Bệnh Trầm Cảm Sau Sinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách điều Trị

Tìm hiểu chung bệnh trầm cảm sau sinh là gì

Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là loại trầm cảm bạn có thể mắc phải sau khi sinh. Nó có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên của bé, nhưng phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu tiên sau khi sinh.

Nếu bị mắc chứng này, bạn sẽ có cảm giác buồn, vô vọng và tội lỗi vì bạn cảm thấy không muốn gắn kết hoặc chăm sóc con bạn.

Bệnh trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến các bà mẹ sinh con lần đầu, bạn có thể mắc bệnh này ngay cả khi không mắc nó ở những lần sinh đẻ trước.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Những dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh là gì?

Các triệu chứng trầm cảm sau sinh và trầm cảm xảy ra trước hoặc trong khi mang thai đều giống nhau. Bạn có thể bị trầm cảm sau khi sinh nếu bạn có 5 hoặc nhiều hơn các biểu hiện trầm cảm sau sinh sau đây xảy ra hầu như mỗi ngày, hầu hết thời gian trong ngày và kéo dài ít nhất là hai tuần liên tiếp:

  • Vô cùng buồn chán, cảm giác trống rỗng hoặc tuyệt vọng
  • Dấu hiệu trầm cảm sau sinh: Khóc mọi lúc
  • Mất hứng thú hay không vui vẻ trong các hoạt động và sở thích thông thường
  • Khó ngủ vào ban đêm hoặc buồn ngủ vào ban ngày
  • Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá nhiều, cân nặng tăng hoặc giảm không chủ định
  • Cảm giác là kẻ vô dụng hoặc cảm giác tội lỗi chế ngự cảm xúc
  • Biểu hiện trầm cảm sau sinh: Bồn chồn hoặc trì trệ
  • Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định
  • Cảm thấy cuộc đời không đáng sống.

Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh khác bao gồm:

  • Cáu kỉnh hay tức giận
  • Biểu hiện trầm cảm sau sinh: Tránh bạn bè và gia đình
  • Lo lắng quá nhiều cho con bạn
  • Không quan tâm đến hoặc không có khả năng chăm sóc con bạn
  • Cảm giác mệt mỏi đến mức bạn không thể ra khỏi giường trong nhiều giờ.

Trong các  trường hợp hiếm hoi, một số phụ nữ trầm cảm sau khi sinh có những suy nghĩ ảo tưởng hoặc ảo giác và có thể gây hại cho con họ.

Lưu ý: Nếu bạn có những suy nghĩ làm tổn thương cho bản thân hoặc con bạn, đây là một vấn đề sức khỏe khẩn cấp. Bạn cần liên lạc ngay với bác sĩ.

Bạn có thể gặp các dấu hiệu trầm cảm sau sinh khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biểu hiện trầm cảm sau sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu cảm thấy chán nản sau khi sinh, bạn có thể miễn cưỡng hoặc xấu hổ khi phải thừa nhận nó. Tuy nhiên, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng buồn bã sau sinh hoặc trầm cảm sau khi sinh, hãy đến gặp bác sĩ. Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ liên quan đến rối loạn tâm thần sau sinh, bạn cần sự giúp đỡ ngay lập tức.

Gọi bác sĩ càng sớm càng tốt nếu các dấu hiệu và biểu hiện trầm cảm sau sinh có bất kỳ các tính chất sau:

  • Không nhẹ đi sau hai tuần
  • Biến chuyển nặng hơn
  • Gây khó khăn trong việc chăm sóc con bạn
  • Gây khó khăn trong việc hoàn thành các công việc hàng ngày
  • Xuất hiện những suy nghĩ muốn gây hại đến bản thân hoặc con bạn

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh là gì?

Không có một nguyên nhân duy nhất gây trầm cảm sau khi sinh. Các vấn đề về thể chất và cảm xúc có thể góp phần gây bệnh như:

  • Thay đổi về cơ thể. Sau khi sinh con, các hormone (estrogen và progesterone) giảm đáng kể trong cơ thể của bạn có thể gây nên bệnh trầm cảm sau sinh. Hormone tuyến giáp cũng có thể giảm mạnh làm bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chán nản.
  • Vấn đề cảm xúc. Khi thiếu ngủ, bạn có thể gặp khó khăn khi xử lý các vấn đề thậm chí rất nhỏ. Bạn có thể lo lắng về khả năng chăm sóc cho một trẻ sơ sinh. Bạn có thể cảm thấy kém hấp dẫn, giảm giá trị hay cảm thấy bị mất quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Bất kỳ vấn đề tương tự đều có thể góp phần vào trầm cảm sau khi sinh.

Nguy cơ mắc phải trầm cảm sau khi sinh

Mức độ phổ biến của bệnh trầm cảm sau khi sinh

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC, 11-20% phụ nữ sinh con mỗi năm có triệu chứng trầm cảm sau sinh. Trong thực tế, số lượng phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh và các bệnh liên quan trong một năm nhiều hơn tổng các trường hợp mới mắc bệnh lao, bệnh bạch cầu, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer,bệnh lupus và bệnh động kinh ở cả nam và nữ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh trầm cảm sau sinh như:

  • Bạn có bệnh sử bị trầm cảm, trong khi mang thai hoặc vào những thời điểm khác
  • Bạn có rối loạn lưỡng cực
  • Bạn đã bị trầm cảm sau sinh ở lần mang thai trước
  • Bạn có các thành viên trong gia đình đã bị trầm cảm hoặc có các vấn đề về tâm trạng không ổn định
  • Bạn có những trải nghiệm căng thẳng trong năm qua như các biến chứng khi mang thai, bệnh tật hoặc mất việc làm
  • Con bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc các nhu cầu đặc biệt khác
  • Bạn gặp khó khăn khi cho con bú
  • Bạn gặp rắc rối trong mối quan hệ với người bạn đời hoặc những người thân khác
  • Bạn không có ai giúp đỡ
  • Bạn gặp khó khăn về tài chính
  • Mang thai ngoài ý muốn hoặc không được mong đợi

Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán trầm cảm sau sinh?

Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe tâm thần để phân biệt giữa trường hợp buồn bã ngắn hạn sau sinh và dạng nặng hơn của bệnh trầm cảm. Đừng xấu hổ, bạn hãy chia sẻ các triệu chứng của bạn với bác sĩ để thiết kế một kế hoạch điều trị trầm cảm sau sinh tốt nhất cho bạn.

Để đánh giá tình trạng của bạn, bác sĩ có thể:

  • Yêu cầu bạn trả lời bộ câu hỏi sàng lọc về trầm cảm
  • Xét nghiệm máu để xác định xem sự hoạt động của tuyến  giáp
  • Các xét nghiệm khác giúp loại trừ các nguyên nhân khác

Những phương pháp nào dùng để điều trị trầm cảm sau sinh?

Việc điều trị trầm cảm sau sinh cũng giống như việc điều trị cho bệnh trầm cảm xảy ra trước hoặc trong khi mang thai. Nếu bạn có dấu hiệu trầm cảm sau sinh nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị thận trọng theo dõi và tái khám thường xuyên. Nếu các biểu hiện trầm cảm sau sinh nặng hơn, bác sĩ có thể đề nghị điều trị tâm lý, thuốc chống trầm cảm hoặc cả hai.

Liệu pháp nói chuyện, hay còn gọi là tư vấn hoặc liệu pháp tâm lý, có thể nói chuyện trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa hoặc một nhóm các phụ nữ đã trải qua kinh nghiệm tương tự. Trong gia đình hoặc các cặp vợ chồng điều trị, bác sĩ trị liệu sẽ làm việc với bạn, chồng hoặc người thân của bạn.

Thuốc chống trầm cảm cân bằng các hóa chất trong não giúp điều chỉnh tâm trạng của bạn. Nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc chống trầm cảm khác nhau – một số thuốc dùng kết hợp cho kết quả tốt hơn. Triệu chứng của bạn có thể được cải thiện sau khi uống thuốc ba hoặc bốn tuần.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các tác dụng phụ, nhưng hầu hết chúng sẽ mất đi sau một thời gian ngắn. Nếu các tác dụng phụ gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc nếu tình trạng trầm cảm trở nên tệ hơn, hãy đi khám bệnh ngay.

Một số phụ nữ có trầm cảm sau sinh rất nặng mà không đáp ứng với liệu pháp nói chuyện hoặc thuốc. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể gợi ý điều trị điện (ECT). Phương pháp điều trị này sử dụng một dòng điện nhỏ truyền vào não trong khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Các chuyên gia tin rằng sự kích thích điện làm thay đổi các chất hóa học trong não giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của trầm cảm sau sinh?

Lối sống và những biện pháp khắc phục sau có thể giúp bạn đối phó với trầm cảm sau sinh:

  • Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh, bao gồm các hoạt động thể chất như đi dạo với bé hàng ngày, được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh và tránh uống rượu.
  • Đặt kỳ vọng thực tế. Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ. Hãy điều chỉnh mong muốn, nhu cầu của bạn. Không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, chỉ làm những gì bạn có thể.
  • Dành thời gian cho chính mình. Nếu bạn cảm thấy như thế giới đang đổ hết lên đầu bạn, hãy dành thời gian cho bản thân. Mặc quần áo đẹp, ra khỏi nhà và ghé thăm một người bạn hoặc làm một vài việc vặt. Hãy dành thời gian ở một mình với người bạn đời.
  • Tránh cô lập. Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ. Phá vỡ sự cô lập để giúp bạn cảm thấy hòa mình trở lại với cuộc sống.
  • Yêu cầu giúp đỡ. Cố gắng mở lòng với những người thân và cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó nhận trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi, hãy nhận sự giúp đỡ. Bạn có thể ngủ, chợp mắt một chút hoặc bạn có thể xem một bộ phim hay uống cà phê với bạn bè.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Từ khóa » Chứng Trầm Cảm Sau Sinh Là Gì