Bệnh Tay Chân Miệng - Bệnh Viện FV - FV Hospital

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG LÀ GÌ?

Bệnh Tay Chân Miệng (BTCM) là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là  sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

BTCM phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5. Trẻ em ở nhà trẻ, mẫu giáo, nơi tập trung nhiều trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bùng phát dịch BTCM do bệnh lây qua tiếp xúc từ  người sang người, và trẻ còn nhỏ nên sẽ là đối tượng dễ bị lây bệnh nhất. Trẻ em khi lớn lên thường miễn dịch với bệnh tay chân miệng vì các kháng thể được hình thành sau khi phơi nhiễm với vi-rút gây bệnh. Tuy nhiên, vẫn có khả năng thanh thiếu niên và người lớn cũng bị mắc bệnh này.

Vết Loét Miệng

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH TAY CHÂN MIỆNG?

BTCM do các loại vi-rút thuộc họ enterovirus gây ra. Tác nhân gây nhiễm khuẩn thường gặp nhất là vi-rút Coxsackie A-16, trong khi enterovirus 71 thì ít gặp hơn. Biểu hiện lâm sàng của BTCM là như nhau bất kể loại vi-rút gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm enterovirus 71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp (ví dụ như viêm màng não do vi-rút, viêm não hoặc tổn thương cơ tim).

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BTCM?

BTCM thường gặp nhất vào mùa xuân và mùa thu (từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 9 đến tháng 12). Thời gian ủ bệnh (là giữa thời gian bị nhiễm và khởi phát triệu chứng) thường từ 3 đến 7 ngày.

Triệu chứng ban đầu có thể là sốt và thường kèm theo đau họng. Tình trạng biếng ăn và khó chịu cũng có thể xảy ra. Khoảng 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, vết loét gây đau và mụn nước sẽ  xuất hiện trong miệng hoặc họng, hoặc cả hai. Mụn nước có khả năng xuất hiện ở tay, chân, miệng, lưỡi, bên trong má, và đôi khi ở mông (ở mông thường do tiêu chảy gây ra). Mụn nước ít khi gây ngứa ở trẻ em, nhưng có thể gây ngứa dữ dội ở người lớn. Vết loét và mụn nước thường tự khỏi trong một tuần hoặc lâu hơn.

Từ khóa » Chẩn đoán Lâm Sàng Bệnh Tay Chân Miệng