái bàn bên trong một máy dạng bánh vòng. Một ống chiếu tia X trong máy xoay quanh cơ thể bệnh nhân và thu thập hình ảnh của tim và ngực.
Trong chụp cộng hưởng từ tim, bạn cũng nằm trên một cái bàn trong một máy dạng ống dài tạo ra từ trường. Từ trường sẽ sắp xếp các hạt nguyên tử trong tế bào. Khi sóng radio được truyền tới những hạt nguyên tử này, chúng phát ra các tín hiệu biến đổi tùy theo loại mô. Các tín hiệu này sẽ tạo ra những hình ảnh về tim bạn.
Chụp mạch vành: Trong xét nghiệm này, một ống thông dẻo và mỏng được đưa vào trong mạch máu từ vùng bẹn hoặc cánh tay và được đưa tới qua động mạch chủ vào mạch vành.
Một thuốc màu được tiêm vào ống thông để làm mạch vành hiển thị trên màn đọc tia X. Xét nghiệm này nhận dạng các mạch vành bị hẹp có thể làm tim suy. Chụp mạch vành có thể bao gồm một biểu đồ ghi tâm thất – một thủ thuật đánh giá sức mạnh thất trái và tình trạng van tim.
Sinh thiết tim: Trong xét nghiệm này, bác sĩ đưa một lõi sinh thiết dẻo, nhỏ vào cổ hoặc bẹn của bệnh nhân, và những mẩu nhỏ của cơ tim được lấy ra. Sinh thiết tim được thực hiện để chẩn đoán loại bệnh cơ tim nhất định gây suy tim.
Phân loại suy tim
Kết quả của các xét nghiệm trên giúp bác sĩ quyết định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và lập phác đồ điều trị. Để quyết định đâu là điều trị tối ưu cho tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ phân loại suy tim dựa vào 2 hệ thống:
- Phân độ của Hội tim mạch New York: Loại phân độ dựa trên triệu chứng này chia suy tim thành 4 độ. Suy tim độ I khi không có bất kì triệu chứng nào của suy tim. Suy tim độ II, bệnh nhân vẫn hoạt động thường ngày như bình thường nhưng thấy mệt khi gắng sức. Suy tim độ III khi không thể thực hiện được các hoạt động thường ngày, và suy tim độ IV là nặng nhất, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Hướng dẫn của Hội tim mạch và Trường tim mạch Hoa Kì: Hệ thống phân độ theo gia đoạn này phân suy tim thành các giai đoạn từ A đến D. Hệ thống này bao gồm phân độ cho những người có nguy cơ phát triển suy tim. Ví dụ, một người có nhiều yếu tố nguy cơ suy tim nhưng không có bất kì triệu chứng nào của tim suy thì thuộc gia đoạn A. Một người có suy tim nhưng không biểu hiện triệu chứng là giai đoạn B. Người có bệnh tim và có các triệu chứng suy tim là giai đoạn C. Người suy tim nặng cần các điều trị chuyên biệt hóa là giai đoạn D. Bác sĩ sử dụng hệ thống phân độ này để định danh các yếu tố nguy cơ và bắt đầu điều trị sớm và tích cực hơn để ngăn chặn hoặc trì hoãn suy tim
Những hệ thống phân độ này không hoàn toàn độc lập với nhau. Bác sĩ sẽ kết hợp chúng để định lựa chọn điều trị tối ưu nhất. Hãy hỏi bác sĩ về phân độ suy tim của bạn nếu bạn có hứng thú muốn biết độ nặng của suy tim ở bạn. Bác sĩ có thể giúp bạn diễn gải phân độ suy tim và lên kế hoạch đều trị dựa trên tình trạng của bạn.
Bệnh nhân nên điều trị bệnh suy tim càng sớm càng tốt
Điều trị
Suy tim là một bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài. Tuy nhiên, các triệu chứng và dấu hiệu suy tim có thể cải thiện với điều trị, và thỉnh thoảng tim trở nên khỏe hơn. Điều trị giúp kéo dài cuộc sống và giảm nguy cơ đột tử.
Bác sĩ đôi khi sửa chữa tim suy bằng việc điều trị nguyên nhân nền. Ví dụ, sửa chữa van tim hoặc kiểm soát nhịp tim nhanh có thể đảo ngược suy tim. Nhưng ở đa số bệnh nhân, điều trị suy tim cần sự cân bằng trong điều trị bằng thuốc thích hợp, trong một vài trường hợp, có thể cần dùng đến các thiết bị giúp tim đập và co bóp thích hợp.
Thuốc
Bác sĩ thường kết hợp nhiều thuốc trong điều trị suy tim. Hãy liên hệ với bác sĩ để tìm hiểu rõ hơn về các loại thuốc trong điều trị suy tim.
Bạn có thể phải nhập viện nếu có một đợt mất bù của suy tim. Khi ở bệnh viện, bạn có thể nhận thêm nhiều thuốc giúp tim bơm máu tốt hơn và làm giảm triệu chứng. Bạn cũng có thể cần thở oxy. Bếu bạn suy tim nghiêm trọng, bạn cần phải thở oxy lâu dài.
Phẫu thuật và thiết bị y khoa
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể khuyến cáo phẫu thuật để điều trị bệnh nền đã dẫn tới suy tim. Một vài điều trị đang được nghiên cứu và dùng cho những bệnh nhân nhất định bao gồm:
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: nếu động mạch bị tắc nghẽn trầm trọng đang góp phần gây suy tim. Trong phương pháp này, mạch máu từ chân, cánh tay hoặc ngực được dùng để bắc cầu qua đoạn động mạch bị nghẽn ở tim, cho phép máu lưu thông qua tim.
Sửa van hoặc thay van tim: Nếu một lá van khiếm khuyết gây suy tim, bác sĩ sẽ yêu cầu sửa chữa hoặc thay thế van. Phẫu thuật viên có thể sửa đổi van gốc để loại bỏ dòng chảy ngược. Hoặc sửa chữa bằng cách kết nối lại các lá van hoặc bằng cách loại bỏ một lượng lớn mô van giúp van khép chặt hơn hay là khi van tim không thể sửa chữa thì bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc thay van Trong phẫu thuật thay van, lá van bị tổn thương được thay bằng van nhân tạo.
Có các loại phẫu thuật thay van hay sửa chữa van nhất định không cần phải mở tim, bằng cách dùng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hoặc thủ thuật thông tim.
Máy khử rung tim cấy dưới da (ICD): ICD là một thiết bị khá giống máy tạo nhịp. Nó được cấy dưới da ở vùng ngực với dây dẫn luồn qua tĩnh mạch vào tim.
ICD sẽ theo dõi nhịp tim. Nếu tim đập ở tần số nguy hiểm, hoặc xảy ra ngưng tim, ICD cố tạo nhịp cho tim hoặc sốc tim để đưa về nhịp tim bình thường. ICD cũng có chức năng như một máy tạo nhịp và nâng nhịp tim lên nếu nó quá chậm.
Liệu pháp đồng bộ tim hay máy tạo nhịp hai buồng thất: Một máy tạo nhịp 2 buồng thất gửi các xung điện được hẹn giờ đến cả 2 thất nên chúng sẽ bơm máu hiệu quả hơn, đồng bộ hơn.
Nhiều bệnh nhân suy tim có vấn đề với hệ thống điện ở tim làm cơ tim suy yếu từ trước đập không đồng bộ. Sự co bóp cơ tim không hiệu quả này làm suy tim nặng hơn. Thường dùng một máy tạo nhịp 2 buồng thất được kết hợp với ICD cho bệnh nhân suy tim.
Bơm tim: Các thiết bị cơ học, ví dụ như thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD), được cấy vào bụng hoặc ngực và gắn với trái tim đã suy yếu để giúp nó bơm máu đi toàn thân. VAD thường được dùng nhất ở thất trái, nhưng nó cũng có thể được dùng ở thất phải hoặc cả 2 thất.
Đầu tiên bác sĩ dùng bơm tim để giữ những người chờ cấy ghép tim sống. VAD hiện nay thỉnh thoảng được dùng như lựa chọn thay thế cho ghép tim. Bơm tim được cấy có thể kéo dài sự sống đáng kể ở những bệnh nhân suy tim nặng, những người mà không đủ điều kiện để ghép, đang trải qua ghép tim hay đang chờ một trái tim mới.
Ghép tim: Có vài người suy tim nặng đến mức mà phẫu thuật hay thuốc đều vô tác dụng và cần được thay tim.
Ghép tim có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ở các bệnh nhân này một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, ứng cử viên cho ghép tim thường phải chờ một thời gian dài rước khi có người hiến tim thích hợp. Một vài ứng cử viên ghép tim có tình trạng được cải thiện trong suốt thời gian chờ đợi này và có thể được loại khỏi danh sách chờ cấy ghép.
6. Phòng chống bệnh suy tim
Mấu chốt để phòng ngừa suy tim là giảm các yếu tố nguy cơ. Nhiều yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát và loại bỏ như tăng huyết áp và bệnh mạch vành, bằng cách thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc.
Những biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa suy tim gồm:
- Ngưng hút thuốc lá
- Kiểm soát những bệnh nền, như là tăng huyết áp và đái tháo đường
- Duy trì vận động thể chất
- Ăn uống lành mạnh
- Giữ một cân nặng khỏe mạnh
- Giảm và chế ngự stress
Bệnh suy tim nên được điều trị sớm để tránh những hậu quả nguy hiểm, vì vậy khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đi khám để đươc chuẩn đoán và điều trị sớm nhất. Bạn có thể liên hệ với các bác sĩ của Hello Doctor chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ qua số điện thoại 1900 1246.
Từ khóa » Khó Thở Khi Gắng Sức Tiếng Anh Là Gì
-
KHÓ THỞ KHI GẮNG SỨC In English Translation - Tr-ex
-
KHÓ THỞ KHI GẮNG SỨC Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch
-
Khó Thở – Wikipedia Tiếng Việt
-
Suy Tim (HF) - Rối Loạn Tim Mạch - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Khó Thở - Rối Loạn Chức Năng Hô Hấp - Cẩm Nang MSD
-
4 Nguyên Nhân Gây Khó Thở Khi Gắng Sức | TCI Hospital
-
Triệu Chứng Khó Thở Hậu Covid-19 Và Cách điều Trị Như Thế Nào?
-
Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính Copd: Nguyên Nhân, Triệu Chứng
-
Khó Thở Là Biểu Hiện Của Những Bệnh Gì? | Medlatec
-
Điều Gì Xảy Ra Trong Suốt Quá Trình Làm Nghiệm Pháp Gắng Sức?
-
Important Medical Terms - Bảng Thuật Ngữ Y Tế Quan Trọng
-
Lý Giải Nguyên Nhân Gây Khó Thở Và Biện Pháp Khắc Phục
-
Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính