Bí ẩn Mối Tình đẹp, ám ảnh Của Nhà Văn Chu Lai - Vietnamnet
Có thể bạn quan tâm
Clip: Nhà văn Chu Lai nói về mối tình đầu, về vợ
Nhà báo Hà Sơn: "Nhà văn Chu Lai đa tình lắm", câu nói này đã trở thành "huyền thoại" của giới văn chương. Ông nói gì đây? Mối tình đầu của ông có gì đặc biệt?
Nhà văn Chu Lai: Tôi rất đa tình, đến bây giờ vẫn đa tình, một bóng hồng đi qua mặt tự nhiên cũng bị ám ảnh. Nhưng nếu không như thế chắc không tồn tại được nghề viết nữa. Chuyện tình đầu tiên của tôi vừa được vừa mất. Chúng tôi yêu nhưng gia đình cô gái không cho nên tôi quyết định bỏ ĐH Quân Y, bỏ sân khấu thánh đường đi chiến đấu. Nàng bị cấm không được gặp nhưng một đêm trăng đã trốn nhà đến thăm tôi. Hai đứa ở trên sân thượng căn nhà nằm ngõ Thể Giao bây giờ, ngày xưa gọi là đường 35 cạnh công viên, mùi hoa ngọc lan thơm ngào ngạt, một điều kỳ lạ xảy ra như cổ tích nếu bây giờ thế hệ trẻ nghe sẽ cười bảo: "Mặt mũi ông Chu Lai kinh thế này nói chuyện đó như chuyện không ai biết ý".
Tức là mai vào trận, chúng tôi có một đêm trắng ở với nhau mà không xảy ra gì dù có lúc cả hai không mặc gì. Có một điều rất lạ thế này, cuộc chiến đấu khốc liệt lắm biết rằng người đi có thể phân nửa không trở về, lỡ mình không trở về thì sao? Tôi tính nóng hổ mang nếu tặc lưỡi để trong bụng em hệ lụy, tội em suốt đời?... Biết bao câu hỏi đặt ra và tôi nghiến răng kiềm chế để sáng hôm sau ra ga Hàng Cỏ, tôi xách ba lô, em tiễn nhìn đoàn tàu đi xình xịch như nhìn theo một hiệp sĩ đã bảo vệ an ninh toàn vẹn cho mình đêm hôm qua - một đêm mọi sự có thể làm tới đích được.
Và người lính (là tôi) nhìn bóng em nhỏ dần trên sân ga cũng nghĩ rằng chắc với dáng đứng này, gương mặt này, tâm tình này, nếu mình còn sống trở về, chắc vẫn còn em, bởi em đã từng nói: "Anh đi em không giữ được nhưng khi trở về dù có què cụt chân tay, em sẽ lặn lội nuôi anh suốt đời".
Vô hình chung hình tượng cô gái ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần để tôi đi hết những cánh rừng khốc liệt tưởng chừng như không chịu nổi, cố gắng sống là người cầm súng tử tế để nếu còn sống trở về sẽ nhìn thẳng vào mắt em mà nói: Anh xong bổn thận người lính trở về với em mà không ngượng ngùng, chỉ vậy thôi.
Nhà báo Hà Sơn: Và người con gái ấy vẫn chờ ông?
Nhà văn Chu Lai: 10 năm trời làm người cầm súng tôi ổn, may không ổn quá lại thành anh hùng mà anh hùng không viết văn được. Nhưng ngày tôi trở về nghe tin nàng đã có chồng, người em ruột liền nói: "Anh cứ ở đây, em đi gọi chị ấy đến". Hai tiếng sau nàng đến vẫn đẹp như thế, chỉ có điều sau chiếc xe Mi Pha có chiếc ghế mây với một đứa bé đang ngủ. Nàng đến đầu tiên là khóc và hỏi tôi: "Tại sao 10 năm trời em không nhận được tin gì về anh. Tất cả thông tin đều nói anh đã hy sinh, gia đình anh hai bác nói rằng chắc nó hy sinh rồi. Em ở lại anh biết đấy có bao nhiêu người tìm đến". Tôi bảo: "Anh biết, các cụ bảo để lại một người vợ, một người yêu xinh đẹp ở lại hậu phương không khác nào đem cái xe Peugeot ra giữa Hồ Gươm mà không khóa". Thôi không sao, dân tộc này đã mất mát quá nhiều, cái mất của riêng anh không là gì cả''. Lúc này nàng nói: "Tình yêu của em dành cho anh vẫn còn nguyên, từ ngày giải phóng đến giờ ngày nào em cũng chờ anh và hỏi hai bác. Hôm nay anh về rồi nếu cần em sẽ bỏ hết về với anh". Tôi cứng cáp nói: "Thôi em ván đã đóng thuyền, bọn anh đi chiến đấu cũng vì hạnh phúc của con người, trong đó có hạnh phúc của em, em đã ổn thôi anh chấp nhận thiệt thòi". Nàng nghe, khóc và... về.
Đêm nó nằm trên sân thượng ngửi lại mùi hoa ngọc lan nhớ lại cái đêm hai đứa thậm chí không mặc gì mà vẫn không có xây xát gì khi đó tôi mới khóc. Đó là lần thứ hai tôi khóc trong cuộc đời. Lần thứ nhất khi giải phóng Sài Gòn, ra khỏi cánh rừng, đêm đầu tiên nằm trên giường cứng quá không ngủ được mới nằm trên võng nhớ lại những đồng đội không bao giờ trở về, nước mắt tôi chảy ra. Và lần thứ hai dù giọng và hành động rất cứng trước khi chia tay người yêu nhưng khi trở về hóa ra mình mất hết.
Đấy là một kỷ niệm nhưng nó cũng để ta bàn về trái tim đàn bà, phẩm chất tình yêu do chiến tranh, hoàn cảnh khốc liệt nhưng thật sự bên trong họ vẫn có một cái gì đó rất đàn bà, nữ tính bởi sau cuộc gặp gỡ lần ấy, 20 năm sau, điện thoại quân sự đầu 069 reo vang đầu trưa hè oi ả: "Alo, xin lỗi có phải anh là nhà văn Chu Lai không?”, tôi bảo: "Vâng, chị là ai?, người phụ nữ nói: "Anh không nhận ra em à?, tôi bảo: "Không, anh làm sao nhận ra khi một ngày có bao nhiêu cuộc điện thoại". Khi cô gái nói tên, tôi nhận ra hỏi lại: "Sao em lại điện cho anh? Anh tưởng em đi nước ngoài rồi". Lúc này, cô ấy mới bảo: "Không, em ở Hà Nội chỉ cách nhà anh hai dãy phố thôi. Anh có rảnh đến đây với em một chút". Tôi tò mò đến, gian nhà cổ, uống chén trà cổ, nàng vẫn đẹp như xưa, cái đẹp của một thiếu phụ tứ tuần sang trọng nhưng người hơi xanh xao.
Uống trà xong, nàng nói: "Đêm qua em nằm mơ thấy anh và sáng nay buộc phải gọi cho anh". Trong bụng tôi chột nghĩ: "Quái nhỉ, mình đi chiến đấu cả một thời trai trẻ, ở nhà cô ấy lấy chồng phản bội sau đó im lặng 20 năm trời, sống trong sự vương giả của một tiến sĩ đến tuổi hồi xuân lại nằm mơ thấy mình". Tôi cũng bảo: "Thỉnh thoảng anh cũng nhớ đến em, thế có chuyện gì không?". Cô ấy bảo: "Có, thời điểm này đang mùa thu về, em muốn anh đưa em đi tất cả những nơi chúng mình có kỷ niệm". Tôi giật mình tự hỏi: "Lại giở giói rồi, kỷ niệm chôn vùi hết xuống đất để đi lấy chồng, bây giờ lại...". Tôi đáp lại: "Ừ, anh sẽ sắp xếp, anh cũng muốn đi tìm những kỷ niệm đó mà chưa có dịp". Tôi hứa sắp xếp rồi lại quên đi. Một năm sau khi đang đi trên đường, có tiếng gọi tôi quay lại thấy em trai của người yêu cũ. Hai anh em uống café ở đầu Bát Đàn, tôi hỏi: "Chị khỏe không?", cậu em sững lại: "Ơ, anh không biết gì à? Chị em mất rồi!". Tôi hỏi tiếp: "Chị em sao mất?". "Chị em bị ung thư" - cậu em trả lời. Lúc này tôi khớp lại mới thấy khi cô ấy gọi điện cho tôi nói muốn đi tìm lại những kỷ niệm là trước khi mất 3 tháng. Sau đó, tôi có nhờ con gái cô ấy đưa xuống mộ ở Hà Đông thắp hương và trên đường về buồn khôn nguôi chợt nghĩ, hóa ra người con gái trong chiến tranh tưởng như phản bội đi lấy chồng vì bị mất liên lạc nhưng trong sâu thẳm trong trái tim vẫn chỉ có mối tình đầu sâu đậm. Nhà báo Hà Sơn: Mối tình đầu với nhiều kỷ niệm vừa đẹp vừa tiếc nuối vừa ám ảnh này, vợ hiện tại của ông biết chứ? Nhắc lại chuyện này, ông có sợ bà "ghen"?
Nhà văn Chu Lai: Cô ấy biết và tất nhiên trong tình yêu sao không ghen, nhưng mỗi người ghen bộc lộ cách khác nhau, ghen âm thầm lặng lẽ, ghen ầm ào cũng có. Bà xã tôi ghen âm thầm, thế mới sợ. (cười). Bà ấy biết chuyện mối tình đầu của tôi nhưng không ai ghen vì những điều ấy cả. Phải kể thế này thỉnh thoảng tôi điểm xuyết chuyện tình trên tiểu thuyết hay trong sân khấu, điện ảnh bà ấy biết biên tập cho thậm chí còn chăm chút hơn vì bà ấy vốn là biên tập viên kỳ cựu của NXB Quân đội.
Nói thêm về việc ghen, có lần tôi vào viện 108 vì ngón tay bị nghẹo (nhà văn Chu Lai giơ ngón tay út bị nghẹo - PV) bà ấy vào thăm thấy ông chồng đang băng tay mà xung quanh toàn nữ bác sĩ với nữ y tá nói chuyện ríu rít, bà ấy chán bỏ về. Hay như tôi đang viết ở trên Đại Lải, con trai chở mẹ đi xe máy lên thăm. Một ông nhà văn đang ngồi viết mà một đám hâm mộ ngồi cạnh toàn con gái nhưng bà ấy hiểu hấp lực của chồng nên cư xử rất nhẹ nhàng.
Đến bây giờ tôi 73, bà ấy 69 cùng rút ra một nguyên lý rằng nếu một đôi vợ chồng ở với nhau được 3 năm không chia tay sẽ không bao giờ chia tay vì 3 năm đó nhạy cảm nhất, 3 năm sắp xếp mọi thói quen tính cách, tâm hồn. Nếu 3 năm mà ổn những năm sau nó thành đạo lý và khi tình vợ chồng lắng xuống thành một cái trầm tích đạo lý vợ chồng có thể ở với nhau suốt đời.
Nhà báo Hà Sơn: Vợ ông vốn là một nhà văn mà người viết văn thì hay lãng mạn. Mối tình của ông và bà xã giản dị hay cũng là một "thiên tình sử" ông giấu kín bấy lâu?
Nhà văn Chu Lai: Nhiều khi xuất phát điểm tình yêu chưa đạt đến độ rung của trái tim đâu, nó từ sự hiếu thắng. Trước khi đi Đà Lạt viết, bà ấy đã có một người chồng chưa cưới là anh hùng đặc công thủy cấp lữ trưởng, còn tôi là trung úy đặc công khu, cấp đại đội trưởng, thấp hơn nhiều. Tôi nghĩ chẳng nhẽ mình lại thua anh chàng đặc công thủy kia à? Từ sự hiếu thắng đó, trên sự rung động ở Đà Lạt với khí hậu sương mù nó xích người ta lại gần với nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Nhà báo Hà Sơn: Hai vợ chồng đều là nhà văn vậy khi có xung đột xảy ra thì...?
Nhà văn Chu Lai: Thường một anh sáng tạo phải lấy một bà vợ làm nghề khác để nghề sáng tạo hiện lên trước mặt người vợ như một nghề thiêng liêng, một nghề siêu phàm. Tôi có anh bạn nhà văn cũng ở chiến trường, mỗi lần về vợ coi như thánh về. Anh ấy ngồi vào bàn, người vợ bấm con cháu đi lại thật khẽ. Còn bà vợ tôi, cùng nghề, thậm chí còn được nói văn bà ý đẹp hơn nên nhiều khi bà chả coi nghề của tôi ra gì, bà ý còn sửa được văn mình cơ mà. (cười). Người ta thường nói thế này, hai vợ chồng cùng quân hàm, cùng đại tá, cùng ở chiến trường ra, cùng là nhà văn, 3 cái đó giống nhau quá, cực dương đẩy nhau ầm ĩ nhưng thật ra nó đẩy nhau chán rồi nó lại ập vào với nhau, hỗ trợ cho nhau.
Nhà báo Hà Sơn: Nói về đàn ông nhiều người nói loanh quanh cũng chỉ một vài tật xấu như tật "sắc", ông có tật này không?
Nhà văn Chu Lai: Xin nói thẳng 1000 người đàn ông thì 1000 người háo sắc, nhưng háo sắc ở đây là tôn sùng cái đẹp. Với bà xã, khi lấy nhau tôi đã nói: ''Để đảm bảo được sự ôn hòa và hạnh phúc em phải biết rằng anh có máu người rừng, máu đặc công đấy. Đã là người rừng nếu trong nhà có cỏ xanh không luống êm ả nó ở lại gặm cỏ, còn không nó hí vang một cái rồi bay ra rừng đấy". Chả hiểu bà ấy có ngấm được câu đó không nhưng lạt mềm buộc chặt, ôn hòa, ghen tuông cũng rất im lặng, dịu dàng cung phụng. Tất nhiên cũng có những lúc tưởng chừng giữa chúng tôi đã tan vỡ.
Có một lần bà ấy đem con về nhà mẹ ở Cát Linh, tôi tưởng thế là thoát nhưng cái gì cũng quen hơi bén mùi. Sau một đêm ngủ dậy cảm thấy trống vắng, tôi phóng xe đến tìm bà, nói một câu rất cải lương: ''Cả một thời bao cấp bán từng khay đá, từng bộ quân phục đi bổ sung cho từng bữa ăn mà còn sống được với nhau, đẻ con với nhau, thậm chí đứa con phải bò lên mái nhà đi qua những dòng dây điện rất dễ bị giật để nối cắp điện của vườn chè bên cạnh, khi trở về con mồ hôi chảy tong tỏng xuống mà vẫn ở với nhau được, bây giờ thời thị trường, cuộc sống khá lên mà chia tay nó vô lý. Bà ấy khóc và lại về ở với nhau.
Nhà báo Hà Sơn: Ông chia sẻ gì về người con duy nhất của mình?
Nhà văn Chu Lai: 31 tuổi tôi mới lấy vợ, nhưng đứa đầu tiên bị sẩy đứa thứ hai sinh năm 80 và đẻ con ra cái tã của nó phải làm một vòng dây thép phơi xung quanh ngọn đèn đom đóm vì trời mưa mà. Buổi sáng cho con uống nước đường và sữa mẹ, sau đó cháu lớn lên và không dám đẻ đứa thứ ba. Vì có một con duy nhất nên nó được nuông chiều, công tử công tôn. Khi quyết định xin cho cháu vào trường quân đội phải có 6 tháng thực binh. Lúc này tự nhiên tôi thấy có tội với con, nhìn nó bé tí teo, quân phục mới tinh, lên xe chạy về phía Xuân Mai, nước mắt tôi trào ra nghĩ: "Mình đày đọa con rồi vì bố mẹ cả tuổi trẻ dành cho rừng bây giờ đến nỗi nào phải đẩy con đi huấn luyện nơi rừng thiêng núi hiểm nữa nhưng mà đã chót rồi".
Suốt một tuần trời sau đó tôi không ngủ được và chính vì thế nảy sinh ra áng văn viết chuyện ngắn "Con tôi đi lính". Đến giờ tôi vẫn không thể viết được chuyện ngắn nào hay hơn mặc dù đấy là chuyện thời bình. Hai tuần sau không chịu được tôi lên thăm con và nghĩ nếu nó gầy guộc hay xanh sao ủ rột sẽ nói với sư đoàn trưởng xin cháu về nhưng đến nơi vào tiểu đoàn, xuống đại đội họ nói con tôi đang đi làm rau ở sau doanh trại nên ngồi chờ. Một lúc sau thấy con mặc may ô trắng, quần bộ đội vạm vỡ nở nang đến gặp bố mẹ. Chúng tôi nhìn vừa mừng vừa tủi. Đấy là một kỷ niệm liên quan đến bức ngoặt của đời con. Bây giờ cháu làm ở báo Nhân dân, đã có vợ và hai con, một 10 tuổi và một 4 tuổi. Hai ông bà giờ niềm vui sống chủ yếu từ hai đứa cháu đó, chiều nào cũng phải chở nhau bằng xe máy đi qua sông thăm cháu rồi tối lại về.
Nhà báo Hà Sơn: Ở ngưỡng cửa trên dưới 70 tuổi, nhiều người có những nỗi sợ vô hình, với ông thì sao?
Nhà văn Chu Lai: Tôi chưa bao giờ có khái niệm sợ tuổi già, vì trước Tết năm nay, tôi vênh mặt nói với cuộc đời rằng, đây là nhà văn lực sĩ nhất Việt Nam và nói với thiên hạ rằng đây là người lái xe cao niên nhất đường 1 và có những chặng lái xe đến lái xe chuyên nghiệp cũng phải kính phục. Ví dụ hứng lên tôi lái xe một mạch từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng trong một ngày. Tôi cứ đinh ninh rằng mình sẽ khỏe mãi thôi, không có khái niệm bệnh tật gì.
Nhưng nói trước bước không qua, tự dưng đến gần Tết vừa rồi tôi đau đầu âm ỉ mấy tháng trời, đi khám các nơi, uống, tiêm các loại không khỏi, tôi tự hỏi: "Sao mình lại thế này có phải vì làm việc nhiều? Vậy là tôi bỏ hết, không viết nữa, sống chung với nó. Thế rồi tôi đi vào Quảng Nam để dựng vở, buổi sáng 9h ăn sáng xong, bình thường café cà pháo chuẩn bị ra nhà hát để góp ý hôm đó tôi lại ở khách sạn một mình và cũng không nhớ mình bị ngã làm sao bất tỉnh chỉ khi tỉnh thấy mình nằm ngửa dưới đất và nhìn sang cái kính nằm ngang giữa mặt bên cạnh là vũng máu. Tôi sờ đầu thấy đau đau nhưng tỉnh hoàn toàn. Sau đó tôi đứng dậy đi vào buồng tắm dấp nước lau chùi sạch máu, mặc quần áo đàng hoàng ra hỏi bệnh viện ở đâu đi taxi đến khám.
Các bác sĩ chụp phát hiện tôi đau đầu âm ỉ mấy tháng là do một cục máu tụ, bên còn lại bị ngã đập đầu chảy máu. Họ bảo phải mổ ngay nhưng tôi muốn về bệnh viện nhà mổ. Họ nói tôi để như này lên máy bay không ổn phải có người cam kết. Tôi điện cho vợ bay vào cam kết chịu trách nhiệm rồi chiều ra sân bay Đà Nẵng về Hà Nội. Trước khi lên máy bay tôi cũng sợ, có di chúc quan trọng nhất nói với bà xã từ sổ tiết kiệm đến bất động sản... Nói chung chăng chối nhưng nói khéo thôi rồi hít vào thở ra bất chấp cuộc đời. Thế mà xuống sân bay tôi vẫn an toàn, thậm chí còn xuống bãi gửi xe lấy ô tô của mình ra rồi con trai chở đưa về viện 108. Bác sĩ trưởng khoa bảo: ''Đáng lẽ em về rồi nhưng biết anh đến ở lại trực. Em mổ cho anh gây tê không gây mê. Lúc khoan roẹt roẹt tôi vẫn nói chuyện, xong ca phẫu thuật, tôi đi xe lăn lên trên phòng nằm 1 đêm 2 ngày là ra viện, sức khỏe của tôi giờ khỏe hơn trước. Nhưng sau lần đó, tôi cảm thấy cuộc đời cũng phiêu du lắm cũng như ở Nga có một tác phẩm “Quy luật muôn đời”.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà - Xuân Quý - Huy Phúc - Đức YênẢnh: Lê Anh Dũng, An Thành ĐạtThiết Kế: Luyện Phạm
Từ khóa » Chu Lai Nhà Văn
-
Nhà Văn Chu Lai: 'Tôi đã Chết Tím Tái, định đem đi Chôn Thì Sống Lại'
-
Giới Thiệu Về Tiểu Sử Của Nhà Văn Chu Lai - Văn Học
-
Nhà Văn Chu Lai - VnExpress
-
Nhà Văn Chu Lai Và Cuộc đời Sống ân Tình Với Quá Khứ - Revelogue
-
Những Tác Phẩm đặc Sắc Nhất Của Nhà Văn Chu Lai
-
Nhà Văn Chu Lai: Chiến Tranh... Lãng Mạn Lắm! - Báo Giáo Dục Thời đại
-
Nhà Văn Chu Lai
-
Nhà Văn Chu Lai:"Tôi đã Tím Tái, định đem đi Chôn Thì Sống Lại"
-
NRĐS - Số 7 Nhà Văn Chu Lai Phần 1 - Le Media [Official] - YouTube
-
Nhà Văn Chu Lai Với Những Tác Phẩm "dẫn Dụ" độc Giả - ICT Việt Nam
-
Nhà Văn Chu Lai Và Những "đồng Nghiệp" Trong Gia đình - CAND