Bệnh Thấp Tim: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, điều Trị Và Phòng Ngừa

Bệnh thấp tim là tình trạng viêm mạn tính có tính chất toàn thân và là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các bệnh van tim. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây suy tim mạn tính thậm chí tử vong.

bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim là gì?

Thấp tim hay bệnh tim do thấp là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (có liên quan đến miễn dịch) chỉ xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu bêta tan huyết nhóm A theo phân loại của Lancefield. Bệnh biểu hiện bằng một hội chứng bao gồm: Viêm đa khớp, viêm tim, chorea, hạt dưới da, ban đỏ vòng. (1)

Bệnh thấp tim vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh ở các nước công nghiệp trong thế kỷ trước.

Thấp tim làm gia tăng gánh nặng tử vong sớm trên toàn cầu. Tử vong do căn bệnh này thường là hậu quả của biến chứng như: viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột quỵ 

banner tâm anh quận 7 content

Tính đến nay, bệnh thấp tim quan trọng nhất mắc phải ở trẻ em và thanh niên sống ở các nước đang phát triển (là nơi sinh sống của 80% dân số thế giới); trong đó chiếm khoảng 15% tổng số bệnh nhân suy tim (HF) ở các nước lưu hành bệnh.

Một nghiên cứu về các trường hợp mắc bệnh ước tính rằng trong năm 2015, trên toàn cầu có 33,4 triệu trường hợp mắc bệnh, và 319.400 trường hợp tử vong do thấp tim. Gánh nặng tử vong toàn cầu do thấp tim đã giảm gần 50% từ năm 1990 đến năm 2015, nhưng tỷ lệ hiện mắc rất khác nhau giữa các quốc gia và cao nhất ở Châu Đại Dương, trung tâm cận Sahara của châu Phi và Nam Á. Tỷ lệ ca bệnh theo tuổi ước tính vào năm 2015 là 3,4/100.000 dân ở các quốc gia không có bệnh dịch và 444/100.000 dân ở các quốc gia lưu hành.

Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến những người sống trong cảnh khó khăn, không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe không đầy đủ và tiếp xúc với liên cầu nhóm A không được kiểm soát. Bệnh tim do thấp thường phát triển từ 2-4 tuần sau khi bị viêm đường hô hấp trên.

Nguyên nhân gây bệnh thấp tim

Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng mặc dù theo các nhà khoa học chứng minh được nhiễm khuẩn do streptococcus ở họng và đường hô hấp trên có vai trò quyết định trong việc gây bệnh. Sau thời kỳ viêm họng, bệnh sốt thấp thường sẽ xảy ra trong vòng 2 tuần, đây là thời gian đủ cho kháng nguyên của vi khuẩn có thể hình thành kháng thể để chống lại nhiễm khuẩn.

Trong bệnh thấp tim, liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A được chứng mình không trực tiếp gây tổn thương các cơ quan. Đa số các nhà khoa học đã thống nhất về cơ chế gây bệnh là có sự trùng hợp rủi ro giữa chất có protein trên liên cầu khuẩn với protein của một số cấu trúc của cơ thể người như cấu trúc của van tin, các khớp, hệ thần kinh… nếu bị nhiễm liên cầu khuẩn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng việc sản xuất các kháng thể để chống lại vi khuẩn và từ đó gây nên các biểu hiện bệnh.

Dấu hiệu thường gặp của bệnh tim do thấp

Thông thường, các đặc điểm lâm sàng của thấp khớp cấp xảy ra từ 2-3 tuần sau khi viêm họng do liên cầu khuẩn và các biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tim do thấp khớp và viêm khớp. (2)

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh thấp tim bao gồm:

  • Viêm khớp: tình trạng này xảy ra ở hầu hết các trường hợp, người bệnh bị viêm đau chủ yếu gặp ở các khớp như gối, khuỷu tay, cổ tay, cổ chân. Các khớp viêm thường bị sưng, nóng, đau khiến vận động khó khăn, nhiều trường hợp có thể bị tràn dịch khớp không hóa mủ. Các khớp viêm thường không đối xứng và có tính di chuyển, ví dụ khớp này lành thì triệu chứng viêm lại chuyển qua bên khớp khác. Thời gian viêm mỗi khớp thường dao động trong khoảng vài ngày, không quá 7 ngày, hiếm khi kéo dài quá 4 tuần và thường tự khỏi hoặc khỏi nhanh nếu dùng thuốc kháng viêm, không để lại di chứng.
viêm khớp là dấu hiệu của bệnh thấp tim
Viêm khớp là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân.
  • Viêm tim: chiếm 40-91% các triệu chứng và kết hợp siêu âm tim. Triệu chứng tùy thuộc vào ảnh hưởng các tổ chức màng ngoài tim hay không, cơ tim, hoặc van tim.
  • Viêm cơ tim diễn tiến người bệnh có thể có triệu chứng suy tim mệt, khó thở, hồi hộp, cảm giác tim đập mạnh, khám lâm sàng có thể phát hiện âm thổi tâm thu hoặc tâm trương mới xuất hiện, có thay đổi ECG với dạng bất thường nhịp block nhĩ thất độ II, III có thể đặt máy tạo nhịp tạm thời nếu người bệnh có triệu chứng.
  • Viêm màng ngoài tim: người bệnh than phiền có đau ngực và thăm khám phát hiện tiếng cọ màng ngoài tim.
  • Tổn thương trên van tim: Siêu âm tim giúp phát hiện tổn thương van nhạy và đặc hiệu hơn khi nghe tim. Siêu âm tim được thực hiện trong những trường hợp nghi ngờ hoặc được chẩn đoán thấp khớp cấp.
  • Múa vờn: xuất hiện trễ hơn sau viêm khớp và viêm tim, thường từ 6-8 tuần sau khi nhiễm liên cầu khuẩn. Múa vờn có thể kéo dài từ 1 tuần đến 2 năm nhưng thường kéo dài 8-15 tuần. Người bệnh có những biểu hiện vung tay vung chân một cách vô thức.
  • Sang thương dưới da: Người bệnh có xuất hiện một số nút ban hồng hình vòng trên da, đặc biệt ở quanh khớp, hoặc ban nút là các ban nổi lên ở dưới da, cứng và có đường kính từ 0,5 – 2cm thường di động dưới da và dính vào nền xương cạnh cột sống, bả vai, tồn tại vài ngày đến vài tuần rồi biến mất hiếm khi hơn 1 tháng. Nhiều nốt sần có thể liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm cơ tim do thấp khớp.
  • Các triệu chứng khác: Sốt trong đợt viêm cấp, nhiệt độ từ 38-40 độ C. Ở những nơi dịch bệnh lưu hành, sốt thấp khớp được nghi ngờ ở 90% bệnh nhân có biểu hiện sốt. Tình trạng sốt giảm đi trong vào một tuần và hiếm khi kéo dài trên 4 tuần.

Phương pháp chẩn đoán

Dựa theo tiêu chuẩn của Jone có thể chẩn đoán bệnh thấp tim dựa trên các đặc điểm như: (3)

Các tiêu chuẩn chính

  • Viêm đa khớp;
  • Viêm tim;
  • Cục Meynet dưới da;
  • Hồng ban: nút hồng ban cho thấy có các biến đổi tổ chức dưới da;
  • Múa vờn: do rối loạn về thần kinh dẫn đến vận động không tự chủ do tổn thương não.
  • Sang thương hồng ban dưới da
  • Sang thương nốt dưới da

Các tiêu chuẩn phụ

  • Sốt;
  • Điện tâm đồ sóng PR kéo dài hay còn gọi là ECG ghi lại hoạt động của tim và cho thấy tình trạng viêm của tim hoặc chức năng tim kém;
  • Tiền sử đã mắc viêm khớp do liên cầu;
  • Tốc độ lắng máu tăng cao;
  • Bạch cầu tăng;
  • C-reactin protein dương tính;
  • Siêu âm tim phát hiện các bất thường về tim.
siêu âm tim gắng sức
Bệnh nhân được siêu âm tim gắng sức xe đạp kiểm tra sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?

Bệnh thấp tim có thể gây ra các biến chứng như:

  • Suy tim cấp hoặc rối loạn nhịp: trong giai đoạn bệnh cấp tính, người bệnh có thể sẽ bị ảnh hưởng do viêm cơ tim.
  • Viêm khớp: bệnh nhân thường bị đau ở khớp nhiều và có thể kèm theo sưng nóng đỏ, may mắn, dạng viêm khớp này thường không để lại di chứng nguy hiểm cho người bệnh, tuy nhiên người bệnh sẽ bị sưng đau, giảm chất lượng sống.       
  • Tổn thương thần kinh: tổn thương hệ thống ngoại tháp gây biểu hiện múa giật, múa vờn là những ảnh hưởng đến não, nhưng các tổn thương trên não đa số lại hồi phục được và không để lại di chứng.
  • Tổn thương trên van hai lá và van động mạch chủ có thể gây hở hoặc hẹp van: Tổn thương hẹp chủ đơn thuần ở bệnh nhân thấp tim hiếm gặp. Hở van ba lá thường do cơ năng kèm với bệnh lý van hai lá.

Phòng ngừa bệnh thấp tim

Cho đến nay, bệnh thấp tim vẫn là bệnh phổ biến và là gánh nặng cho bệnh nhân, theo bác sĩ Ngọc để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh mỗi người cần chú ý giữ ấm, giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày để tránh các bệnh về răng, viêm họng. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm các tổn thương do bệnh gây ra cũng rất quan trọng trong việc điều trị dự hậu lâu dài bằng kháng sinh, việc điều trị sớm sẽ giảm tối đa biến chứng của bệnh gây nên. (4)

Với những người được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch cần được theo dõi và thăm khám định kỳ hàng năm bằng các phương pháp như siêu âm tim để đánh giá mức độ tổn thương cũng như lập kế hoạch can thiệp, điều trị nếu cần thiết. Người dân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc cũng khuyến cáo, mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh và sinh hoạt điều độ như: 

  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh khu vực nhà ở và môi trường sống xung quanh;
  • Chú ý giữ vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng sạch sẽ;
  • Giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng trong mùa đông; 
  • Chế độ dinh dưỡng đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Nếu bạn bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần đến các cơ sở y tế để được điều trị triệt để. Với trẻ em từ 5-15 tuổi có viêm họng kèm đau mỏi, sưng các khớp, tức ngực, hồi hộp và khó thở, đau vùng tim kèm theo bất thường về thần kinh vận động cần cho trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được khám và điều trị kịp thời;
  • Tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim cho trẻ dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, đây là việc rất cần thiết vì nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng. Cho đến nay, chưa có vắc xin chống liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm liên cầu khuẩn vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh thấp tim. Gia đình phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 tháng hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ tái phát và diễn tiến nặng lên nhiều.
giữ vệ sinh răng miệng
Giữ vệ sinh răng miệng, cơ thể và môi trường sống sạch sẽ để phòng ngừa bệnh thấp tim.

Bệnh nhân nghi ngờ hoặc được chẩn đoán thấp khớp cấp hoặc một tiếng thổi mới nên siêu âm tim để xác định xem có bất thường van hay không. Chẩn đoán viêm tim do thấp khớp được xác nhận bằng siêu âm tim cho thấy cả hình thái tổn thương của van hai lá và/hoặc van động mạch chủ.

Thấp tim như một di chứng của thấp khớp cấp, phần lớn bệnh nhân không có tiền sử thấp khớp cấp trong quá khứ, cho thấy rằng chẩn đoán thấp khớp cấp thường bị bỏ sót.

Thấp tim nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân có tiền sử thấp khớp cấp và/hoặc nghi ngờ có tiếng thổi tim bệnh lý. Chẩn đoán được kết hợp siêu âm Doppler tim. Siêu âm tim là phương tiện nhạy và đặc hiệu hơn trong chẩn đoán thấp tim và nên thực hiện ở bệnh nhân nào có dấu hiệu kể trên.

Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại, mang đến dịch vụ khám tầm soát, chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch cho mọi đối tượng, từ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người lớn, người cao tuổi… 

Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia tim mạch hàng đầu:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Hiện nay, bệnh thấp tim là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim ở trẻ em và thanh niên dưới 40 tuổi sống ở các nước đang phát triển. Vì vậy để tránh những tổn thương do bệnh gây ra, nếu xuất hiện những triệu chứng ở trên người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Từ khóa » Nốt Dưới Da Meynet