Bệnh Thận đa Nang Và 8 điều Bạn Có Thể Chưa Biết - Hello Bacsi

Hiện nay, không ít chuyên gia đã đánh giá bệnh thận đa nang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm chức năng thận. 

Thận đa nang là thuật ngữ mô tả tình trạng có nhiều túi nang phát triển tại cơ quan bài tiết này. Sự gia tăng về số lượng và kích thước của chúng theo thời gian sẽ dần thay thế cho tế bào thận khỏe mạnh. Từ đó, chức năng thận có nguy cơ suy giảm đáng kể, thậm chí dẫn đến suy thận.

Ngày nay, vì nhiều nguyên nhân, tình trạng này đang có xu hướng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa hiểu rõ về bệnh đa nang.

Vì vậy, hãy để Hello Bacsi giúp bạn giải đáp một số thắc mắc xoay quanh căn bệnh trên qua bài viết dưới đây nhé.

Bệnh thận đa nang phổ biến ra sao?

Theo thống kê, chỉ tính riêng Hoa Kỳ, số người mắc bệnh thận đa nang (polycystic kidney disease hay PKD) đã lên đến con số 600.000 người.

Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy thận. Khoảng 5% trường hợp thận suy giảm chức năng bắt nguồn từ bệnh thận đa nang.

Ngoài ra, bệnh thận đa nang còn có khả năng phát sinh ở mọi đối tượng, bất kể giới tính, độ tuổi hay chủng tộc nào.

Những cơ quan nào chịu ảnh hưởng bởi bệnh thận đa nang?

Bệnh thận đa nang ảnh hưởng đến cơ quan nào
Bên cạnh thận, vấn đề sức khỏe này còn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác bên trong cơ thể.

Thận là cơ quan đầu tiên chịu tác động trực tiếp từ tình trạng PKD. Tuy nhiên, ngoài cơ quan này, bệnh thận đa nang còn có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. U nang có thể di chuyển đến:

  • Gan
  • Tuyến tụy
  • Lá lách
  • Buồng trứng (ở nữ)
  • Ruột già

Thực tế, phần lớn u nang tại những khu vực trên không gây nên vấn đề nghiêm trọng đáng kể nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, chúng có nguy cơ dẫn đến những rủi ro nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, chẳng hạn như:

Bệnh thận đa nang ảnh hưởng đến não

Nếu các u nang ảnh hưởng lên não, chứng phình mạch não có khả năng lớn phát sinh. Tình trạng này dễ dàng khiến người bệnh đột quỵ hay thậm chí là tử vong. Khi đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị khả thi nhất.

Những u nang ở thận ảnh hưởng đến tim

Đối với tim, tình trạng PKD chủ yếu tác động đến các van, từ đó dẫn đến hiện tượng xuất hiện tiếng thổi ở tim.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh thận đa nang bao gồm những gì?

Siêu âm là phương pháp đáng tin cậy và phổ biến nhất trong việc chẩn đoán bệnh thận đa nang. Do đó, nếu bạn quá 40 tuổi và nghi ngờ bản thân bị PKD, bác sĩ có thể áp dụng thủ thuật chẩn đoán này để kiểm tra tình trạng sức khỏe của thận.

Trong vài trường hợp ít gặp, chụp CT hoặc MRI có thể được tiến hành nhằm tìm kiếm những u nang nhỏ hơn mà không thể tìm thấy bằng siêu âm. Thêm vào đó, các chuyên gia còn dùng thủ thuật chụp MRI để đo lường và theo dõi sự phát triển của u nang tại thận.

Mặt khác, một số người có khả năng cần thực hiện xét nghiệm di truyền (xét nghiệm ADN). Đây là thủ thuật liên quan đến xét nghiệm máu chuyên sâu nhằm kiểm tra những gene bất thường gây bệnh.

Xét nghiệm di truyền
Đôi khi bạn có thể cần thực hiện xét nghiệm di truyền để kiểm tra liệu bản thân có bị bệnh thận đa nang không.

Tuy nhiên, loại xét nghiệm trên không phổ biến như siêu âm hay chụp CT/MRI vì chi phí của nó tương đối cao. Mặt khác, chỉ khoảng 85% người bị bệnh thận đa nang có thể phát hiện tình trạng của mình bằng phương pháp này.

Do đó, bác sĩ thường chỉ đề xuất xét nghiệm ADN nếu bạn thuộc một trong những trường hợp dưới đây:

  • Kết quả xét nghiệm hình ảnh không rõ ràng
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh thận đa nang và bạn muốn hiến thận
  • Dưới 30 tuổi và đang có ý định lập gia đình, có tiền sử PKD trong gia đình nhưng kết quả siêu âm của bản thân là âm tính

Bệnh thận đa nang có phát triển thành suy thận không?

Không phải người bệnh PKD nào cũng sẽ đối mặt với tình trạng suy thận. Theo thống kê, khoảng 50% trường hợp các u nang ở thận gây suy giảm chức năng của cơ quan này khi bạn 60 tuổi trở lên. Tỷ lệ rủi ro này sẽ tăng thêm 10% khi bạn bước qua tuổi 70.

Một số yếu tố nguy cơ kéo theo suy thận gồm:

  • Giới tính nam
  • Tăng huyết áp
  • Protein lẫn trong nước tiểu
  • Phụ nữ bị tăng huyết áp và đã mang thai hơn ba lần

Người mắc bệnh thận đa nang có cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt?

Chú trọng chế độ ăn uống
Chú trọng vấn đề dinh dưỡng sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của mình.

Hiện nay, các chuyên gia chưa có bất kỳ chế độ ăn uống cụ thể nào dành cho người bị PKD nhằm ngăn chặn sự phát triển u nang. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn lưu ý những vấn đề như:

  • Giảm thiểu lượng muối tiêu thụ nhằm kiểm soát tốt huyết áp
  • Hạn chế tiêu thụ chất béo và cân nhắc lượng calo của mỗi bữa ăn để duy trì trọng lượng khỏe mạnh
  • Tránh dùng những chất kích thích như cồn, caffeine…

6. Người bị thận đa nang có thể tập thể dục được không?

Thường xuyên rèn luyện thể chất luôn là thói quen tốt trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả khi bạn bị PKD. Tuy nhiên, bạn sẽ cần tránh bài tập hoặc các môn thể thao có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến thận, ví dụ như những môn thể thao mang tính va chạm (bóng rổ, bóng đá…).

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý không để cơ thể mất nước quá nhiều trong lúc vận động.

7. Bệnh thận đa nang có di truyền từ bố mẹ sang con?

Sự thật là tình trạng PKD mang tính di truyền. Do đó, rủi ro bị u nang tại thận ở trẻ nhỏ càng cao khi có bố hoặc mẹ mắc phải chứng bệnh này.

Mặt khác, bệnh thận đa nang chủ yếu phát sinh bởi rối loạn gene. Do đó, nguy cơ phát triển u nang của trẻ còn phụ thuộc vào gene gây bệnh là gene trội hay lặn.

Đối với trường hợp tính trạng trội

Nguy cơ mắc bệnh của trẻ lên đến 50% nếu gene gây u nang ở thận mang tính trạng trội. Đồng thời, tỷ lệ này có thể áp dụng cho mọi trẻ nhỏ, bất kể số lượng trẻ thật sự phát bệnh là bao nhiêu.

Đối với trường hợp tính trạng lặn

So với trường hợp trên, gene đột biến có tính trạng lặn sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh của trẻ xuống một nửa. Điều này còn có nghĩa là mọi trẻ em thừa hưởng gene lặn gây PKD từ bố mẹ sẽ có 25% nguy cơ phát triển u nang.

8. Phụ nữ bị bệnh thận đa nang có nên mang thai?

Phụ nữ bị bệnh thận đa nang có nên mang thai
Khoảng 80% trường hợp phụ nữ bị thận đa nang có thể mang thai thành công.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, hầu hết phụ nữ bị PKD đều có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, vẫn có số ít trường hợp (khoảng 20%) phát sinh biến chứng gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Điều này thường xảy ra ở phụ nữ bị thận đa nang đi kèm với những tình trạng sức khỏe như:

  • Huyết áp cao
  • Suy giảm chức năng thận

Thêm vào đó, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng 40% trường hợp mẹ bầu mắc đồng thời cả hai tình trạng thận đa nang và huyết áp cao sẽ xuất hiện tiền sản giật. Đây là trường hợp khá nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và con.

Do đó, tất cả phụ nữ bị PKD, đặc biệt nếu chỉ số huyết áp của họ cũng cao hơn bình thường, sẽ cần được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe gắt gao trong suốt thai kỳ.

Ngày nay, bệnh thận đa nang đã trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ vấn đề này có thể giúp bạn sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời, từ đó ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm như suy thận.

Từ khóa » Chẩn đoán Thận đa Nang