Béo Phì ở Trẻ Em: Những điều Bố Mẹ Hiện đại Cần Biết! - YouMed

Nội dung bài viết

  • Trên thế giới
  • Ở Việt Nam
  • 1. Định nghĩa béo phì
  • 2. Nguyên nhân gây béo phì
  • 3. Chẩn đoán béo phì
  • 4. Biến chứng béo phì
  • 5. Nguyên tắc điều trị béo phì
  • 6. Phòng ngừa béo phì

Hiện nay, béo phì là rối loạn dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Theo khảo sát của Hiệp hội Sức khỏe và Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ béo phì ở trẻ em đang tăng lên ở mọi nhóm tuổi. Hơn 90% trẻ béo phì với nguyên nhân do lối sống, môi trường bên ngoài tác động, ít hơn 10% liên quan đến vấn đề gen hoặc hocmon. Đồng thời đây là một đại dịch ở trẻ em, làm tăng nguy cơ các bệnh lý về tim mạch, gan, thận, đề kháng insulin, rối loạn chuyển hóa, … ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Vấn đề béo phì ở trẻ em rất cần được quan tâm hiện nay, đặc biệt lối sống công nghiệp ngày càng phổ biến trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trên thế giới

Khoảng 43 triệu người bị béo phì (2015), 21 – 24% trẻ bị thừa cân, 16 – 18% trẻ bị béo phì, tỷ lệ đang tăng dần ở các nước đang phát triển.

Ở Việt Nam

Người lớn, theo điều tra của Viện Dinh Dưỡng 9/2005 – 9/2006:

  • 16,3% BMI >23.
  • 6,2% BMI 25‐30.
  • 0,4% BMI >30.
  • 10,3% thành phố, 3,8% nông thôn.

Trẻ em thừa cân – béo phì

  • Hà nội: mẫu giáo 4,9%, tiểu học 7,9% (2006).
  • TP HCM quận 1: 22,9%.

Trên đây là số liệu cách đây đã lâu, và chắc chắn một điều: sau gần 15 năm, thì tỉ lệ béo phì ở trẻ em mọi lứa tuổi đều tăng rất nhanh.

béo phì ở trẻ em

1. Định nghĩa béo phì

Là tình trạng dư cân do tích tụ mỡ thừa trong cơ thể, gây tác hại cho sức khỏe.

2. Nguyên nhân gây béo phì

Nguyên nhân béo phì ở trẻ em: do một số sai lầm trong cuộc sống hằng ngày, bé ăn nhiều hơn nhu cầu kèm ít hoạt động nên mỡ tích tụ trong cơ thể. Có thể kể ra một số nguyên nhân sau:

  • Do ăn vào nhiều năng lượng hơn so với nhu cầu (cơm, mì, bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn chiên xào, thức ăn nhanh, mỡ, da, đồ lòng, sữa béo nguyên kem có đường, …).
  • Chế độ ăn: loại thức ăn, số lượng, giờ ăn, thói quen ăn uống (nhanh, bỏ bữa, ăn khuya, ăn vặt xem TV trong lúc ăn).
  • Chế độ vận động: thời gian vận động ít, chủ yếu ngồi một chỗ, không thường xuyên vận động.
  • Môi trường sống: khu đô thị, cho trẻ chơi trong nhà, ít khu vực dành cho việc vận động, thói quen sinh hoạt của gia đình không hợp lý, xem điện thoại, vi tính, game…
  • Thời gian ngủ ít.
  • Tiền căn: nhẹ cân, suy dinh dưỡng, không bú sữa mẹ,…
  • Tiền căn gia đình: Mẹ bị đái tháo đường trong thời kỳ mang thai đặc biệt 3 tháng đầu.
  • Tiền căn béo phì, các bệnh lý liên quan: đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh lý tim mạch do xơ vữa, …
  • Bất thường về gen hoặc nội tiết: suy giáp, bất thường gen.

3. Chẩn đoán béo phì

Dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI =  cân nặng (kg)/ (chiều cao (m))2

Ngưỡng chẩn đoán béo phì dựa vào chỉ số này thay đổi theo tuổi

Dưới 2 tuổi

BMI < 95th: quá cân/thừa cân.

Trẻ 2 – 19 tuổi

  • BMI > 85th: dư cân.
  • BMI > 95th: béo phì.
  • BMI > 99th: béo phì nặng.

BMI theo tuổi

(Chú ý bảng BMI riêng cho bé trai và bé gái)

Ví dụ: Một bé trai 8 tuổi, cao 1,25 (m), nặng 30 (kg)

Tính chỉ số khối cơ thể: BMI = 30 (kg)/1.25(m)2 = 19.2

Kết quả: BMI > 85th  (vị trí x). Kết luận: Trẻ dư cân.

Ngoài cách tính thủ công như trên, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số trang web tính chỉ số khối cơ thể BMI trực tiếp.

Nếu các bậc cha mẹ vẫn chưa xác định được con của mình thuộc trẻ béo phì hay không có thể liên lạc nhân viên y tế để có sự giúp đỡ nhé!

4. Biến chứng béo phì

Các dấu hiệu ảnh hưởng của béo phì: thở mệt khi vận động, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy, kém tập trung, giảm trí nhớ, nhức đầu, đau ngực, đau khớp, …

Béo phì gần như ảnh hưởng lên toàn bộ cơ quan trong cơ thể:

  • Rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường type 2, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, gút, …
  • Tăng trưởng: cao hơn, dậy thì sớm, có kinh sớm, vùi dương vật, buồng trứng đa nang, …
  • Thần kinh: nhức đầu giả u não
  • Tim mạch: tăng huyết áp, phì đại cơ tim, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành sớm ( 12-13 tuổi ), đột tử.
  • Cơ xương khớp: nứt đầu xương đùi, chân cong, thoái hóa khớp.
  • Ung thư.
  • Rối loạn tâm lý, kém hòa nhập, học kém, kì thị, trầm cảm.

5. Nguyên tắc điều trị béo phì

Béo phì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng, hãy nhớ béo phì là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

Chế độ ăn uống

  • Tuyệt đối không nhịn ăn, giảm cung cấp năng lượng bằng cách cho ăn độn, hoặc dùng thức ăn thay thế.
  • Cung cấp đủ calci, vitamin, khoáng chất cho phát triển bình thường của cơ thể.
  • Hạn chế thức ăn giàu năng lượng rỗng, đồ ăn vặt giàu đường, béo (kem, váng sữa, snack, thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh, bánh ngọt, kẹo …). Cho ăn vặt thay thế bằng các thức ăn có lợi như trái cây, yogurt ít béo, yogurt ít béo trộn kèm với trái cây…
  • Hạn chế nước ngọt, nước có gas. Thay bằng nước lọc, nước uống thông thường, sữa tách béo 1 phần (1% béo) hoặc sữa không béo.
  • Giảm tinh bột, béo, ngọt trong phần ăn.
  • Giảm kích thước dụng cụ đựng thức ăn: thay tô bằng chén, dĩa nhỏ, ly … (có kích thước tương đương lòng bàn tay trẻ).
  • Khuyến khích ăn ngũ cốc nguyên cám, nguyên hạt thay cho tinh bột đã chế biến, nghiền, hầm, …
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Uống nhiều nước, ăn canh hoặc rau trước bữa ăn. Ăn nhiều chất xơ (rau, trái cây ít ngọt ….).
  • Ăn nhiều vào buổi sáng, giảm vào buổi tối.
  • Ăn chậm, nhai kỹ.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt, tập các thói quen lành mạnh: vận động thường xuyên, giảm ngồi một chỗ, ngủ đủ giấc.
  • Cả gia đình cùng tham gia.

Chế độ luyện tập

  • Loại hình: đi bộ nhanh, chạy bộ, thể thao vừa sức (đạp xe, bơi lội, cầu lông, bóng rổ), … thể dục nhịp điệu cường độ trung bình
  • Cường độ năng lượng tiêu hao: vận động cường độ nhẹ 90 phút, cường độ trung bình 60 phút
  • Tần suất mỗi ngày hoặc >3 – 4 lần/tuần
  • Thời gian: > 15 – 30 phút/lần, >60 phút/ngày

6. Phòng ngừa béo phì

Nếu em bé của mình đang có cân nặng, chiều cao phù hợp theo tuổi thì hãy tiếp tục để bé có sức khỏe tốt nhất.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh – Thông Điệp “5 Đến 0, GO” (Mỹ)

  • 5: Ăn 5 cữ trái cây & rau mỗi ngày
  • 4: Cho và nhận 4 lời khen mỗi ngày
  • 3: Uống 3 cữ sữa mỗi ngày
  • 2: Không quá 2 giờ xem TV, máy tính mỗi ngày
  • 1: Ít nhất 1 giờ thể dục mỗi ngày
  • 0: Không bao giờ uống nước ngọt có đường
  • GO: Hãy khỏe mạnh, trong và ngoài.

Chọn thức ăn theo màu

Xanh

Vàng

Đỏ

Tính chất

Năng lượng thấp, xơ nhiều, béo ít, dinh dưỡng cao

Dưỡng chất cao, nhưng năng lượng và béo nhiều hơn

Nhiều năng lượng, đường, béo

Loại thức ăn

Trái cây, rau

Thịt nạc, sữa, tinh bột, hạt ngũ cốc

Thịt có mỡ, đường, thức ăn khô

Số lượng

Không giới hạn

Giới hạn

Tránh, ít thường xuyên

Tháp dinh dưỡng

tháp dinh dưỡng

Tháp vận động

Tháp vận động

Tỷ lệ béo phì ở trẻ em trên toàn thế giới đã tăng gấp nhiều lần trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan, để đến khi phát hiện thì đã rất khó để cải thiện. Trẻ mắc bệnh béo phì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, chi phí điều trị, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong khi trưởng thành.

Cuộc khủng hoảng về sức khỏe này đòi hỏi sự quan tâm lớn hơn từ gia đình, người thân. Tuy nhiên béo phì gần như có thể điều trị và phòng ngừa được nhờ thay đổi lối sống lành mạnh trong chế độ ăn, chế độ vận động.

Từ khóa » Con Béo Phì