BỆNH VIỆN SẢN NHI AN GIANG THÀNH CÔNG GHÉP DA MỘT ...

DANH MỤC CHIA SẼ

BS Trần Xuân Tuấn

Vừa qua Bệnh viện Sản Nhi An Giang, tiếp nhận bé N.T.K 13 tháng tuổi vào viện vì vết thương mặt lòng ngón 1 chân trái do kẹt vào căm xe máy, vết thương có kích thước khoảng 3x4cm, mất toàn bộ phần da, lẫn nhiều dị vật, bụi bẩn (hình 1). Qua khám đánh giá, các bác sĩ quyết định điều trị nội khoa, kháng sinh nhằm chờ vết thương hồi phục lên mô hạt, hết nhiễm trùng, sẽ tiến hành ghép da.

Hình 1. Vết thương của bé lúc vào viện sau khi được sơ cứu.

Qua 1 tuần điều trị nội khoa, vết thương của bé K khô, lên mô hạt tốt (hình 2), tổng trạng tốt và phẫu thuật ghép da được tiến hành ngay sau đó, các bác sĩ phẫu thuật viên đã bào một mảng da mỏng ở đùi trái của bé, ghép lên vết thương thay cho phần da đã mất.

Hình 2. Vết thương hồi phục tốt sau điều trị nội khoa.

Sau phẫu thuật, da ghép lành tốt, không hoại tử, không nhiễm trùng (hình 3).

Hình 3. Da ghép lành tốt sau mổ và phần đùi trái được bào lấy da.

Ghép da là một phẫu thuật thực hiện lấy một phần da của một vùng khác trên cơ thể để đắp đến một vết thương hay tổn thương da nhằm thúc đẩy quá trình lành vết thương, giúp bề mặt da trở lại nguyên vẹn. Phẫu thuật ghép da ở trẻ em được dùng trong các trường hợp như vết thương mất da lớn, bỏng, loét nhiễm trùng gây mất da, phẫu thuật sẹo co rút -sẹo dính thiếu da.

Các mảnh da ghép sẽ tiếp tục sống theo cơ chế thẩm thấu các dưỡng chất từ nền ghép, sau đó sống nhờ hình thành các mao mạch máu tân tạo phía dưới từ nền ghép.

Phẫu thuật ghép da cũng có những nguy cơ như: chảy máu, để lại sẹo, da ghép bị nhiễm trùng, hoại tử, bị đào thải, da ghép đổi màu, tăng hoặc giảm độ nhạy cảm,…

Các phương pháp ghép da phổ biến hiện nay:

+ Ghép da mỏng tự thân: cắt bỏ hai lớp ngoài cùng của da gồm lớp biểu bì và một phần lớp hạ bì mà không khâu lại vết cắt. Da ghép thường được lấy từ vị trí không bị tổn thương trên cơ thể như hông, đùi, mông và bắp tay.

+ Ghép da dày toàn bộ: Dạng ghép da này là cắt bỏ toàn bộ lớp biểu bì, hạ bì và có tiến hành khâu kín lại vết cắt.

+ Ghép da từ người hiến tặng: Phần da ghép được lấy từ người hiến tặng.

+ Ghép da nhân tạo.

+ Ghép da dị loại: (da động vật như: ếch, trung bì da lợn…)được sử dụng để che phủ tạm thời vùng da bỏng.

Các chống chỉ định của phẫu thuật ghép da:

+ Nền ghép không được cấp máu tốt như xương, gân và sụn.

+ Nền ghép bị nhiễm trùng, hoại tử.

+ Nền ghép có tổn thương ác tính.

+ Cân nhắc khi nền ghép là các vị trí loét tì đè hay cùng cụt.

+ Cân nhắc khi nền ghép là vùng xạ trị, viêm mạch, cấp máu kém, dinh dưỡng kém.

Điều kiện cần thiết trước khi ghép da:

+ Nền ghép sạch, hết hoại tử, tưới máu và lên mô hạt tốt.

+ Kiểm soát chảy máu, cầm máu nền ghép trước khi tiến hành ghép da.

+ Bệnh nhân còn nhiều diện tích da lành để lấy da.

Sau phẫu thuật vết mổ được băng kín và thường được thay băng sau mổ 3-5 ngày, vì vậy cần chú ý quan sát vùng da xung quang rìa vết mổ nhằm phát hiện sớm các biến chứng. Cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng (protide, vitamin, khoáng chất, nước…) để vết mổ hồi phục tốt, nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều ở vùng da ghép, đặc biệt ghép da ở vùng chi. Người bệnh cần vệ sinh thân thể sạch sẽ, trách các bệnh ngoài da và nhiễm trùng mãnh ghép.

Số lượt xem: 595

Từ khóa » Ghép Da Mỏng Tự Thân