Bị Bệnh Sởi Nên ăn Gì, Kiêng Gì? - Thầy Thuốc Việt Nam

Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, dễ bùng phát thành dịch. Người bệnh cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để nhanh chóng khỏi bệnh và hạn chế tối đa các biến chứng. Vậy người bị bệnh sởi kiêng gì?

Nội dung bài viết

Toggle
  • 1. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt chung
    • Dinh dưỡng
    • Sinh hoạt chung
  • 2. Người bị sởi ăn gì?
    • Giai đoạn toàn phát sởi
      • Nhóm thực phẩm giàu vitamin A
      • Nhóm thực phẩm giàu kẽm
      • Nhóm thực phẩm giàu vitamin C
    • Giai đoạn có biến chứng
    • Giai đoạn bệnh lui
  • 3. Người bị sởi kiêng gì?
    • Các thức ăn có quá nhiều dầu mỡ, chiên rán, không đảm bảo vệ sinh, các loại thức ăn khó tiêu, dễ gây kích ứng tiêu hóa.
    • Các loại gia vị cay, nóng như tương ớt, tiêu, hành, tỏi, quế, cà ri…
    • Các loại thức ăn trước đây bản thân người bệnh đã có tiền sử dị ứng.
    • Các loại thực phẩm chua, tanh

1. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt chung

Dinh dưỡng

Hệ miễn dịch suy giảm, sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và tấn công cơ thể, trong đó có virus sởi. Ở người có chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, khi mắc sởi, bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng hơn so với nhóm người được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ.

Người bệnh khi đã mắc sởi, thường có dấu hiệu buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, viêm loét miệng gây khó ăn. Những biểu hiện này càng làm bệnh nhân gặp khó khăn trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và làm cho tình trạng suy dinh dưỡng càng thêm trầm trọng, làm cho tình trạng bệnh đã nặng càng nặng thêm. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

PGS Nguyễn Danh Tuyên- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đã đưa ra một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sởi, cụ thể như sau:

  • Đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất 4 nhóm dưỡng chất cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cần bổ sung đầy đủ
  • Thực phẩm đa dạng: 15 – 20 loại thực phẩm/ngày
  • Đối với trẻ em đang kỳ bú mẹ: trẻ tăng bú sữa, bú sữa nhiều lần hơn, người mẹ cũng cần ăn bổ sung để cấp đủ chất dinh dưỡng hơn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Với các bệnh nhân đã có biến chứng hay không thể ăn được, cần truyền dinh dưỡng và tuân theo sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Kể cả khi đã khỏi bệnh, vẫn đảm bảo cung cấp lượng dinh dưỡng nhiều hơn bình thường để bổ sung đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, bù đắp lượng dinh dưỡng mất đi trong quá trình mang bệnh.

Sinh hoạt chung

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, về sinh hoạt, người mắc bệnh sởi kiêng những gì? Cụ thể:

  • Cách ly, tránh nơi đông người để hạn chế lây lan dịch bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân nên đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
  • Nằm nơi thông thoáng, sạch sẽ, sáng sủa.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ. Việc hạn chế vệ sinh có thể càng làm tăng thêm nguy cơ viêm nhiễm da, làm giảm khả năng nhận biết sự xuất hiện của các biến chứng như viêm loét giác mạc, bội nhiễm da,…
  • Uống đủ nước. Nếu người bệnh có các biểu hiện nôn, sốt, tiêu chảy, cần uống bổ sung nước, orezol để bù nước và điện giải. Có thể sử dụng nước ép hoa quả để bổ sung đồng thời nước và dinh dưỡng.

2. Người bị sởi ăn gì?

Giai đoạn toàn phát sởi

Nhóm thực phẩm giàu vitamin A

Theo “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi” do Bộ Y tế ban hành có chỉ rõ, phát hiện mắc bệnh sởi cần được uống ngay vitamin A theo liều sau:

  • Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ > 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp

Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần. “

Việc bổ sung vitamin A giúp hạn chế các biến chứng do sởi gây ra, nhất là các biến chứng về mắt, chống mù lòa. Cũng theo nhiều nghiên cứu chứng minh, bổ sung đầy đủ vitamin A làm giảm 50% nguy cơ tử vong do mắc sởi.

Ở những bệnh nhân nhiễm virus sởi, lượng vitamin A dự trữ trong cơ thể (chủ yếu ở gan) rất thấp, trong khi vitamin A đóng vai trò bảo toàn tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, tăng cường khả năng đề kháng và miễn dịch. Nồng độ vitamin A trong cơ thể thấp tương quan với nồng độ kháng thể đặc hiệu kháng sởi thấp hơn và làm tăng nguy cơ mắc sởi. Do vậy, để phòng cũng như tăng hiệu quả điều trị sởi, bổ sung vitamin A là thực sự cần thiết.

Bổ sung vitamin A từ chế độ ăn từ các loại thực phẩm:

  • Có nguồn gốc động vật: như gan, lòng đỏ trứng,…
  • Có nguồn gốc thực vật: các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ, như  cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… Các loại rau sẫm màu như: rau cải xanh, rau muống, rau ngót, rau giền, rau đay, rau mồng tơi, súp lơ xanh… Thực phẩm giàu vitamin A Thực phẩm giàu vitamin A

Nhóm thực phẩm giàu kẽm

Kẽm giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, làm mau lành vết thương, hạn chế sự tấn công của vi khuẩn, duy trì hoạt động hiệu quả của các hệ cơ quan khác. Nếu thiếu kẽm, chức năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhiễm và gây bệnh, trong đó có virus sởi.

bệnh sởi nên ăn gì Thực phẩm giàu kẽm (nguồn internet)

Bên cạnh bổ sung kẽm qua các chế phẩm dược dụng, có thể bổ sung kẽm hằng ngày qua các loại thức ăn như gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, tôm đồng, lươn, hàu, sò, đậu xanh nảy mầm ,các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc…)

Nhóm thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống dị ứng, giúp cơ thể tăng cường khả năng chống tại sự xâm nhiễm, tấn công của các yếu tố gây bệnh, giúp người bệnh mau chóng hồi phục, có nhiều trong các loại thực phẩm như:

  • Quả: Cam, chuối, xoài, bưởi,dưa hấu…
  • Rau:  rau đay, mồng tơi, rau ngót, rau giền,. rau muống… Thực phẩm giàu vitamin C Thực phẩm giàu vitamin C

Giai đoạn này, bệnh nhân có sốt cao, có thể kèm theo vã mồ hôi, nôn, gây mất nước, vì vậy, bên cạnh bổ sung dinh dưỡng, cần cung cấp đủ nước và điện giải bằng cách cho uống orezol hay dùng các loại nước ép hoa quả cho bệnh nhân.

Giai đoạn có biến chứng

Các biến chứng của sởi thường gặp như nhiễm khuẩn, bội nhiễm, viêm não, suy hô hấp…Trong trường hợp này cần đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị hiệu quả.

Tiếp tục bổ sung các chế độ dinh dưỡng như thời kì toàn phát, bù nước, điện giải. Nếu bận nhân không thể ăn uống thì có thể truyền dịch để đảm bảo dinh dưỡng.

Giai đoạn bệnh lui

Khi bệnh nhân dần khỏi bệnh, các vết ban dần mất đi, vẫn đảm bảo chế độ ăn như thời kỳ toàn phát, nhưng tăng thêm lượng thức ăn trong ít nhất 2 tuần để cố gắng bù đắp sớm lượng dinh dưỡng bệnh nhân mất đi trong quá trình mang bệnh, giúp đưa bệnh nhân sớm trở về trạng thái bình thường.

3. Người bị sởi kiêng gì?

Bên cạnh việc bổ sung đủ các nhóm chất dinh dưỡng, người mắc bệnh sởi cũng cần kiêng và tránh ăn các loại thực phẩm sau:

Các thức ăn có quá nhiều dầu mỡ, chiên rán, không đảm bảo vệ sinh, các loại thức ăn khó tiêu, dễ gây kích ứng tiêu hóa.

Người mắc sởi ăn uống kém, cũng như khả năng hấp thu dinh dưỡng không cao, nếu ăn các thực phẩm khó tiêu sẽ càng làm việc bổ sung dinh dưỡng trở nên chậm chạm, còn các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh lại làm tăng nhiễm khuẩn đường ruột, làm nặng thêm các triệu chứng tiêu chảy, mất nước của người bệnh.

Các loại gia vị cay, nóng như tương ớt, tiêu, hành, tỏi, quế, cà ri…

Bệnh nhân sởi với các vết loét ở niêm mạc miệng khi ăn các thực phẩm trên sẽ gặp phải cảm giác đau xót, khó chịu và việc ăn nhiều thực phẩm cay nóng cũng làm các vết loét lâu lành hơn.

Các loại thức ăn trước đây bản thân người bệnh đã có tiền sử dị ứng.

Nếu ăn phải những thức ăn đã từng gây dị ứng có thể khiến tình trạng phát ban của người mắc sởi nặng thêm, hoặc cũng có thể làm mờ các dấu hiệu của bệnh sởi, khiến bệnh nhân cho răng bản thân bị dị ứng thông thường, không nhận ra tình trạng bệnh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn.

Các loại thực phẩm chua, tanh

các thực phẩm này làm nặng thêm dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở bệnh nhân sởi.

Thực phẩm cay nóng cần kiêng ăn khi mắc bệnh sởi Thực phẩm cay nóng cần kiêng ăn khi mắc bệnh sởi

Như vậy, người mắc bệnh sởi cần cung cấp đủ dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt phù hợp, nắm rõ được các loại thực phẩm nên ăn, nên kiêng để mau chóng khỏi bệnh và tránh được những biến chứng không đáng có. Hi vọng với các thông tin trên có thể giúp quý bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp phòng và tránh bệnh tật, giữ gìn và chăm sóc tốt cho sức khỏe của bản thân!

DS. Trần Phan

Từ khóa » Con Bị Sởi Mẹ Kiêng ăn Gì