Chế độ Dinh Dưỡng Cho Trẻ Có Bệnh Lý Thừa Cân, Béo Phì Khi Bị Mắc ...

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, con trai tôi năm nay 11 tuổi, cao 1,44 m, nặng 50 kg, thân hình con to béo nhiều phần bụng. Tôi chưa có điều kiện đưa con đi khám dinh dưỡng nhưng vẫn khá lo lắng con đang bị thừa cân, béo phì.

Cách đây ít ngày cháu có kết quả dương tính với nCoV. Khi con bị Covid-19, tôi muốn bồi bổ cho con nhưng lại lo ngại điều này sẽ khiến bé tăng cân nhanh, làm tình trạng béo phì thêm trầm trọng.

Do đó, tôi chỉ cho con ăn một số món như cá, thịt, tích cực ăn rau xanh. Tuy nhiên, con khá mệt nên thường không ăn được nhiều. Tôi muốn bổ sung sữa cho con nhưng khá lo lắng nhiều chất quá sẽ khiến con béo thêm.

Tình trạng của con tôi có phải đã bị thừa cân, béo phì hay không? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên về dinh dưỡng, thực phẩm nào nên ăn và thực phẩm nào cần tránh để con mau khỏe khi mắc Covid-19?

Độc giả Vương Quỳnh Mai

Trả lời: TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Lâm sàng, Tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương

Dựa trên những thông tin mà vị phụ huynh này chia sẻ, khi tính vào BMI, em bé này đã bị béo phì. Dấu hiệu mà bà mẹ cũng nhận ra ngay đó là béo bụng – mỡ tích lũy thái quá ở vòng 2.

Trong khi đó, em bé lại mắc thêm Covid-19 nên sẽ có nguy cơ cao. Lúc này, dinh dưỡng cho em bé cần phải đảm bảo hợp lý, tăng sức đề kháng.

Nhiều cách ăn phổ biến mà một số người áp dụng để giảm béo như cắt bỏ tinh bột (no carbs), không ăn mỡ, bỏ bữa sáng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa nghiên cứu nào chứng minh một chế độ ăn cụ thể giúp giảm tình trạng béo phì. Những chế độ này chỉ là khởi đầu cho bước đầu, thành công hay không phụ thuộc vào sự duy trì chế độ ăn, luyện tập của trẻ.

Đặc biệt, chúng ta không nên cắt bỏ bữa sáng của trẻ vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập. Nếu phụ huynh vẫn muốn bỏ bữa sáng ở trẻ, vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta có duy trì điều này mãi được không?

Hay như chế độ ăn không tinh bột – vốn là chất cần thiết để nuôi não bộ – để giảm năng lượng, nếu không duy trì, tập luyện, trẻ sẽ giảm cân nhanh nhưng tăng cân trở lại cũng nhanh. Chưa kể, thiếu tinh bột, em bé sẽ rất dễ bị mệt, thiếu đường chuyển hóa cung cấp năng lượng cho não bộ.

Chính vì vậy, tôi nhấn mạnh ngay cả khi trẻ béo phì mắc Covid-19, chúng ta vẫn phải duy trì chế độ ăn hợp lý, tránh cắt bỏ, giảm cân thái quá.

Muốn giảm cân cho trẻ, chúng ta có thể giảm số lượng, ví dụ cơm ăn mỗi bữa từ 2 xuống 1 bát. Nếu trẻ không đáp ứng được, bà mẹ nên giảm chất lượng bữa ăn, cân bằng lại rau xanh so với đạm, chất béo.

Việc cho trẻ uống sữa là điều rất tốt, khi trẻ mắc Covid-19, hệ miễn dịch giảm, đây là cách để bổ sung vi chất cho bé. Mẹ nên hiểu rằng thừa chất là khi tổng năng lượng ăn vào vượt quá mức nhu cầu tiêu hao của con. Do đó, không nên quan niệm trẻ béo phì sẽ không cần uống sữa, mà chúng ta phải tính toán lượng sữa đó so với khẩu phần ăn hàng ngày đã đủ chưa.

Bà mẹ cũng nên thay đổi lại cách ăn cho trẻ, ăn rau xanh trước, ăn chậm, nhai kỹ để truyền tín hiệu no bụng đến não. Chúng ta nên cho bữa ăn của con vào một chiếc đĩa, chọn cách chế biến là luộc, hấp, thay vì chiên, rán.

Sau một thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em càng gia tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình “Phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam” với nhiều hoạt động cung cấp kiến thức, thông tin khoa học để nhằm giúp cộng đồng có cách hiểu đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam. Nằm trong chuỗi hoạt động chương trình, tọa đàm “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ trong mùa dịch Covid-19” được phát sóng trên các kênh của Bộ Y tế.

Bộ Y tế.

Từ khóa » Con Béo Phì