Bệnh Trên Cá Bớp Và Cá Mú Nuôi Lồng Biển | VPAS | Thủy Sản Đỉnh Việt

Tình hình nuôi cá bóp trong lồng biển

Khía cạnh kỹ thuật của mô hình nuôi cá bóp

Thể tích lồng trung bình là 85,8 ± 37,3 m3 ở xã Nam Du, dao động từ 3,15 - 168 m3 cao hơn so với thể tích lồng nuôi ở Phú Quốc (32,4 ± 12,8 m3) nhưng mật độ thả nuôi ở xã Nam Du là 2,54 ± 1,17 con/m3 dao động trong khoảng 1,04 - 5,92 con/m3 lại thấp hơn so với nuôi ở Phú Quốc 6,56 ± 3,20 con/m3. Kích cỡ giống bình quân ở xã Nam Du là 20,9 ± 2,49 cm (15 - 25 cm), so với ở Phú Quốc là 21,0 ± 4,80 cm (15 - 40 cm).

Cá bóp có thời gian nuôi dài và phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và kích cỡ cá giống thả nuôi. Thời gian nuôi trung bình là 9,83 ± 1,30 tháng, dao động trong khoảng từ 8 - 12 tháng tùy thuộc vào cỡ giống thả nuôi và giá cá thương phẩm.

Tuy có thời gian nuôi dài nhưng cá bóp lại có tốc độ tăng trưởng nhanh, từ lúc thả giống kích cỡ dao động 12 - 25 cm sau thời gian 8 - 12 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thu hoạch trung bình là 6,73 ± 0,78 kg/con, dao động 5 - 11 kg/con.

Tỷ lệ sống của cá bóp nuôi lồng ở xã Nam Du là 75,3% ± 10,7%, dao động 65 - 95%. Hệ số chuyển hóa thức ăn trung bình là 10,1 ± 0,45. Năng suất trung bình của nuôi cá bóp lồng biển tại xã Nam Du là 1.296 ± 683 kg/100 m3 thấp hơn so với ở Phú Quốc 2.900 kg/100 m3.

Tình hình bệnh trên cá bóp

Bệnh mù mắt có tỷ lệ xuất hiện cao nhất (100%), tất cả các hộ nuôi cá bóp đều thấy xuất hiện bệnh này trong thời gian nuôi. Tỉ lệ hộ khảo sát có ghi nhận xuất hiện các bệnh khác cũng cao như bệnh lở loét (72%), bệnh ký sinh (68%), bệnh xuất huyết (64%); nhưng bệnh đường ruột với tỷ lệ xuất hiện thấp nhất (12%).

Bệnh mù mắt có tỷ lệ xuất hiện cao nhất với 100% số hộ nuôi đều gặp nhưng cá bóp nuôi lồng bị nhiễm bệnh này chỉ khoảng 5% và không gây thiệt hại đáng kể. Cá bị bệnh mù mắt có dấu hiệu mắt bị đục, mù mắt, màu da nhợt nhạt, cá chậm lớn, còi cọc. Người nuôi khi phát hiện cá bị mù mắt thì loại bỏ cá bệnh khỏi lồng nuôi.

Theo Leaño và nnk., (2008) thì bệnh mù mắt do nhóm cầu khuẩn Streptococcus sp. gây ra; còn theo Nguyễn Trường Phúc (2011) thì Streptococcus iniae là tác nhân gây ra bệnh mù mắt.

Bệnh lở loét gây ra thiệt hại lớn nhất; khi bệnh xuất hiện nếu không phát hiện kiệp thời thì tỉ lệ nhiễm có thể lên đến 90% trong một tuần và có thể gây chết đến 50% cá nuôi. Theo kết quả khảo sát thì số cá mắc bệnh trong lồng nuôi chỉ khoảng 5 - 10% tổng số cá nuôi; và bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn thả giống mà nguyên nhân là do cá thu ngoài tự nhiên bị trầy xước và có thể đã mang mầm bệnh. Cá bị bệnh lở loét có các vết lở loét trên thân và đuôi, bơi lội chậm chạp, ít ăn và chết sau vài ngày.

Theo Liu và nnk., (2004) thì bệnh lở loét gây ra bởi các vi khuẩn thuộc giống Vibrio với các tác nhân chủ yếu là V. anguillarum, V. alginolyticus, V. vulnificus, V. parahaemolyticus V. ordalii; ngoài tác nhân vi khuẩn Vibrio thì còn có các tác nhân gây bệnh thứ cấp như vi nấm và ký sinh trùng.

Bệnh ký sinh trùng xuất hiện trên cá bóp là sán lá, đốm trắng,... nhưng tỷ lệ cá bị nhiễm ký sinh trùng thấp, ít gây hại hơn so với bệnh do vi khuẩn. Bệnh ký sinh trùng thường làm cá gầy yếu, hoạt động chậm chạp, giảm giá trị thương phẩm. Bệnh xuất hiện trong suốt quá trình nuôi, khi môi trường nuôi bị ô nhiễm thì bệnh có tỷ lệ xuất hiện cao và tần số xuất hiện lớn hơn.

Theo McLean và nnk., (2008) thì bệnh sán lá thường gây hại trên cá bóp thương phẩm và chúng ký sinh trên da, vây, mang và kết dính với vật chủ thông qua các móc nằm ở cuối cơ thể. Theo Williams và nnk., (2006) thì bệnh đốm trắng trên cá bóp do ký sinh trùng đơn bào là trùng lông (Cryptocaryon irritans) gây ra. Bệnh ký sinh trùng xuất hiện quanh năm và kéo dài suốt quá trình nuôi. Cá thường mắc bệnh lúc giao mùa (tháng 4 - 5) và ở giai đoạn đầu khi mới bắt đầu thả nuôi (tháng 7 - 9). Nguyên nhân chủ yếu do cá giống được đánh bắt ngoài tự nhiên và không được xử lý trước khi thả nuôi nên có thể cá đã mang mầm bệnh.

Bệnh xuất huyết xuất hiện với tỷ lệ khoảng 64% và cá mắc bệnh có tỷ lệ chết lên đến 70%. Cá bị bệnh xuất huyết bơi lờ đờ, xuất huyết ở vây ngực, vây đuôi, ít ăn và có thể chết khi bệnh nặng. Người nuôi thường loại bỏ cá bệnh sau khi phát hiện để tránh lây lan. Theo Leaño và nnk., (2008) thì bệnh xuất huyết do nhóm vi khuẩn Streptococcus sp. gây ra.

Bệnh đường ruột có tỉ lệ xuất hiện là 12%. Khi cá bị bệnh sẽ ít ăn, chậm lớn, bụng trương to, mổ cá phát hiện bên trong có dịch nhày và xuất huyết nội quan. Theo Liu và nnk., (2004) thì Vibrio harveyi (V. carchariae) là tác nhân gây xuất huyết đường ruột ở cá bóp.

Hiện nay, các bệnh xuất hiện trên cá bóp gần như chưa có thuốc đặc trị nên người nuôi áp dụng biện pháp phòng bệnh là chủ yếu. Người nuôi thường áp dụng một số biện pháp phòng bệnh như thả cá với mật độ thích hợp; loại bỏ cá bị trầy xước, xây xát, khi thấy xuất hiện bệnh; vệ sinh và thay lưới lồng nuôi; và đặc biệt quan sát và theo dõi cá vào các tháng có dịch bệnh xuất hiện nhiều, thời gian chuyển mùa,…

Bệnh do vi khuẩn xuất hiện trong suốt quá trình nuôi với tần số xuất hiện khác nhau và theo xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn cá giống và thời điểm chuyển giao mùa cho nên cần áp dụng những biện pháp phòng và trị bệnh hiệu quả.

Sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi cá bóp

Kết quả khảo sát cho thấy hơn 90% người nuôi cá bóp không sử dụng hóa chất xử lý trong suốt quá trình nuôi. Bên cạnh, các hộ nuôi không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi nhưng việc dùng kháng sinh trong nuôi lại khá phổ biến, có 52% hộ nuôi không sử dụng kháng sinh và 48% hộ nuôi sử dụng kháng sinh trong thời gian nuôi. Các loại kháng sinh thường được sử dụng như rifamycin, oxytetracyclin, streptomycin và tetracylin. Trong đó, nhóm kháng sinh được các hộ nuôi sử dụng nhiều nhất là rifamycin (28%).

Tình hình nuôi cá mú trong lồng biển

Khía cạnh kỹ thuật của mô hình nuôi cá mú

Thể tích lồng nuôi năm 2013 trung bình là 68,3 ± 27,4 m3 với mật độ thả nuôi là 6,96 ± 1,81 con/m3. Cá mú cũng có thời gian nuôi tương đối dài, trung bình 10,1 ± 0,99 tháng, dao động trong khoảng 8 - 15 tháng tùy theo kích cỡ cá giống và giá cá thương phẩm. Thời gian nuôi cá mú dài tương đương thời gian nuôi cá bóp nhưng cá mú có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, từ lúc thả giống kích cỡ trung bình 15,3 ± 2,05 cm/con, với kích cỡ cá dao động từ 9 - 20 cm/con sau 8 - 15 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thu hoạch trung bình là 0,91 ± 0,07 kg/con, dao động trong khoảng 0,8 - 1,3 kg/con. Khi cá đạt kích cỡ thương phẩm người nuôi sẽ thu tỉa để bán, những cá chưa đạt kích cỡ người nuôi thường thả nuôi tiếp.

Nuôi cá mú trong lồng có tỷ lệ sống thấp trung bình 45,2 ± 11,2%, dao động trong khoảng 25 - 90%. Hệ số chuyển hóa thức ăn trung bình là 10,7 ± 0,85. Năng suất trung bình của nuôi cá mú tại xã Nam Du là 286 ± 97,8 kg/100 m3, dao động trong khoảng 93,3 - 1.286 kg/100 m3.

Tình hình bệnh cá mú

Bệnh hầu như xuất hiện quanh năm, chủ yếu tập trung vào tháng 7-11. Cá thả nuôi trong khoảng 1-4 tháng đầu thì thường bị bệnh, nguyên nhân gây ra là do: (i) Cá trong quá trình đánh bắt và vận chuyển bị trầy, xước nên dễ dàng để các tác nhân gây bệnh tấn công; (ii) Thời tiết, nhiệt độ, độ mặn làm cho cá bị “sốc” nên mầm bệnh dễ dàng tấn công gây hại; và (iii) Nguồn nước vùng nuôi bị ô nhiễm do lượng thức ăn dư thừa tích tụ vào lưới nuôi và đáy lưới.

Tần suất xuất hiện bệnh lở loét là 35%, bệnh xuất huyết 27%, bệnh ký sinh trùng là 16%, bệnh mù mắt 17% và 10% là các dấu hiệu khác. Mức độ thiệt hại của bệnh thường khác nhau, bệnh gây thiệt hại nặng nhất là bệnh lở loét, tỷ lệ chết thường trên 30% và có thể gây chết trên 90% trong một vòng 10 ngày nếu không kịp thời chữa trị.

Sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi cá mú

Các hộ nuôi chủ yếu sử dụng 3 loại hóa chất (thuốc tím, iodine và sunfat đồng) và nước ngọt để diệt ký sinh trùng.

Các hộ nuôi cá mú xem sử dụng kháng sinh như là phương pháp tối ưu vì chủ yếu sử dụng theo kinh nghiệm, học hỏi hộ nuôi xung quanh và hướng dẫn của đại lý thuốc và hoá chất.

Kháng sinh để trị bệnh cũng chỉ có 3 - 4 loại. Những hộ nuôi ở cá mú chủ yếu sử dụng kháng sinh trong trường hợp cá có biểu hiện như ghẻ lở, xuất huyết ngoài cơ thể,… và sử dụng kháng sinh kết hợp với tắm nước ngọt.

Có 4 loại kháng sinh gồm rifamycin, oxytetracyclin, tetracyclin và ampicillin và thuốc kích thích cá ăn ngon nutroplex (thuốc sử dụng trên người) được sử dụng nhiều nhất. Trong đó, tỷ lệ sử dụng rifamycin (7%) là thấp nhất và nutroplex (kích thích cá ăn) (40%) là cao nhất.

Kháng sinh và hóa chất xử lý ký sinh trùng được dùng chủ yếu qua phương pháp tắm cá. Liều sử dụng thuốc, hóa chất được hộ nuôi sử dụng dựa theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì, một số hộ tăng liều lượng không theo hướng dẫn để trị bệnh cho cá khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Lược trích từ nguồn: Lý Văn Khánh, Trần Minh Phú, Trần Ngọc Hải, Từ Thanh Dung - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ - Tình hình bệnh trên cá bóp (rachycentron canadum) và cá mú (epinephelus sp.) nuôi lồng biển ở quần đảo nam du, huyện kiên hải, tỉnh kiên giang - Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 17, Số 1; 2017: 72-78 DOI: 10.15625/1859-3097/17/1/8004 https://www.vjs.ac.vn/index.php/jmst.

Từ khóa » Cá Bớp Và Cá Mú