Bệnh Viện Bạch Mai Chính Thức “nội Bất Xuất, Ngoại Bất Nhập”

Quang cảnh tại cổng Bệnh viện Bạch Mai khi có quyết định phong toả (Ảnh: Zing.vn)

Bệnh viện Bạch Mai chính thức “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Quyết định đưa ra sáng 28/3 sau khi bệnh viện ghi nhận thêm hai ca COVID-19 mới, bệnh nhân 168 và 169. Họ là nhân viên giao nước sôi, được phát hiện dương tính với nCoV sau khi xét nghiệm sàng lọc gần 5.000 người ở bệnh viện.

Hai nhân viên này đã được đưa đi cách ly theo quy định. Họ là người của công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cung cấp suất ăn và nước sôi cho bệnh viện.

Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa khu vực Nhà ăn. Hiện có 4 khu vực bị phong tỏa gồm: Trung tâm Bệnh nhiệt đới, khoa C4 Viện Tim mạch, khoa Thần kinh và hôm nay là khu nhà ăn bệnh viện.

Bệnh viện Bạch Mai cũng tạm dừng đón tiếp bệnh nhân và thực hiện cách ly toàn bệnh viện, không cho phép người vào hay ra khỏi bệnh viện. Toàn bộ gần 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại đây cũng không được xuất viện về cộng đồng cho đến khi xét nghiệm âm tính.

Sáng 28/3, bệnh viện phong tỏa toàn bộ. Lực lượng công an lập chốt ở cổng chính của bệnh viện, ngăn người tới khám bệnh. Trước cổng luôn có một đội gồm một bác sĩ và 2 nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ màu xanh làm nhiệm vụ đo thân nhiệt người ra vào và yêu cầu sát khuẩn tay trước khi vào viện.

Chỉ có các xe cung cấp nhu yếu phẩm được ra vào trong thời gian rất ngắn và đỗ ở sân trước. Những ai đến khám được khuyến cáo trở về nhà hoặc khám ở nơi khác. Các y bác sĩ vào trong viện sẽ được cảnh báo "vào bây giờ không ra được đâu". Các bác sĩ đến ca trực vẫn được vào viện, nhưng ở lại cách ly luôn. Tất cả mọi người đều tránh tiếp xúc.

Bộ Y tế sáng nay nhận định có khả năng lây trong nhóm người nhà chăm sóc bệnh nhân, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện Bạch Mai. Bộ cũng đề nghị tất cả người nhà, người thân, những người nào đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ 13/3 trở lại đây cần liên lạc, khai báo y tế với cơ sở y tế gần nhất.

Như vậy, liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, hiện ghi nhận 8 bệnh nhân COVID-19 gồm 2 điều dưỡng; "bệnh nhân 133"; "bệnh nhân 161" cùng 2 người thân số 162, 163; hai nhân viên giao nước sôi, 168 và 169.

Bộ Y tế cũng nhận định tới đây một số bệnh viện tuyến cuối, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh) có thể xuất hiện các ca bệnh nên đòi hỏi phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm và thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc như Bệnh viện Bạch Mai.

Thông tin "1 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong" lan truyền trên Facebook. (Ảnh:plo.vn)

Bộ Y tế bác tin đồn về ca tử vong đầu tiên lan truyền trên mạng xã hội

Trước thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội cho rằng đã có một trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong, chiều 28/3, Vụ trưởng Vụ truyền thông thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh khẳng định đây là tin giả, tin đồn thất thiệt, gây hoang mang xã hội.

Theo đó, chiều 28/3 trên mạng xã hội xuất hiện dòng thông tin “Vậy là chúng ta đã có ca đầu tiên tử vong” từ trang Facebook mang tên Nguyễn Sin; sau đó là trên trang Facebook mang tên Quảng Trị 247. Thông tin thất thiệt này nhanh chóng được đông đảo cư dân mạng biết tới. Chỉ sau khoảng một giờ đồng hồ, thông tin này trên trang Facebook Nguyễn Sin đã có hàng chục ngàn lượt người ấn nút thích (like); hàng ngàn lượt bình luận (comment) và chia sẻ…

Vụ trưởng Vụ truyền thông thi đua khen thưởng Nguyễn Đình Anh cũng thông tin khẳng định: Cho đến 14h30 ngày 28/3/2020, tại 20 cơ sở y tế đang điều trị các ca bệnh COVID-19 không ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Ông Nguyễn Đình Anh khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ thông tin, tránh bị kẻ gian lợi dụng bởi đây là tin giả, tin đồn thất thiệt, đồng thời đề nghị người dân nếu thấy ai đăng tin và chia sẻ thông tin này, mọi người cần chụp lại, chuyển cho cơ quan an ninh để xử lý.

Cảnh sát vũ trang Afghanistan gác gần đền thờ đạo Sikh - Hindu tại Kabul, Afghanistan,ngày 25/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đụng độ giữa quân đội chính phủ Afghanistan và Taliban gây thương vong

Ít nhất 10 binh sĩ quân đội Afghanistan và 8 phiến quân Taliban đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ xảy ra ngày 28/3 tại huyện Jurm (Gium) ở tỉnh Badakhshan (Ba-đắc-san), miền Bắc nước này.

Phát biểu với báo giới, ông Abdullah Naji Nazari (Áp-đu-la Na-di Na-da-ri) - quan chức Hội đồng tỉnh Badakhshan, cho hay: "Các phiến quân Taliban đã tấn công các trạm kiểm soát an ninh của Các lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan ở nhiều vị trí khác nhau tại vùng Dara-e-Khostak thuộc Jurm trong ngày 28/3. Lực lượng an ninh Afghanistan đã đẩy lui cuộc tấn công của phiến quân sau các vụ giao tranh dữ dội". Ông Nazari cho biết ít nhất 5 binh sĩ bị thương và một số thành viên lực lượng an ninh đã mất tích sau các vụ đụng độ kéo dài 4 tiếng, đồng thời nhấn mạnh con số thương vong có thể tiếp tục tăng.

Bộ Quốc phòng Afghanistan đã xác nhận vụ việc, đồng thời cho biết các lực lượng an ninh nước này đã rút khỏi 4 trạm kiểm soát an ninh ở Jurm.

Do huyện vùng núi Jurm nằm ở vị trí chiến lược phía Nam thủ phủ Faizabad (Phai-da-bát) của tỉnh Badakhshan nên Taliban luôn tìm cách kiểm soát vùng này, dẫn tới các vụ đụng độ đẫm máu với lực lượng an ninh Afghanistan.

Bạo lực đã có chiều hướng giảm sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 thập kỷ tại Afghanistan, mở đường cho việc rút các binh sĩ nước ngoài về nước cũng như triển vọng đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phu quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, giao tranh vẫn xảy ra tại các vùng nông thôn do Taliban muốn giành quyền kiểm soát các khu vực này./.

Từ khóa » Nội Bất Xuất Là Gì